Giải hoạt động cơ bản – Bài 4A: Làm người chính trực — Không quảng cáo

Giải sách VNEN Tiếng Việt lớp 4 tập 1, tập 2 Bài 4A: Làm người chính trực


A. Hoạt động cơ bản - Bài 4A: Làm người chính trực

Giải bài 4A: Làm người chính trực phần hoạt động cơ bản trang 40, 41, 42, 43 sách VNEN tiếng việt 4 với lời giải dễ hiểu

Câu 1

Quan sát tranh, trả lời câu hỏi:

- Bức tranh vẽ cảnh gì?

- Hình ảnh búp măng trên lá cờ Đội có ý nghĩa gì?

Phương pháp giải:

Em hãy quan sát hoạt động của các bạn nhỏ trong bức tranh và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Quan sát bức tranh em thấy:

- Bức tranh vẽ cảnh các bạn đội viên đang chào cờ, đó là một trong những hoạt động nghi thức Đội.

- Hình ảnh búp măng non trên lá cờ có ý nghĩa:  bạn đội viên là tương lai, mầm non của đất nước, thể hiện cho sự trung thực, thẳng thắn.  Đó là thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam anh hùng

Câu 2

Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:

Một người chính trực

1. Tô Hiến Thành làm quan triều Lý, nổi tiếng là người chính trực.

Năm 1175, vua Lý Anh Tông mất, di chiếu cho Tô Hiến Thành phò tá thái tử Long Cán, con bà thái hậu họ Đỗ, lên ngôi. Nhưng bà Chiêu Linh thái hậu lại muốn lập con mình là Long Xưởng. Bà cho người đem vàng bạc đút lót vợ Tô Hiến Thành để nhờ ông giúp đỡ. Tô Hiến Thành nhất định không nghe, cứ theo di chiếu lập Long Cán làm vua. Đó là vua Lý Cao Tông.

2. Phò tá Cao Tông được 4 năm, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ trên giường bệnh. Còn gián nghị đại phu Trần Trung Tá do bận nhiều công việc nên không mấy khi tới thăm Tô Hiến Thành được.

3. Một hôm, Đỗ thái hậu và vua tới thăm ông, hỏi:

- Nếu chẳng may ông mất thì ai sẽ là người thay ông?

Tô Hiến Thành không do dự, đáp:

- Có gián nghị đại phu Trần Trung Tá.

Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

- Vũ Tán Đường hết lòng vì ông, sao không tiến cử?

Tô Hiến Thành tâu:

- Nếu Thái Hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước, thần xin cử Trần Trung Tá.

( Theo Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng)

Câu 3

Đọc lời giải nghĩa.

- Chính trực: ngay thẳng.

- Di chiếu: lệnh (viết) của vua truyền lại trước khi mất.

- Thái tử: con trai của vua được chọn để nối ngôi cha.

- Thái hậu: mẹ của vua.

- Phò tá: theo bên cạnh một người bậc trên để giúp đỡ

- Tham tri chính sự: chức quan dưới tể tướng, cùng bàn công việc triều đình với tể tướng.

- Gián nghị đại phu: chức quan giữ việc can ngăn vua để vua không làm điều trái.

- Tiến cử: giới thiệu người có tài có đức để cấp trên cho lựa chọn.

Câu 4

Cùng luyện đọc.

Câu 5

Thảo luận, trả lời câu hỏi (chọn ý đúng để trả lời):

1) Sự chính trực của ông Tô Hiến Thành thể hiện như thế nào trong việc lập ngôi vua?

a. Không nhận của đút lót để lập Long Xưởng làm vua mà theo di chiếu, lập Thái tử Long Cán làm vua.

b. Đưa ra bàn bạc công khai trong triều đình để chọn người lên làm vua.

c. Không theo di chiếu mà cứ lập một người thân tín lên làm vua.

2) Sự chính trực của ông Tô Hiến Thành thể hiện như thế nào trong việc tìm người giúp nước?

3) Những dòng nào nêu đúng lí do nhân dân ca ngợi những người chính trực như ông Tô Hiến Thành?

a. Người chính trực bao giờ cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích riêng.

b. Người chính trực bao giờ cũng thẳng thắn, tôn trọng sự thật.

c. Người chính trực tài giỏi trong việc chỉ huy quân sĩ trên trận mạc.

Lời giải chi tiết:

1) Trong việc lập ngôi vua, sự chính trực của ông Tô Hiến Thành thể hiện: Không nhận của đút lót để lập Long Xưởng làm vua mà theo di chiếu, lập Thái tử Long Cán làm vua.

Đáp án: a

2) Trong việc tìm người giúp nước, sự chính trực của ông Tô Hiến Thành thể hiện ở việc ông tiến cử những người có đủ đức, đủ tài.

3) Những dòng nêu đúng lí do nhân dân ca ngợi những người chính trực như ông Tô Hiến Thành là:

a. Người chính trực bao giờ cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích riêng.

b. Người chính trực bao giờ cũng thẳng thắn, tôn trọng sự thật.

Câu 6

Tìm hiểu về từ ghép từ láy .

- Đọc những câu thơ sau và cho biết: Cấu tạo của những từ phức được in đậm trong các câu thơ có gì khác nhau?

Tôi nghe truyện cổ / thầm thì

Lời ông cha dạy cũng vì đời sau.

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể

Núi dựng cheo leo , hồ lặng im

Lá rừng với gió ngân se sẽ

Hoạ tiếng lòng ta với tiếng chim.

(Hoàng Trung Thông)

Phương pháp giải:

( Gợi ý:

+ Từ phức nào do những tiếng có nghĩa tạo thành?

+ Từ phức nào do những tiếng có âm đầu hoặc vần lặp lại nhau tạo thành?)

Lời giải chi tiết:

Sự khác nhau trong cấu tạo của những từ phức là:

- Các từ phức: truyện cổ, ông cha, lặng im do những tiếng có nghĩa tạo thành

- Các từ phức: thầm thì, chầm chậm, cheo leo, se sẽ do những tiếng có âm đầu hoặc vần lặp lại:

Ví dụ khác:

- Từ ghép: khỏe mạnh, học tập, quần áo, sách vở, trường học,…

- Từ láy: tươi tắn, khỏe khoắn, râm ran, xôn xao,…

Ghi nhớ


Cùng chủ đề:

Giải hoạt động cơ bản – Bài 2A: Bênh vực kẻ yếu
Giải hoạt động cơ bản – Bài 2B: Cha ông nhân hậu tuyệt vời
Giải hoạt động cơ bản – Bài 2C: Đáng yêu hay đáng ghét
Giải hoạt động cơ bản – Bài 3A: Thông cảm và chia sẻ
Giải hoạt động cơ bản – Bài 3B: Cho và nhận
Giải hoạt động cơ bản – Bài 4A: Làm người chính trực
Giải hoạt động cơ bản – Bài 4B: Con người Việt Nam
Giải hoạt động cơ bản – Bài 4C: Người con hiếu thảo
Giải hoạt động cơ bản – Bài 5A: Làm người trung thực, dũng cảm
Giải hoạt động cơ bản – Bài 5C: Ở hiền gặp lành
Giải hoạt động cơ bản – Bài 6A: Dũng cảm nhận lỗi