Bài 3. Học tập tự giác, tích cực
Em hãy cùng các bạn nghe/hát bài "Hổng dám đâu" và cho biết bạn nhỏ trong bài hát đã tự giác học tập như thế nào?
Mở đầu
Trả lời câu hỏi trang 14 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức:
Em hãy cùng các bạn nghe/hát bài "Hổng dám đâu" và cho biết bạn nhỏ trong bài hát đã tự giác học tập như thế nào?
"Trên cành cao chim hót mời em chơi giữa vườn xuân
Bao bạn thân lấp ló gọi em tung tăng sân nhà
Đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm
Ôi hấp dẫn tuyệt vời nhưng mà em hổng dám đâu
Hổng dám đâu, em còn phải học bài [...]
Hổng dám đâu."
(Sáng tác: Nguyễn Văn Huyên)
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lời bài hát
Lời giải chi tiết:
Trong bài hát, bạn nhỏ đã tự giác học tập bằng cách từ chối các lời mời gọi đi chơi của bạn bè dù các trò chơi rất hấp dẫn, thú vị.
Khám phá 1
Trả lời câu hỏi trang 15 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức:
a) Bác Hồ đã tự học ngoại ngữ như thế nào?
b) Em hãy nêu những biểu hiện của việc học tập tự giác, tích cực và chưa tự giác, tích cực qua các bức tranh trên.
c) Em hãy kể thêm những biểu hiện khác của học tập tự giác, tích cực và chưa tự giác, tích cực mà em biết
Phương pháp giải:
- Đọc câu chuyện và nhận xét về khả năng tự học ngoại ngữ của Bác Hồ.
- Quan sát các bức tranh và nêu những biểu hiện của việc học tập tự giác, tích cực và chưa tự giác, tích cực
- Kể thêm những biểu hiện khác của học tập tự giác, tích cực và chưa tự giác, tích cực mà em biết
Lời giải chi tiết:
a) Bác Hồ đã tự học ngoại ngữ:
- Cố gắng giành thêm hai giờ đồng hồ nữa để học, trong khi những người bạn khác đi ngủ hoặc đánh bài.
- Nhờ thủy thủ người Pháp giảng lại những từ không hiểu
- Mỗi ngày viết mười từ tiếng Pháp vào cánh tay để vừa làm việc vừa nhẩm đọc.
- Mang sách, bút ra vườn hoa học vào buổi sáng sớm và buổi chiều mỗi ngày.
- Bác còn chủ động học hỏi từ các chuyên gia, từ những người thành thạo ngoại ngữ.
b)
- Bức tranh 1 : Các bạn học sinh cùng nhau bàn luận cách giải quyết để tìm ra lời giải cho bài tập, tuy nhiên một ban nữ bên trái chưa tích cực làm việc nhóm.
- Bức tranh 2 : Bạn học sinh tự giác làm bài tập.
- Bức tranh 3 : Bạn học sinh chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
- Bức tranh 4 : Các bạn học sinh rất tích cực, hăng hái ý kiến phát biểu xây dựng bài.
c)
Biểu hiện học tập tập tự giác, tích cực:
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập phù hợp với bản thân.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể do nhà trường tổ chức.
- Tự giác học bài, làm bài tập mà không cần bố mẹ, thầy cô nhắc nhở
- Gặp bài khó thì chủ động nghiên cứu cách làm, không ngồi đợi người khác làm hộ
Biểu hiện học tập chưa tự giác, tích cực:
- Không chịu ôn bài, đến kì thi tìm cách quay cóp, chép bài bạn.
- Mượn bài tập của bạn khác để chép mà không tự làm
Khám phá 2
Trả lời câu hỏi trang 16 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức:
a) Việc tự giác, tích cực học tập đã đem lại điều gì cho Tuấn và Yến?
b) Em hãy cho biết ý nghĩa của việc học tập tự giác, tích cực.
Phương pháp giải:
- Đọc trường hợp và nêu được những lợi ích của việc tự giác, tích cực học tập đối với Tuấn và Yến.
- Nêu được ý nghĩa của việc học tập tự giác, tích cực.
Lời giải chi tiết:
a) Sự tự giác, tích cực học tập đem lại cho:
-Tuấn: giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học.
-Yến: sự năng động, tự tin, gần gũi, thân thiện cũng như niềm yêu mến của bạn bè, thầy cô.
Việc tự giác, tích cực học tập, rèn luyện đã giúp cho Tuấn và Yến gặt hái thành công trong học tập đồng thời rèn luyện được tính kỷ luật đối với bản thân, giúp nâng cao tinh thần học hỏi, tự giác học tập để thu được nhiều kiến thức mới.
b) Ý nghĩa của việc học tập tự giác, tích cực:
- Giúp chúng ta không ngừng tiến bộ, học hỏi được thêm nhiều kiến thức mới, điều hay và đạt kết quả cao trong học tập.
- Rèn luyện được tính tự lập, tự chủ, kiên cường, bền bỉ, có kỷ luật với bản thân.
- Được bạn bè mọi người xung quanh yêu mến tin tưởng.
- Đạt được thành công trong cuộc sống và trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Luyện tập 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 16 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức:
Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?
a) Luôn chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập mà không cần ai nhắc nhở là biểu hiện của học tập tự giác, tích cực.
b) Chỉ cần tự giác, tích cực học tập khi tới các kì kiểm tra.
c) Chỉ cần xây dựng kế hoạch học tập còn việc thực hiện thì tùy thuộc vào hoàn cảnh.
d) Tự giác, tích cực học tập giúp em rèn luyện tính tự lập, tự chủ và tích lũy kiến thức cho bản thân.
Phương pháp giải:
- Đọc ý kiến và lí giải vì sao đồng tình hay không đồng tình với ý kiến đó.
Lời giải chi tiết:
a) Em đồng tình
Bởi vì đó việc làm đúng thể hiện việc tự giác, tích cực học tập.
b) Em không đồng tình
Bởi vì đó là hình thức học tập chống đối. Học tập là cả một quá trình, nếu chỉ học vì điểm số thì bản thân học sinh sẽ không bao giờ học tập tiến bộ.
c) Em không đồng tình
Bởi vì nếu xây dựng kế hoạch nhưng không nghiêm túc thực hiện nó thì kế hoạch đó sẽ không thu về được kết quả tốt, bản thân học sinh cũng sẽ không đạt được lợi ích gi từ kế hoạch đó.
d) Em đồng tình
Bởi vì đây chính là ý nghĩa của việc học tập tự giác, tích cực.
Luyện tập 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 17 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức:
Bạn nào dưới đây đã học tập tự giác, tích cực? Vì sao?
a) Q thường nhờ các bạn học giỏi trong lớp làm giúp bài tập rồi chép lại.
b) A luôn thích đọc tác phẩm văn học, sưu tầm những câu chuyện, câu nói hay để vận dụng vào việc viết văn.Nhờ vậy, kĩ năng viết văn của bạn ngày càng được nâng cao.
c) B thích môn Tiếng Anh nên thường xuyên mang sách Tiếng Anh ra làm bài tập trong các giờ học khác. B cho rằng: “Môn học này rất quan trọng trong thời kì hội nhập. Các môn học còn lại là môn phụ nên chỉ cần biết là đủ”.
d) Buổi tối, N thường xuyên ngồi vào bàn học đúng giờ nhưng tay vẫn cầm điện thoại để nhắn tin và chỉ tập trung học bài khi bố mẹ thúc giục, kiểm tra.
e) Thấy T ngủ gật trong giờ học, P nhắc bạn cần tập trung nghe cô giảng bài.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin và đưa ra nhận xét về hành động/ việc làm của các bạn trong từng trường hợp
Lời giải chi tiết:
a) Q chưa tự giác, tích cực học tập. Bởi vì Q không tự làm bài tập bằng khả năng của bản thân mà lại thường nhờ các bạn học giỏi trong lớp làm giúp bài tập rồi chép lại
b) A tự giác, tích cực học tập. A dành thời gian tìm kiếm và học hỏi từ các tác phẩm văn học, các câu chuyện sưu tầm được nên khả năng viết văn của A ngày càng cải thiện
c) B chưa tự giác, tích cực học tập. Bởi vì bạn chỉ tập trung học môn Tiếng Anh và bỏ bê những môn học khác. Mỗi môn học đều bổ ích và sẽ đem đến cho chúng ta những trải nghiệm và kiến thức khác nhau.
d) N chưa tự giác, tích cực học tập. Bởi vì N chỉ ngồi vào bàn học đúng giờ nhưng thường xuyên xem điện thoại và chỉ làm bài khi bố mẹ kiểm tra, nhắc nhở.
e) T chưa tự giác, tích cực học tập bởi vì T còn ngủ gật trong lớp; P tự giác, tích cực học tập vì đã khuyên T nên tập trung nghe cô giảng bài.
Luyện tập 3
Trả lời câu hỏi 3 trang 17 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức :
Xử lý tình huống
a) Tuy có rất nhiều bài tập cần hoàn thành nhưng M vẫn muốn đi dự sinh nhật của bạn thân vì đã hứa với bạn.
Nếu là M, em sẽ làm gì?
b) K học giỏi và luôn hòa đồng, chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm học tập của mình với các bạn trong lớp.Thấy vậy một số bạn nói rằng K hay khoe khoang.
Nếu là K, em sẽ nói thế nào để các bạn hiểu mình?
c) Trong giờ học Ngữ văn, mặc dù hiểu bài và biết câu trả lời nhưng C không giơ tay phát biểu.
Nếu là bạn cùng lớp với C, em sẽ khuyên bạn điều gì ?
d) Đầu năm học S chuyển đến lớp học mới nên nhút nhát, rụt rè, ít phát biểu ý kiến xây dựng bài.
Nếu là bạn cùng lớp với S, em sẽ làm gì để giúp bạn thay đổi, tích cực trong học tập
Phương pháp giải:
- Đọc tình huống và đưa ra được lời khuyên đối với các bạn trong từng tình huống.
Lời giải chi tiết:
a) Nếu em là M, em sẽ
Cách 1: Mua quà sinh nhật đem đến tặng cho M trước, sau đó xin lỗi M và mong bạn thông cảm vì không thể đến dự bữa tiệc sinh nhật của M vì còn rất nhiều bài tập phải hoàn thành.
Cách 2: Gọi điện xin lỗi bạn, nói rõ lí do không tham dự được và hứa với M rằng sẽ bù cho bạn một buổi đi chơi sau khi em hoàn thành xong hết bài tập cần làm
b) Nếu em là K, em sẽ nói với các bạn rằng em chia sẻ những kiến thức, hiểu biết cho các bạn nghe là vì em mong muốn các bạn sẽ học được nhiều kiến thức hơn, vì em muốn giúp đỡ các bạn đều sẽ được nâng cao thành tích học tập chú không hề muốn khoe khoang.
c) Nếu em là bạn của C, em khuyên bạn nên tích cực hăng hái phát biểu xây dựng bài. để cô giáo và các bạn đều biết câu trả lời quan điểm của bạn. Bên cạnh đó, tích cực phát biểu cũng giúp C thêm tự tin.
d) Nếu em là bạn cùng lớp với S, em sẽ rủ các bạn trong lớp cùng chơi với S khi đến giờ giải lao, rủ bạn tham gia các hoạt động tập thể của lớp, giúp đỡ bạn trong học tập,...
Vận dụng 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 17 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức :
Em hãy viết về một tấm gương học tập tự giác, tích cực mà em biết. Em học tập được điều gì từ tấm gương đó?
Phương pháp giải:
- Tìm hiểu về một tấm gương học tập tự giác, tích cực mà em biết.
- Từ tấm gương đó, em học được gì cho bản thân
Lời giải chi tiết:
Trong cuộc sống, có không ít những tấm gương tự học khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, tiêu biểu phải kể đến Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông là đứa trẻ nhà nghèo nhưng tinh thần ham học hỏi và khả năng tự học nên mặc dù phải bắt đom đóm làm đèn nhưng cuối cùng ông đã thi đỗ Trạng nguyên và trở thành một vị quan nổi tiếng dưới thời nhà Trần. Ông là tấm gương sáng cho em trong việc học. Em nhân ra học tập tự giác tích cực là cách tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong học tập, mang lại một kết quả cao nhất. Nếu biết nỗ lực tự học, chúng ta sẽ thành công, sẽ có được một tương lai rộng mở cho chính mình. Nếu chúng ta học tập thành công, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, đưa đất nước ngày càng đi lên, phát triển đến một tầm cao mới.
Vận dụng 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 17 SGK GDCD 7 – Kết nối tri thức:
Em hãy xác định một biểu hiện chưa tự giác, tích cực trong học tập của bản thân Lập kế hoạch khắc phục điểm chưa tự giác, tích cực đó theo gợi ý dưới đây:
Biểu hiện tự giác |
Biện pháp rèn luyện |
Thời gian thực hiện |
Kết quả |
Phương pháp giải:
Em lập kế hoạch khắc phục điểm chưa tự giác, tích cực:
+ Xác định biểu hiện chưa tự giác của bản thân và biện pháp rèn luyện như thế nào?
+ Thời gian thực hiện biện pháp đó trong bao lâu? Thu được việc làm như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Biểu hiện chưa tự giác |
Biện pháp rèn luyện |
Thời gian thực hiện |
Kết quả |
Phải để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở nhiều về học tập. |
- Tự giác học tập, ôn lại bài không cần ai nhắc nhở. |
3 tháng |
- Thực hiện tương đối tốt |
Mỗi khi thấy bài khó sẽ lên mạng tìm cách giải. |
- Tự mày mò, suy nghĩ dựa vào kiến thức của bản thân để tìm ra cách giải. |
3 - 6 tháng |
- Thực hiện tương đối tốt |