Giới thiệu về nhà rông.
Nhà rông - nhà rông văn hoá là một biểu tượng văn hoá rất đáng tự hào của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên - Trường Sơn và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Vùng Bắc Tây Nguyên là thủ phủ của các dân tộc: Zarai; Bahnar; Xê Đăng, zẻ Triêng, Brâu,... Nơi đây là một vùng đất đậm đặc truyền thống sử thi và là nơi cội nguồn của ngôi nhà rông truyền thống. Toàn tỉnh Kon Tum hiện nay đã xây dựng được 381 nhà rông chiếm tỉ lệ trên 50% số thôn, buôn, làng mà tỉnh Kon Tum phấn đấu sẽ xây dựng 100% nhà rông vào năm 2005.
Hội thảo khoa học về Nhà rông - Nhà rông văn hoá được tổ chức đầu tiên tại thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đã quy tụ nhiều giới nghiên cứu khoa học xã hội ở Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên - Trường Sơn, duyên hải miền Trung với 52 bản tham luận khoa học, trong đó 2/3 số tham luận là của các nhà nghiên cứu ở các cục, vụ, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội - Nhân văn và Bộ Văn hoá - Thông tin (Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Bảo tồn bảo tàng,...).
Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề lí thú, tranh luận sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà quản lí văn hoá để tìm ra được tiếng nói chung về việc xác định nhà rông - ngồi nhà chung truyền thống của Tây Nguyên: hình dáng, kiến trúc, vật liệu xây dựng, quy cách, quy trình xây dựng hay phần hồn với những tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của nó. Câu trả lời thứ nhất của hội thảo là: nhà rông là một di sản văn hoá độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Hàng trăm ngôi nhà rông của đồng bào Tây Nguyên đã sừng sững tồn tại với thời gian. Nhà rông - niềm tự hào của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và cả cộng đồng dân tộc Tây Nguyên - Trường Sơn và các tỉnh duyên hải miền Trung với nét độc đáo riêng biệt, dáng vươn cao vứt, bề thế, thể hiện tính vươn lên mạnh mẽ, vượt qua gian lao, vất vả đề tự khẳng định mình trong quá khứ và hiện tại. Sự ra đời của ngôi nhà chung (nhà rông) tự bản chất của nó gắn với những hình thái kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên.
Nhà rông Tây Nguyên được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của núi rừng Tây Nguyên như tranh, tre, gỗ, lồ ô,... và được xây dựng cất trên một khoảng đất rộng. Nằm ngay trong khu vực trung tâm của buôn làng. Chức năng của nhà rông truyền thống là nơi thực thi các luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập hợp dân làng để bàn việc làng, việc nước, nơi thể hiện các lễ hội - tâm linh cộng đồng và là nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hoá truyền thống,... Ngôi nhà chung ấy còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống; chiêng, trống, cồng, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ. Độ cao của ngôi nhà rông truyền thống có khi cao đến 18m và mái nhọn, cao vút, người thợ thủ công tài tình, khéo léo chỉ bằng vật liệu của núi rừng mà tạo nên lối kiến trúc độc đáo, bền vững với nhiều loại hoa văn phong phú mà gam màu chủ đạo là màu đen, trắng và nâu đậm.
Một câu hỏi đặt ra trong hội thảo là ngôi nhà rông văn hoá ra đời có làm mất đi những gì vốn có của nhà rông truyền thống hay không? Có nhà nghiên cứu cho rằng nhà rông có vai trò giống như ngôi đình của người Việt, song cũng có đa số ý kiến cho là khác, bởi lẽ theo Giáo sư - Tiến sĩ Lâm Chí Biền (Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật), nhà rông là biểu trưng hướng về cõi dương. Đình làng của người Việt hướng về cõi âm, ở mỗi đình làng người Việt khi xây dựng mái thấp bé, phía trước và sau đình làng dựng theo thuyết phong thuỷ... Điều thống nhất trong hội thảo là đa số các nhà quản lí văn hoá và các nhà khoa học đều cho rằng, nhà rông văn hoá là một thiết chế văn hoá cơ sở hiện nay trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Tiếp thu có chọn lọc nhà rông truyền thống và đưa vào hoạt động như một điểm sinh hoạt văn hoá ở buôn làng, cho dù tên gọi là nhà rông, nhà Gươi, nhà Zơag,... hay có nhà nghiên cứu gọi là ngôi nhà sinh hoạt văn hoá mang hình dáng nhà rông, thì đại đa số vẫn thống nhất chung là chức năng tâm linh và các hoạt động việc làng, việc nước vẫn được tổ chức tại ngôi nhà chung cộng đồng ấy. Nhà rông chỉ có dân tộc Bahna - Zởgao, người zẻ Triêng, Xê Đăng, Zarai ở Bắc Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum) mới có, ngoài ra các dân tộc khác như dân tộc Ê Đê thì chỉ có nhà dài.
Nhà rông - nhà rông văn hoá là một biểu tượng văn hoá rất đáng tự hào của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên - Trường Sơn và các tỉnh duyên hải miền Trung. Nhà rông là một di sản văn hoá trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của nó trong việc bảo tồn và giữ gìn văn hoá dân tộc.