Giải Bài 7: Nói và nghe: Kể chuyện: Sự tích cây khoai lang SGK Tiếng Việt 2 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Bài 7: Nói và nghe: Kể chuyện: Sự tích cây khoai lang SGK Tiếng Việt 2 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống với đầy đủ lời giải tất cả các câu hỏi và bài tập phần đọc, viết, luyện từ và câu, kể chuyện,....
Câu 1
Câu 1: Dựa vào tranh và câu hỏi gợi ý, đoán nội dung của từng tranh.
Sự tích cây khoai lang
(Theo Tuyển tập truyện, thơ, câu đố cho trẻ Mầm non)
Phương pháp giải:
Em quan sát kĩ tranh:
- Có những ai xuất hiện trong bức tranh?
- Họ đang làm gì?
- Khung cảnh xung quanh như thế nào?
Lời giải chi tiết:
- Tranh 1: Hai bà cháu đang đi đào củ mài về ăn.
- Tranh 2: Khu rừng bị cháy, nương lúa của cậu bé cũng thành tro. Cậu bé buồn quá, nước mắt trào ra.
- Tranh 3: Một hôm, cậu bé đào được củ gì rất lạ. Khi nấu chín, có mùi thơm. Cậu bé thấy rất ngon nên đem mấy củ về biếu bà.
- Tranh 4: Loài cây lạ mọc khắp nơi, mọc ra củ màu tím đỏ.
Câu 2
Câu 2: Nghe kể chuyện.
Sự tích cây khoai lang
(1) Ngày xưa, có hai bà cháu nghèo khổ, hằng ngày phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà:
- Bà ơi, cháu đã lớn. Cháu sẽ làm nương, trồng lúa để có gạo nấu cơm.
Từ đó, cậu bé chăm chỉ trồng cây trên nương.
(2) Năm đó, gần đến ngày thu hoạch lúa thì chẳng may khu rừng bị cháy. Nương lúa thành tro. Cậu bé buồn quá, nước mắt trào ra. Bỗng, Bụt hiện lên, bảo:
- Ta cho con một điều ước, con ước gì?
- Dạ, con chỉ mong bà của con không bị đói khổ.
Bụt gật đầu và biến mất.
(3) Hôm ấy, cậu bé đào được củ gì rất lạ. Củ bị lửa rừng hun nóng, có mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé nếm thử, thấy rất ngon, bèn đào thêm mấy củ nữa đem về cho bà. Bà tấm tắc khen ngon và thấy khoẻ hẳn ra. Cậu bé kể lại câu chuyện gặp Bụt cho bà nghe, bà nói:
- Vậy củ này chính là Bụt ban cho đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để người nghèo có cái ăn.
(4) Cậu bé làm theo lời bà dặn. Chỉ mấy tháng sau, loài cây lạ mọc khắp nơi, rễ cây phình to ra thành củ có màu tím đỏ. Từ đó, nhà nhà hết đói khổ. Mọi người gọi cây đó là “khoai lang”. Đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.
Câu 3
Câu 3: Kể lại từng đoạn của câu chuyện theo tranh.
Phương pháp giải:
Em dựa vào tranh và nội dung câu chuyện đã nghe để kể lại.
Lời giải chi tiết:
* Đoạn 1:
Ngày xửa ngày xưa, có hai bà cháu sống với nhau. Vì gia cảnh nghèo khó, hai bà cháu phải đi đào củ mải để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà rằng:
- Bà ơi, cháu đã lớn. Cháu sẽ làm nương, trồng lúa để có gạo nấu cơm.
Từ đó, cậu bé chăm chỉ trồng cây trên nương.
* Đoạn 2:
Năm đó, gần tới ngày thu hoạch lúa thì chẳng may rừng chị cháy. Nương lúa cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, nước mắt trào ra. Bỗng, Bụt hiện lên, bảo:
- Ta cho con một điều ước, con ước gì?
- Dạ, con chỉ mong bà của con không bị đói khổ.
Bụt gật đầu và biến mất.
* Đoạn 3:
Hôm ấy, trong khi đang mải mê làm nương thì cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Củ đó bị lửa rừng hun nóng, có mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé nếm thử thấy rất ngon, bèn đào thêm mấy củ nữa về cho bà. Bà ăn xong cứ tấm tắc khen ngon và thấy người khỏe hẳn ra. Lúc này, cậu bé mới kể lại cho bà nghe chuyện gặp Bụt. Bà nói:
- Có lẽ củ này là Bụt ban cho đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp nơi để người dân nghèo có cái ăn.
* Đoạn 4:
Cậu bé nghe lời bà dặn trở lại rừng kiếm củ lạ kia rồi trồng khắp mọi nơi. Chỉ mấy tháng sau, loài cây lạ đã phát triển không ngờ. Rễ cây phình to ra thành củ cỏ màu tím đỏ. Từ đó, nhà nhà đều có cái ăn, không còn cảnh đói khổ nữa. Mọi người gọi đó là cây khoai lang. Đến bây giờ, khoai lang vẫn còn được rất nhiều người ưa thích.
Vận dụng
Vận dụng: Kể cho người thân về những việc làm tốt của người cháu trong câu chuyện trên.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại nội dung của câu chuyện.
Lời giải chi tiết:
Những việc làm tốt của người cháu trong câu chuyện trên đó là:
- Lúc nhỏ, người cháu biết cùng bà đào củ mài để kiếm sống.
- Lớn lên, người cháu chăm chỉ lao động, chăm chỉ trồng lúa trên nương
- Nương bị cháy, đào được thứ củ thơm ngon, cậu nhớ đến bà, đem về cho bà ăn.
- Trồng cây quý khắp mọi nơi để mọi người đều có cái ăn.