Giải Bài tập 2 trang 29 sách bài tập Ngữ văn 7 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Đọc lại văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trong SGK (tr. 84 – 86) và trả lời các câu hỏi: Xét về nội dung và cấu trúc, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô có những điểm gì khác biệt so các văn bản thông tin em đã học?
Đọc lại văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trong SGK (tr. 84 – 86) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Xét về nội dung và cấu trúc, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô có những điểm gì khác biệt so các văn bản thông tin em đã học?
Phương pháp giải:
Chỉ ra điểm khác biệt về nội dung và cấu trúc của văn bản thông tin “Lễ rửa làng của người Lô Lô”
Lời giải chi tiết:
Văn bản “Lễ rửa làng của người Lô Lô” có những điểm khác biệt về nội dung và cấu trúc so với những văn bản khác như sau:
+ Về nội dung: Văn bản viết về một phong tục tập quán của người Lô Lô là lễ rửa làng chứ không viết về các vấn đề lễ hội, môi trường,... như các văn bản thông tin trước đây
+ Về cấu trúc: Văn bản tuân thủ cấu trúc theo trình tự thời gian: quy trình thực hiện, các đồ lễ, nhiệm vụ của những người tham gia, những quy định bắt buộc,...
Câu 2
Nhan đề văn bản có thể gợi lên ở người đọc những câu hỏi gì? Theo em, những câu hỏi tiềm ẩn đó đã được tác giả quan tâm giải đáp như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc văn bản và cho biết nhan đề có thể gợi ở người đọc những câu hỏi gì. Tác giả có thể giải thích ra sao về những câu hỏi đó.
Lời giải chi tiết:
Văn bản có thể gợi ra ở người đọc những câu hỏi sau:
+ Lễ rửa làng là gì?
+ Người Lô Lô là ai?
+ Người Lô Lô tổ chức rửa làng nhằm mục đích gì?
+ Cách thức tiến hành lễ rửa làng ra sao?
- Tác giả đã mường tượng ra trong đầu tất cả những câu hỏi mà người đọc có thể đặt ra khi đọc tên nhan đề “Lễ rửa làng của người Lô Lô”. Chính vì thế, trong bài, tác giả tập trung lí giải lần lượt từng câu hỏi đó theo một trình tự hợp lí để người đọc có thể hiểu sâu hơn về nội dung văn bản.
Câu 3
Việc duy trì bền vững lễ tục rửa làng cho thấy nét đẹp nào trong lối sống của người Lô Lô
Phương pháp giải:
Chỉ ra nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Lô Lô thông qua việc duy trì lễ rửa làng
Lời giải chi tiết:
Việc duy trì bền vững tục rửa làng cho thấy người Lô Lô sống gắn bó với thiên nhiên, tin vào sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên và có cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Họ tin tưởng, hi vọng vào việc rửa làng sẽ khiến cho ngôi làng sạch sẽ, nhiều may mắn, phước lành sẽ đến với ngôi làng của họ.
Câu 4
Nêu phỏng đoán của em về nét bất biến trong lễ rửa làng được thực hiện theo chu kì của đồng bào Lô Lô. Điều gì đã khiến cho một lễ tục giữ được nét bất biến qua năm tháng?
Phương pháp giải:
Đưa ra phỏng đoán của bản thân về nét bất biến trong lễ rửa làng của người Lô Lô. Chỉ ra điều đã khiến cho lễ tục rửa làng bất biến qua năm tháng.
Lời giải chi tiết:
+ Nét bất biến trong lễ rửa làng của người Lô Lô là thời điểm thực hiện (mùa ngô mới), thành phần tham gia (tất cả dân làng với vai trò quan trọng của thầy cúng), các đồ lễ cần chuẩn bị (lễ vật khấn xin tổ tiên, đồ mang theo lúc diễu hành), các bước tiến hành nghi lễ.
+ Theo em, chính nét văn hóa truyền thống của người Lô Lô đã khiến cho người dân muốn duy trì phong tục của làng xã, khiến cho lễ tục rửa làng bất biến qua năm tháng.
Câu 5
Khi giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, ngoài yêu cầu về sự rõ ràng, muốn văn bản thực sự sinh động, hấp dẫn, người viết cần phải làm gì? Hãy nêu nhận xét về văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô trên phương diện này.
Phương pháp giải:
Nhận xét về văn bản “Lễ rửa làng của người Lô Lô” trên phương diện một văn bản có đầy đủ sự sinh động, hấp dẫn.
Lời giải chi tiết:
Văn bản “Lễ rửa làng của người Lô Lô” đã thành công khi miêu tả phong phú, sinh động những thông tin về người chơi hay hoạt động, quang cảnh, không khí bao trùm (đường nét, âm thanh, màu sắc,...), đặc biệt là đưa ra lời giải thích ngắn gọn về từng động tác, hoạt động mà người tham gia sử dụng trong nghi lễ. Chính điều này đã tạo ra sự hấp dẫn, sinh động cho văn bản.