Hoạt động 4. Tìm hiểu biểu hiện của sự tự chủ, lòng tự trọng và ý chí vượt khó trang 19 SGK trải nghiệm hướng nghiệp lớp 10 Cánh Diều
Thảo luận và chỉ ra biểu hiện của sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó trong các tình huống sau
Câu 1
Thảo luận và chỉ ra biểu hiện của sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó trong các tình huống sau:
Phương pháp giải:
Dựa vào từng tình huống nêu lên biểu hiện của sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó:
+ Phân tích hoàn cảnh từng tình huống
+ Tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó ở điểm nào? Dấu hiệu ra sao?
Lời giải chi tiết:
+ Biểu hiện của sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó:
- Tình huống 1: Dù đang ao ước có một chiếc điện thoại để dùng nhưng Hà quyết định nộp lại chiếc điện thoại trong ngăn bàn lớp cho bác bảo vệ và báo cho cô chủ nhiệm.
=> Hành động này cho thấy Hà là người có lòng tự trọng, không tham lam và trung thực.
- Tình huống 2: Khi biết được người bạn lan truyền tin đồn không đúng về mình, Nga đã tự chủ, chủ động đến nói chuyện thẳng thắn.
=> Đây là hành động cho thấy sự tự chủ trong nhận thức, hành vi. Dù gặp trường hợp không tốt nhưng bạn vẫn giữ bình tĩnh, chủ động giải quyết vấn đề bằng đầy văn minh, lịch sự.
- Tình huống 3 : Dù hàng ngày phải vượt qua con đường dài, lởm chởm đất đá, dù còn phải lo lắng công việc gia đình nhưng Thanh vẫn cố gắng vươn lên trong học tập.
=> Ý chí vượt khó của bạn được biểu hiện ngay trong việc bạn không ngại khó, ngại khổ để hoàn thành tốt việc học tập của mình trên trường và giúp đỡ gia đình.
Câu 2
Trao đổi về cách thức thể hiện sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó.
Phương pháp giải:
Cách thức thể hiện sự tự chủ, lòng tự trọng, ý chí vượt khó:
+ Tự chủ: trong học tập và giao tiếp ra sao? Trước khi làm việc gì thì tự chủ được biểu hiện như thế nào?...
+ Tự trọng: tự trọng khi gặp va quệt khi tham gia giao thông như thế nào? Trong ăn nói và trang phục hàng ngày ra sao?
+ Ý chí vượt khó: khi gặp khó khăn có cách ứng xử, giải quyết ra sao? Tinh thần, ý chí như thế nào để đạt được mục tiêu đã đạt ra?
Lời giải chi tiết:
+ Tự chủ:
- Trong học tập: Cân nhắc trước khi làm một việc gì, thay đổi kế hoạch tuỳ theo công việc cụ thể, tự ý thức là khi nào làm xong bài tập mới đi chơi,…
- Trong giao tiếp: Luôn từ tốn trong nói năng, cư xử với mọi người, bình tĩnh suy xét sự việc trước khi đưa ra ý kiến,…
+ Tự trọng:
- Lỡ va quệt xe cộ vào người đi đường thì đỡ người ta dậy, hỏi han và xin lỗi, hoặc đưa vào bệnh viện;
- Đi xe không lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, thực hiện tốt văn hóa giao thông;
- Ăn nói và trang phục lịch sự, khiêm nhường;
+ Ý chí vượt khó:
- Luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, mưu sinh, vừa học vừa làm, tự mở cho mình con đường đến tương lai tốt đẹp.
- Những người bị bệnh tật hiểm nghèo hoặc bị khiếm khuyết trên thân thể: cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, cố gắng tập luyện, làm những việc có ích.
Câu 3
Chia sẻ những khó khăn khi thể hiện sự tự chủ, lòng tự trọng và ý chí vượt khó để đạt mục tiêu đề ra.
Phương pháp giải:
Nêu ra những khó khăn khi thể hiện sự tự chủ, lòng tự trọng và ý chí vượt khó:
+ Các thiết bị công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình làm việc và sự tự chủ?
+ Hoàn cảnh quá khắc nghiệt có tác động đến ý chí vượt khó hay không?
+ Yếu tố nào thường ảnh hưởng trực tiếp đến việc thể hiện lòng tự trọng?
Lời giải chi tiết:
Những khó khăn khi thể hiện sự tự chủ, lòng tự trọng và ý chí vượt khó để đạt mục tiêu đề ra:
+ Các thiết bị công nghệ thông minh như: laptop, điện thoại… cùng các thông tin trên mạng xã hội dễ thu hút, khiến mọi người mất đi sự tự chủ, xao nhãng việc mình đang làm.
+ Hoàn cảnh quá khó khăn, không thể khắc phục ngay ở hiện tại, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tài chính dễ khiến con người bỏ cuộc mục tiêu, kế hoạch mà bản thân đặt ra trong tương lai.
+ Thiếu tự tin và niềm tin rằng những người khác tốt hơn mình, nỗi sợ thất bại là một trong những yếu tố ảnh hưởng đặc biệt đến việc thể hiện lòng tự trọng của mọi người trong cuộc sống.