Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thủ thư,. . . ) lớp 6 — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 6 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài văn kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất của em


Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thủ thư,...) lớp 6

1. Dàn ý chi tiết 1. Mở bài: Giới thiệu chung về người đó: bác lao công, bác bảo vệ, cô thủ thư,… 2. Thân bài - Kỉ niệm làm em nhớ về bác/ cô - Miêu tả ngoại hình, tính cách bác/ cô

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài : Giới thiệu chung về người đó: bác lao công, bác bảo vệ, cô thủ thư,…

2. Thân bài

- Kỉ niệm làm em nhớ về bác/ cô

- Miêu tả ngoại hình, tính cách bác/ cô

- Công việc hằng ngày của bác/ cô là gì?

- Bác/ cô đối xử hòa nhã với mọi người như thế nào?

3. Kết bài : Bày tỏ tình cảm của mình dành cho người đó.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Sáng hôm ấy, sau buổi học, cô chủ nhiệm dặn chúng tôi buổi chiều đi lao động để chuẩn bị cho ngày 26/3. Buổi chiều cô có việc bận nên các em phải tự lao động theo sự phân công. Ăn trưa xong thế là tụi tôi lại vội vã đạp xe rủ nhau mang dụng cụ đến trường. Dù đến sớm nhưng vốn ham chơi, tụi con gái chúng tôi chẳng ai bảo ai quây ngồi thành một vòng tròn đủ chuyện trên trời dưới biển. Còn tụi con trai, trước khi đi đã thủ sẵn quả bóng da. Thế là đến trường các bạn đua nhau lao vào quả bóng. Sân trường buổi chiều vắng lặng chẳng có ai nên tụi tôi tha hồ đùa nghịch, la hò ầm ĩ mà chẳng ai nghĩ đến công việc phải làm. Tụi con trai còn đá bóng làm gãy cả một cành cây cảnh.

Thoáng cái đã hết quá nửa buổi chiều, lúc ấy bạn lớp trưởng mới chợt nghĩ đến nhiệm vụ được giao. Thế là chúng tôi mới cuống quýt ai làm việc nấy. Nhưng lạ thay! Khi xách nước đến những ô cửa kính để lau những vết bụi và vết bẩn lau ngày thì chúng tôi bị phát hiện ra, các ô cửa kính đều đã được lau rất sạch. Quay sang khu hiệu bộ, chúng tôi lại thấy toàn bộ khu làm việc cũng đã được quét sạch bong. Chưa kịp hiểu ra ai đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc thì từ xa, tôi đã thấy bác lao công đi tới. Đáp lại lời chào của chúng tôi, bác hiền hậu mở lời: - Chào các cháu! Các cháu đi lao động phải không? Bạn lớp trưởng chưa kịp trả lời, bác lao công lại tiếp: - Thấy các cháu đang chơi vui vẻ, tiện tay bác đã giúp các cháu lo xong công việc ngày mai. Bác sợ các cháu làm không xong sẽ ảnh hưởng đến ngày kỷ niệm. Lúc ấy, bạn lớp trưởng mới thưa: - Chúng cháu cảm ơn bác rất nhiều! Chúng cháu ham chơi quá! - Tuổi của các cháu là tuổi chơi, tuổi học nhưng các cháu cần nhớ khi đã được giao công việc phải chú ý để hoàn thành. Tiện đây bác cũng nhắc nhở các bạn nam, từ lần sau không được đá bóng ở sân trường vì sẽ làm hỏng cây xanh.

Chúng tôi ngoan ngoãn gật đầu rồi ra về trong lòng thầm cảm ơn bác lao công. Bác đã dạy chúng tôi bài học đầu tiên về lao động. Từ ngày ấy, các bạn lớp tôi qúy trọng bác lao công lắm. Mỗi lần đi lao động hay có dịp được gặp mặt bác lao công, tụi tôi lại xúm quanh bác hỏi chuyện như những đứa con lâu ngày mới gặp lại cha mình.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Bác Chính là bảo vệ trường em. Bác công tác ở trường em đã trên mười năm, chị em bảo thế.

Bác là thương binh, mất một cánh tay trái, tại chiến trường biên giới Hà Giang năm 1980. Người bác cao, gầy. Bụng và mông bác còn nhiều mảnh đạn. Tóc cắt ngắn, cặp mắt sâu, cái mũi cao hơi đỏ. Bác nói nhẹ nhàng, cử chỉ lịch thiệp, hay cười. Bác vui tính nên ai cũng mến.

Các thầy cô giáo trong trường đều thân mật kính trọng gọi là: “Chú”, “Chú Chính”. Khách đến trường, các vị phụ huynh đều gọi là “Bác”.

Bác đã 45 tuổi, rất nhanh nhẹn. Học sinh cần gì, các thầy cô giáo cần gì, bác nhiệt tình giúp đỡ ngay. Bác đánh trống báo giờ học, báo giờ ra chơi không bao giờ sai một phút.

Trong bộ quân phục bạc màu, ống áo trái dắt vai, trông bác vừa nghiêm trang vừa bình dị. Một bọn cờ bạc bịp đến cổng trường giở trò móc túi trẻ con, bác nhẹ nhàng nói, chỉ một lúc sau, chúng đều đi thẳng. Có một tay “thiện xạ” ăn mặc rất bảnh, nghe nói là “con ông cháu cha” ngang nhiên xách súng vào bắn chào mào trên các ngọn cây bàng. Chẳng cần to tiếng gì cả, chàng “thiện xạ” đã hứa với bác là không bao giờ đến bắn chim trong trường nữa.

Thằng Quý, thằng Phương vào trộm bàng chiều chủ nhật. Bác bắt được khi đang leo trên ngọn cây. Bác gọi xuống và ôn tồn nhắc: “Cứ từ từ, kẻo ngã…”. Hai cu cậu phải viết vào một tờ giấy chỉ có ba chữ: “Cháu xin chừa”, với chữ ký kèm theo. Bác chẳng báo cáo với ai, thế mà hai bạn ấy không leo bàng nữa.

Mỗi lần có học sinh bị ốm đau, bác giúp đỡ tận tình, coi như con cháu trong gia đình. Bác có hai người con anh Linh là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chị Diệu học Trường Cao đẳng Sư phạm. Vợ bác làm hộ lý ở khoa sản. Gia đình bác là “Gia đình văn hóa mới”.

Bài tham khảo Mẫu 1

Reng, reng,...Như thường lệ, em vội tranh thủ giờ chơi đến thư viện đọc sách.

"Hôm nay có sách nới đấy!" Đôi môi xinh xắn nở nụ cười tươi cùng đôi mắt long lanh đen láy của cô Nga, người phụ trách thư viện trường em, nhìn em tha thiết. Không biết cô làm quản thư đã bao lâu. chỉ biết khi em vào lớp 1 đến nay đã thấy cô rồi. Cô Nga khoảng dưới ba mươi, dáng người thon thả rất hợp với mái tóc dài chấm lưng. Em rất thích nhìn cô thướt tha trong chiếc áo dài vào dịp nhà trường có lễ. Cô có gương mặt thật xinh xắn, nói chuyện rất vui và có duyên. Em gắn bó với thư viện một phần cũng nhờ cô đó.

Em còn nhớ có một lần, em chưa thích sách lắm, chỉ toàn xem truyện tranh. Em luôn làm phiền cô, em chọn cuốn này rồi lại chuyển sang cuốn khác. Thế mà cô vẫn vui vẻ chiều em. Cô rất kiên nhẫn và tốt bụng. Cô dụ em mê sách lúc nào không hay. Đưa em quyển sách cô bảo: "em xem hộ cô, đọc mãi không hiểu sao ngọn núi này tác giả tả màu tím?" Sau này em mới hiểu và thầm cảm ơn cô đã cho em thêm những hiểu biết mới qua sách vở.

Cô còn một biệt tài khác nữa là kể chuyện theo giọng của nhân vật. Giọng kể của cô thật trong trẻo ngọt ngào lắm. Em thường rủ bạn xuống nghe cô kể. Cô bảo sẽ kể sau khi các em nắm vững được cốt truyện. Không còn cách nào khác, thế là chúng em phải đọc. Nhờ thế mà em có thêm vốn kiến thức về từ ngữ và áp dụng ngữ pháp hợp lí vào tập làm văn. Nhóm em khoảng 5 đứa đều tiến bộ rõ nét về môn này.

Tính tình cô rất ôn hòa và cởi mở. Nhiều phụ huynh bao quanh trước cửa phòng thư viện vào dịp đầu năm học. Nào là mua sách này không mua sách kia, đủ mọi trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Hai tay cô nhanh thoăn thoắt đưa quyển này, nhận quyển kia dể đổi. Mồ hôi rịn trên vầng trán khá rộng mà cô vẫn liến thoắng khiến mọi người đều thích thú và tấm tắc khen ngợi. Em nghĩ rằng cô phải nhớ tất cả các loại sách của mọi cấp lớp, mới có thể hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Còn các thầy cô giảng dạy thì luôn được cô chọn cho những bức tranh mới, những dụng cụ, thiết bị dạy học tốt nhất. Phòng làm việc của cô ngăn nắp lắm. Sổ bán sách giáo khoa có màu đỏ, sổ thu tiền đồng phục màu xanh. Sổ cho thầy cô dạy lớp mượn tranh ảnh màu khác. Khi rỗi, em thấy cô luôn lau chùi các cánh cửa kính. Nhìn vào mọi người luôn thấy sách mới và muốn xem ngay.

Cô thật là một cô nhân viên tốt, luôn mẫu mực với công việc tận tâm với học sinh và mọi người. Co luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Hình ảnh cô luôn tạo cho chúng em một ấn tượng tốt đẹp.

Bài tham khảo Mẫu 2

Cô Lê Thị Minh Hiệp chính là cô giáo Tổng phụ trách giỏi của trường THCS Trần Phú chúng em. Cô chính là người mà em luôn yêu quý, trân trọng nhất. Thoạt nhìn, ta cứ nghĩ công việc của một người Tổng Phụ Trách có vẻ dễ nhưng khi được cùng cô tham gia một số hoạt động, em mới biết nó có nhiều thử thách, khó khăn đến nhường nào. Với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt trái xoan, nụ cười luôn nở trên môi giúp cô trẻ hơn cái tuổi 40.

Để làm tốt công việc của một Tổng Phụ Trách không phải ai cũng có thể làm được. Có lẽ niềm đam mê và tình yêu học trò chính là động lực lớn nhất để cô gắn bó với nghề. Phải hiểu học sinh muốn gì, cần gì thì mới có thể chạm đến được tâm hồn trong sáng, nhiều biến động của học sinh. Ở trường, bên cạnh cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn thì cô cũng là người dìu dắt, dạy dỗ chúng em nên người. Tuy cô giáo Tổng Phụ trách không giúp chúng em giải được những bài toán hay giúp cho chúng em làm được những bài văn hay nhưng cô đã giáo dục cho chúng em nhân cách và bồi dưỡng cho chúng em những lí tưởng sống tốt đẹp. Cô lúc nào cũng tâm huyết với các hoạt động của Đội. Sáng đi sớm, tối về muộn, có khi thứ 7, chủ nhật cô cũng phải lên trường để chuẩn bị thật tốt cho các hoạt động ngoại khóa của trường, của Đội. Tuy vậy, cô vẫn sắp xếp thời gian để chăm sóc cho gia đình. Bí quyết giúp cô vượt qua hết mọi khó khăn chính là nhờ tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi của cô. Đôi khi cô hay khắt khe với chúng em về việc làm sao để thực hiện tốt các nội quy học sinh. Có khi cô như một người mẹ, người chị của chúng em luôn chia sẻ, tâm sự, đưa ra những lời khuyên bổ ích cho chúng em mỗi khi chúng em gặp khó khăn mà không biết làm sao giải quyết. Đối với những bạn học sinh chưa ngoan, chưa tích cực tham gia các phong trào, chưa thực hiện tốt nội quy, cô không ngừng tìm biện pháp giúp các bạn đó tự rèn luyện bản thân hay giúp các bạn biết tự nhìn nhận ra việc làm sai của mình để từ đó điều chỉnh. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, cô luôn chịu khó tìm tòi, sáng tạo, tích cực phối hợp để làm cho các hoạt động có nội dung phong phú, hấp dẫn và phù hợp với học sinh. Nhờ sự say mê, nhiệt tình, sáng tạo của cô mà phong trào của Liên Đội ngày càng đi lên. Các năm học vừa qua, Liên Đội luôn duy trì phát động đến học sinh phong trào “Nói lời hay­ làm việc tốt” để giáo dục kỹ năng, cách ứng xử và ý thức kỷ luật cho học sinh. Cô luôn đưa ra những hoạt động mới, độc đáo để giúp chúng em luôn hào hứng khi tham gia các phong trào.

Chính vì thế, mỗi khi có phong trào, hoạt động nào, chúng em đều vui vẻ tham gia. Các chương trình hoạt động Đội giúp chúng em giải trí, học được nhiều điều hay và lấy lại thăng bằng ổn định để bước vào những bài học mới.

Bài tham khảo Mẫu 3

Để ngôi trường được bình yên, an toàn, ổn định hẳn không thể thiếu vai trò quan trọng của bác bảo vệ. Bác giống như một vị thần đang trông coi tòa lâu đài diễm lệ để tránh sự xâm phạm của kẻ xấu. Với chúng em, hình ảnh bác bảo vệ yêu kính ngày ngày trông coi, bảo vệ ngôi trường thân thương đã rất quen thuộc và gần gũi. Em rất yêu quý và kính trọng bác.

Bác giống như bậc cha, chú trong nhà. Có gì không phải bác đều chỉ bảo cho chúng em rất nhiệt tình. Bác có lẽ năm nay đã ngoài 40 tuổi. Khuôn mặt bác vuông chữ điền, nước da ngăm đen, có lẽ vì phải lăn lộn nhiều trước sóng gió cuộc đời nên làn da trông rất khỏe và cứng rắn. Khuôn mặt ấy cũng đã có những nếp nhăn, những vết chai sạn nhưng trông vẫn rất hiền lành và tốt bụng. Bác không hay cười nói, có lẽ để chúng em biết khuôn phép và tuân thủ thì bác muốn giữ sự nghiêm nghị ấy để răn đe chúng em nề nếp được tốt hơn. Dáng người bác khá vạm vỡ, những bước đi chắc nịch, vững chãi trông rất ra dáng một người làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, an toàn cho trường học.

Với bác, lần đầu nếu không quen và hay tiếp xúc thì hẳn sẽ nghĩ rằng bác rất nghiêm khắc và khó tính. Nhưng kì thực không phải như vậy, bác luôn tạo cho chúng em một sự thân mật nhất định để chúng em không được phép đùa quá chớn. Bác rất tốt bụng, có gì ngon bác thỉnh thoảng cũng hay chia đều cho chúng em. Nhưng điều khiến bọn em kính trọng chính là thái độ và tinh thần bác làm việc. Bác làm việc rất nghiêm túc và cẩn trọng, không bao giờ để ban giám hiệu trường phải nhắc nhở nhiều. Các thầy cô giáo trong trường thỉnh thoảng nếu chưa tới giờ lên lớp thường hay ghé qua chỗ bác hỏi thăm tình hình, đánh cờ và uống nước. Cảm giác rất thân mật và gần gũi. Công việc của người bảo vệ cũng không dễ dàng gì. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn và sự hi sinh lớn lao nữa. Hàng ngày, bác phải dậy sớm từ lúc trước 6 giờ để đi đến các lớp học mở cửa chờ chúng em bước vào. Mùa nắng thì không vấn đề gì, nhưng nếu là mùa lạnh cái rét cắt da cắt thịt chúng ta chỉ muốn ngồi trong chăn cuộn tròn ấm áp thì lúc ấy bác đã phải dậy từ trước để làm nhiệm vụ. Túc trực suốt 24 giờ có lẽ ngôi trường coi bác như người cha già kính yêu luôn chăm sóc, lo lắng cho nó. Ban đêm, khi trời mờ dần, bầu trời chỉ còn là một tấm vải đen thì bác phải đi quanh trường một lượt, xem lớp nào chưa tắt điện, khóa cửa lớp bác lại làm hộ công việc đó. Ban đêm hễ có tiếng động bất chấp mưa gió thế nào bác cũng phải dậy kiểm tra. Tối đến, trước khi đi ngủ, bác đều phải tuần tra cả trường lại một lượt rồi mới yên tâm kê lưng gối đầu. Ngoài việc trông coi an ninh trường, bác còn giúp nhà trường quản lí gián tiếp chúng em, xem đứa nào hay nghịch ngợm, vi phạm nề nếp thì ghi lại báo lên để bị xử phạt. Không phải bác ghét bỏ gì, mà làm như vậy là để chúng em lớn dần lên và quen với sự tự lập, nghiêm khắc để nghiêm túc với bản thân.

Nhờ sự ân cần và sự nghiêm khắc đúng mực ấy bác đã dạy chúng em rất nhiều khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bác giống như bậc cha chú trong nhà, luôn yêu quý chúng em. Chúng em luôn yêu quý, kính trọng bác. Tưởng tượng sau này càng lớn dần lên, phải xa mái trường thân yêu, xa bác, chúng em mỗi khi mắc khuyết điểm sẽ không còn được chỉ bảo nhẹ nhàng như vậy, mà cuộc sống sẽ đáp trả theo một cách khác, em lại càng lưu luyến không rời. Cảm ơn bác vì luôn bên cạnh bọn cháu trong suốt những tháng năm học trò.


Cùng chủ đề:

Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ nhất của em với mẹ lớp 6
Kể lại một trải nghiệm đã trở thành kỉ niệm sâu sắc đối với em lớp 6
Kể lại một trải nghiệm đi tắm biển của em lớp 6
Kể lại trải nghiệm về ngày khai giảng mà em nhớ nhất lớp 6
Kể lại trải nghiệm về ngày đầu tiên đi học của em lớp 6
Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thủ thư,. . . ) lớp 6
Nêu suy nghĩ về lòng tự hào đối với quê hương lớp 6
Nêu suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thế hệ trẻ lớp 6
Nghị luận về chiến tranh lớp 6
Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử lớp 6
Nghị luận về hiện tượng vô cảm lớp 6