Hướng dẫn cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch lớp 10 — Không quảng cáo

Văn mẫu 10 Kết nối tri thức - Nghị luận xã hội, nghị luận văn học lớp 10 KNTT Hướng dẫn Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nộ


Hướng dẫn cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch lớp 10

- Dạng bài: Nghị luận - Yêu cầu: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm.

Hướng dẫn phân tích để bài

- Dạng bài: Nghị luận

- Yêu cầu: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

- Khái niệm cần làm rõ

+ “Tác phẩm tự sự”: là phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống trong không gian, thời gian, qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời con người.

+ “Tác phẩm kịch”: Là những kịch bản văn học mang những đặc điểm thuộc loại tự sự vì nó hướng về cuộc sống khách quan, qua cốt truyện và nhân vật tác giả dựng lên bức tranh xã hội. Những tác phẩm kịch liên quan chặt chẽ đến nghệ thuật sân khấu.

+ “ Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch” là kiểu bài nghị luận văn học sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự (sử thi, truyện kể, truyện ngắn, tiểu thuyết, kí,…) hoặc tác phẩm kịch ( chèo, tuồng, hài kịch, bi kịch,…)

-Yêu cầu đối với kiểu bài

+ Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung vào cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại nhân vật.,..

+ Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,… thì cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,…góc nhìn, thái độ, quan điểm, cảm xúc và ngôn từ của tác giả

+ Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng, bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,…

Dàn bài chung

Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm tự sự/ tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,…), Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá

Thân bài

- Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm tự sự/ tác phẩm kịch

- Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện sự trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm

- Phân tích đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi phân tích, đánh giá đều cần những chi tiết tiêu biểu được dẫn ra từ tác phẩm.

Kết bài

- Khái quát nội dung chính đã trình bày ở thân bài, khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng…

Ví dụ minh họa Mẫu 1

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của màn kịch Xã trưởng – Mẹ Đốp (trích Quan Âm Thị Kính).

a.Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

- Giới thiệu vở chèo, đoạn trích.

2. Thân bài:

- Nội dung của đoạn trích: Xã trưởng đến nhà mẹ Đốp yêu cầu rao mõ cho cả làng biết về việc Thị Mầu chửa hoang.

- Chủ đề của đoạn trích: Tố cáo bản chất xấu xa, ô lại của quan lại trong xã hội phong kiến.

- Phân tích đoạn trích:

* Tình huống: Xã trưởng đến nhà mẹ Đốp yêu cầu bố Đốp đi rao mõ về chuyện Thị Mầu không chồng mà chửa.

* Diễn biến tình huống:

- Xã trưởng đến nhà tìm bố Đốp nhưng bố Đốp không có nhà:

+ Xã trưởng tỏ vẻ khinh người, tự coi mình là nhất "Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì?".

+ Mẹ Đốp phân bua, giải thích: "Dạ bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi ạ!".

- Xã trưởng yêu cầu mẹ Đốp đi rao mõ thay chồng:

+ Mẹ Đốp đặt mình ngang hàng với xã trưởng, luôn dùng những lời lẽ đanh thép để đả kích hắn.

+ Trước những lời châm chọc của mẹ Đốp, xã trưởng nhiều phen cứng họng, chỉ biết tức giận, quát lớn.

- Xã trưởng nhân cơ hội gạ gẫm, tán tỉnh mẹ Đốp:

+ Xã trưởng khen mẹ Đốp, ngỏ ý muốn gửi một đứa.

+ Mẹ Đốp chối khéo "Thầy chớ nói vậy! Bố cháu đứng ngoài kia nó nghe thấy rồi nó lại ghen!".

+ Xã trưởng biết mình rơi vào thế mắc quai, đành phải chữa quê bằng cách đáp lại "Thấy mày mát tay nên tao định sang gửi mày nuôi hộ vài đứa chứ tao lại thèm...thèm...ấy à?".

- Mẹ Đốp la làng khi bị xã trưởng ăn hiếp.

- Đánh giá đoạn trích:

Đánh giá về nội dung:

- Nhân vật mẹ Đốp và xã trưởng lần lượt đại diện cho giai cấp bị trị và thống trị trong xã hội phong kiến.

- Thông qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn:

+ Lên án, châm biếm thành phần quan lại ô hợp, xấu xa.

+ Đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ.

Đánh giá về nghệ thuật:

- Giọng điệu hài hước, châm biếm, mỉa mai.

- Ngôn từ dung dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống sinh hoạt của nhân dân.

3. Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của nhân vật đối với đoạn trích và vở chèo.

b.Bài làm tham khảo

Bài làm mẫu số 1

Chèo cổ là một loại hình biểu diễn độc đáo của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Là một trong bảy vở chèo kinh điển, tác phẩm "Quan m Thị Kính" đã phần nào tái hiện được bức tranh xã hội Việt Nam dưới thời kì phong kiến. Những thói hư, tật xấu của một số hạng người, nhất là quan lại được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích "Xã trưởng - Mẹ Đốp". Đây có thể coi là lớp chèo đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

Trích đoạn "Xã trưởng - Mẹ Đốp" thể hiện cảnh xã trưởng đến nhà mẹ Đốp yêu cầu rao mõ cho cả làng biết về việc Thị Mầu chửa hoang. Qua cuộc trò chuyện giữa xã trưởng và mẹ Đốp, tác giả dân gian đã tố cáo bản chất xấu xa, tha hóa của bộ phận quan lại trong xã hội phong kiến.

Có thể thấy, chủ đề của văn bản được thể hiện rõ nhất qua tình huống xã trưởng đến nhà mẹ Đốp yêu cầu bố Đốp đi rao mõ về chuyện Thị Mầu không chồng mà chửa. Mở đầu đoạn trích là cảnh xã trưởng đến tìm nhưng bố Đốp không có nhà. Hắn đứng giới thiệu về bản thân:

"Tại dân vi tổng lý

Quốc pháp hữu công hầu

Ơn dân xã thuận bầu

Tôi đứng đầu hàng xã

Nay cơ chừng động mả

Thị Mầu đã hoang thai

Chiểu lệ làng ngả vạ không sai

Bắt khoán cứ một trăm quan quý"

Qua lời xưng danh, người đọc đã có được những hình dung ban đầu về tên tuổi, chức vụ của tên xã trưởng. Vì là quan trên nên hắn tỏ vẻ khinh người, tự coi mình là nhất. Lúc mẹ Đốp nói chồng mình đã lên tỉnh lấy bằng, hắn lên giọng dè bỉu, chế nhạo "Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì?". Ngay lập tức, mẹ Đốp phân bua, giải thích ngọn ngành "Dạ bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi ạ". Thực chất, cách nói của thị ngay từ ban đầu vừa là câu trả lời rút gọn vừa là một cách để thể hiện sự ngang bằng với tên xã trưởng.

Bố Đốp không có nhà, tên xã trưởng đành phải yêu cầu mẹ Đốp ra làm việc thay. Mẹ Đốp vừa hát vừa xưng danh:

"Chẳng giấu gì mẹ Đốp là tôi

Tuy hình dáng miệng nói dằng cò

Khách đến nhà, Đốp mới bò ra

Miệng chào khách những câu như cắt

Ngày hôm nay xướng ca lạc đạo

Dựng mõ lên cung phụng làm trò."

Trong con mắt của bọn lí dịch, cường hào, những kẻ đi gõ mõ như gia đình Đốp đây chỉ thuộc hạng cùng đinh, thấp kém trong xã hội. Mẹ Đốp ý thức rõ được điều đó nhưng thị vẫn luôn thể hiện sự hãnh diện, tự hào đối với công việc của mình. Mặc dù trước nay gia đình thị không có quyền thế, tiền tài nhưng vẫn khiến dân làng ngóng trông, chờ đợi bởi tài rao tin, gõ mõ. Mẹ Đốp đề cao mình nhưng cũng không quên trêu ghẹo, chọc tức xã trưởng "Điều phải trái tôi nay trước bảo!". Thị thật thông minh và có tài ứng biến khi "vừa đấm vừa xoa" tên xã trưởng:

"Nó là thế này: Làng có việc gì, thầy sai con đi rao mõ, thời chẳng phải là lên trước bảo là gì?

Từ việc hỉ cho chí việc hảo

Giấy quan về là phải báo với tôi

Tôi chưa ra là làng chửa được ngồi".

Từng câu, từng chữ của thị như muốn lấn lướt, dằn mặt hắn. Tên xã trưởng lúc này chỉ biết tức giận, quát lớn "Con này láo! Mày vất tao đi mà trước bảo dân tao à?", "Cái con mẹ Đốp này! Nhật nhật đa hĩ, lộng giả thành chân. Mày chưa ra thì làng chưa được ngồi thời mày là bà tiên chỉ làng này à?". Đáp lại lời hắn, thị ta chốt gọn bằng câu "Dạ, nó là thế này: Con chưa ra trải chiếu thì làng ngồi xuống đất hay sao?". Lúc này, xã trưởng chỉ biết gật gù đồng thuận "Ờ con mẹ Đốp nó nói thế mà có lí". Nhân lúc được đà, mẹ Đốp đọc bài thơ, một mặt muốn khẳng định vị trí của bản thân mình mặt khác lại công kích, mỉa mai xã trưởng. Hắn coi mình là nhất vì được dân bầu thì nay mẹ Đốp cũng nhận mình không kém. Vì tiếng rao vừa lớn vừa dài hơi nên cả làng ai ai cũng thích. Tưởng chừng việc sửa sang, cắt đặt chỉ quan mới được làm thì một kẻ hèn kém cũng có được cái quyền ấy. Thậm chí, ngồi một mình một chiếu chẳng kém ai. Vậy mà, tên xã trưởng không nhận ra ẩn ý sâu xa trong bài thơ, hắn còn khen ngợi "thơ hay đấy nhỉ". Quả là một tên quan ít học, kém chữ làm sao. Mẹ Đốp khôi hài tới mức khuyên "Thầy khen thơ hay thì chép lấy đem về nhà mà treo!".

Câu hỏi của mẹ Đốp "Sao thầy lại cứ nhìn tôi thế vậy?" đem đến cho người đọc những hình dung về bản chất của tên xã trưởng. Hắn nhân cơ hội bố Đốp vắng nhà, buông lời gạ gẫm, tán tỉnh "Nhà Đốp lớp này xem ra ảnh gái dễ coi lắm nhỉ?", "Hôm nào mát giời, tao sang gửi mày một đứa nhá!". Mẹ Đốp chối khéo "Thầy chớ nói vậy! Bố cháu đứng ngoài kia nó nghe thấy rồi nó lại ghen!". Xã trưởng biết mình rơi vào thế mắc quai, đành phải chữa quê bằng cách đáp lại "Thấy mày mát tay nên tao định sang gửi mày nuôi hộ vài đứa chứ tao lại thèm...thèm...ấy à? Dở hồn!". Hắn kêu mẹ Đốp đi rao mõ cho được việc. Vì không biết rao như thế nào nên thị hỏi "Thầy bảo rao thế nào ạ?". Nhân lúc sơ hở, mẹ Đốp vẫn không ngừng chọc tức tên xã trưởng bằng cách bảo hắn "Hay là thế này vậy: Nhà cháu đi trước đánh mõ, thầy đi sau rao hộ nhà cháu" khiến xã trưởng nổi điên "Thế ra tao làm đầy tớ mõ à? Láo nào?". Có lẽ, trong con mắt của thị, hắn cũng chỉ xứng đáng là kẻ đầy tớ của mõ làng mà thôi. Hành động bốc miệng xã trưởng bỏ vào dải yếm là chi tiết châm biếm, đả kích mạnh mẽ. Trong xã hội phong kiến, khi vai trò của người phụ nữ không được đề cao thì dải yếm trước ngực cũng được coi là thiếu sạch sẽ. Chính vì vậy, việc làm của thị chẳng khác nào nói lời lẽ của hắn cũng dơ bẩn, ô uế.

Tức giận vì bị mụ đàn bà chơi xỏ, xã trưởng đã đánh mẹ Đốp. Tưởng đâu mẹ Đốp dễ bắt nạt, hóa ra thị cũng vô cùng đáo để, nhanh chóng la lớn cho xóm làng cùng nghe "Ối bố Đốp ơi là bố Đốp ơi! Đi đâu để thầy Xã thầy ấy ăn hiếp tôi đây này.". Không phải ngẫu nhiên mà thị làm như vậy. Hành động này xuất phát từ việc mẹ Đốp vừa muốn giữ gìn sự trong sạch của bản thân vừa muốn cho thiên hạ biết bộ mặt đê tiện của tên xã trưởng. Không biết làm thế nào, hắn chỉ còn cách van xin lạy lục và bịt mồm bằng cách đền cho thúng thóc.

Như vậy, nhân vật mẹ Đốp và xã trưởng lần lượt đại diện cho giai cấp bị trị và thống trị trong xã hội phong kiến. Bằng giọng điệu hài hước, châm biếm, mỉa mai cùng ngôn từ dung dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống sinh hoạt của nhân dân, tác giả dân gian muốn lên án, đả kích tới thành phần quan lại ô hợp, xấu xa. Đồng thời, đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ.

Đoạn trích "Xã trưởng - Mẹ Đốp" thật sự là một lớp chèo đặc sắc của vở chèo "Quan m Thị Kính". Tiếng cười sâu cay mà văn bản đem đến cho người đọc sẽ là yếu tố giúp lớp chèo nói riêng và vở chèo nói chung sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Bài làm mẫu số 2

Xã trưởng - Mẹ Đốp là đoạn trích được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, bằng ngôn ngữ đặc trưng của chèo và các vai nhân vật, người đọc thấy được cuộc trao đổi giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, thông báo cho cả làng biết tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng. Qua đó thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức.

Mở đầu đoạn trích là thông tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng, bị rêu rao khắp làng xóm và bị phạt. Thông tin hết sức ngắn gọn được xã trưởng nêu lên để triệu tập bố Đốp ra làm việc. Thông tin ấy phần nào thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe.

Tiếp theo là màn đối đáp giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, các màn kịch lần lượt được hiện lên. Đầu tiên là màn kịch phơi bày bộ mặt gian trá, dốt nát, kém hiểu biết của xã trưởng, sự tinh lanh, nhanh nhẹn hoạt ngôn của mẹ Đốp: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Rồi khi mẹ Đốp đọc thơ, xã trưởng cũng lấy làm hay thì mẹ Đốp bảo thầy chép về mà treo…

Tiếp đó là màn kịch của một tên háo sắc, nhũng nhiễu dân lành. Đường đường là người đứng đầu một làng một xã, lẽ ra phải là người ăn nói chỉn chu, lịch sự nhã nhặn với dân. Nhưng không, xã trưởng ở đây ngang nhiên gạ gẫm dân lành “nhà Đốp lớp này coi ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ… hôm nào mát trời tao sang gửi một đứa nhỉ”. Những ngôn ngữ “bảnh gái, gửi đứa” chỉ phù hợp với lứa trẻ đang tán tỉnh, trêu đùa nhau, không hề phù hợp với người cán bộ, người đứng đầu.

Và màn kịch cuối là màn kịch sử dụng ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc hoạ nổi bật tính cách của các nhân vật, cùng với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. Yếu tố hài hước được tạo nên từ những thủ pháp như sử dụng từ đồng âm ''bằng'' (“Bố cháu trẩy tỉnh lĩnh bằng rồi ạ/ Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì/ Bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi”); sử dụng âm vận “ôi” (Thánh đế lên ngôi/Chẳng giấu gì mẹ đốp là tôi; giấy quan về là phải báo với tôi/ tôi chưa ra là làng chửa được ngồi)… cùng những từ ngữ dân dã, xưng hô suồng sã: con mẹ Đốp, con này, bảnh gái, mộc đạc… Qua đó nhân vật hiện lên rõ nét: mẹ Đốp là nhân vật nhân vật hài hước, gây cười, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, mồm năm miệng mười. Còn xã trưởng là người tự hào khi mình được chọn làm lí trưởng, ra oai với dân làng, khinh bỉ, coi thường những người có địa vị thấp kém hơn mình. Sự xuất hiện hai nhân vật đối lập trong kịch bản chèo: giúp thể hiện rõ tư tưởng, triết lí dân gian bởi lời nói cử chỉ của nhân vật vừa gây cười nhưng rất thâm thúy, sâu sa, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Là vở chèo tiêu biểu biểu cho thái độ châm biếm của nhân dân với giai cấp thống trị đồng thời mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Cùng với những câu thoại biểu cảm, giọng điệu uyển chuyển phù hợp với tính cách nhân vật giúp lột tả hết được hình ảnh mang tính đại diện như Xã Trưởng và Mẹ Đốp. Hơn hết vở chèo vẫn hết sức giản đơn, gần gũi với người dân Việt Nam. Vốn là Chèo cổ cho nên chèo thường xoay quanh vấn đề giáo dục cách sống, cách ứng xử giữa người với người theo quan điểm đạo lí dân gian hoặc theo tư tưởng Nho giáo. Và ở “Xã Trưởng-Mẹ Đốp” luôn toát lên những tinh thần ấy.

Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (xã trưởng- quan lại kém hiểu biết, lố lăng háo sắc; mẹ Đốp- nông dân khéo ăn khéo nói). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện – ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng. Qua việc xây dựng nhân vật và xung đột kịch hấp dẫn góp phần thể hiện văn hóa dân gian, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Ví dụ minh họa Mẫu 2

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)

a.Dàn ý chi tiết.

1.Mở bài

- Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

2.Thân bài

a. Khái quát chung về thể loại tiểu thuyết

- Khái niệm: là thể loại tự sự có dung lượng lớn, thông qua hoàn cảnh, sự việc, nhân vật để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và mang những đặc trưng riêng biệt.

- Đặc trưng thể loại.

b.Phân tích, đánh giá

- Phân tích, đánh giá nội dung của tác phẩm

+ Trích đoạn “Đất rừng phương Nam” đã thuật lại hành trình An theo tía nuôi và thằng Cò đi “ăn ong” - đi lấy mật.

+ Vẻ đẹp đầy chất thơ, hoàng dã của rừng U Minh, đồng thời là sự sống đa dạng, phong phú của các loài sinh vật.

+ Tía nuôi của An - một người đàn ông với vẻ đẹp mạnh mẽ, vững chãi của một người lao động từng trải, chất phác, can đảm.

+ Cò - cậu bé hiện thân của núi rừng.

- Phân tích, đánh giá nghệ thuật của tác phẩm

+ Những từ ngữ, câu văn giàu hình ảnh.

+ Ngôi kể thứ nhất, “tôi” là người dẫn truyện.

+ Ngôn ngữ tự nhiên, đậm chất Nam Bộ.

3. Kết bài

- Khẳng định lại những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc tác phẩm.

b.Bài làm tham khảo

Bài văn mẫu số 1

Vùng đất phương Nam là nơi tốn không ít bút mực của các nhà văn nhà thơ. Có người viết về thiên nhiên, có người viết về sông nước, có người lại viết về cái gắt gỏng của khí hậu nơi này… Góp nhặt vào đề tài ấy, Đoàn Giỏi đã cho người đọc có cái nhìn bao quát về thiên nhiên cũng như con người phương Nam. Đặc sắc hơn nữa là tác giả cho người đọc thấy cách ăn ong khác thường trong khu rừng U Minh qua đoạn trích trong sách giáo khoa Văn 10.

Mở đầu đoạn trích, tác giả phác họa bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, trong trẻo của khu rừng U Minh qua góc nhìn của cậu bé An: đất rừng yên tĩnh, trời không có gió, không khí mát lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, đất ẩm… ánh sáng trong vắt. Vẻ đẹp phong phú, sống động của rừng còn được thể hiện ở sự đa dạng của các loài chim, âm thanh sống động của chim, ong, cảnh vật cây cối cũng đa dạng: đàn ong mật như một xâu chuỗi hạt cườm, một đàn li ti như nắm trấu bay, tiếng kêu eo…eo…râm ran khu rừng mà phải thính tai mới thấy; mặt trời tuôn ánh sáng vàng rực rỡ, chim hót líu lo, hương tràm thơm ngây ngất khắp khu rừng, những con kì nhông với đủ sắc màu; vùng cỏ tranh khô vàng có hàng nghìn con chim cất cánh bay. Quả thật là nhà văn đã quan sát tinh tế mà miêu tả lại càng tài tình trong cách dùng tính từ chỉ màu sắc, âm thanh.

Thiên nhiên trong trẻo, đầy sức sống là vậy, con người cũng rất chất phác, thuần hậu và giàu hiểu biết. Cậu bé An- nhân vật xưng tôi trong đoạn trích Nhân vật An đã được nhà văn miêu tả qua lời nói: ôn hòa với thằng Cò, lễ độ với ba má; hành động hết sức nhanh nhẹn: chen vào giữa, quảy cái gùi bé; đảo mắt nhìn; và nhân vật khắc họa qua suy nghĩ, cảm xúc: qua lời má kể vẫn chưa hình dung về cách “ăn ong”, khi được đi thực tế thì đã so sánh được sự khác biệt ở vùng U Minh với các vùng khác trên thế giới; cảm thấy lạ lẫm vì không gian im lìm ở trong rừng; ngạc nhiên về vẻ đẹp rừng U Minh với đa dạng loài chim và âm thanh; tự ái khi hỏi thằng Cò nhiều thứ. Trong mối quan hệ với các nhân vật khác, An xưng mày- tao với Cò thể hiện quan hệ bình đẳng; với ba má nuôi thì xưng hô lễ phép. Qua đó chúng ta thấy được nhân vật An là cậu bé hồn nhiên, ngoan ngoãn nhưng hết sức hiểu chuyện và cũng ham học hỏi và hiểu biết rộng.

Bên cạnh An ngây thơ, vô tư ham học hỏi là nhân vật Cò –một người sành sỏi, hiểu biết rộng về vùng đất U Minh. Cò qua cái nhìn của An là một người khỏe mạnh dẻo dai (cặp chân như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng) được sinh ra và lớn lên ở vùng núi rừng U Minh. Cuộc nói chuyện của Cò với An về cách nhận biết chỗ ong đậu, ong qua lại, đặc điểm thiên nhiên, hướng gió… Cò giảng giải cho An về sự xuất hiện của ong mật, nơi mà ong mật sẽ làm tổ cho thấy Cò là người rất sành sỏi, quen thuộc và hiểu biết kĩ càng về rừng U Minh. Cũng giống như Cò, cha Cò-tía nuôi của An là một người rất tình cảm, chu đáo, cẩn thận và giàu lòng yêu thiên nhiên động vật. Vào rừng ăn ong, tía bên hông lủng lẳng túi, lưng mang gùi, tay cầm chà gạc, người mang theo những vật dụng cần thiết để chăm con và lấy mật. Khi vào sâu trong rừng, nhìn con đẫm đìa mồ hôi thấm mệt, tía nói các con nghỉ ngơi ăn uống no rồi đi tiếp. Đoạn rừng rậm rạp, tía vung tay lên, đưa con dao phạt ngang cành trước mặt để thông thoáng lối đi. Khi An bị ong đốt, Cò toan giết ong thì tía vội cản, tía dùng mồi lửa đuổi ong đi. Điều đó cho thấy tấm lòng nhân hậu, yêu thiên nhiên tha thiết của ông.

Xây dựng bức tranh thiên nhiên phóng khoáng, tác giả sử dụng biện pháp liệt kê (các loài chim, các loài ong, quy trình ăn ong…) cùng với từ ngữ giản dị, đậm chất Nam bộ. Còn xây dựng nhân vật tác giả kết hợp miêu tả ngoại hình với hành động, cảm xúc suy nghĩ của nhân vật. Không chỉ để cho nhân vật tự nghĩ, tự đánh giá về mình, nhân vật còn đánh giá nhân vật khác để tạo sự khách quan.

Với một đoạn trích ngắn gọn trong Đất rừng phương Nam, nhưng bản thân có ấn tượng sâu sắc về con người và đất rừng phương Nam. Đó là vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên với rừng rậm bạt ngàn, thú rừng hoang dã muôn loài. Con người chất phác, thuần hậu, trọng nghĩa, can đảm. Mảnh đất tận cùng phía nam của Tổ quốc hiện lên thật sống động thông qua nghệ thuật miêu tả đầy sáng tạo của nhà văn. Tác giả đã huy động các giác quan và nhiều điểm nhìn để quan sát, miêu tả cùng với sự hiểu biết phong phú về thiên nhiên, con người và cuộc sống ở vùng đất ấy, giúp cho người đọc vừa hình dung được cụ thể, vừa có thêm những hiểu biết để yêu mảnh đất phương Nam.

Bài văn mẫu số 2

Vào cuối thế kỉ XX, Đoàn Giỏi là cái tên được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng văn chương rực sáng của vùng đất Nam Bộ. Không chỉ được đánh giá cao về tài năng nghệ thuật uyên bác, ông còn được biết đến là một nhà văn hóa, nhà Nam Bộ học. Khi nhắc đến tên tuổi Đoàn Giỏi, người ta thường nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”. Tác phẩm hội tụ độ chín của cả tư tưởng, cảm xúc và tài năng nghệ thuật của Đoàn Giỏi, cũng là thành tựu đáng mơ ước trong sự nghiệp văn chương của nhà văn. Đoạn trích “Đất rừng phương Nam” thuộc chương 9 trong cuốn tiểu thuyết, cũng đã thể hiện rõ nét những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

Tiểu thuyết là thể loại tự sự có dung lượng lớn, thông qua hoàn cảnh, sự việc, nhân vật để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và mang những đặc trưng riêng biệt. Tiểu thuyết tái hiện con người và cuộc sống bằng cái nhìn giàu chất văn xuôi, tạo sự gần gũi, chân thực và khách quan. Thể loại này cũng nhìn đời sống từ góc độ đời tư, phác họa những bức tranh sống động về số phận con người trong đời sống. Nhân vật trong tiểu thuyết cũng là con người nếm trải, thường gặp nhiều vấn đề, thăng trầm, biến đổi trong cuộc sống,... Nam Bộ là một vùng đất non trẻ so với các vùng lãnh thổ khác của đất nước nhưng tiểu thuyết viết về vùng đất này khá thịnh hành trong thời kì đầu của phong trào sáng tác văn học Nam Bộ. Một trong số đó là “Đất rừng phương Nam” - một tác phẩm được đông đảo độc giả biết đến và đón nhận, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và còn được dựng thành phim. Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là tác phẩm đặc sắc viết về vùng đất và con người miệt vườn Nam Bộ thời kì kháng chiến chống Pháp.

Trích đoạn “Đất rừng phương Nam” đã thuật lại hành trình An theo tía nuôi và thằng Cò đi “ăn ong” - đi lấy mật. Không gian được miêu tả là rừng tràm U Minh, vào một buổi sáng bình yên, trong vắt, mát lành. Buổi trưa ở đây tràn đầy ánh nắng, ngất ngây hương thơm hoa tràm, tiếng chim hót líu lo và hàng ngàn con chim bay lên,... Đó là vẻ đẹp đầy chất thơ, hoàng dã của rừng U Minh, đồng thời là sự sống đa dạng, phong phú của các loài sinh vật, mang đến sức hấp dẫn cho độc giả.

Những nhân vật trong trích đoạn cũng hiện lên sinh động. Tía nuôi của An - một người đàn ông với vẻ đẹp mạnh mẽ, vững chãi của một người lao động từng trải, chất phác, can đảm. Từng lời nói và cách cư xử của ông đều thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương chân thực dành cho cậu con nuôi. Ông gác kèo cho ong rừng làm tổ rất giỏi, bảo vệ, nâng niu đàn ong và hết mực trân trọng sự sống. Đó là nét đẹp của một người lao động dày dạn kinh nghiệm, yêu thiên nhiên; một người cha mạnh mẽ, nhân hậu và yêu thương con người. Cò - cậu bé hiện thân của núi rừng. Cuộc sống ở nơi rừng núi từ nhỏ giúp cậu có một cơ thể khỏe mạnh, tháo vát, dẻo dai, lại có sự am hiểu và gắn bó sâu sắc với thiên nhiên. Trích đoạn đã để lại ấn tượng sâu đậm về những con người nơi đất rừng phương Nam vừa gần gũi, bình dị, vừa mạnh mẽ, phóng khoáng.

Về nghệ thuật, tác phẩm như những thước phim sống động về thiên nhiên đất rừng phương Nam. Những từ ngữ, câu văn giàu hình ảnh, âm thanh, cảnh sắc như hiện ra sinh động trước mắt độc giả: “Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng. Mấy con kì nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh...” Trong tác phẩm, “tôi” là người dẫn truyện, ngôn ngữ dẫn truyện mang đậm chất Nam Bộ. Dù An là cậu bé xuất thân từ thành thị, nhưng hành trình lưu lạc khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã dạy cho cậu nhiều điều hay, An đã thực sự hòa nhập với vùng đất và con người miền sông nước với những ngôn ngữ và cả hành động đậm chất Nam Bộ.

Cùng với việc miêu tả thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống, Đoàn Giỏi đã thể hiện chân thực hình ảnh những con người Nam Bộ với những nét tính cách nổi bật: yêu lao động, yêu thiên nhiên, nhân hậu, tình nghĩa,... Tác phẩm là bức tranh đẹp đẽ về thiên nhiên và con người vùng sông nước, đồng thời cũng thể hiện rõ nét những đặc sắc nghệ thuật, ngòi bút tài năng của nhà văn. Vì lẽ đó, cuốn tiểu thuyết được đánh giá là một trong những cuốn sách viết về thiếu nhi hay nhất của nước ta, được đông đảo bạn đọc đón nhận, yêu thích.


Cùng chủ đề:

Hướng dẫn cách làm bài văn Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10
Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10
Hướng dẫn cách làm báo cáo nghiên cứu về một vấn đề lớp 10
Hướng dẫn cách làm văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội lớp 10
Hướng dẫn cách viết bài luận về bản thân lớp 10
Hướng dẫn cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch lớp 10
Hướng dẫn cách viết văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng lớp 10
Khái quát đặc điểm tính cách của Huấn Cao - Văn mẫu 10 KNTT
Lập dàn ý bài văn nêu cảm nghĩ về bài thơ Thu hứng - Văn mẫu 10 KNTT
Lập dàn ý phân tích bài Hiền tài là nguyên khí quốc gia - Văn mẫu 10 KNTT
Múa rối nước - Món quà kì diệu từ đồng ruộng Việt Nam - Văn mẫu 10 KNTT