Giải Bài tập đọc hiểu: Vụ cải trang bất thành trang 8 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều — Không quảng cáo

SBT Văn 9 - Giải SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều Bài 6. Truyện truyền kì và truyện trinh thám


Giải Bài tập đọc hiểu: Vụ cải trang bất thành trang 8 sách bài tập Ngữ văn 9 - Cánh diều

Dòng nào dưới đây nêu không đúng đặc điểm của truyện trinh thám?

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 8 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Dòng nào dưới đây nêu không đúng đặc điểm của truyện trinh thám?

A. Truyện thường viết về việc điều tra, khám phá các vụ án

B. Nhân vật chính thường là các thám tử hoặc điều tra viên

C. Truyện bắt đầu bằng một sự việc hoặc một tình huống gay cấn

D. Các nhân vật trong truyện có thể chết đi sống lại nhiều lần

Phương pháp giải:

Xem lại Kiến thức Ngữ văn về truyện trinh thám (SGK/4) và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Đáp án D

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 trang 8 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Phương án nào dưới đây là nhận xét đúng về ngôn ngữ trong đoạn văn sau?

“Phải, luật pháp thì không thể động tới ông được. - Hôm vừa nói vừa mở toang cửa. - Nhưng không có kẻ nào đáng bị trừng phạt hơn ông đâu. Nếu Me-ri mà có một người anh trai hoặc có bạn trai, thì ông đã tan xương nát thịt rồi.”

A. Toàn bộ đoạn văn là lời của người kể chuyện

B. Toàn bộ đoạn văn là lời của nhân vật thám tử Hôm

C. Đoạn văn có sự kết hợp giữa lời của nhân vật và lời người kể chuyện

D. Đoạn văn là lời đối thoại giữa nhân vật Hôm và Me-ri về Uyn-đi-banh

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản Vụ cải trang bất thành và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Đáp án C

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu hỏi 4) Trong văn bản, thám tử Hôm đã tìm ra chân tướng của vụ việc như thế nào? Qua đó, em thấy được những năng lực nào của nhân vật này?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản Vụ cải trang bất thành , chỉ ra việc thám từ Hôm đã tìm ra chân tướng của vụ việc và nhận xét năng lực của nhân vật.

Lời giải chi tiết:

Hôm đã phát hiện ra sự thật đằng sau sự mất tích của Ên-giô - hôn phu của Me-ri. Đây thực chất là âm mưu của người cha dượng, gã đã đóng giả En-giô, đưa mẹ con Me-ri đến cổng nhà thờ rồi lần qua cửa kia của xe ngựa và biến mất. Mục đích của gã là giữ chân Me-ri trong mối quan hệ hôn nhân với Ên-giỏ - quan hệ không dễ dứt bỏ vì đã có lời thề nhưng cũng không đi đến đích – để được tiếp tục hưởng lợi tức món tiền gửi ngân hàng của Me-ri. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị thám từ Hôm phát hiện, vạch trần. Trong đoạn trích, Hôm đã phát hiện ra những điểm bất thường trên tờ thông báo và trên các bức thư được đánh máy. Đây chính là điểm nghi vấn, là cơ sở để Hôm viết thư cho người cha dượng của Me-ri và đề nghị gã phúc đáp. Chính việc trả lời của người cha dượng với những lỗi đánh máy quen thuộc đã góp phần lật tẩy hắn và nhờ đó, cùng với các thông tin khác thu thập được Hôm đã bóc trần sự thật được giấu kín bên trong.

Qua đoạn trích, có thể thấy thám tử Hôm là người có óc quan sát tinh tường, có khả năng tổng hợp, kết nối các thông tin và năng lực phán đoán, suy luận rất tốt.

Câu 4

Trả lời câu hỏi 4 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Ở cuối văn bản, thái độ của Hôm đối với Uy-đi-banh như thế nào? Thái độ đó cùng với quá trình tìm ra sự thật của Hôm đã cho thấy điều gì về tính cách của nhân vật này?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản Vụ cải trang bất thành để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Ở cuối văn bản, Hôm đã tỏ ra vô cùng giận dữ, bất bình, căm ghét Uyn-đi-banh Thái độ đó cùng với quá trình tìm ra sự thật của Hôm đã cho thấy nhân vật thám tử này là người chính trực, căm ghét cái ác, cái xấu, không ngại dấn thân để vạch trần âm mưu, thủ đoạn xấu xa của những kẻ “vô lại”.

Câu 5

Trả lời câu hỏi 5 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu 5, SGK) Người kể chuyện trong văn bản trên là ai? Theo em, sự lựa chọn ngôi kể đó có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung câu chuyện và thái độ của tác giả?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản Vụ cải trang bất thành xác định ngôi kể, điểm nhìn để thấy được người kể chuyện là ai và phân tích tác dụng của ngôi kể trong việc thể hiện nội dung câu chuyện và thái độ của tác giả

Lời giải chi tiết:

Người kể chuyện trong văn bản trên là Oát-xơn – bạn của Hôm, tức là một nhân vật trong truyện. Đây là ngôi kể thứ nhất, là hình thức nhân vật kể chuyện hay còn gọi là người kể chuyện hạn tri. Với việc lựa chọn ngôi kể này, câu chuyện trở nên chân thực hơn (vì được kể bởi một người trong cuộc, tai nghe mắt thấy), tính cách và phẩm chất của nhân vật chính cũng được thể hiện một cách cụ thể và sống động thông qua sự quan sát của người kể chuyện, chẳng hạn: “Hôm ngồi lặng vài phút, các ngón tay chụm vào nhau, hai chân duỗi ra phía trước, mắt chăm chú ngước lên trần nhà.”; hay qua những tương tác trực tiếp giữa người kể chuyện và nhân vật chính mà ở đó, người kể chuyện với năng lực hạn chế của mình đã làm nền cho người thám tử. Ví dụ:

“- Ôi, anh bạn đáng mến của tôi! Chẳng nhẽ anh không nhận thấy tầm quan trọng của nó sao?

– Thú thật là tôi chịu. Tôi chỉ cho là hắn có ý đồ chối bỏ chữ kí của mình, nếu bị lôi ra tòa vì tội đơn phương hủy hôn.".

Ngoài Oát-xơn, truyện còn có một người kể nữa, đó chính là Hôm khi nhân vật này dựng lại toàn bộ sự thật của câu chuyện lừa gạt với những thủ đoạn để tiện của Uyn-đi-banh. Ngôi kể này phù hợp với vai trò của nhân vật thám tử khi khám phá ra những điều bí mật trong vụ án. Điều này không chỉ cho thấy năng lực của Hôm mà còn thể hiện tính chính nghĩa của nhân vật chính và thái độ không khoan nhượng với cái ác, cái xấu của tác giả.

Câu 6

Trả lời câu hỏi 6 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

(Câu 6, SGK) Văn bản Vụ cải trang bất thành đặt ra những vấn đề gì trong cuộc sống?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản để thấy được nội dung chính, từ đó rút ra vấn đề được đề cập tới trong cuộc sống.

Lời giải chi tiết:

Văn bản đặt ra vấn đề: lòng tham đánh mất nhân tính. Vì tham lam của cải, tiền bạc, một số kẻ sẵn sàng bày mưu tính kế để lừa dối người khác, đẩy họ vào bi kịch, thậm chí chà đạp lên các quan hệ gia đình, thân thuộc. Nhưng cũng từ văn bản, có thể thấy chân lí mà nhân dân lao động đã tổng kết: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn",... Những người chân chính sẽ vẫn không ngừng đấu tranh để tìm ra sự thật, công lí cho xã hội. Vấn đề mà đoạn trích nêu ra vẫn tiếp diễn trong cuộc sống ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Câu 7

Trả lời câu hỏi 7 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Theo em, những người lương thiện cần làm gì để không rơi vào tình cảnh như cô Me-ri ở trong truyện?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản để thấy được tình cảnh của cô Me-ri, vận dụng kiến thức đời sống vào trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Để không rơi vào tình cảnh như cô Me-ri ở trong truyện, mỗi người cần trang bị những kĩ năng sống hiệu quả để hạn chế rủi ro; thường xuyên quan sát, suy ngẫm về các sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh để phòng ngừa từ trước những nguy cơ, nguy hiểm.

Câu 8

Trả lời câu hỏi 8 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Từ việc đọc hiểu văn bản vụ cải trang bất thành, hãy rút ra cách đọc truyện trinh thám.

Phương pháp giải:

Đọc phần Kiến thức Ngữ văn trong SGK kết hợp với nội dung được học khi tìm hiểu, phân tích văn bản.

Lời giải chi tiết:

Cách đọc truyện trinh thám: Đọc kĩ văn bản để nắm được diễn biến của câu chuyện được kể; phát hiện tình huống nảy sinh vụ án, những chỉ tiết bất thường, bất ngờ mà qua đó nhân vật thám tử khám phá ra sự thật; phân tích nhân vật thám từ và suy ngẫm về ý nghĩa của truyện.

Câu 9

Trả lời câu hỏi 9 trang 9 SBT Ngữ văn 9 Cánh diều

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu

“Hôm rời ghế ngồi, đứng giữa hai phần rèm cửa sổ, dõi mắt xuống con phố ảm đạm. Ngó qua vai anh, tôi thấy một phụ nữ cao lớn, cổ quấn khăn da trăn, đầu đội mũ da đỏ rộng vành đang đứng trên hè đường trông thẳng sang nhà. Trông cô ta đỏm dáng như nữ công tước Đi-vôn-sai (Devonshire) vậy. Cô cố giấu vẻ bối rối sau bộ phục trang rực rỡ, lưỡng lự ngước mắt lên căn hộ có sự hiện diện của chúng tôi, các ngón tay không biết làm gì ngoài mân mê hàng cúc áo. Đột nhiên, với sự quả quyết của một vận động viên bơi lội bật khỏi bờ, cô gái lao vút qua đường. Rồi chúng tôi nghe thấy một hồi chuông giòn giã ngoài cửa.

– Tôi biết cái triệu chứng này rồi! – Hôm ném điếu thuốc hút dở vào lò sưởi. – Dấp da dấp dính trên vỉa hè là có sự mà. Cô nàng muốn hỏi xin ý kiến, nhưng không chắc có nên thổ lộ vấn đề tế nhị cho người lạ không. Chúng ta nên phân biệt rõ. Nếu người chồng có lỗi rất nghiêm trọng thì cô ta đã không ngần ngại gì mà không đến chỗ chúng ta và rung chuông ngay. Đằng này chắc có chút gì liên quan đến tình cảm, thành thử cô nàng hơi lúng túng hoặc thương cảm. Được rồi, chính cô ấy sẽ đến giải toả các mối nghi ngờ của chúng ta.

Nói tới đây thì có tiếng gõ cửa. Người hầu giới thiệu cô Me-ri Sơ-thơ-len. Người phụ nữ dần dần hiện ra sau thân hình khiêm tốn của Hôm. Anh bạn tôi thân mật tiếp khách, sau khi khép cửa lại và mời cô ngồi. Ngắm kĩ bộ đồ độc đáo của nữ thân chủ, Hôm từ tốn:

- Thưa cô, cô không thấy khó chịu khi phải đánh máy quá nhiều với cặp kính cận này chứ?

- Ban đầu thì có. Nhưng giờ tôi đã có thể đánh máy mà chẳng cần nhìn bàn phím rồi.

Rồi như chợt nhận ra ngụ ý trong ngôn từ của Hôm, cô gái rùng mình ngước lên, trên khuôn mặt còn đọng lại nỗi sợ hãi và sửng sốt. Cô bối rối hỏi:

- Ông đã nghe nói về tôi rồi, ông Hôm? Nếu không làm sao ông biết chuyện ấy?

Đừng để ý đến chuyện ấy. - Hôm vui vẻ cười. – Nghề của tôi là phải biết nhiều thông tin. Có lẽ tôi đã quen quan sát những gì mà người khác bỏ qua. Nếu không, chắc gì cô đã tới xin ý kiến tôi, đúng không?

- Thưa ông, tôi được bà E-thơ-di (Etherege) giới thiệu đến gặp ông. Ông đã tìm lại người chồng cho bà ấy, trong khi nhiều người khác, thậm chí cảnh sát, đều cho rằng ông ấy đã chết. Ôi, ông Hôm, khẩn cầu ông giúp tôi càng nhiều càng tốt. Tôi chẳng giàu có gì, song cũng có lợi tức khoảng một trăm bảng mỗi năm. Ngoài ra, tôi còn có chút thù lao đánh máy nữa. Tôi sẽ chi hết, miễn là tìm được ông Hót-mơ En-giô.”

(Đoi-lơ, trích Sơ-lốc Hôm, tập 1, Bùi Liên Thảo – Vũ Thu Hà – Vũ Quế Anh dịch,NXB Văn học, Hà Nội, 2016)

a) Đoạn trích trên kể về cuộc gặp gỡ giữa ai với ai? Vì sao có cuộc gặp gỡ này?

b) Hãy xác định người kể chuyện trong đoạn trích trên (chú ý kết nối với Văn bản Vụ cải trang bất thành trong SGK) và tìm một ví dụ để phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật.

c) Nhân vật Hôm đã được khắc họa như thế nào trong đoạn trích trên?

d) Tìm các chi tiết trong đoạn trích cho thấy những đặc điểm phổ biến về tính cách hoặc năng lực ở nhân vật thám tử.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích, dựa vào Kiến thức đã học về truyện trinh thám, kết nối với văn bản Vụ cải trang bất thành để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

a) Đoạn trích trên kể về cuộc gặp gỡ giữa Hôm và Me-ri. Sở dĩ có cuộc gặp gỡ này là vì Me-ri muốn nhờ Hôm (một thám tử giỏi, người đã giúp bà E-thơ-di tìm lại người chồng) giúp cô ấy tìm vị hôn phu tương lai đã biệt tăm của mình: Hót-mơ En-giô.

b) Người kể chuyện xưng “tôi” trong đoạn trích trên là Oát-xơn – bạn thân của Hôm (“Ngó qua vai anh, tôi thấy một phụ nữ cao lớn, cổ quấn khăn da trăn”).

Có thể phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật qua câu, và trong qua câu văn sau: “Tôi biết cái triệu chứng này rồi! - Hôm ném điếu thuốc hút dở vào lò sưởi." Trong đó “Tôi biết cái triệu chứng này rồi” là lời của nhân vật Hôm; còn “Hôm ném điếu thuốc hút dở vào lò sưởi” là lời của người kể chuyện.

c) Trong đoạn trích trên, nhân vật Hôm đã được khắc họa như sau:

- Qua lời của người kể chuyện. Ví dụ: “Anh bạn tôi thân mật tiếp khách, sau khi khép cửa lại và mời có ngồi.".

- Qua lời nói, suy nghĩ của chính nhân vật. Ví dụ: “Dấp da dấp dính trên vỉa hè là có sự mà. Cô nàng muốn hỏi xin ý kiến, nhưng không chắc có nên thổ lộ vấn đề tế nhị cho người lạ không”, hay “Nghề của tôi là phải biết nhiều thông tin. Cô tôi đã quen quan sát những gì mà người khác bỏ qua. Nếu không, chắc gì cô đã tới xin ý kiến tôi, đúng không?".

– Qua lời của nhân vật khác trong truyện. Ví dụ: "Thưa ông, tôi được bà E-tho-di giới thiệu đến gặp ông. Ông đã tìm lại người chồng cho bà ấy, trong khi nhiều người khác, thậm chỉ cảnh sát, đều cho rằng ông ấy đã chết.”.

d) Các chi tiết sau trong đoạn trích cho biết những đặc điểm thường thấy về năng lực quan sát, phán đoán ở nhân vật thám tử:

-  Cô nàng muốn hỏi xin ý kiến, nhưng không chắc có nên thổ lộ vấn đề tế nhị cho người lạ không. Chúng ta nên phân biệt rõ. Khi người chồng có lỗi rất nghiêm trọng thì cô ta đã không ngần ngại gì mà không đến chỗ chúng ta và rung chuông ngay. Đằng này chắc có chút gì liên quan đến tình cảm thành thử cô nàng hơi lúng túng hoặc thương cảm.

- Nghề của tôi là phải biết nhiều thông tin. Có lẽ tôi đã quen quan sát những gì mà người khác bỏ qua. Nếu không, chắc gì cô đã tới xin ý kiến tôi, đúng không?


Cùng chủ đề:

Giải Bài tập đọc hiểu: Sống, hay không sống? trang 32 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trang 11 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Về truyện Làng của Kim Lân trang 43 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Vịnh Hạ Long: Một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ trang 19 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Vườn quốc gia Tràm Chim – Tam Nông trang 24 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Vụ cải trang bất thành trang 8 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Đền tháp vẫn ngủ yên trang 29 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải Bài tập đọc hiểu: Đình công và nổi dậy trang 39 SBT Ngữ văn 9 - Cánh diều
Giải sbt Ngữ văn 9 Bài 1. Thơ và thơ song thất lục bát - Cánh diều
Giải sbt Ngữ văn 9 Bài 2. Truyện thơ Nôm - Cánh diều
Giải sbt Ngữ văn 9 Bài 3. Văn bản thông tin - Cánh diều