Giải Bài tập đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm trang 13 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều — Không quảng cáo

Giải SBT Ngữ văn 6 - Cánh diều Bài 1: Truyện


Giải Bài tập đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm trang 13 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều

Tải về

Giải Bài tập đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm trang 13 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 Bài đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm , SBT trang 13 Ngữ văn 6 Cánh diều

Phương án nào nêu đúng điểm giống nhau giữa truyện Sự tích Hồ Gươm và truyện Thánh Gióng ?

A. Kể về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm

B. Kể về những người anh hùng trong cuộc chiến chống quân Minh

C. Kể về chuyện chống giặc Ân trong buổi đầu dựng nước

D. Kể về sự tích vì sao có Hồ Gươm giữa Thủ đô Hà Nội

Phương pháp giải:

Đọc kĩ 2 văn bản Sự tích Hồ Gươm Thánh Gióng

Lời giải chi tiết:

Đáp án A

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 Bài đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm , SBT trang 13 Ngữ văn 6 Cánh diều

Em hiểu thế nào là “sự tích”? Nhan đề Sự tích Hồ Gươm cho em biết trước được điều gì?

Phương pháp giải:

- Dựa vào khái niệm sự tích

- Chú ý nhan đề và nêu suy nghĩ khi đọc nhan đề

Lời giải chi tiết:

Sự tích là những việc có nguồn gốc từ xưa để lại (sự: việc; tích: dấu vết, dầu tích). Sự tích Hồ Gươm là câu chuyện về Hồ Gươm do người xưa kể lại.

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 Bài đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm , SBT trang 13 Ngữ văn 6 Cánh diều

(Câu hỏi 2, SGK) Trong truyện, nhân vật nào nổi bật? Nhân vật ấy có đặc điểm gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản Sự tích Hồ Gươm trong SGK

Lời giải chi tiết:

Các nhân vật xuất hiện trong truyện Sự tích Hồ Gươm : Lê Lợi, Lê Thận, Long Quân, Rùa Vàng . Nhân vật nổi bật trong truyện là Đức Long Quân. Nhân vật này có đặc điểm: yêu nước, thương dân, yêu chuộng hòa bình:

+ Giặc Minh đô hộ, nghĩa quân Lam Sơn nổi dậy nhưng thất bại, Long Quân quyết định cho mượn gươm thần → ủng hộ, giúp đỡ nhân dân chiến thắng giặc Minh.

+ Khi chiến tranh kết thúc, Long Quân sai rùa vàng đòi lại gươm thần → tinh thần yêu chuộng hòa bình, muốn Lê Lợi dùng chính năng lực của mình để cai quản đất nước.

Câu 4

Trả lời câu hỏi 4 Bài đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm , SBT trang 13 Ngữ văn 6 Cánh diều

(Câu hỏi 3, SGK) Những chi tiết nào liên quan đến lịch sử? Theo em, những chi tiết nào là hoang đường, kì ảo?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản Sự tích Hồ Gươm trong SGK

Lời giải chi tiết:

* Những chi tiết liên quan tới lịch sử:

- Giặc Minh đô hộ nước ta.

- Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu vùng lên chiến thắng giặc Minh vang dội.

* Những chi tiết hoang đường kì ảo:

- Lê Thận ba lần thả lưới đều vớt được duy nhất một lưỡi gươm có khắc chữ "thuận thiên".

- Lưỡi gươm sáng rực một góc nhà.

- Chuôi gươm nằm ở trên ngọn cây đa, đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in.

- Lưỡi gươm tự nhiên động đậy.

- Rùa Vàng lên đòi gươm.

Câu 5

Trả lời câu hỏi 5 Bài đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm , SBT trang 13 Ngữ văn 6 Cánh diều

(Câu hỏi 4, SGK) Truyện muốn ca ngợi hay giải thích điều gì? Điều ấy có ý nghĩa như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản Sự tích Hồ Gươm trong SGK

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩa của truyện Sự tích Hồ Gươm :

- Giải thích nguồn gốc tên gọi hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm)

- Ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo đã chiến thắng vẻ vang.

- Khẳng định ý nguyện đoàn kết, khát vọng hòa bình của dân tộc ta.

Câu 6

Trả lời câu hỏi 6 Bài đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm , SBT trang 13 Ngữ văn 6 Cánh diều

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

SỰ TÍCH THÀNH CỔ LOA

Khi đã có được đất Văn Lang, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê.

Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn như đá. Đám đông người hì hục đào đất, khuân đất hết ngày nọ sang ngày kia, tòa thành cao dần. An Dương Vương cùng đoàn tuỳ tùng đến xem rất lấy làm hài lòng, cho là một toà thành có thể đứng vững muôn đời, sấm sét không lay chuyển, mưa bão không làm sạt được và quân giặc cũng không thể phá nổi.

Nhưng một đêm, cả bức tường thành quanh co đều đổ sập xuống như đất bằng. Vua An Dương Vương đến xem rất lấy làm tức giận. Ngài hỏi dò dân chúng gần đó, họ kể lại: Ban đêm, họ nghe thấy tiếng những bước chân rầm rập ở khắp các ngả kéo đến với những tiếng xì xào có thể là ma quỷ. Người đâu mà lại đông đến thế! Họ sợ quá nên không dám nhìn ra. Rồi họ lại nghe những tiếng đổ ầm ầm như sấm dậy.

An Dương Vương sai các tướng lãnh đốc thúc đắp lại thành cho kì được. Đám người hăng hái đắp lại không ngừng. Tường thành mỗi ngày một cao dần và lại cao như tường thành cũ. Nhưng rồi một đêm, cả dãy tường thành lại sập xuống như đất bằng

An Dương Vương sai người đi hỏi dân chúng ở gần đó thì họ lại nói như trước. Ban đêm, họ cũng nghe thấy những bước chân rầm rập như thiên binh vạn mã trẩy qua rồi lại những tiếng huỳnh huỵch, tiếp đến là những tiếng ẩm ẩm như sấm động. An Dương Vương lại xem chỗ địa thành để cầu trời phù hộ mình đắp cho xong toà thành. Vua đi vòng quanh chân tường, vừa đi vừa suy nghĩ. Đột nhiên, vua thấy một ông già râu tóc bạc từ phía xa đi lại. Đến gần An Dương Vương, ông tự xưng mình là Thổ thần của vùng đất này, nói với vua rằng:

– Nhà vua đừng lo, sáng mai nhà vua ra đợi ở bờ sông sẽ có sứ giả Thanh Giang đến giúp nhà vua đắp thành.

Nói xong, ông già biến mất.

Hôm sau, mới tờ mờ sáng, An Dương Vương đã ra tận bờ sông để đợi Giang sứ. Vừa bắt đầu tan sương thì có một con rùa vàng rất lớn nổi lên mặt sông từ phía đông bơi vào bờ đến gần nhà vua, rùa tự xưng mình là thần Kim Quy, sứ giả của vua Thuỷ Tề. An Dương Vương sai đặt Giang sứ lên một chiếc mâm vàng và khiêng vào cung.

Vua hỏi kế đắp thành, thần Kim Quy bảo rằng:

- Ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống lâu năm thành tinh, có phép biến hoá khôn lường. Nó thường hãm hại khách qua đường và khách ngủ ở quán trọ trong vùng này. Các vua thời trước cùng bọn nhạc công chết đi đều chôn ở núi Thất Diệu, những u hồn ấy từ lâu không tan, lẩn khuất trong khe đá ở hang sâu. [...] Con tinh gà trắng đã dẫn những u hồn ấy đến chân thành, dùng phép ma phá đổ tường thành rồi gần sáng lại bay về núi. [...]

Nghe lời thần mách bảo, vua sai mấy viên tướng đem quân vào rừng mai phục rồi vua cải trang cùng thần Kim Quy giả làm khách bộ hành đến quán xin ngủ trọ. Chủ quán từ chối, lấy cớ là trong núi có nhiều yêu quái hay làm hại khách đi đường. Nhưng An Dương Vương và thần Kim Quy nhất định xin ở. Chủ quán phải chiều theo ý hai người. [...]

Gần sáng lại có những tiếng chân rầm rập ở ngoài, thần Kim Quy bảo An Dương Vương mở cửa phên ra gọi quân mai phục đuổi theo đám yêu tinh đang rút lui về núi Thất Diệu, quân lính vừa đuổi vừa giương nỏ bắn theo. Cứ một loạt tên bay đi là lại nổi lên những tiếng ma kêu quỷ khóc rùng rợn. […]

An Dương Vương và thần Kim Quy trở về quán trọ bảo chủ quán hiến cho mình con gà trắng để tạ trời đất. [...] Giữa lúc ấy, có một con chim từ trong nhà bay vụt ra, thần Kim Quy biết đó là con yêu tinh đang tìm đường chạy trốn, liền tung phép giết chết. [...]

Yêu ma đã trừ xong, thần Kim Quy lại hiện nguyên hình là con rùa vàng rất lớn. Thần rút một cái móng của mình trao cho An Dương Vương, dặn rằng:

– Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ. Khi có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng nghìn quân giặc.

Nói xong, thần biến mất. Nhờ có thần Kim Quy trừ hết yêu ma, An Dương Vương ra lệnh cho quân lính và nhân dân xây lại thành. Chẳng bao lâu, tòa thành đắp xong, rộng tới ngàn trượng, vừa dày vừa cao xoáy vòng như hình con ốc, nên gọi là Loa thành

(Theo cotich.vn)

a) Tại sao truyện Sự tích thành Cổ Loa là một truyền thuyết?

b) Thành Cổ Loa có ý nghĩa như thế nào?

c) Truyền thuyết này có gì giống với truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

a) Truyện Sự tích thành Cổ Loa là một truyền thuyết vì: đây là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo (An Dương Vương xây thành xong lại đổ, thần Kim Quy giúp sức diệt trừ yêu ma mới xây được thành Cổ Loa; thần tặng móng vuốt làm lẫy nỏ thần để giết giặc…) kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử (vua An Dương Vương, nước Văn Lang – Âu Lạc, thành Cổ Loa hình xoáy trôn ốc gọi là Loa Thành…).

b) Sự tích thành Cổ Loa là một truyền thuyết lịch sử về việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Khu di tích Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội 17 ki-lô-mét thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, có diện tích bảo tồn gần 500 héc-ta, được coi là địa chỉ văn hoá đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Tương truyền, thành gồm chín vòng xoáy trôn ốc nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có ba vòng, trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8 ki-lô-mét, vòng giữa 6,5 ki-lô-mét, vòng trong 1,6 ki-lô-mét. Thành được xây theo phương pháp đảo đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu luỹ xây đến đó. Khu di tích Loa Thành có cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt với hào nước, sông ngòi, gò đống.... Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mị Châu và chùa Bảo Sơn.

- Ý nghĩa:

+ Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

+ Về mặt xã hội: thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ ràng và xã hội có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng hơn thời Vua Hùng.

+ Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo, tất cả những điều làm chứng nghệ thuật và văn hóa thời An Dương Vương. Hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương.

c) Một số điểm giống nhau giữa truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm Sự tích thành Cổ Loa :

– Cùng là thể loại truyện truyền thuyết dân gian.

– Cùng kể về một sự tích gắn với địa danh lịch sử nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội: Hồ Gươm và thành Cổ Loa.

– Cùng kể về sự kiện liên quan đến các cuộc kháng chiến chống phong kiến phương Bắc.

– Đều gắn với nhân vật Rùa Vàng (Kim Quy) và các nhân vật lịch sử (An Dương Vương, Lê Lợi).


Cùng chủ đề:

Giải Bài tập đọc hiểu: Lượm trang 12 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Nguyên Hồng - Nhà văn của những người cùng khổ trang 26 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Những phát minh "tình cờ và bất ngờ" trang 30 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Ông lão đánh cá và con cá vàng trang 6 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Phạm Tuyên và ca khúc mừng chiến thắng trang 29a Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Sự tích Hồ Gươm trang 13 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Tại sao nên có vật nuôi trong nhà trang 20 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Thánh Gióng - Tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước trang 29 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Thánh Gióng trang 11 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Thạch Sanh trang 12 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Thời thơ ấu của Hon - Da trang 23 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều