Hãy tả lại một cơn mưa ở quê em
Trời đất vẫn vận hành đúng theo quy luật bốn mùa nhưng mưa thì hầu như không tháng nào không có. Mưa thường đổ nhiều vào mùa hạ, mùa xuân. Mưa cũng có chỗ bình thường nhưng cũng có nơi đặc biệt, ví như mưa ở xứ Huế quê tôi. Tôi chưa thấy nơi nào mưa nhiều như ở Huế
Bài mẫu
1. Mở bài: Giới thiệu cơn mưa ở quê em
- Mưa xưa Huế
2. Thân bài:
a. Tả cơn mưa theo trình tự thời gian: diễn biến của cơn mưa.
- Mưa xối xả, dữ dội.
- Cây cối trong vườn ngả nghiêng trong ánh chớp nhoáng nhoàng sáng lòa và tiếng sấm ì ầm lúc gần lúc xa.
- Dòng nước mưa từ trên cao trút xuống lấp lánh như bạc.
- Tiếng mưa lộp độp trên mái nhà.
- Mưa mỗi lúc một to, gió thổi tung tấm ván và lay giật các cửa sổ và cửa ra vào…
- Hơi nước mát lạnh phả ngập vào gian phòng.
b. Sau cơn mưa:
- Tiếng mưa vừa yên ắng thì tiếng ếch nhái kêu ộp oạp… ộp oạp… nổi lên rộn ràng, rền vang khắp nơi nghe thật là vui tai.
- Lá vàng rơi đầy sân.
- Sáng ra, trời trong veo không một gợn mây.
3. Kết bài:
- Em rất thích thú khi trời đổ mưa, mọi thứ trở nên mát mẻ và quê hương trông thanh sạch hơn.
Bài mẫu
Trời đất vẫn vận hành đúng theo quy luật bốn mùa nhưng mưa thì hầu như không tháng nào không có. Mưa thường đổ nhiều vào mùa hạ, mùa xuân. Mưa cũng có chỗ bình thường nhưng cũng có nơi đặc biệt, ví như mưa ở xứ Huế quê tôi. Tôi chưa thấy nơi nào mưa nhiều như ở Huế
Mưa rả rích bắt đầu từ cuối đông và vào dần vào lúc sang thu khi đã loáng thoáng có những cơn gió heo may từ miền Bắc thổi vào. Mưa gần như quanh năm làm cho Huế lúc nào cũng mát mẻ. Cây trái ở Huế xanh non và bốn mùa hoa trái sum suê, đặc biệt là ở vùng thôn Vĩ Dạ. Cỏ ở Huế, nhất là cỏ ở ven bờ sông Hương non tơ đến mỡ màng.
Có lúc, chúng mềm oặt đi vì mưa nhiều và vì pải ngâm mình nhiều trong mưa. Song điều đáng nói nhất về mưa Huế chính là những cơn mưa cuối xuân đầu hạ. Có lẽ không ở đâu mưa lại dài và dai như thế. Nó là thứ mưa khác hẳn mưa ngâu, mưa phùn, hai thứ mưa cũng dai dẳng hay diễn ra ở miền Bắc Bộ. Mưa Huế ào ào, xối xả khiến người ta có cảm giác như trời đang trút tất cả nước xuống Thừa Thiên. Chả thế mà, lúc còn sống, nhà thơ Tố Hữu đã đề những câu thơ bất tử về mưa Huế:
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên
Đúng! Mưa Huế hình như là thứ mưa của những nỗi niềm thì phải. Người Huế thư thái nhưng bao giờ cũng suy tư. Có vẻ như thói quen ấy sinh ra từ mưa thì phải. Những cơn mưa dài tạo cho họ sở thích ngồi bên một bình trà nóng hay một cốc cà phê. Ngồi một mình hay cùng bạn bè uống trà, ngắm mưa và suy ngẫm.
Trên nền những ngôi nhà cổ, dấu ấn của mưa thể hiện sâu sắc nhất. Những cơn mưa lâu ngày làm cho mái ngói và những bức tường phủ đầy những đám rêu xanh. Cảnh tạo nên vẻ đẹp cổ kính và nỗi buồn mân mác cho những du khách đã từng có lần đến Huế.
Tôi nhớ, có lần theo bố đi bên sông Hương vào một buổi chiều mưa. Con thuyền đậu lặng trên bến sông Hương suốt một ngày mưa xối xả. Tôi ngồi co ro trong lòng bố dưới cái lạnh của trời mưa. Mưa trút xuống mái thuyền ào ạt rồi xả xuống dòng sông Hương không biết là bao nhiêu bong bóng nước cứ vừa nhô lên lại vỡ. Mưa cũng khiến tôi cảm thấy buồn rồi lăn ra ngủ ngon lành trong lòng bố.
Huế cũng hay có những cơn mưa bất chợt ào đến rồi đi vội vã. Mưa đuổi theo những tà áo trắng, những giây phút vội vàng hiếm thấy của các nữ sinh Đồng Khánh trên đường tan học. Ngày nay mưa Huế lại trở thành một tiềm năng du lịch, là một thú vui của du khách trong mỗi lần có dịp đến đây. Du khách thăm Huế vào mùa mưa sẽ có thêm chương trình nghe ca Huế ngắm mưa trên cạn hay trên bến nước sông Hương. Những làn điệu dân ca trong những ngày mưa càng làm cho du khách cảm nhận sâu sắc hơn cái vẻ trầm tư của Huế, khiến cho họ dù chỉ đến một lần nhưng dấu ấn về Huế thì sẽ mãi không phai nhạt.
Mưa Huế buồn nhưng đẹp. Song điều khiến tôi thích nhất là mưa Huế rất hợp với tình cảm của con người. Mưa cùng với người hiền hoà, thấm đậm và cuốn hút rất khó rời ra.