Hãy kể lại một truyện cổ mang màu sắc thần kỳ mà em yêu thích
Ở thôn Gióng Mốt, xã Phù Đổng có một dấu chân khổng lồ in trên một tảng đá lớn. Đó là dấu chân ông Đổng về hái cà trong một đêm mưa gió...
Dàn ý
1. Mở bài
Thời gian và không gian xảy ra câu chuyện: Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng.
2. Thân bài
a. Gốc tích lạ lùng của Thánh Gióng
- Hai ông bà đã già, chưa có con.
- Bà lão giẫm lên một dấu chân khổng lồ, về nhà thụ thai.
- Mười hai tháng sau bà sinh một đứa con trai.
- Khi ba tuổi chú bé vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi.
b. Thánh Gióng nói được và lớn nhanh như thổi
- Giặc Ân xâm lược, thế giặc mạnh, vua cho sứ giả đi tìm người tài.
- Chú bé bỗng nhiên nói được, nhờ mẹ mời sứ giả. Nói với sứ giả đúc ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt.
- Chú bé lớn nhanh như thổi, ăn không đủ no. Dân làng góp thóc gạo nuôi chú.
c. Thánh Gióng đánh giặc và bay về trời
- Giặc đến chân núi Trâu. Sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến.
- Chú bé vươn vai thành tráng sĩ khổng lồ, vỗ vào mông ngựa, ngựa hí vang. Tráng sĩ mặc giáp, cầm roi, cưỡi ngựa ra trận.
- Ngựa xông vào giặc; tráng sĩ cầm roi đánh giặc, ngựa sắt phun lửa thiêu giặc. Giặc chết như rạ.
- Roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ tre đánh giặc.
- Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ lên núi, cởi áo để lại cùng ngựa bay lên trời.
- Vua phong tráng sĩ là Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ.
3. Kết bài
Hiện nay ở làng Phù Đổng vẫn còn đền thờ Thánh Gióng, những bụi tre đằng ngà, những hồ ao liên tiếp lưu giữ dấu chân ngựa của Thánh Gióng đi qua.
Bài mẫu
Ở thôn Gióng Mốt, xã Phù Đổng có một dấu chân khổng lồ in trên một tảng đá lớn. Đó là dấu chân ông Đổng về hái cà trong một đêm mưa gió. Tục truyền rằng ông Đổng cao lớn lạ thường: đầu đội trời, chân đạp đất, vai chạm mây. Ông cào đất thành đồng ruộng, vun đá thành đồi gò, xẻ cát thành sông bãi. Ông bước chân dài từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Dấu chân ông lún cả đá, thủng cả đất. Tiếng nói ông vang ầm thành sấm. Mắt ông sáng loé chớp lửa. Hơi thở phun ra mây đen, gió bão và mưa giông. Ông hay hiện lên trong những ngày đầu hè có giông, lúc cà đã đậu trái, lúa chiếp sắp trổ đòng. Ông đi đủ mọi chiều, lúc tốc thẳng, lúc xoay vòng. Ông đi đàng tây sang đàng đông là bão tây. Ông đi đàng đông sang đàng tây là bão đông. Ông làm dập hết lửa, rụng hết cà và gãy bật bao nhiêu là tre pheo, đa đề. Ngày nay, dấu chân ông Đổng còn thấy ở nhiều nơi: gò làng Bình Tân, núi Dạm, núi Khám, bờ giếng làng Bưởi Nội, đỉnh núi Sóc và đặc biệt là làng Gióng Mốt. Mồng 9 tháng Tư âm lịch, vào tiết mưa dông đầu hè, ông Đổng về hái cà, gây nên gió bão, sấm chớp và mưa to. Có một người đàn bà xấu xí, nghèo khổ tuổi đã muộn màng nhưng con cái không có. Bà phải sống một mình trong một túp lều tranh. Ngày ngày bà chăm bón luống cà cạnh nhà và ra đồng bắt ốc mò cua để đổi gạo nuôi thân. Một đêm mưa to gió lớn, ông Đổng về hái cà để lại một dấu chân vừa tày năm gang, trong vườn cà của bà lão. Bà dẫm vào dấu chân ấy, tự nhiên thấy tâm thần rung động, về nhà thì thụ thai. Bà bỏ lên rừng Trại Mòn, rồi đẻ ra ông Đổng con dưới bóng cây, trên một cái gò nổi giữa đầm. Trời bỗng cho nhiều cua ốc, nhiều cá để bà ăn lấy sữa nuôi con. Trời cũng đẽo đá thành đống để bà tắm rửa cho con, thành liềm để bà cắt rốn cho con, và thành chõng để bà đặt con nằm. Trong ba năm liền, "ông Đổng con" cứ nằm im trên chõng đá cho đến lúc mở to mắt "sáng như sao" và cất tiếng đầu tiên "ầm vang như sấm", đòi ra đánh giặc Ân. Đến lúc đó, "ông Đổng con" mới rời chông đá, đứng phắt dậy, vươn mình thành người khổng lồ như Đổng cha. Vì vậy, về sau nhân dân có câu hát:
Trời thương Bách Việt sơn hà, Trong nơi thảo mãng nảy ra kỳ tài (Người anh hùng làng Gióng - Cao Huy Đỉnh)