Giải bài tập 6 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 6 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thức
Tóm tắt diễn biến của phiên toà xử án nơi cõi âm.
Câu 1
Tóm tắt diễn biến của phiên toà xử án nơi cõi âm.
Phương pháp giải:
- Đọc lại phần 2 của văn bản chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập 1 (tr 15-19).
- Tóm tắt diễn biến của phiên toà xử án nơi cõi âm.
Lời giải chi tiết:
- Chặng 1:
Hồn ma tướng giặc Bách Hộ họ Thôi kiện Ngô Tử Văn xuống âm ti. Diêm Vương nghe lời hồn ma tướng giặc trách mắng Tử Văn. Tử Văn tỏ thái độ cứng cỏi trước Diêm Vương đầy uy quyền, đấu tranh vạch mặt hồn ma tướng giặc.
- Chặng 2:
Cuộc đấu tranh giữa Tử Văn và hồn ma tướng giặc diễn ra quyết liệt. Hồn ma tướng giặc lo sợ, đạo đức giả xin giảm án cho Tử Văn. Tử Văn xin cho người đến đền Tản Viên xác thực.
Kết quả Tử Văn được làm phán sự đền Tản Viên, hồn ma tướng giặc bị trừng trị thích đáng.
Câu 2
Xác định chi tiết có tác dụng xoay chuyển tình thế trong phiên toà. Sự việc ấy có mối liên hệ với chi tiết nào ở phần 2?
Phương pháp giải:
Đọc lại văn bản chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập 1 (tr 15-19).
Xác định chi tiết có tác dụng xoay chuyển tình thế trong phiên toà.
Lời giải chi tiết:
- Chi tiết có tác dụng xoay chuyển tình thế trong phiên toà là Tử Văn nói với Diêm Vương: “Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn”.
- Sự việc ấy có mối liên hệ với chi tiết Thổ Công căn dặn Tử Văn: “Hễ ở Minh Ti có tra hỏi, thầy cứ khai ra những lời nói của tôi. Nếu hắn chối, thầy kêu xin tư giấy đến đền Tản Viên, tôi sẽ khai rõ thì nó phải đớ miệng. Nếu không như thế thì tôi đến vùi lấp trọn đời mà thầy cũng khó lòng thoát nạn”.
Câu 3
Theo bạn, yếu tố nào có ý nghĩa quyết định trong việc làm nên chiến thắng của Tử Văn trong cuộc tranh biện?
Phương pháp giải:
Huy động kiến thức, trải nghiệm của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Yếu tố đánh dấu vai trò quyết định trong việc làm nên chiến thắng của Ngô Tử Văn trong cuộc tranh biện là bản lĩnh cứng cỏi, lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa, niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải…
Câu 4
Phân tích một số chi tiết tiêu biểu trong đoạn trích thể hiện tính cách của nhân vật Tử Văn.
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập 1 (tr 15-19).
- Tìm một số chi tiết tiêu biểu để phân tích.
Lời giải chi tiết:
HS có thể chọn phân tích một số chi tiết tiêu biểu thể hiện được tính cách của nhân vật Tử Văn như:
- Chi tiết Tử Văn bị quỷ sứ bắt đi, đưa đến cõi âm thê lương, rùng rợn và bị kết án: “Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm” nhưng Tử Văn vẫn không hề sợ, nao núng. Chàng đã “kêu to” lên nỗi oan khuất và sự bất công mà mình đã gánh chịu “ Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trầng gian, có tội gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”.
- Chi tiết Tử Văn tranh biện với tên hồn ma tướng giặc họ Thôi và bị lâm vào tình thế đơn độc, bất lợi. Diêm Vương bị hồn ma tướng giặc và những kẻ dưới quyền lừa dối nên chưa xét hỏi đã kết tội và trách mắng Tử Văn. Tên tướng giặc họ Thôi gian xảo, lại được những “đền miếu gần quanh” bao che, bênh vực. Vậy mà Tử Văn vẫn bình tĩnh, cứng cỏi, dùng lí lẽ sắc bén, đanh thép phơi bày tội lỗi của hắn “không chịu nhún nhường chút nào”.
Câu 5
Giải thích ý nghĩa và đặt câu với các từ Hán Việt sau: cư sĩ, trung thuần, lẫm liệt, khoan dung, chí công.
Phương pháp giải:
- Tra từ điển để hiểu được nghĩa của các từ Hán Việt.
- Dựa vào ngữ cảnh để đặt câu cho phù hợp.
Lời giải chi tiết:
Cư sĩ: Người trí thức thời phong kiến đi ở ẩn hoặc người theo đạo Phật tu tại gia
→ Nhà thơ Bạch Cư Dị là một cư sĩ đời Đường.
Trung thuần: Ngay thẳng, trong sạch, hết lòng vì bổn phận.
→ Viên quan ấy một đời trung thuần nên nhân dân rất yêu mến.
Lẫm liệt: Dáng vẻ hiên ngang, oai phong khiến người khác kính phục.
→ Tráng sĩ bước lên mình ngựa, dáng vẻ oai phong, lẫm liệt.
Khoan dung: Là bao dung, rộng lượng tha thứ cho những người mắc phải lỗi lầm.
→ Khoan dung là chìa khoá đưa con ngươi đi đến thành công.
Chí công: Công bằng, chính trực, không thiên vị.
→ Làm người thì phải biết chí công, vô tư.