Bài 9. Văn hóa tiêu dùng - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Em hãy chia sẻ cùng các bạn một số hành vi tiêu dùng có văn hoá ở Việt Nam.
Mở đầu
Trả lời câu hỏi trang 60 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy chia sẻ cùng các bạn một số hành vi tiêu dùng có văn hoá ở Việt Nam
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức thực tế của bản thân để chia sẻ về một số hành vi tiêu dùng có văn hoá ở Việt Nam
Lời giải chi tiết:
Một số hành vi tiêu dùng có văn hóa ở người Việt Nam:
- Mua sắm nhiều hàng hóa để phục vụ cho việc thờ cúng trong các dịp lễ, tết. Ví dụ như: bánh chưng, bánh giầy trong dịp Tết Nguyên đán; bánh trôi, bánh chay trong dịp tết Hàn thực; bánh nướng, bánh dẻo trong dịp tết Trung thu,…
- Người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, như: chợ làng, chợ huyện, chợ tại khu dân cư,… mặc dù hệ thống cửa hàng, siêu thị hiện đại đã được mở rộng trên cả nước.
- Thói quen tiêu dùng “tiết kiệm” (đặc biệt là cư dân ở vùng nông thôn).
- Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
- Sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường
? mục 1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 60 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc thông tin sau, trường hợp sau và trả lời câu hỏi
THÔNG TIN
Phát triển bền vững và xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh đang là xu hướng phổ biến trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Các doanh nghiệp chú trọng sản xuất xanh, tạo ra sản phẩm tốt cho sức khoẻ và lan toả lối sống xanh, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
(Theo Báo điện tử Chính phủ, Tiêu dùng bền vững: Xu hướng cần được doanh nghiệp nắm bắt để phát triển, ngày 14-9-2022)
Trường hợp
Trong quá trình phát triển, Công ty A luôn xác định mục đích của quá trình sản xuất là hướng đến người tiêu dùng. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm điện tử, thiết bị gia dụng thông minh tăng nhanh trong thời gian gần đây, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất, cung ứng các thiết bị, phụ kiện và dịch vụ sửa chữa đi kèm. Chính việc chuyển đổi mục đích sản xuất này đã giúp công ty mang về lợi nhuận cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
- Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh trong xã hội hiện nay có vai trò như thế nào?
- Theo em, tiêu dùng có vai trò gì đối với sự phát triển kinh tế và xã hội?
Phương pháp giải:
- Đọc thông tin, trường hợp và nêu được vai trò của xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh trong xã hội hiện nay.
- Nêu được vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Lời giải chi tiết:
- Vai trò của xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh:
+ Thúc đẩy các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng: sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường.
+ Góp phần lan tỏa lối sống xanh, và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
- Vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế:
+ Là mục đích, động lực của sản xuất, kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.
+ Thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.
- Đối với xã hội, tiêu dùng góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
? mục 2
Trả lời câu hỏi mục 2 trang 61 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu
THÔNG TIN
Văn hoá có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán, thói quen trong tiêu dùng. Những giá trị văn hoá đi sâu vào tâm lí, tạo ra các chuẩn mực, ảnh hưởng đến ý thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng. Khi tiêu dùng, mọi sở thích, mong muốn, tiêu chí lựa chọn hàng hoá,... đều phản ánh rõ nét những giá trị văn hoá của cộng đồng mà người đó đã và đang chịu ảnh hưởng.
Tập quán tiêu dùng biểu hiện ý nghĩa văn hoá của sự tiêu dùng: đúng - sai, tốt - xấu,... tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Tập quản tiêu dùng của xã hội và cá nhân trở thành văn hoá khi nó phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của một nhóm (cộng đồng) trong một không gian, thời gian cụ thể. Nét văn hoá này mang cả một chiều sâu triết lí, ý thức tiêu dùng bắt nguồn từ truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc. Văn hoá tiêu dùng là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá dân tộc, thể hiện các giá trị văn hoá của con người Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân và trong tiêu dùng sản phẩm.
(Theo Tạp chí Lí luận chính trị, Văn hoá tiêu dùng – một góc nhìn lí luận, ngày 24-10-2017)
- Em hãy xác định yếu tố hình thành văn hoá tiêu dùng trong các thông tin trên.
- Em hãy nêu cách hiểu của em về văn hoá tiêu dùng.
Phương pháp giải:
- Đọc thông tin và xác định yếu tố hình thành văn hoá tiêu dùng trong các thông tin trên.
- Nêu được khái niệm văn hoá tiêu dùng
Lời giải chi tiết:
- Các yếu tố hình thành văn hóa tiêu dùng trong thông tin trên:
+ Các giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc.
+ Tập quán và thói quen tiêu cùng của các cá nhân, cộng đồng.
+ Hoàn cảnh kinh tế - xã hội của một cộng đồng trong không gian và thời gian cụ thể.
- Khái niệm: Văn hoá tiêu dùng là tổng thể các yếu tố giá trị, chuẩn mực, tâm lí tạo nên tập quán tiêu dùng biểu hiện qua hành vi tiêu dùng của một cộng đồng nhất định
? mục 3
Trả lời câu hỏi mục 3 trang 62 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi
THÔNG TIN
Các sản phẩm và dịch vụ văn hoá không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện chức năng giải trí, mà còn góp phần thực hiện chức năng giáo dục, bồi đắp các giá trị thẩm mĩ, chức năng kế tục và phát triển lịch sử. Mỗi sản phẩm và dịch vụ văn hoá luôn chứa đựng giá trị văn hoá truyền thống cũng như giá trị văn hoá hiện đại của dân tộc. Vì vậy, với những sản phẩm và dịch vụ văn hoá lành mạnh, việc tiêu dùng chúng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của bản thân người sử dụng. Đó chính là chức năng giáo dục, định hướng giá trị, giải trí,... cho người tiêu dùng của các sản phẩm và dịch vụ văn hoá
(Theo Tạp chí Cộng sản, Phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hoá ở nước ta hiện nay, ngày 13-12-2021)
Trường hợp
Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có yếu tố "xanh", hữu cơ, có thể tái chế,... Công ty T đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chí xanh, sạch, mình bạch thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty Tluôn chọn lọc kĩ yếu tố đầu vào của sản xuất, không ngừng đối mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, đưa ra các chính sách khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng các sản phẩm. Điều đó góp phần bảo đảm sản xuất bền vững, thúc đẩy sự phát triển hài hoà kinh tế, văn hoá, xã hội.
- Văn hoá tiêu dùng có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và xã hội?
Phương pháp giải:
Nêu được vai trò của văn hóa tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Lời giải chi tiết:
Vai trò của văn hóa tiêu dùng:
- Góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống về tiêu dùng và tiếp thu các giá trị hiện đại.
- Văn hoá tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm.
? mục 4
Trả lời câu hỏi mục 4 trang 64 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp, quan sát biểu đồ và thực hiện yêu cầu
THÔNG TIN 1
Nhắc đến Tết, không thể không nhắc đến những hoạt động khác được tổ chức xung quanh ngày Tết như các trò chơi dân gian, những phiên chợ Tết, phiên chợ hoa. Các phiên chợ Tết, chợ hoa cũng được tổ chức vào mỗi dịp xuân về để tăng thêm sự rộn ràng và hương vị của ngày Tết. Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường diễn ra vào ba ngày chính, nhưng trước đó một tuần, người dân đã rậm rịch sắm Tết. Loài hoa đặc trưng mà người miền Bắc và miền Trung chơi Tết là hoa đào, còn người miền Nam lại chuộng hoa mai. Mâm ngũ quả cũng là một món đồ trang trí không thể thiếu của người Việt. Đây cũng là điểm khác biệt của hai miền Nam, Bắc. Bởi vì, đặc trưng mâm ngũ quả của người Bắc là bưởi, chuối, hồng, quýt và ớt. Còn miền Nam lại là những quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài,... Trong những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng có thể thấy được không khí rộn ràng, tất bật rất đặc trưng. Đặc biệt là trẻ con, háo hức vì được đi chơi, mua sắm quần áo mới.
(Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngày 28-1-2022)
THÔNG TIN 2
Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dẫn dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).
(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu, ngày 29-11-2021)
Trường hợp 1
Thu nhập của anh A tăng nhanh trong những năm gần đây, tác động đến hành vi tiêu dùng. Ngoài ra, giá cả cũng là yếu tố quan trọng trong những quyết định tiêu dùng của anh. Anh A tiêu dùng ngày càng thông minh và kĩ tỉnh hơn, quan tâm đến các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng.
Trường hợp 2
Chị T mong mỏi, tin tưởng vào hàng Việt Nam ngày càng có giá trị cao về thẩm mĩ và giá trị sử dụng, có thể cạnh tranh với sản phảm có nguồn gốc nước ngoài. Để làm được điều đó, theo chị T, Nhà nước cần tập trung vận động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm làm cho cầu và tiêu dùng tăng nhanh, tạo cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà thương mại nói chung phát triển sản xuất, cải tiến kĩ thuật, tái cơ cấu tổ chức,...
- Quan sát biểu đồ và cho biết sự thay đổi số lượng người mua sắm trực tuyến của Việt Nam qua các năm.
- Em hãy trình bày đặc điểm của văn hoá tiêu dùng Việt Nam thể hiện qua các thông tin, trường hợp trên
Phương pháp giải:
- Quan sát biểu đồ và cho biết sự thay đổi số lượng người mua sắm trực tuyến của Việt Nam qua các năm.
- Đọc các thông tin, trường hợp và trình bày đặc điểm của văn hoá tiêu dùng Việt Nam thể hiện qua các thông tin, trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
- Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 – 2020, số lượng người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam tăng 16,6 triệu người (từ mốc 32,7 triệu người – năm 2016, tăng lên mốc 49,3 triệu người – năm 2020).
- Sự gia tăng lượng người mua sắm trực tuyến diễn ra không đều theo các năm. Cụ thể:
+ 2016 – 2017, tăng 0,9 triệu người.
+ 2017 – 2018, tăng 6,3 triệu người.
+ 2018 – 2019, tăng 4,9 triệu người.
+ 2019 – 2020, tăng 5,1 triệu người.
- Đặc điểm của văn hoá tiêu dùng Việt Nam thể hiện qua các thông tin, trường hợp:
+ Thông tin 1. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam có tính kế thừa những truyền thống của dân tộc, mang bản sắc Việt Nam.
+ Thông tin 2. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam mang tính thời đại, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
+ Trường hợp 1. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam có tính hợp lí: tiêu dùng dựa trên giá cả hàng hóa, thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng.
+ Trường hợp 2. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam hướng tới các giá trị tốt đẹp.
? mục 5
Trả lời câu hỏi mục 5 trang 65 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi
THÔNG TIN
Căn cứ Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng: tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong tình hình mới; tạo sự thống nhất đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương về triển khai các nội dung Cuộc vận động; tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp; khơi dậy tình thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam; xây dựng văn hoá sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, nội dung trọng tâm của Cuộc vận động trong năm 2022 là tập trung vào công tác tuyên truyền; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, khảo sát. Tập trung vào các hoạt động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, khảo sát việc đăng kí nhãn hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất; hoạt động tạm nhập tái xuất; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỉ lệ hàng hoá có xuất xứ Việt Nam, về tỉ trọng hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống,... Một trong những hoạt động trọng tâm khác là tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
(Trích Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng, ngày 19-5-2021)
Trường hợp 1
Công ty M trong quá trình sản xuất và kinh doanh luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Vì vậy, họ tập trung cải tiến máy móc, dây chuyền sản xuất, chọn lọc những nguồn nguyên liệu chất lượng.... Từ khi thành lập, Công ty M đã giải quyết vấn đề việc làm cho hàng nghìn người lao động. Đồng thời, ngoài việc đóng thuế, công ty luôn gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích xã hội thông qua việc trích một khoản lợi nhuận để xây dựng đường sá, trường học, trao học bổng khuyến học cho những em học sinh các vùng khó khăn.
Trường hợp 2
Nhận thức được tác hại của túi ni lông với môi trường, chị T đã chuyển sang sử dụng túi vải khi đi chợ. Chị không còn mua sắm theo thói quen, sở thích. Chị ưu tiên mua và sử dụng hàng hoá do doanh nghiệp Việt Nam cung ứng, phù hợp với năng lực tài chính, nhu cầu của gia đình, tốt cho sức khoẻ, không gây hại môi trường và phù hợp chuẩn mực văn hoá chung. Bên cạnh đó, chị T còn vận động bạn bè, người thân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Nhà nước Việt Nam có những chính sách và biện pháp nào để xây dựng văn hoá tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng?
- Mục đích và ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt” là gì?
- Chủ thể trong các trường hợp trên đã làm gì để góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng?
Phương pháp giải:
- Đọc thông tin và cho biết Nhà nước Việt Nam có những chính sách và biện pháp nào để xây dựng văn hoá tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng.
- Nêu được mục đích và ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”.
- Đọc các trường hợp và chỉ ra những việc mà chủ thể trong các trường hợp đó đã làm để góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng
Lời giải chi tiết:
- Để xây dựng văn hoá tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng, nhà nước Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với các hoạt động trọng tâm là:
+ Tuyên truyền; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương
+ Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.
+ Xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
+ Khảo sát việc: đăng kí nhãn hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất; hoạt động tạm nhập tái xuất; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỉ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, về tỉ trọng hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống,...
+ Tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng.
+ Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
- Mục đích:
+ Khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam;
+ Kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt trên thị trường.
+ Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt.
- Ý nghĩa: góp phần xây dựng văn hoá sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.
- Trường hợp 1. Để góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng, công ty M đã đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội.
- Trường hợp 2. Để góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng, chị T đã sử dụng túi vải thay cho túi ni-lông; ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam cung ứng; mua các sản phẩm hàng hóa phù hợp với năng lực tài chính, nhu cầu của gia đình, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và chị T còn vận động người thân và bạn bè sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Luyện tập 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 66 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?
a. Khâu đầu tiên của quá trình tải sản xuất, động lực, mục đích của sản xuất là tiêu dùng
b. Tiêu dùng chỉ có vai trò thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng
c. Chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa hưởng tới lợi nhuận, vừa phải đáp ứng các giá trị tốt đẹp.
d. Doanh nghiệp biết phát huy các giá trị truyền thống và tiếp thu các giá trị hiện đại sẽ tạo được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường hội nhập quốc tế.
Phương pháp giải:
Đọc các nhận định và bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình về nhận định đó. Giải thích vì sao.
Lời giải chi tiết:
a. Đồng tình. Vì tiêu dùng được ví như “đơn đặt hàng” của xã hội đối với sản xuất, là mục đích, động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
b. Không đồng tình.Vì bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng; tiêu dùng còn mang lại lợi nhuận cho người sản xuất; kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển,…
c. Đồng tình. Vì một trong những đặc điểm của văn hóa tiêu dùng là hướng tới các giá trị tốt đẹp; đặc điểm này của văn hóa tiêu dùng đã tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
d. Đồng tình. Vì văn hóa tiêu dùng luôn có tính kế thừa và tính thời đại. Những đặc điểm này của văn hóa tiêu dùng đã tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm.
Luyện tập 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 67 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy nhận xét về việc làm của chủ thể kinh tế trong các trường hợp sau:
a. Chị B vận động các bạn tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
b. Chị A ưu tiên lựa chọn sản phẩm nhựa, sử dụng một lần vì sự tiện lợi.
c. Anh P lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mỗi khi mua sắm vì sự thuận tiện.
d. Doanh nghiệp M đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp khác trong xây dựng văn hoá tiêu dùng.
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và nhận xét về việc làm của chủ thể kinh tế trong các trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
a. Chị B đã có hành động tiêu dùng tích cực, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam trên thị trường, qua đó góp phần vào việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam.
b. Hành động tiêu dùng của chị A chưa phù hợp vì các sản phẩm nhựa, sử dụng một lần sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Chị A nên thay đổi thói quen tiêu dùng này.
c. Hành động của anh P đã cho thấy văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính thời đại.
d. Doanh nghiệp M đã có hành động đúng đắn, thiết thực và tích cực trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam.
Luyện tập 3
Trả lời câu hỏi 3 trang 67 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy xác định đặc điểm văn hoá tiêu dùng trong các trường hợp sau:
a. Gia đình chị A thường lựa chọn mua sắm hàng hoá ở các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo chị A, ưu điểm của kênh siêu thị so với các hình thức thương mại truyền thống trước tiên là giá cả hàng hoá được niêm yết, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhờ đó, tạo dựng sự tin tưởng và an tâm nhất định cho khách hàng. Tiếp đến là sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thương hiệu trong nước lẫn quốc tế, cùng các chương trình ưu đãi hấp dẫn luôn được cập nhật thường xuyên, công khai. Đây cũng chính là lí do khiến xu hướng tiêu dùng hiện đại đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các kênh siêu thị, trung tâm thương mại.
b. Trước đây, khi tiêu dùng, anh D chủ yếu quan tâm đến lợi ích đối với sức khoẻ, giá cả và niềm tin vào nhân hàng, thì nay có thêm yếu tố "tái chế. Anh ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có thể tái chế, sử dụng nhiều lần thay vì một lần. Mỗi ngày, anh đều chia sẻ trên trang mạng xã hội những thông tin khuyến khích mọi người nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tiêu dùng.
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và xác định đặc điểm văn hoá tiêu dùng trong các trường hợp đó
Lời giải chi tiết:
a. Văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính thời đại (thói quen, hình thức, cách thức tiêu dùng đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội).
b. Văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính hợp lí (tiêu dùng dựa trên giá cả, thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng) và tính giá trị (tiêu dùng hướng tới các giá trị tốt đẹp)
Luyện tập 4
Trả lời câu hỏi 4 trang 67 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy nhận xét về biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng của chủ thể trong các trường hợp sau:
a. Công ty A khi đưa ra chiến lược kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm luôn chú ý đến yếu tố mang tính truyền thống, bản sắc dân tộc và sức khoẻ người tiêu dùng.
Công ty A chú trọng đầu tư, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo.
b. Anh B cho rằng, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình; cần có kiến thức, thông tin nhất định về chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ,... trước khi ra quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về sản phẩm của doanh nghiệp, chúng ta cần báo với cơ quan có liên quan để giải quyết kịp thời.
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và nhận xét về biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng của chủ thể trong các trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
a. Công ty A đã có những hành động đúng đắn, thiết thực và tích cực trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Điều này thể hiện thông qua các chi tiết:
- Chú ý đến yếu tố truyền thống và sức khỏe người tiêu dùng trong chiến lược kinh doanh, quảng cáo sản phẩm.
- Chú trọng đầu tư, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng.
b. Anh B đã có hành động đúng đắn, thiết thực và tích cực trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc:
- Cân nhắc, tìm hiểu kĩ thông tin về sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm.
- Báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sản phẩm của doanh nghiệp.
Luyện tập 5
Trả lời câu hỏi 5 trang 68 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy xử lí các tình huống sau:
a. Em và bạn A vào nhà hàng tự chọn. bạn A có thói quen lấy nhiều thức ăn nhưng không sử dụng hết. Điều này khiến nhân viên nhà hàng rất khó chịu
b. Chị B rất thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Chị thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng thanh toán trực tuyến để mua nhiều món hàng mới lạ, độc đáo để khoe với bạn bè dù không có nhu cầu sử dụng.
Câu hỏi:
- Em sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào với bạn A?
- Nếu là người thân, em sẽ đưa ra lời khuyên gì cho chị B?
Phương pháp giải:
Đọc các tình huống và xử lí tình huống.
Lời giải chi tiết:
- Lời khuyên cho bạn A: Việc lấy nhiều thức ăn nhưng không sử dụng hết là thói quen tiêu dùng chưa hợp lí.Vì hành động này khiến chúng ta tiêu tốn nhiều chi phí hơn, mặt khác cũng gây lãng phí thức ăn. Do đó, A nên thay đổi thói quen tiêu dùng này, chỉ nên lấy một lượng thức ăn vừa đủ, phù hợp với nhu cầu của bản thân.
- Lời khuyên cho chị B: Việc mua nhiều hàng hóa nhưng không sử dụng đến là thói quen tiêu dùng chưa hợp lí.Vì hành động này khiến chúng ta tiêu tốn nhiều chi phí hơn, mặt khác, cũng gây ra sự lãng phí. Do đó, chị B nên thay đổi thói quen tiêu dùng này, rèn luyện cho mình những thói quen tiêu dùng tích cực, ví dụ như:
+ Lập kế hoạch quản lí chi tiêu một cách hợp lí.
+ Chỉ mua những hàng hóa thực sự cần và trong khả năng chi trả của bản thân.
+ Cân nhắc, tìm hiểu kĩ thông tin về sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm.
Vận dụng 1
Trả lời câu hỏi 1 trang 68 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy sưu tầm và chia sẻ thông tin, câu chuyện về văn hoá tiêu dùng.
Phương pháp giải:
Sưu tầm và chia sẻ thông tin, câu chuyện về văn hoá tiêu dùng.
Lời giải chi tiết:
Xây dựng văn hóa tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.
Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023.
Theo đó, Chương trình nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.
Đồng thời, vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.
Góp phần thực hiện theo tinh thần, chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2023: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước
Chương trình cũng nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn tổng công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm trong sự nghiệp phát triển ngành Công Thương.
Đồng thời, tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề chế biến, chế tạo. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa
Phát triển nền tảng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số cho các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử, các nền tảng số.
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kết hợp phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.
Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Vận dụng 2
Trả lời câu hỏi 2 trang 68 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy vẽ tranh tuyên truyền với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phương pháp giải:
Vẽ tranh tuyên truyền với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Lời giải chi tiết: