Giải Tiếng Việt trang 21 sách bài tập Ngữ văn 8 tập 2- Chân trời sáng tạo
Biệt ngữ xã hội được tạo ra với mục đích gì? Trong các trường hợp sau, trường hợp nào có thể dùng, trường hợp nào nên dùng biệt ngữ xã hội của giới trẻ? Vì sao?
Câu 1
Câu 1 (trang 21, SBT Ngữ Văn 8, tập hai) :
Biệt ngữ xã hội được tạo ra với mục đích gì?
Phương pháp giải:
Đọc phần Tri thức ngữ văn trong sách giáo khoa, phần Biệt ngữ xã hội: chức năng và giá trị để xác định mục đích tạo ra biệt ngữ.
Lời giải chi tiết:
Biệt ngữ xã hội gắn liền với môi trường và bản thân tầng lớp xã hội tạo ra nó. Mục đích sáng tạo ra biệt ngữ chính là để giữ bí mật trong phạm vi nhóm của mình.
Câu 2
Câu 2 (trang 21, SBT Ngữ Văn 8, tập hai)
Đề bài:
Trong các trường hợp sau, trường hợp nào có thể dùng, trường hợp nào nên dùng biệt ngữ xã hội của giới trẻ? Vì sao?
a. Trò chuyện với các bạn về một vài chuyện mới xảy ra ở trường, lớp
b. Viết thư tự giới thiệu về bản thân để xin cấp học bổng đi du học.
c. Viết bản tin cho trang báo online của trường nhân sự kiện ngày hội học sinh.
d. Viết đơn xin phép nghỉ học gửi giáo viên chủ nhiệm lớp.
Phương pháp giải:
Đọc phần Tri thức ngữ văn trong sách giáo khoa, phần Biệt ngữ xã hội: chức năng và giá trị để xác định những trường hợp phù hợp nên dùng biệt ngữ xã hội của giới trẻ.
Lời giải chi tiết:
a. Trò chuyện với các bạn về một vài chuyện mới xảy ra ở trường, lớp:
- Có thể sử dụng biệt ngữ.
- Lí do: Đây là tình huống giao tiếp hằng ngày, không theo nghi thức, đối tượng giao tiếp là bạn bè (những người cùng nhóm) nên có thể sử dụng biệt ngữ xã hội (biệt ngữ của giới trẻ).
b. Viết thư tự giới thiệu về bản thân để xin cấp học bổng đi du học:
- Không thể sử dụng biệt ngữ xã hội
- Lí do: Biệt ngữ xã hội của giới trẻ có phạm vi giao tiếp hạn chế, chủ yếu được dùng trong tầng lớp xã hội tạo ra nó và trong hoàn cảnh giao tiếp không theo nghi thức (sinh hoạt hằng ngày). Vì vậy, nếu sử dụng biệt ngữ xã hội trong bức thư tự giới thiệu về bản thân để xin cấp học bổng thì sẽ không phù hợp.
c. Viết bản tin cho trang báo online của trường nhân sự kiện ngày hội học sinh:
- Có thể sử dụng biệt ngữ (với mức độ nhất định, tùy thuộc vào mục đích viết bài và đối tượng độc giả).
- Lí do: Nếu viết bản tin dành cho giới trẻ thì có thể sử dụng biệt ngữ xã hội của giới trẻ (với một mức độ nhất định). Điều này sẽ giúp bài viết hấp dẫn độc giả hơn.
d. Viết đơn xin phép nghỉ học gửi giáo viên chủ nhiệm lớp
- Không thể sử dụng biệt ngữ
- Lí do: Đơn xin nghỉ học là văn bản hành chính. Loại văn bản này không chấp nhận biệt ngữ hoặc các từ ngữ dùng trong sinh hoạt hằng ngày.
Câu 3
Câu 3 (trang 21, SBT Ngữ Văn 8, tập hai) :
Đọc đoạn trích sau và thực hiện những yêu cầu bên dưới:
Lúc này, người đi chợ đã khá đông, nắng hoe vàng vươn những cảnh tay của mình xua tan màn sương bàng bạc. Sương ẩm cả nền đất, sương đọng cả nhành cây ngọn lá. Con Vện lơ ngơ ngó, giật mình khi chạm nhẹ sương ướt, khẽ rên nhẹ. Nó trở nên nhanh nhẹn hẳn khi có vị khách đầu tiên đến hàng, bốn chân nó luýnh quýnh chạy quanh như mừng rỡ lắm. Nội tôi nhanh tay làm một hình Tôn Ngộ Không theo yêu cầu của thằng nhóc da đen nhẻm, tóc phẩt phơ râu ngô đúng kiểu trẻ trâu trông rất buồn cười.
Nhận những tờ tiền lẻ nhàu nhĩ từ thằng bé, nội vuốt lại thật phẳng trước khi xếp cất. Thằng bé cười khoe hàm răng vừa sún vừa sâu rồi ngậm cái còi gắn trên đầu Tôn Ngộ Không thổi te te. Trước khi quay đầu chạy rời đi, nó còn hí hửng khoe với tôi kì thi vừa rồi may mà trúng tủ, không bị ăn ghi đông, ghế đẩu nên được mẹ cho tiền quà rất xôm.
(Võ Thu Hương, Khi tò he biết khóc )
a. Tìm biệt ngữ xã hội của giới trẻ trong đoạn trích trên.
b. Việc sử dụng biệt ngữ của giới trẻ trong đoạn trích có tác dụng gì?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích, xác định từ khóa của từng câu hỏi và thực hiện những yêu cầu đó dựa vào thông tin khai thác từ đọan trích.
Lời giải chi tiết:
a. Các biệt ngữ xã hội của giới trẻ có trong đoạn trích: trẻ trâu, ghi đông, ghế đẩu.
b. Việc sử dụng biệt ngữ của giới trẻ trong đoạn trích có tác dụng: làm cách diễn đạt trở nên gần gũi với giới trẻ, làm cho câu chuyện trở nên chân thật hơn.
Câu 4
Câu 4 (trang 22, SBT Ngữ Văn 8, tập hai) :
Tìm ít nhất ba biệt ngữ xã hội và điền thông tin vào bảng dưới đây (làm vào vở):
STT |
Biệt ngữ xã hội |
Nhóm người sử dụng |
Ý nghĩa |
1 |
|||
2 |
|||
3 |
Phương pháp giải:
Có thể tìm biệt ngữ xã hội trên báo chí, trong các tác phẩm văn chương hoặc trong đòi sống hằng ngày và hoàn thành bảng đã cho.
Lời giải chi tiết:
STT |
Biệt ngữ xã hội |
Nhóm người sử dụng |
Ý nghĩa |
1 |
gét gô |
giới trẻ |
đi nào, đi thôi (cách phát âm sai cụm từ Tiếng Anh “let’s go”) |
2 |
xu cà na |
giới trẻ |
kém may mắn, xui xẻo |
3 |
ô dề |
giới trẻ |
làm lố, làm quá, không giống ai |
Câu 5
Câu 5 (trang 22, SBT Ngữ Văn 8, tập hai) :
Xác định thành ngữ trong bài thơ sau và nêu tác dụng của thành ngữ ấy:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Hồ Xuân Hương, Bánh trôi nước)
Phương pháp giải:
Đọc bài thơ và xác định được thành ngữ dựa vào vốn hiểu biết của bản thân về thành ngữ, hoặc tham khảo sách báo…
Lời giải chi tiết:
- Trong bài thơ, tác giả sử dụng thành ngữ bảy nổi ba chìm (thành ngữ tương tự: ba chìm bảy nổi ).
- Việc sử dụng thành ngữ bảy nổi ba chìm có tác dụng:
+ Diễn tả chân thực hình ảnh bánh trôi nước: Khi được đem thả vào nồi nước sôi, ban đầu, bánh trôi chìm xuống, sau đó dần nổi lên trên mặt nước.
+Chỉ cuộc đời người phụ nữ trong xã hội xưa cũng long đong, chìm nổi như bánh trôi nước. Cách diễn đạt này làm cho câu thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc hơn.