Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (con người với cuộc sống xung quanh) (hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại) lớp 11
- Dạng bài: Nghị luận - Khái niệm cần làm rõ: + Nghị luận về một vấn đề xã hội là kiểu bài dùng bằng chứng, lí lẽ để bàn luận và làm sáng tỏ một vấn đề xã hội (Con người và cuộc sống xung quanh), giúp con người có nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.
Hướng dẫn phân tích để bài
- Dạng bài: Nghị luận
- Khái niệm cần làm rõ:
+ Nghị luận về một vấn đề xã hội là kiểu bài dùng bằng chứng, lí lẽ để bàn luận và làm sáng tỏ một vấn đề xã hội (Con người và cuộc sống xung quanh), giúp con người có nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.
- Yêu cầu đối với dạng bài
+ Nêu được vấn đề có thực sự ý nghĩa hướng tới việc hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại
+Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ, phù hợp với logic của vấn đề bàn luận, sử dụng các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, thích hợp, đầy đủ.
+ Nêu được ý kiến về vấn đề bàn luận từ một góc nhìn khác
+ Rút ra được ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Dàn bài chung
Mở bài
- Nêu vấn đề cần bàn luận, hướng bàn luận và ý nghĩa chung của việc bàn luận vấn đề.
Thân bài
- Miêu tả khái quát hoàn cảnh sống làm nảy sinh vấn đề.
- Phân tích lần lượt các khía cạnh theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp.
- Làm rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ vấn đề.
- Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề bàn luận.
- Bàn luận từ góc nhìn trái chiều
Kết bài
- Tóm tắt những luận điểm chính đã trình bày và khẳng định ý nghĩa của vấn đề trên cơ sở thu thập nhiều tư liệu và bằng chứng mới.
Ví dụ minh họa Mẫu 1
Đề 1: Nghị luận về sự cần thiết của việc học ngoại ngữ
a.Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của việc học ngoại ngữ
2. Thân bài
a. Phân tích
- Thế giới đang trong thời kì hội nhập, phát triển, việc biết thêm ngoại ngữ sẽ giúp cho bản thân mỗi người có lợi thế trong việc giao tiếp và làm việc, mở ra cho ta nhiều cơ hội hơn.
- Thực tế trong cuộc sống những người biết được nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng như có thêm cơ hội được làm việc ở một đất nước khác, khám phá những nền văn hóa khác.
- Mỗi quốc gia có một ngôn ngữ khác nhau, khi ta hiểu và nắm rõ ngôn ngữ đó, sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó, ta như được hòa nhập vào đất nước đó và giúp ta mở mang thêm nhiều kiến thức, học tập được những điều hay, lẽ phải.
b. Chứng minh
- Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người tích cực học tập ngoại ngữ và đã đạt được những cơ hội quý báu để minh họa cho bài làm văn của mình.
c. Liên hệ bản thân
- Mỗi người chúng ta sống trong thời kì hội nhập hiện nay có nhiều cơ hội và điều kiện để học ngoại ngữ, mỗi người nãy tích cực học thêm ngôn ngữ mới để tăng khả năng phát triển bản thân mình và khám phá được nhiều điều hay ho hơn.
d. Phản đề
- Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay có nhiều người vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của việc học thêm ngoại ngữ và lợi ích của nó đối với bản thân. Lại có những người lười biếng, không chịu khó học tập, vươn lên trong cuộc sống của mình,… Những người này đáng bị phê phán và cần thay đổi bản thân nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận: sự cần thiết của việc học ngoại ngữ
b.Bài làm tham khảo
Bài làm mẫu số 1
Ngay từ khi mới xuất hiện, ngôn ngữ đã vô cùng đa dạng và sinh động. Mỗi quốc gia luôn có một thứ tiếng riêng cùng với tất cả tình yêu và niềm tự hào, chúng ta trìu mến gọi đó là “tiếng mẹ đẻ”. Nhưng liệu rằng, chỉ biết mỗi tiếng nước mình như thế có đủ? Bàn về vấn đề này, chúng ta có thể nhận được rõ tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ.
Càng biết thêm nhiều ngôn ngữ, những đường biên giới càng nới sẽ càng rộng ra và thế giới càng rộng mở, chúng ta càng có thêm khả năng giao tiếp được với nhiều người, tiếp cận được với nhiều cuốn sách chứa đựng nhiều vùng chân trời mới. Nhìn nhận ngôn ngữ đúng với vai trò của chúng, ta mới nhận ra biết thêm một ngoại ngữ thực sự là tìm hiểu để biết thêm một thế giới.
Ngoại ngữ với vai trò trong giao tiếp, là con đường kết nối giữa chúng ta với những người bạn trên toàn cầu, mà mỗi người bạn đó sẽ là một người thầy dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Còn gì tuyệt vời hơn nếu như trong một buổi triển lãm tranh mà chúng ta có cơ hội được trao đổi cảm nhận của bản thân với một người bạn nước Ý – một người con được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của hội họa Phục Hưng, để cùng nhau sẻ chia cảm nhận cá nhân và cũng để có những cái nhìn toàn diện hơn khi rung cảm nghệ thuật được soi chiếu bằng cả một nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Cũng tương tự như thế với mọi ngành nghệ thuật và các ngành khoa học khác.
Hơn thế nữa, ngoại ngữ còn giúp bạn tự tin hơn trong quá trình giao tiếp. Có thể bạn sẽ chỉ sinh sống ở Việt Nam, không đặt mục tiêu làm việc hoặc du lịch tới một đất nước khác, nhưng bạn có chắc rằng sẽ không bao giờ gặp phải một vị khách du lịch nước ngoài hỏi đường hoặc nhờ giới thiệu về danh thắng ở quê hương. Bạn tin chắc rằng, trong buổi tiệc chào mừng bạn mình là một du học sinh mới về nước sẽ không có bất cứ một vị khách nước ngoài nào? Trong buổi tiệc của công ty mà bạn làm sau này cũng chỉ toàn là người Việt Nam? Những lúc đó ta mới thấy, thế giới của bản thân thực sự nhỏ bé và hạn hẹp đến mức nào khi không trang bị cho mình ngoại ngữ. Còn gì lạc lõng hơn việc cô đơn giữa một đám đông đang nói cười trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ mà chúng ta không thể nào hiểu được ngay trên quê hương mình?
Hơn thế nữa, ngoại ngữ còn có vai trò là phương tiện của tư duy giúp chúng ta có thể tiếp thu được kho tàng tri thức của toàn nhân loại. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi internet đã trở nên hết sức phổ biến và những công cụ tìm kiếm trên mạng đang ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Ta có thể dễ dàng tìm được các công trình nghiên cứu và các tài liệu khoa học về bất kì ngành nghề nào mà mình quan tâm. Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần lớn những tài liệu đó được viết bằng tiếng Anh – ngôn ngữ chuẩn quốc tế hiện nay. Khi ấy, nếu chúng ta có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, thì chẳng phải chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại hay sao. Tất nhiên, sẽ có người nói chúng ta có thể tìm tới những người phiên dịch hoặc dựa vào những công cụ giúp chuyển đổi ngôn ngữ. Nhưng tất nhiên, trong chúng ta ai cũng biết rằng công cụ chuyển đổi ngôn ngữ đã được lập trình sẵn nên dịch theo cách đơn lẻ, từng từ một. Do đó, rất khó để có thể hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của những văn bản chúng ta cần. Nhờ người phiên dịch có thể sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ bạn có thể khám phá được vấn đề trực tiếp bằng cảm quan của mình mà luôn phải đi vay mượn góc nhìn và góc cảm nhận của người khác.
Trong xu thế toàn cầu hóa, mà biểu hiện rõ ràng nhất là sự hội nhập kinh tế giữa những quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đã tác động vô cùng mạnh mẽ tới từng cá nhân trên mỗi quốc gia. Đó không chỉ là hợp tác về lĩnh vực kinh tế, mà còn là sự giao lưu về văn hóa giữa nhiều quốc gia, nên việc thông thạo ngoại ngữ đang dần trở thành một xu thế tất yếu và bắt buộc. Biết thêm một loại ngôn ngữ là biết thêm một thế giới, không chỉ thông qua sự tìm hiểu trên sách báo của đất nước họ mà đó còn là tấm vé “thông quan” giúp chúng ta trực tiếp trải nghiệm đời sống và văn hóa của họ, tham gia lao động tại những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có đối tác là người nước ngoài. Đó không chỉ là thế giới trên tấm bản đồ địa lí mà còn là thế giới sống động ngay trước mắt bạn và trong tinh thần của bạn.
Mặc dù có ý nghĩa to lớn như thế nhưng thực trạng học ngoại ngữ của chúng ta thời điểm hiện nay vẫn chưa mấy khả quan. Đại đa số học sinh học tiếng Anh suốt những năm tại trường nhưng không thể nào sử dụng tiếng Anh với tư cách như một ngôn ngữ. Nhiều người chỉ có thể làm những bài tập về cấu trúc ngữ pháp mà không thể nói hoặc nghe một câu ngoại ngữ đơn giản. Phần lớn mọi người cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán nản khi phải học tiếng Anh và muốn bỏ cuộc giữa chừng.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, có thể do phương pháp giáo dục ở các trường chỉ chú trọng tới cấu trúc ngữ pháp để có thể vượt qua được những bài kiểm tra. Do số lượng lớp khá đông nên dù đổi mới phương pháp thì cũng chỉ có thể phù hợp với một vài bạn học sinh chứ không phải là tất cả. Và bản thân môn tiếng Anh hoặc bất kì ngôn ngữ nào khác cũng là một bộ môn vô cùng khó. Nhất là đối với những trường nằm ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phương tiện học tập vẫn còn thiếu thốn.
Song nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do mỗi chúng ta chưa nhìn nhận được vai trò quan trọng của việc học ngoại ngữ một cách đúng mực. Mặc dù ngoại ngữ là môn thi bắt buộc ở trong kì thi trung học phổ thông quốc gia, nhưng nhiều bạn vẫn còn học đối phó hoặc trì hoãn bằng suy nghĩ “để mai tính”. Đi kèm với nó chính là thái độ học sao nhãng, chưa kiên trì và khả năng tự học là chưa cao. Sự e dè và ngần ngại giao tiếp cũng trở thành một rào cản trong quá trình sử dụng ngoại ngữ. Lối suy nghĩ ỷ lại vào chỉ sinh sống ở Việt Nam nên không cần phải biết thêm ngoại ngữ đã ăn sâu vào tư tưởng của rất nhiều người, khiến chúng ta quên mất rằng chỉ sinh sống ở Việt Nam nhưng vẫn có thể sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện hoặc một công cụ giúp phục vụ chúng ta trong quá trình học tập, vui chơi hay đời sống sau này. Rất nhiều người nhờ ngoại ngữ đã có thể thay đổi cuộc sống, nhận học bổng từ những trường học danh tiếng, dễ dàng có một công việc dành cho bản thân, thỏa sức khám phá cũng như trải nghiệm những nền văn hóa khác, trở thành một công dân của toàn cầu. Muốn hiện đại cần phải có giá trị truyền thống làm nên nền tảng nhưng không thể thiếu đi sự thúc đẩy của ngoại ngữ. Bởi vậy, giải pháp để cải thiện được tình hình ngoại ngữ chính là điều cần thiết.
Mỗi chúng ta đều phải có ít nhất bảy năm học ngoại ngữ ở trên ghế nhà trường. Bởi vậy, sự cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy trong các nhà trường là giải pháp đầu tiên cần phải thực hiện. Những hoạt động ngoại khóa sẽ là một sân chơi bổ ích và là nơi để mỗi học sinh có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau và thực hành được tiếng. Sự cách biệt giữa những vùng miền phải được rút ngắn bằng cách chú trọng vào việc đầu tư cho những vùng vẫn còn khó khăn. Và hơn hết, mỗi chúng ta cần phải tự ý thức về tác dụng hết sức to lớn của ngoại ngữ và thế giới mới mẻ và tươi đẹp mà ngoại ngữ mang đến để có ý thức trau dồi ngoại ngữ cũng như kiên trì và cố gắng vượt qua những khó khăn xuất hiện trong quá trình học tập. Chúng ta có thể năng động và mạnh dạn trong quá trình giao tiếp với những người nước ngoài, đọc các bài nghiên cứu ngắn về những lĩnh vực yêu thích, nghe nhạc hoặc xem các bộ phim ý nghĩa bằng nhiều ngôn ngữ. Sử dụng ngoại ngữ như một thế đối sánh nhằm khắc sâu những đặc điểm của tiếng Việt, hướng tới việc sử dụng đúng, sử dụng hay tiếng nước mình và ngược lại.
Xã hội hiện đại đã biến ngoại ngữ trở thành một chiếc chìa khóa vạn năng mở được hàng ngàn thế giới mới. Muốn nắm bắt chiếc chìa khóa ấy còn phụ thuộc vào suy nghĩ, quyết định cũng như hành động của chúng ta ngày hôm nay.
Bài làm mẫu số 2
Trong thời đại ngày nay, việc trở thành công dân toàn cầu đòi hỏi chúng ta không chỉ hiểu biết về ngoại ngữ mà còn phải sở hữu sâu sắc, tận hưởng những trải nghiệm đa dạng mà thế giới rộng lớn mang lại. Ngoại ngữ, như một tấm vé thông hành, không chỉ giúp con người vươn tới những chân trời mới mở ra trước mắt, mà còn là cánh cửa kết nối với văn hóa, tri thức, và cơ hội nghề nghiệp không ngừng mở rộng.
Khái niệm về ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ nước ngoài, nó còn là cầu nối giữa tiếng nói dân tộc và thế giới. Từ thời xa xưa, việc học tiếng nước ngoài không chỉ là phương tiện giao thương mà còn là cách tốt nhất để hiểu biết về văn hóa, lịch sử, và đời sống của các quốc gia khác nhau. Điều này đã trở thành một xu hướng phổ biến trong xã hội loài người, khiến ngoại ngữ trở thành một môn học bắt buộc không thể thiếu tại hầu hết các trường học trên toàn thế giới.
Học ngoại ngữ không chỉ mang lại lợi ích trong giao tiếp, mà còn mở ra những khía cạnh mới về tri thức và văn hóa. Việc sở hữu nhiều ngôn ngữ giúp chúng ta không chỉ có khả năng giao tiếp hiệu quả với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội mà còn là cơ hội để khám phá và hiểu sâu về các vùng đất khác nhau trên thế giới. Ngôn ngữ mẹ đẻ thể hiện bản sắc dân tộc, trong khi ngoại ngữ mở ra cánh cửa đến những trang sách tri thức đa dạng, mang lại sự hiểu biết sâu rộng về thế giới đa văn hóa mà chúng ta đang sống.
Một số lợi ích khác của việc học ngoại ngữ bao gồm việc rèn luyện tư duy và trí nhớ. Việc học một ngôn ngữ mới không chỉ là một hoạt động tinh thần mà còn là một cách tốt để giảm căng thẳng và áp lực. Ngoài ra, trong thị trường lao động hiện nay, việc sở hữu kỹ năng ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, để làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hành trình bôn ba khắp năm châu, đã là một ví dụ sống về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Ngoại ngữ đã giúp Người vượt qua những khó khăn trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống cao quý và tinh hoa văn hóa thế giới trong cách Bác tự tin giao tiếp với người nước ngoài là một điều học thuật mà chúng ta có thể rút ra.
Tuy nhiên, giữa thời đại 4.0, vẫn còn những người coi thường việc học ngoại ngữ hoặc học theo cách "chống đối". Sự không cân bằng giữa ngữ pháp và phát âm có thể để lại những hậu quả không ngờ, khiến họ trở thành những người lạc hậu trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng trở nên quan trọng. Điều này đặt ra một thách thức mới cho chúng ta, yêu cầu tích cực trau dồi ngoại ngữ hàng ngày, kết hợp giữa việc hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ và văn hóa, cùng việc phát triển kỹ năng mềm để tự tin vươn ra thế giới. Học ngoại ngữ không chỉ là một kỹ năng, mà là một cánh cửa mở ra cho sự thành công và sự hiểu biết đa chiều về thế giới đa dạng mà chúng ta đang sống.
Ví dụ minh họa Mẫu 2
Đề 2: Nghị luận về vấn đề tự bảo vệ mình trước tệ nạn xã hội.
a.Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tệ nạn xã hội là những hiện tượng tiêu cực, trái với đạo đức, pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống con người.
Nêu rõ vai trò của mỗi người trong việc tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội.
2. Thân bài
a. Tác hại của các tệ nạn xã hội:
+ Gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần của con người, dẫn đến các bệnh tật, rối loạn tâm thần, thậm chí là tử vong.
+ Gây tổn hại về kinh tế, tài sản của gia đình và xã hội.
+ Gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
+ Làm suy thoái đạo đức, lối sống của con người.
b. Các biện pháp tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội:
+ Nâng cao nhận thức về tác hại của các tệ nạn xã hội.
+ Rèn luyện ý chí, bản lĩnh, sức mạnh vượt qua những cám dỗ của tệ nạn.
+ Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống.
+ Kết giao với những người bạn tốt, có lối sống lành mạnh.
+ Tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, thầy cô, các tổ chức xã hội khi gặp khó khăn.
c. Liên hệ bản thân:
- Em đã làm gì để tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội?
- Em cần làm gì để nâng cao hiệu quả của các biện pháp tự bảo vệ mình?
3. Kết bài
-Khẳng định vai trò của mỗi người trong việc tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội.
- Lời kêu gọi hành động.
b.Bài làm tham khảo
Bài làm mẫu số 1
Tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội là một vấn đề cực kỳ quan trọng và cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Xã hội ngày càng phát triển, nhưng cũng đi kèm với đó là sự gia tăng của các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, tệ nạn tình dục, v.v. Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những tác động tiêu cực của những tệ nạn này, chúng ta cần có ý thức và biết cách tự bảo vệ mình.
Đầu tiên, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có kiến thức về các tệ nạn xã hội. Hiểu rõ về những hậu quả và tác động tiêu cực của chúng đối với cuộc sống và sức khỏe của chúng ta. Chỉ khi hiểu rõ về những nguy hiểm mà các tệ nạn này mang lại, chúng ta mới có thể nhận ra tầm quan trọng của việc tự bảo vệ mình và tránh xa chúng.
Thứ hai, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có ý thức và quyết tâm. Ý thức là nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tránh xa các tệ nạn xã hội và đặt lợi ích cá nhân và gia đình lên hàng đầu. Quyết tâm là sẵn lòng và kiên nhẫn để thực hiện những hành động cụ thể như từ chối tham gia vào các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội, tìm kiếm thông tin và tư vấn từ các nguồn đáng tin cậy để có thêm kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình.
Thứ ba, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Gia đình và bạn bè có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh cho chúng ta. Họ có thể cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ để giúp chúng ta tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội.
Cuối cùng, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần có lòng tự tin và sẵn lòng đối mặt với áp lực từ xã hội. Đôi khi, việc từ chối tham gia vào các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội có thể gặp phải sự phản đối và áp lực từ những người xung quanh. Tuy nhiên, chúng ta cần tin tưởng vào bản thân và quyết định đúng đắn của mình, không để áp lực xã hội làm mất đi ý thức và quyết tâm tự bảo vệ mình.
Tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội là một trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chúng ta không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ gia đình, cộng đồng và xã hội. Hãy luôn nhớ rằng, việc tự bảo vệ mình là một hành động đúng đắn và có ý nghĩa lớn trong cuộc sống.
Bài làm mẫu số 2
Trong thời đại hiện nay, việc tự bảo vệ bản thân trước những tác động xấu từ các vấn đề xã hội là một trách nhiệm không thể phủ nhận và vô cùng cần thiết. Đã có sự phát triển đồng thời với sự gia tăng của các vấn đề như ma túy, cờ bạc, và tệ nạn tình dục. Để đối mặt và phòng tránh những hậu quả tiêu cực của chúng, chúng ta cần có kiến thức, ý thức, và sự hỗ trợ từ cộng đồng xung quanh.
Trước hết, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần phải hiểu rõ về những hiểm họa mà các vấn đề xã hội mang lại. Việc nhận thức sâu sắc về những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống và sức khỏe là cần thiết. Chỉ khi nhận ra sâu sắc về những nguy cơ này, chúng ta mới có thể thực sự đánh giá cao việc tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Thứ hai, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần phải có ý thức và quyết tâm vững vàng. Ý thức về tầm quan trọng của việc giữ cho bản thân và gia đình tránh xa những tác động xấu từ các vấn đề xã hội là chìa khóa. Quyết tâm và kiên nhẫn trong việc thực hiện các biện pháp cụ thể như từ chối tham gia vào các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội là quan trọng.
Thứ ba, sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng là không thể thiếu. Họ không chỉ là nguồn thông tin và tư vấn mà còn là người giúp đỡ, tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ cho chúng ta trong quá trình tự bảo vệ bản thân.
Cuối cùng, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần phải có lòng tự tin và sẵn lòng đối mặt với áp lực từ xã hội. Mặc dù có thể gặp phải sự phản đối và áp lực từ người khác, nhưng việc tin tưởng vào quyết định của mình và không để bị chi phối bởi áp lực xã hội là rất quan trọng.
Tự bảo vệ bản thân không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là một cách để bảo vệ gia đình, cộng đồng và xã hội. Đó là hành động có ý nghĩa và tích cực đối với cuộc sống của chúng ta, và chúng ta cần phải nhớ điều đó.