Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 13 trang 81 SGK Kết nối tri thức — Không quảng cáo

Giáo dục kinh tế và pháp luật 11, giải gdcd 11 kết nối tri thức Chủ đề 8. Một số quyền dân chủ cơ bản của công dân


Bài 13. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Kết nối tri thức

Em hãy kể một số việc làm thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân. Theo em, học sinh có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội không? Vì sao?

Mở đầu

Trả lời Mở đầu trang 81 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy kể một số việc làm thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân. Theo em, học sinh có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội không? Vì sao?

Phương pháp giải:

- Dựa vào hiểu biết thực tế của bản thân để kể một số việc làm thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân.

- Trả lời được câu hỏi học sinh có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội không và giải thích.

Lời giải chi tiết:

- Một số việc làm thể hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân:

+ Người dân tham gia đóng góp ý kiến về việc quy hoạch, xây dựng các công trình nông thôn mới.

+ Tham gia xây dựng các quy ước của xã/phường, huyện/quận về nếp sống văn minh và phòng chống tệ nạn xã hội.

+ Tham gia bàn bạc, quyết định chủ trường xây dựng các công trình công cộng.

+ Người dân tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định pháp luật. Ví dụ: đóng góp ý kiến dự thảo “Luật đất đai (sửa đổi); dự thảo sửa đổi Hiến pháp,…

- Học sinh có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Vì theo quy định của pháp luật: mọi công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

? mục 1 a

Trả lời câu hỏi mục 1a trang 82 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:

1/ Các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như thế nào? Theo em, những việc làm đó có ý nghĩa gì đối với mỗi công dân và với xã hội?

2/ Theo em, công dân có các quyền gì trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội? Em hãy nêu một số ví dụ về việc thực hiện tốt các quyền đó trong cuộc sống.

Phương pháp giải:

1/ Đọc trường hợp 3, 4 và chỉ ra những việc làm của các chủ thể trong trường hợp đó đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Nêu ý nghĩa của những việc làm đó đối với mỗi công dân và với xã hội.

2/ Nêu được các quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Nêu được một số ví dụ về việc thực hiện tốt các quyền đó trong cuộc sống.

Lời giải chi tiết:

1/ Các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội:

- Trường hợp 3: Thôn X đã tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền của mình trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng việc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về các biện pháp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, anh T đã thực hiện quyền của mình bằng việc đóng góp nhiều ý kiến có giá trị về việc quy hoạch, xây dựng đường giao thông trong thôn cũng như việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm trong cuộc họp của thôn.

- Trường hợp 4: A đã thực hiện quyền của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng việc chủ động tìm hiểu thông tin, phổ biến lại cho các bạn trong lớp, người thân trong gia đình và gửi thư đề xuất một số kiến nghị và mong muốn đối với “Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” khi cơ quan nhà nước tổ chức lấy ý kiến để góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như các trẻ em khác khi sử dụng internet.

⇒ Những việc làm của các chủ thể trong những trường hợp trên đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Nhà nước và xã hội. Thông qua những việc làm đó, công dân được trực tiếp thể hiện, đóng góp suy nghĩ, quan điểm, công sức của bản thân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để động viên sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội vào tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; xây dựng một xã hội có tổ chức, ổn định, góp phần phát triển đất nước.

2/ - Công dân có các quyền trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như: quyền bình đẳng; quyền bầu cử đại biểu, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền khiếu nại, tố cáo những việc làm vi phạm pháp luật; quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp... Các quyền này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Ví dụ:

+ Người dân gửi đơn thư tố cáo tới cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi tham ô, tham nhũng.

+ Nhân dân xã Q tích cực tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

+ Gia đình H chủ động tìm hiểu thông tin về các chính sách, quy định mới của Nhà nước.

? mục 1 b

Trả lời câu hỏi mục 1b trang 83 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:

1/ Em hãy cho biết, các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như thế nào?

2/ Theo em, công dân có nghĩa vụ gì trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội? Hãy nêu ví dụ về việc thực hiện tốt những nghĩa vụ đó trong cuộc sống.

Phương pháp giải:

1/ Đọc trường hợp 3, 4 và chỉ ra những việc làm của các chủ thể trong trường hợp đó đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

2/ Nêu được các nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Nêu được một số ví dụ về việc thực hiện tốt các nghĩa vụ đó trong cuộc sống.

Lời giải chi tiết:

1/ Các chủ thể trong trường hợp 3 và 4 đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội:

- Trường hợp 3: K đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng việc gửi thư góp ý đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật khi đề xuất một số biện pháp khắc phục thực trạng diện tích khu vui chơi, sinh hoạt thể dục thể thao dành cho trẻ em ở địa phương ngày càng thu hẹp, một số trẻ em đã tìm đến những hình thức giải trí không lành mạnh, sa vào tệ nạn xã hội

- Trường hợp 4: Đoàn Thanh niên Trường Trung học phổ thông B đã thực hiện nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội qua việc đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy của trường học, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan khi thảo luận, để xuất một số phương án giải quyết, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông ở đoạn đường đi qua cổng trường gửi tới Ban Giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương.

⇒ Những việc làm của các chủ thể trong những trường hợp trên đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Nhà nước và xã hội. Thông qua những việc làm đó, công dân được trực tiếp thể hiện, đóng góp suy nghĩ, quan điểm, công sức của bản thân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để động viên sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội vào tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; xây dựng một xã hội có tổ chức, ổn định, góp phần phát triển đất nước.

2/ - Công dân có nghĩa vụ trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như: tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng; tôn trọng quyền và lợi ích của người khác; tôn trọng lợi ích của dân tộc; trung thành với Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc,...

- Ví dụ: Công dân gửi đơn khiếu nại về hoạt động của cán bộ, cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; công dân phản ánh, kiến nghị tới cơ quan nhà nước bằng những cách thức được pháp luật quy định (như gửi thư tới cá nhân, cơ quan có thẩm quyền), không được lợi dụng các hoạt động này để gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.

? mục 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 84 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:

1/ Em hãy cho biết, các thông tin, trường hợp trên đề cập đến những hậu quả gì của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội?

2/ Theo em, hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội sẽ gây nên những hậu quả nào cho người bị vi phạm, người vi phạm, Nhà nước và xã hội?

3/ Hãy chia sẻ về một trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội mà em biết và rút ra bài học cho bản thân.

Phương pháp giải:

1/ Đọc các thông tin, trường hợp và nêu hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội được đề cập đến ở các thông tin, trường hợp đó.

2/ Nêu hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội đối với người bị vi phạm, người vi phạm, Nhà nước và xã hội.

3/ Chia sẻ về một trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội mà em biết và rút ra bài học cho bản thân.

Lời giải chi tiết:

1/ Những hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội ở các thông tin, trường hợp là:

- Thông tin 1, 2 để cập đến các hậu quả pháp lí như: xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

- Trường hợp 3, hành vi vi phạm của H đã khiến các đoàn viên khác trong lớp mất quyền bày tỏ ý kiến đối với dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn, đồng thời khiến H bị Bí thư Đoàn trường phê bình.

- Trường hợp 4 đề cập đến các hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội như: lãng phí ngân sách nhà nước; mất đoàn kết nội bộ; gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội; giảm uy tín của cán bộ, cơ quan nhà nước.

2/ Hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

- Đối với người bị vi phạm: bị cản trở thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí. Vì phạm quyền tự do dân chủ của công dân; gây tổn thất về sức khỏe, tinh thần, danh dự, uy tín, tài chính, công việc.

- Đối với người vi phạm: phải chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật như: cảnh cáo, kỉ luật, phạt hành chính, phạt tù, cấm đảm nhiệm chức vụ; mất công việc; thiệt hại về kinh tế; ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín.

- Đối với Nhà nước và xã hội: ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước; xâm phạm trật tự quản lí hành chính; gây rối loạn trật tự, an ninh, xã hội; lãng phí ngân sách nhà nước; gây bất ổn về chính trị khiến đất nước trì trệ, chậm phát triển.

3/ - Trường hợp vi phạm: Theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã phải công khai Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách một cách công khai, minh bạch, rõ ràng cho nhân dân theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, ông T là Chủ tịch UBND xã X lại không thực hiện việc công khai báo cáo ngân sách xã. Khi anh M (là người dân xã X) thắc mắc, yêu cầu ông T công khai về tình hình sử dụng ngân sách xã, ông T đã từ chối, đồng thời ông T lợi dụng chức vụ của mình để gây sức ép, khiến anh M gặp nhiều khó khăn trong công việc.

- Bài học: Cần nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Luyện tập 1

Trả lời Luyện tập 1 trang 85 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy cho biết các ý kiến sau đây đúng hay sai? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc các ý kiến và bày tỏ quan điểm đúng sai về ý kiến đó. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Sai. Vì công dân dưới 18 tuổi cũng có thể thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng những việc làm phù hợp độ tuổi của mình (ví dụ: học sinh có thể tham gia vào các tổ chức đoàn thể như Đoàn, Đội..; học sinh tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của bản thân tại địa phương như vấn đề bảo vệ môi trường, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao,...).

b. Sai. Vì ngoài bầu cử, người dân có thể thực hiện quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng nhiều hình thức khác như: bàn bạc, đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách của Nhà nước, vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự thảo luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước...

c. Đúng. Vì các hành vi vi phạm quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân sẽ gây nên hậu quả tiêu cực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước như: sai lệch kết quả bầu cử; gia tăng tình trạng tham ô, tham nhũng; hạ thấp uy tín của các cơ quan nhà nước; chất lượng hoạt động của các cơ quan suy giảm; nhân dân mất lòng tin vào bộ máy nhà nước;...

d. Đúng. Vì khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội, chúng ta sẽ góp phần phát hiện, khắc phục, xử lí những hành vi tiêu cực; đóng góp, xây dựng, phát triển xã hội và đất nước theo hướng tích cực (ví dụ: khiếu nại, tố cáo những hành vi sai trái; đóng góp ý kiến, giải pháp tích cực phát triển kinh tế - xã hội,...).

Luyện tập 2

Trả lời Luyện tập 2 trang 85 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Hành vi, việc làm của chủ thể dưới đây đã thực hiện đúng hay chưa đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội? Vì sao?

Phương pháp giải:

Đọc các trường hợp và phân tích hành vi, việc làm của chủ thể trong các trường hợp đó đã thực hiện đúng hay chưa đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Hành vi của bà Y chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Việc bà Y bỏ phiếu bầu cử thay các thành viên khác trong gia đình là không đúng quy định của pháp luật, khiến họ mất cơ hội thực hiện quyền dân chủ của mình.

b. Hành vi của lãnh đạo cơ quan nhà nước ở địa phương A đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội Hành vi này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở địa phương thực hiện tốt quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của mình.

c. Hành vi của chị V đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Hành vi này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và mang lại ý nghĩa tích cực, góp phần xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp

d. Hành vi của ông M chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội. Hành vi của ông M thể hiện thái độ không tôn trọng quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của những người cao tuổi trong thôn.

Luyện tập 3

Trả lời Luyện tập 3 trang 85 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy xử lí các tình huống sau:

Nếu là bạn của M, em sẽ làm gì để giúp đỡ bạn thực hiện tốt quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội ?

Nếu là X, em sẽ giải thích như thế nào để các bạn trong lớp hiểu việc làm đó là góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội?

Phương pháp giải:

Đọc các tình huống và xử lí tình huống.

Lời giải chi tiết:

- Tình huống a. Nếu là bạn của M, em sẽ giải thích để M hiểu trẻ em cũng có quyền được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề liên quan đến bản thân mình và khuyến khích M nên mạnh dạn phát biểu ý kiến vì những ý kiến đó có thể rất có ích cho hoạt động dạy và học của trường trong tương lai

- Tình huống b. Nếu là X, em sẽ giải thích cho các bạn trong lớp hiểu về quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội của công dân, hiểu việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi công dân, góp phần hoàn thiện căn cứ pháp lí để bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững và khuyến khích các bạn cùng tìm hiểu để tham gia góp ý, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình .

Luyện tập 4

Trả lời Luyện tập 4 trang 85 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em hãy liệt kê các việc làm của bản thân hoặc của gia đình mình nhằm góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Phương pháp giải:

Liệt kê các việc làm của bản thân hoặc của gia đình mình nhằm góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Lời giải chi tiết:

Một số việc làm của bản thân em và người thân nhằm góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia quản lí nhà nước và xã hội:

- Bản thân em đã tham gia vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của bản thân tại địa phương như: vấn đề bảo vệ môi trường, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao.

- Người thân của em:

+ Bố và mẹ em tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự thảo luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

+ Cả gia đình em đều tích cực thực hiện tìm hiểu thông tin về bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng theo quy định của pháp luật.

+ Ông em đã từng tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật tới cơ quan chức năng có thẩm quyền; không lan truyền, chia sẻ những thông tin tiêu cực.

Vận dụng

Trả lời Luyện tập trang 85 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Kết nối tri thức với cuộc sống

Em và các bạn hãy thiết kế và thực hiện một hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Phương pháp giải:

Thiết kế và thực hiện một hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Lời giải chi tiết:

(*) Gợi ý: Hoạt động viết bài tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó, chỉ khi nào người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động quản lý của Nhà nước thì việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền mới thực sự thành công.

Tuy nhiên, thực tế nhận thấy rằng, sự tham gia của người dân vào quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong việc tham gia quản lý nhà nước của nhân dân là do:

Trước hết, là từ nhận thức của xã hội, của những người quản lý. Mặc dù hiện nay tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đã được phổ biến trong xã hội, nhưng việc nhận thức đúng về tư tưởng này vẫn còn khoảng cách. Những người quản lý vẫn còn thiếu tin tưởng ở người dân, vẫn coi việc quản lý nhà nước là công việc riêng vốn có của Nhà nước mà không phải là nhiệm vụ của chính nhân dân trong việc quản lý xã hội. Ngược lại, chính người dân cũng coi đó chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, mà không phải là của mình. Vì lẽ đó, đã làm hạn chế sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước.

Thứ hai, những quy định pháp lý chưa đủ mạnh và rõ để các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan đại biểu phải thực hiện các nhiệm vụ mà nhân dân ủy quyền và để nhân dân kiểm soát sự ủy quyền của mình, cũng như để nhân dân tham gia trực tiếp nhiều hơn vào các công việc của Nhà nước. Cơ chế đại biểu phải gắn với cử tri bầu ra mình, cơ chế bắt buộc phải tiếp nhận và phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của cử tri, hoặc cơ chế công khai, minh bạch... vẫn còn chưa được quy định đủ rõ, đủ mạnh.

Thứ ba, ảnh hưởng của văn hóa hành chính cũ còn khá nặng. Đã có một thời gian dài ở Việt Nam, bộ máy nhà nước được xây dựng và hoạt động theo cơ chế tập trung, bao cấp. Các cơ quan nhà nước được xây dựng theo một mô hình thống nhất chung, đứng ra làm tất cả mọi việc cho nhân dân theo sự chỉ huy tập trung từ bên trên và đã mang lại nhiều kết quả cho người dân, vì thế nhân dân tin tưởng vào Nhà nước. Nhưng cũng từ thực tế đó, lâu dần đã hình thành nên tâm lý và văn hóa hành chính mà theo đó, các cơ quan, công chức coi việc xây dựng luật pháp, chính sách như là đặc quyền riêng của mình và vì thế các công việc của Nhà nước luôn khép kín, còn nhân dân ỷ lại, coi đó là công việc của Nhà nước, ít có quan tâm chung tới hoạt động của Nhà nước và các chính sách, nếu không có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cá nhân.

Thứ tư, trình độ dân trí, nhất là trình độ về pháp luật, của người dân còn rất hạn chế. Hiện nay không chỉ kiến thức pháp luật của người dân còn thấp mà sự chấp hành, ý thức, tinh thần pháp luật của người dân không cao. Chính vì vậy, khi tham gia vào các công việc quản lý nhà nước, người dân rất lúng túng.

Thứ năm, việc tổ chức các hình thức, phương thức tham gia của người dân được các cơ quan nhà nước thực hiện cũng chưa thật sự khoa học. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức xin ý kiến của người dân chưa thật sự hướng vào các đối tượng bị điều chỉnh. Việc tiếp thu giải quyết các vấn đề mà nhân dân nêu ra chậm và luôn bị tránh, né làm giảm lòng tin và nhiệt tình của người dân.

Thứ sáu, trình độ sử dụng công nghệ thông tin để tham gia góp ý cho các văn bản pháp luật của nhân dân còn thấp. Sự phổ cập báo chí điện tử mới giới hạn ở các thành phố và một số đối tượng - thường đã là cán bộ, công chức nhà nước.

Để đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, quản lý của Nhà nước trong thời gian tới, cần phải làm tốt các công việc chủ yếu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, có cơ chế huy động người dân tham gia vào quá trình quản lý của Nhà nước. Cần sửa đổi cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sao cho những người được bầu phải gắn bó với người dân, phản ánh được ý chí nguyện vọng của người dân, không còn đại diện chung chung, hình thức. Họ phải chịu sự giám sát của nhân dân, gắn trách nhiệm, lợi ích với sự tín nhiệm của nhân dân, khi không hoàn thành được vai trò đại diện quyền lợi và nguyện vọng của cử tri bầu cho thì họ phải bị bãi miễn. Nói một cách ngắn gọn, để sự tham gia quản lý nhà nước qua các cơ quan đại diện của dân có hiệu quả, cần chuyển các đại biểu được bầu của dân sang chế độ hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Tách bạch, không để vai trò lập pháp, đại biểu nhân dân và vai trò hành chính do cùng một cá nhân thực hiện. Mở rộng hình thức quyết định trực tiếp - trưng cầu dân ý, để toàn dân có quyền tham gia vào các công việc trọng đại của đất nước, của địa phương.

- Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước. Đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, mở rộng sự công khai, minh bạch, tạo cơ hội để người dân nắm được các công việc của Nhà nước để tham gia một cách chủ động, thiết thực, có hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và của công chức trong việc tiếp thu các ý kiến và nguyện vọng của nhân dân.

- Tiếp tục mở rộng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Mở rộng sự hình thành và tham gia của các hội, tổ chức phi chính phủ trong việc giải quyết các nhu cầu của nhân dân và tích cực tham gia vào công tác quản lý nhà nước. Có các cơ chế và phương thức để phát huy và tiếp nhận được các ý kiến phản biện của nhân dân và của các tổ chức quần chúng.

- Tiếp tục có biện pháp giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ, nhất là ý thức chính trị, tinh thần pháp luật của người dân, làm cho người dân tự giác và có ý thức hơn nữa trong việc tham gia vào các công việc xã hội và các hoạt động quản lý nhà nước.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tham gia của người dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật.

- Sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin đại chúng. Mở rộng việc sử dụng các báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp, tham gia của nhân dân.


Cùng chủ đề:

Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 8 trang 45 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 9 trang 54 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 10 trang 60 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 11 trang 68 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 12 trang 75 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 13 trang 81 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 14 trang 86 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 15 trang 94 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 16 trang 102 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 17 trang 108 SGK Kết nối tri thức
Giải giáo dục kinh tế và pháp luật 11 bài 18 trang 117 SGK Kết nối tri thức