Bài 2. Việc tốt, lời hay Thực hành hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 6 - Cánh diều
Hãy viết những câu ca dao, tục ngữ,... nói về văn hóa ứng xử nơi công cộng mà em đã sưu tầm được để chuẩn bị cho phần chia sẻ với các bạn. Quan sát phần đóng vai theo tình huống của các nhóm. Hãy cùng suy nghĩ thêm. Để chuẩn bị tham gia trò chơi “Tia chớp” cùng cả lớp, em hãy thử suy nghĩ về cách giải quyết của mình trong một số tình huống dưới đây. Hãy nêu đề xuất của em về những điều cần có trong bộ Quy tắc ứng xử của lớp và chọn một hình ảnh/biểu tượng phù hợp để mình họa cho mỗi quy tắc. Th
Câu 1
- Hãy viết những câu ca dao, tục ngữ,... nói về văn hóa ứng xử nơi công cộng mà em đã sưu tầm được để chuẩn bị cho phần chia sẻ với các bạn.
- Có câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ,... nào về cách ứng xử nơi công cộng mà giờ đây em thấy không còn đúng hoặc không đồng ý hay không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em sưu tầm từ sách, báo, tạp chí,...
Lời giải chi tiết:
- Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ,... em đã sưu tầm được về cách ứng xử nơi cộng cộng là:
+ Kính trên nhường dưới
+ Kính già yêu trẻ
+ Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
+ Học ăn học nói, học gói học mở
+ Lời nói, gói vàng
+ Lời chào cao hơn mâm cỗ
+ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe
- Em cảm thấy những lời khuyên, lời dạy của ông bà, cha mẹ rất đúng, rất có ích.
Câu 2
- Quan sát phần đóng vai theo tình huống của các nhóm.
- Hãy cùng suy nghĩ thêm:
Phương pháp giải:
Em quan sát phần đóng vai của các nhóm và tự liên hệ bản thân để xử lí tình huống.
Lời giải chi tiết:
- Tình huống 1: Nếu là bạn của Minh, em sẽ cầm vỏ chai và vứt vào thùng rác, vì dù trường đã có bác lao công nhưng chúng ta không ỷ lại mà vẫn phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên trường, vứt rác đúng nơi qui định.
- Tình huống 2: Nếu ở trong tình huống trên xe buýt, em sẽ đứng dậy và nhường chỗ cho cụ già.
Câu 3
Để chuẩn bị tham gia trò chơi “ Tia chớp! ” cùng cả lớp, em hãy thử suy nghĩ về cách giải quyết của mình trong một số tình huống dưới đây:
Em sẽ làm gì trong những tình huống này?
(1) Trên đường đi học, em nhìn thấy người đi xe đạp trước mặt mình và chạm vào một em nhỏ làm em ngã ra đường, nhưng người kia tiếp tục phóng xe đi.
(2) Em nhìn thấy một ông bố trèo qua lớp rào chắn khu vực trồng hoa trong công viên để bẻ vài cành hoa cho con chơi.
(3) Em đang ngồi ăn cùng gia đình trong một quán nhỏ, một số người ở bàn bên lấy thuốc lá ra hút và nhả khói mù mịt.
(4) Em đi bộ trên vỉa hè và vô tình nhìn thấy một bà cụ chống gậy đang cố chờ để sang đường trong khi dòng xe cộ dày đặc vẫn đang nối đuôi nhau.
(5) Em đi dã ngoại cùng nhóm bạn, sau bữa ăn nhẹ, cả nhóm có vài túi rác nhưng xung quanh không có thùng rác nào. Các bạn bảo “Thôi cứ để tạm gốc cây đi, không ai để ý đâu.”
(6) Em ngồi sau xe máy của bố/mẹ và nhìn thấy người đi bên cạnh mình quên gạt chân chống xe máy.
(7) Em ở lại lớp muộn để trực nhật và thấy ngăn bàn của một số bạn có rất nhiều vỏ chai nước đã dùng hết hoặc vỏ kẹo, bánh.
(8) Trong khu vui chơi, em bắt gặp một em bé có vẻ như bị lạc bố mẹ, bé đang sợ hãi kêu khóc tìm người thân.
(9) ....
(Nếu có thể, hãy nêu thêm một tình huống khác mà em từng gặp.)
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
(1) Em sẽ nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh để giữ người gây tại nạn lại và xem em nhỏ có bị làm sao không để kịp thời đưa em đi bệnh viện.
(2) Em sẽ nói với chú ấy không nên làm như thế, vì bẻ hoa là hành động phá hoại của công, nếu chú làm thế thì em nhỏ sẽ học theo.
(3) Em sẽ nhẹ nhàng đề nghị họ không nên hút thuốc ở nơi công cộng.
(4) Em sẽ tiến đến và giúp cụ sang đường.
(5) Em sẽ bảo các bạn không nên làm thế. Em sẽ nói với các bạn rằng hãy mang theo túi rác về, trên đường đi về sẽ vứt ở nơi có thùng rác.
(6) Em sẽ nhắc nhở họ kéo chân chống xe máy lên.
(7) Em sẽ dọn dẹp ngăn bàn cho các bạn, và buổi sau khi đến lớp em sẽ nhắc nhở các bạn sau khi dùng xong nên vứt rác vào thùng rác.
(8) Em sẽ tiến đến và trấn an để bé đỡ sợ hãi. Sau đó đưa bé đến nơi có người phụ trách khu vui chơi để có thể giúp bé tìm bố mẹ.
(9) Trong rạp chiếu phim, có một số bạn nói chuyện cười đùa to tiếng. Em nhẹ nhàng nhắc nhở các bạn nói chuyện với âm lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Câu 4
Hãy nêu đề xuất của em về những điều cần có trong bộ Quy tắc ứng xử của lớp và chọn một hình ảnh/biểu tượng phù hợp để mình họa cho mỗi quy tắc.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và đề xuất phương án với các bạn.
Lời giải chi tiết:
+ Bàn tay: Chào hỏi nhau khi đến lớp
+ Trái tim: Đoàn kết, yêu thương nhau
+ Thùng rác: Vứt rác đúng nơi quy định
+ Biểu tượng bàn ghế: Giữ chỗ ngồi sạch sẽ, gọn gàng
+ Biểu tượng bắt tay: Thể hiện hợp tác, chia sẻ.
+ Biểu tượng mặt cười: Luôn vui vẻ, tươi cười với thầy cô và các bạn.
+ Biểu tượng khoanh tay trước ngực: Luôn lễ phép với thầy cô.
Câu 5
Theo em, hành vi nào là nên và không nên làm ở nơi công cộng? Hãy viết vào thẻ bên trái (việc nên làm) và thẻ bên phải (việc không nên làm) dưới đây:
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu viết và tự liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
Việc nên làm |
Việc không nên làm |
- Vứt rác đúng nơi qui định - Không phá hoại của công - Lời nói văn minh, lịch sự - Nhường chỗ cho người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai. - Xếp hàng khi cần. - Lễ phép với người lớn |
- Vứt rác bừa bãi - Ngắt lá, bẻ cành cây - Nói chuyện quá lớn tiếng - Chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng - Chạy rượt đuổi nhau nơi công cộng. |
Câu 6
Em hãy tự nhận xét việc thực hiện những hành vi ứng xử có văn hóa nơi công cộng của bản thân mình tuần vừa qua.
- Những việc em đã làm tốt:
- Những việc em chưa làm được:
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
- Những việc em đã làm tốt:
+ Vứt rác đúng nơi qui định
+ Không phá hoại của công
+ Lời nói văn minh, lịch sự
+ Xếp hàng khi cần.
+ Lễ phép với người lớn
- Những việc em chưa làm được:
+ Đôi khi em nói chuyện lớn tiếng nơi công cộng.
+ Còn chạy rượt đuổi nhau nơi công cộng.
+ Khi thấy người khác có hành vi chưa đúng nơi công cộng em còn ngại ngùng không lên tiếng nhắc nhở họ.