Giải VBT đạo đức 3 bài 2: Giữ lời hứa — Không quảng cáo

Giải vở bài tập Đạo đức lớp 3 Vở bài tập đạo đức 3 - Học kì 1


Bài 2: Giữ lời hứa

Giải vở bài tập đạo đức lớp 3 bài 2 trang 5, 6, 7, 8, 9 giữ lời hứa với lời giải ngắn gọn nhất.

Bài 6

Em có tán thành các ý kiến dưới đây không ? Vì sao ?

a) Không nên hứa hẹn với ai bất cứ điều gì.

b) Chỉ nên hứa những điều mình có thể thực hiện được.

c) Có thể hứa mọi điều, còn thực hiện được hay không thì không quan trọng.

d) Giữ lời hứa là tự trọng và tôn trọng người khác.

đ) Người biết giữa lời hứa sẽ được mọi người tin cậy, tôn trọng.

e) Cần xin lỗi và giải thích rõ lí do khi không thể thực hiện được lời hứa.

g) Cần giữ lời hứa với tất cả mọi người.

h) Chỉ cần thực hiện lời hứa với người lớn tuổi.

Lời giải chi tiết:

a) Tán thành vì không nên hứa hẹn với ai bất cứ điều gì khi mình không thể thực hiện được.

Không tán thành khi việc mình hứa có thể thực hiện được.

b) Tán thành.

Nếu không thể thực hiện được thì đừng nên hứa bởi khi đó lời hứa sẽ mất giá trị và mọi người sẽ mất lòng tin ở bạn.

c) Không tán thành.

Đã hứa thì phải làm được nếu không lòng tin của mọi người với bạn sẽ sụt giảm.

d) Tán thành.

Người được thực hiện lời hứa sẽ cảm thấy mình được người thực hiện lời hứa tôn trọng.

đ) Tán thành.

Nếu biết giữ lời hứa bạn sẽ được người khác tôn trọng.

e) Tán thành.

Khi không thể thực hiện được lời hứa cần xin lỗi và giải thích để người được hứa cảm thấy thoải mái và được tôn trọng.

g) Tán thành.

Dù là với ai cũng nên giữ lời hứa nhưng không nhất thiết phải giữ lời hứa cho những việc làm không tốt.

h) Không tán thành.

Cần giữ lời hứa với mọi người dù ở bất kì độ tuổi nào, bạn cần sự tôn trọng cũng cần tôn trọng tất cả mọi người.

Bài 7

Hãy sưu tầm và trao đổi với các bạn trong nhóm, trường lớp về các câu chuyện hoặc tấm gương biết giữ lời hứa.

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện 1:

Ông Benard vừa bước ra phố thì một cậu bé chừng hơn mười tuổi ăn mặc rách rưới, mặt mũi gầy gò, xanh xao chạy tới ông, chìa những bao diêm khẩn khoản xin ông mua giúp. Ông Benard mở ví tiền và chép miệng: “Rất tiếc là ta không có xu lẻ nào cả”. Cậu bé nài nỉ: “Thưa ông, ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng, cháu chạy vào cửa hiệu ở đầu phố để đổi rồi trả lại cho ông số tiền thừa”.

Ông Benard chăm chú nhìn cậu bé và lưỡng lự hỏi: “Thật chứ?”. Cậu bé ngẩng cao mặt, gật đầu đáp: “Thưa ông, thật ạ. Cháu không phải là một đứa dối trá”. Nét mặt của cậu bé trông rất cương trực với ánh mắt đầy tự tin làm ông Benard đồng ý và đưa cho cậu bé một đồng tiền vàng. Cậu bé chạy ngay đi còn ông đứng đợi.

Nhưng 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút trôi qua mà vẫn không thấy cậu bé trở lại, ông Benard bắt đầu nghi ngờ và nửa tiếng sau cũng chẳng thấy đâu, ông Benard bỏ đi và nhủ: “Lần sau nhất định mình không thể tin mấy đứa trẻ đường phố này được!”.

Vài giờ sau, khi về nhà, ông Benard ngạc nhiên thấy một cậu bé trông rất giống cậu bé bán diêm nhưng nhỏ tuổi hơn đang đợi trước cửa nhà mình. Thấy ông Benard cậu bé lễ phép hỏi: “Thưa ông, có phải khi nãy ông có đưa cho anh Garo một đồng tiền vàng không ạ?”. Ông Benard khẽ gật đầu. Cậu bé nói tiếp: “Thưa ông, đây là số tiền thừa, anh Garo nhờ cháu mang đến trả ông. Anh Garo là anh cháu, chúng cháu mồ côi, anh cháu không thể mang tiền trả ông được… vì anh ấy bị xe chẹt… đang nằm ở nhà và…anh ấy sắp chết rồi…”.

Cậu bé không nói được tiếp vì nấc liên hồi rồi oà lên nức nở. Ông Benard sững sờ, ông như nghẹt thở vì hối hận. Ông giục cậu bé đưa mình tới gặp Garo. Chui vào căn lều rách nát và ẩm thấp dưới chân một cây cầu, ông Benard nhận ra cậu bé bán diêm nằm bất động giữa một đống giẻ rách, mặt trắng bệch, người đầy máu, hơi thở thoi thóp. Ông Benard cầm lấy bàn tay lạnh ngắt, cậu bé Garo mở mắt ra nhìn ông thều thào: “Em Charly đã trả lại tiền cho ông rồi chứ, cháu không phải là đứa dối trá mà”. Nói xong cậu bé Garo nấc lên rồi từ từ rời xa cuộc sống.

Ông Benard nhận nuôi cậu bé Charly và ông luôn lấy Garo để làm tấm gương dạy dỗ con cháu mình rằng: Sống trên đời dù nghèo đói, khó nhọc hay thậm chí cái chết cận kề thì cũng phải giữ cho tâm hồn mình trong sạch và cao thượng, đó chính là sống đẹp.

Câu chuyện 2:

Trước đây, ở phía nam dãy Himalaya Nepal, rất ít người nước ngoài đến thăm. Nhưng sau đó, một số lượng lớn du khách Nhật Bản đã đến thăm nơi đây, nguyên nhân là do một cậu bé ở Nepal đã giữ lời hứa của mình. Hơn mười năm trước, vào một ngày nọ, một số nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã đến thăm các khu vực núi non của Nepal để chụp ảnh cho các dự án của họ. Họ đã đến một ngôi làng ở độ cao 1500 mét. Các làng đều không có nước, điện, không có đường cho xe du lịch. Sau khi họ làm việc chăm chỉ, họ muốn uống một chút bia. Vì họ đã phải đi con đường núi hiểm trở nên họ đã không thể mang theo ngay cả một chai bia để cho hành lý nhẹ nhàng nhất có thể. Có một thiếu niên tên là Qi Duoli trong làng. Thông qua thông dịch viên, Qi nói với các nhiếp ảnh gia rằng cậu có thể đi xuống một ngôi làng nhỏ ở chân núi để mua bia Đức cho họ. Các nhiếp ảnh gia đã rất ngần ngại lúc đầu, bởi vì đường đi rất xa. Nhưng cậu bé khăng khăng rằng cậu sẽ đi nhanh chóng và trở lại trước khi trời tối.

Như đã hứa chắc, Qi trở về trước khi trời tối với năm chai bia trong túi vải nhỏ của mình. Ngày hôm sau, Qi lại tình nguyện đi mua bia cho các nhà nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia đã đưa cậu nhiều tiền hơn và một túi vải lớn hơn. Tuy nhiên, Qi đã không trở lại đêm đó.

Sáng hôm sau khi các nhiếp ảnh gia hỏi thăm cậu bé, dân làng nói với họ rằng có thể Qi đã mang tiền bỏ chạy, bởi vì nhà của Qi trong làng khác và cậu ta chỉ đi học ở đây thôi. Các nhà nhiếp ảnh đã rất hối tiếc nhẽ ra họ không nên vấy bẩn sự tinh khiết của một đứa trẻ bằng tiền. Nhưng vào giữa đêm, họ nghe một tiếng gõ cửa. Khi họ mở cửa, họ thấy Qi với bộ quần áo rách toạc đầy bùn và trên người cậu có nhiều vết bầm tím. Qi giải thích rằng cậu chỉ có thể mua bốn chai bia tại ngôi làng đầu tiên và cậu đã phải leo qua một ngọn núi tới một ngôi làng khác để mua thêm sáu chai. Nhưng không may, cậu bị ngã và làm vỡ ba chai bia Đức. Qi sau đó trao trả bia, tiền lẻ và những mảnh thủy tinh vỡ cho họ. Các nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã rất xúc động đến nỗi che mặt lại và khóc, có lẽ họ xấu hổ bởi những nghi ngờ đối với sự trung thực của Qi. Khi câu chuyện dần dần lan rộng ở Nhật Bản, tất cả những người nghe được câu chuyện vô cùng cảm động và muốn gặp người thiếu niên đơn giản biết giữ lời hứa của mình, và muốn tới miền núi nơi cậu lớn lên. Kết quả là, khu vực này đã ngày càng có nhiều hơn và nhiều hơn nữa khách du lịch Nhật Bản.

Nói lời phải giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

Lí thuyết

Kiến thức cần nhớ

Giữ lời hứa là thực hiện đúng điều mình đã nói, đã hứa hẹn. Người biết giữ lời hứa sẽ được mọi người tin cậy và tôn trọng.

Bài 1

a) Đọc truyện.

Chiếc vòng bạc

Hổi ở Pác Bó, một hôm Bác Hồ đi công tác xa, có một em bé trong số các em thường ngày quấn quýt bên Bác, vòi Bác mua cho một chiếc vòng bạc.

Hơn hai năm sau Bác trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác Hồ, hỏi thăm sức khoẻ của Bác, nhưng không ai còn nhớ câu chuyện năm xưa. Riêng Bác thì Bác vẫn nhớ. Bác từ từ mở túi, lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em bé - bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động rơi nước mắt. Bác nói với mọi người:

-  Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm. Mình đã hứa thì phải làm cho kì được. Đấy là chữ “tín”, cần giữ trọn lòng tin với mọi người.

(Trích trong tập Bác Hồ - Người Việt Nam đẹp nhất,

NXB Giáo dục, 1986)

b) Thảo luận theo các câu hỏi.

- Bác Hồ đã làm gì khi gặp lại em bé sau hai năm đi xa?

- Em bé và mọi người cảm thấy thế nào trước việc làm của Bác?

- Qua câu chuyện trên, em có thể rút ra điều gì?

Lời giải chi tiết:

b) Thảo luận câu hỏi:

- Bác Hồ đã cho em một món quà là chiếc vòng bạc năm xưa đã nhờ Bác mua.

- Em bé và mọi người vô cùng bất ngờ, cảm động và rơi nước mắt trước việc làm của Bác vì không ai nghĩ Bác coi đó là thật và còn nhớ.

- Qua câu chuyện trên, em rút ra được một bài học là “Cần giữ trọn lòng tin với mọi người”.

Bài 2

Tình huống 1

Tân hẹn chiều chủ nhật sang nhà Tiến giúp bạn học toán. Nhưng khi Tân vừa chuẩn bị đi thì trên ti vi lại chiếu phim rất hay...

Nếu là Tân, em sẽ làm gì ? Vì sao ?

Tính huống 2

Hằng có quyển truyện tranh mới. Thanh mượn bạn đem về nhà xem và hứa sẽ giữ gìn cẩn thận. Nhưng về nhà, Thanh sơ ý để em bé nghịch làm rách truyện.

Theo em, Thanh nên làm gì ? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

- Tình huống 1: Nếu là Tân em sẽ tắt ti vi và sang nhà Tiến để giúp bạn học Toán. Sang đấy em vừa có thể giữ trọn lời hứa là giúp Tân, vừa có thể cùng nhau học bài và xem ti vi trong giờ giải lao.

- Tình huống 2: Thanh nên thú thật với Hằng, giải thích mình không cố ý làm rách, xin lỗi Hằng. Và hứa sẽ đền cho Hằng quyển truyện tranh khác.

Bài 3

Hãy viết chữ Đ vào ô trống trước những hành vi biết giữ lời hứa, chữ S trước những hành vi không biết giữ lời hứa.

a) Vân xin phép mẹ sang nhà bạn chơi đến 9 giờ sẽ về. Đến giờ hẹn, Vân vội tạm biệt bạn ra về, mặc dù đang chơi vui.

b) Giờ sinh hoạt lớp tuần trước, Cường bị phê bình vì hay làm mất trật tự trong giờ học. Cường tỏ ra rất hối hận, hứa với cô giáo và cả lớp sẽ sửa chữa. Nhưng chỉ được vài hôm, cậu ta lại nói chuyện riêng và đùa nghịch trong lớp học.

c) Quy hứa với em bé sau khi học xong sẽ cùng chơi đồ hàng với em. Nhưng khi Quy học xong thì trên ti vi có phim hoạt hình. Thế là Quy ngồi xem phim, bỏ mặc em bé chơi một mình.

d) Tú hứa sẽ làm một chiêc diều cho bé Dung, con chú hàng xóm. Em đã dành cả buổi sáng chủ nhật để hoàn thành chiếc diều. Đến chiều, Tú mang diều sang cho bé Dung. Bé mừng rỡ cảm ơn anh Tú.

đ) Thanh mượn đồ chơi của bạn và hứa sẽ giữ gìn cẩn thận. Nhưng trong khi chơi, Thanh lỡ tay làm hỏng đồ chơi. Khi bạn hỏi, Thanh đưa đồ chơi trả bạn nhưng không hề nói lại với bạn.

e) Nhân ngày 8-3, lớp Tuấn tổ chức liên hoan chúc mừng cô giáo và các bạn gái. Tuấn nhận sẽ chuẩn bị một món quà chung của các bạn nam trong lớp để tặng các bạn gái. Nhưng không may đúng hôm đó Tuấn bị sốt. Tuấn bèn gọi điện thoại nhờ bạn Hùng qua nhà lấy quà mang đến lớp hộ.

Lời giải chi tiết:

( Đ) a) Vân xin phép mẹ sang nhà bạn chơi đến 9 giờ sẽ về. Đến giờ hẹn, Vân vội tạm biệt bạn ra về, mặc dù đang chơi vui.

(S) b) Giờ sinh hoạt lớp tuần trước, Cường bị phê bình vì hay làm mất trật tự trong giờ học. Cường tỏ ra rất hối hận, hứa với cô giáo và cả lớp sẽ sửa chữa. Nhưng chỉ được vài hôm, cậu ta lại nói chuyện riêng và đùa nghịch trong lớp học.

(S) c) Quy hứa với em bé sau khi học xong sẽ cùng chơi đồ hàng với em. Nhưng khi Quy học xong thì trên ti vi có phim hoạt hình. Thế là Quy ngồi xem phim, bỏ mặc em bé chơi một mình.

(Đ) d) Tú hứa sẽ làm một chiêc diều cho bé Dung, con chú hàng xóm. Em đã dành cả buổi sáng chủ nhật để hoàn thành chiếc diều. Đến chiều, Tú mang diều sang cho bé Dung. Bé mừng rỡ cảm ơn anh Tú.

(S) đ) Thanh mượn đồ chơi của bạn và hứa sẽ giữ gìn cẩn thận. Nhưng trong khi chơi, Thanh lỡ tay làm hỏng đồ chơi. Khi bạn hỏi, Thanh đưa đồ chơi trả bạn nhưng không hề nói lại với bạn.

(Đ) e) Nhân ngày 8-3, lớp Tuấn tổ chức liên hoan chúc mừng cô giáo và các bạn gái. Tuấn nhận sẽ chuẩn bị một món quà chung của các bạn nam trong lớp để tặng các bạn gái. Nhưng không may đúng hôm đó Tuấn bị sốt. Tuấn bèn gọi điện thoại nhờ bạn Hùng qua nhà lấy quà mang đến lớp hộ.

Bài 4

Tự liên hệ:

- Thời gian vừa qua em có hứa với ai điều gì không? Em có thực hiện được điều đã hứa không? Vì sao?

- Em cảm thấy thế nào khi thực hiện được (hoặc không thực hiện được) điều đã hứa?

- Em đã bị người khác thất hứa bao giờ chưa? Vì sao người đó thát hứa? Em cảm thấy thế nào khi bị thất hứa.

Lời giải chi tiết:

- Thời gian qua em không hứa với ai điều gì. Nhưng khi hứa với ai em sẽ cố gắng hết sức có thể để thực hiện điều đó, bởi nếu không thì lòng tin của người đó với chúng ta sẽ giảm.

- Em cảm thấy rất vui khi thực hiện được lời hứa với người khác và cảm thấy rất xấu hổ khi không thực hiện được lời hứa với người khác.

- Em đã từng bị người khác thất hứa. Cảm giác đó tệ vô cùng.

Bài 5 -> 7

Bài 5:

1. Em hãy cùng các bạn trong nhóm thảo luận, tìm cách ứng xử trong tình huống sau:

Em đã hứa cùng bạn làm một việc gì đó, nhưng sau đó em hiểu ra việc làm đó là sai (ví dụ: hái trộm quả trong vườn nhà khác, đi tắm sông, …). Khi đó, em sẽ làm gì? Đánh dấu + vào ô trống trước ý em chọn:

a) Vẫn thực hiện lời hứa.
b) Không làm việc đó và cũng không nói gì với bạn.
c) Không làm và giải thích lí do mình không muốn làm.
d) Không làm, giải thích lí do và khuyên bạn cũng không nên làm điều sai trái.

2. Hãy cùng các bạn trong nhóm đóng vai thể hiện cách ứng xử trong tình huống trên.

Lời giải chi tiết:

1.

a) Vẫn thực hiện lời hứa.
b) Không làm việc đó và cũng không nói gì với bạn.
c) Không làm và giải thích lí do mình không muốn làm.
+ d) Không làm, giải thích lí do và khuyên bạn cũng không nên làm điều sai trái.

2. Đóng vai thể hiện:

- A: B ơi đi sang nhà ông Tư trộm quả với tớ đi, cậu hứa sẽ cùng chơi với tớ ngày hôm nay rồi.

- B: Uh. Nhưng nếu đi trộm quả thì không được, tớ sẽ không đi với cậu đâu.

- A: Cậu định thất hứa với tớ à?

- B: Tớ cũng không muốn thế. Nhưng cậu nhìn xem, ở nhà ông Tư có nuôi 4 con chó túc trực liên tục, đã thế chúng nó còn to khỏe và nhảy cao nữa. À còn ông Tư luôn ở nhà nữa, vậy chúng ta trộm bằng cách nào.

- A: Cậu nói cũng có lí, vậy chúng ta không đi hái trộm quả nữa.

- B: Đúng rồi đấy, chúng ta đi bơi đi, trời đang nóng mà.


Cùng chủ đề:

Giải VBT đạo đức 3 bài 1: Kính yêu Bác Hồ
Giải VBT đạo đức 3 bài 2: Giữ lời hứa
Giải VBT đạo đức 3 bài 3: Tự làm lấy việc của mình
Giải VBT đạo đức 3 bài 4: Quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh chị em
Giải VBT đạo đức 3 bài 5: Chia sẻ vui buồn cùng bạn
Giải VBT đạo đức 3 bài 6: Tích cực tham gia việc lớp, việc trường
Giải VBT đạo đức 3 bài 7: Quan tâm, giúp đỡ hàng xóm láng giềng