Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều) — Không quảng cáo

Giải vở bài tập ngữ văn 9 hay nhất Bài 7


Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều)

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều) trang 48 VBT ngữ văn 9 tập 1.

Câu 1

Câu 1 (trang 48 VBT Ngữ văn 9, tập 1)

Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:

- Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích.

- Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều

- Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả hoàn cảnh và tâm trạng ấy?

Phương pháp giải:

Hãy đọc lại đoạn trích, lần lượt trả lời ba ý của câu hỏi. Chú ý gợi ý trong SGK về chiều rộng, chiều cao, chiều xa ở ý thứ nhất.

Lời giải chi tiết:

Cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu:

- Không gian: mênh mông, hoang vắng, cô đơn, bốn bề bao la bát ngát, cồn cát im lìm, dãy núi nhấp nhô, ánh trăng làm bạn.

- Thời gian: từ sáng sớm đến đêm khuya, sự quay vòng của thời gian.

- Hoàn cảnh và tâm trạng của Kiều: bị giam hãm, tâm trạng cô đơn, buồn tủi, hổ thẹn.

Câu 2

Câu 2 (trang 48 VBT Ngữ văn 9, tập 1)

Tám câu thơ tiếp theo nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.

a. Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ đến ai? Nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không? Vì sao?

b. Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khau nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh để làm sáng tỏ điều đó.

c. Em có nhận xét gì về tấm lòng Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?

Phương pháp giải:

Đọc lại đoạn trích, tìm câu trả lời cho các ý a, b, c sau đó điền vào bảng.

Lời giải chi tiết:

a. Trong cảnh giam lỏng, nàng nhớ tới Kim Trọng, sau đó nhớ về cha mẹ. Đó là trình tự hợp lí, bởi với cha mẹ, nàng đã gặp trước lúc cách xa, nàng cũng đã bán thân cứu cha nên vơi bớt nỗi lo và làm tròn chữ hiếu. Nhưng với người nàng thương, Kim Trọng, chàng chưa biết tin gì về gia biến nhà nàng và nàng đau đớn, day dứt vì đã không giữ được lời thề bên chàng Kim.

b. Nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh: nhiều hình ảnh ước lệ chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử ..., từ ngữ thể hiện được tâm trạng đớn đau, day dứt với Kim Trọng, nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ.

c. Thúy Kiều là một người tình chung thủy, người con hiếu thảo. Nàng có tâm hồn cao đẹp, luôn nghĩ cho người khác dù mình đang cảnh mất tự do, cô đơn.

Câu 3

Câu 3 (trang 49 VBT Ngữ văn 9, tập 1)

Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.

a. Cảnh vật ở đây là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trang Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.

b. Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc lại tám câu thơ cuối; chú ý các chi tiết để làm sáng tỏ hai ý trong câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Cảnh vật là hư, đây là tâm trạng chứ không phải cảnh thực. Mỗi cảnh có nét riêng đồng thời lại có nét chung diễn tả tâm trạng của Kiều:

- Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định như cuộc đời nàng giữa biển đời vô hướng.

- Cánh hoa bị vùi dập như số kiếp trôi nổi của nàng.

- Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời nàng tẻ nhạt.

- Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bể cuộc đời, một nỗi bàng hoàng lo sợ.

b. Cách dùng điệp ngữ:

Điệp ngữ “Buồn trông” lặp lại bốn lần đặt ở đầu mỗi câu lục. Đôi mắt buồn nhìn và bao trùm lên hết thảy cảnh vật. Kết hợp không gian xa đến gần, thu vào tâm tư người con gái nỗi cô đơn, sầu nhớ, đau đớn và lo sợ.

Luyện tập

Câu hỏi (trang 49 VBT Ngữ văn 9, tập 1)

Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối.

Phương pháp giải:

Nhớ lại khái niệm tả cảnh ngụ tình trong bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan đã học ở lớp 7. Có thể tìm trong đoạn Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích và một số đoạn khác (Kiều gặp Kim Trọng, Kim Trọng trở ại vườn Thúy,...). Khi phân tích, lưu ý tới tính chất điệp ngữ, điệp kiểu câu, lặp từ, từ láy và giá trị biểu cảm. Đặc biệt là từ kêu ở câu cuối.

Lời giải chi tiết:

- Tả cảnh ngụ tình là một bút pháp đặc trưng của văn học trung đại nói chung, của ngòi bút Nguyễn Du nói riêng với cơ chế là tả cảnh thông qua đó để bộc lộ tâm trạng con người, tả cảnh để nói tình chứ không chỉ là bức tranh tả cảnh thuần túy.

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối:

+ Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định như cuộc đời nàng giữa biển đời vô hướng.

+ Cánh hoa bị vùi dập như số kiếp trôi nổi của nàng.

+ Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời nàng tẻ nhạt.

+ Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bể cuộc đời, một nỗi bàng hoàng lo sợ.

=> Khắc họa tâm trạng lạc lõng, cô đơn, đầy âu lo của Thúy Kiều về số phận của chính mình.


Cùng chủ đề:

Giải VBT ngữ văn 9 bài Cố hương
Giải VBT ngữ văn 9 bài Hoàng Lê nhất thống chí (Hồi thứ mười bốn – trích)
Giải VBT ngữ văn 9 bài Hợp đồng
Giải VBT ngữ văn 9 bài Khởi ngữ
Giải VBT ngữ văn 9 bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều)
Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiểm tra phần Tiếng Việt
Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiểm tra phần Tiếng Việt (lớp 9 - Tuần 15)
Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiểm tra về thơ
Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiểm tra về thơ và truyện hiện đại (Lớp 9)
Giải VBT ngữ văn 9 bài Kiểm tra về truyện trung đại