Khái niệm bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống
Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống thuộc thể loại nghị luận xã hội. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.
1. Khái niệm bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống
Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống thuộc thể loại nghị luận xã hội. Trong đó, người viết đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.
2. Ví dụ minh họa
Đề bài: Ý nghĩa của sự tha thứ
Trái tim ta như một ô cửa kì diệu mở ra biết bao cảm xúc, hạnh phúc có, khổ đau có, có cả hận thù và tha thứ. Lòng thù hận, sự cố chấp và nhữn định kiến đã làm trái tim ta nặng trĩu, khiến cuộc đời chỉ toàn bóng tối và khổ ải. Khi ấy, ta cần sự tha thứ đó để tìm thấy lối thoát cho tâm hồn. Từ đó, ta thấy được vai trò thiết yếu của tha thứ trong đời sống của con người.
Tha thứ chính là bỏ qua cho người khác những lỗi lầm của họ. Trong cuộc sống, sự tha thứ thể hiện ở thái độ cảm thông, rộng lượng trước sai lầm của người khác, sẵn lòng tạo điều kiện để người mắc lỗi sửa sai.
Thật vậy, sự tha thứ là món quà quý giá mà chúng ta tặng cho người khác và cho chính mình. Tại sao sự tha thứ lại quan trọng? Trước hết, sự tha thứ tạo cơ hội cho con người sửa chữa lỗi lầm. Bởi vì không ai có thể tránh khỏi những lầm lạc, cho nên một bàn tay đưa ra để vực ta dậy từ sai lầm, một trái tim bao dung tha thứ sẽ cho ta động lực để sửa sai, từ đó dần hoàn thiện bản thân. Trại giam Gia Trung (Gia Lai) đã tổ chức phong trào viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Những lá thư xin lỗi của phạm nhân đã gửi đến người bị hại. Thông qua phong trào, có hàng chục thư hồi âm từ những người bị hại, thân nhân người bị hại thể hiện tấm lòng rộng mở và sẵn sàng tha thứ. Có thể thấy, chính sự tha thứ ấy đã giúp những phạm nhân nơi đây giải tỏa được phần nào gánh nặng của mặc cảm tội lỗi, từ đó tích cực cải tạo, sửa chữa lồi lầm, có cơ hội tái hòa nhập với xã hội.
Bên cạnh đó, sự tha thứ giúp chúng ta buông bỏ thù hận, sự cố chấp và định kiến kể từ đó tìm thấy sự bình an, thanh thản trong tâm hồn. Nhà văn Gu-i-li-am A-thơ-rơ Gu-ơ-rơ (William Arthur Ward) cho rằng: “Cuộc sống nếu không có sự tha thứ mà chỉ là tù ngục”. Thật vậy, nếu mãi ôm lòng thù hận, ta sẽ mắc kẹt trong vòng xoáy của sự căm ghét và lạc lối trong những định kiến về người khác, khi ấy cuộc đời của ta sẽ ngột ngạt, đau khổ biết nhường nào? Nhờ sự tha thứ, ta xoa dịu được vết thương lòng, tâm hồn ta trở nên nhẹ nhàng, bình yên. Một nghiên cứu thực hiện bởi bác sĩ Ca-ren Xơ-goát (Karen Swart), thuộc bệnh viện Dôn Hóp-kin (Johns Hopkins), Mỹ, đã cho thấy sự tha thứ giúp giải tỏa căng thẳng, làm hạ huyết áp và nhờ đó giúp giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, thần kinh. Lợi ích của sự tha thứ với sức khỏe và tinh thần mỗi người quả thực rất to lớn!
Tuy thế, ta cần tránh nhầm lẫn tha thứ với sự dễ dãi, dung túng cho cái sai, cái ác. Sự tha thứ chỉ thực sự có giá trị khi người mắc lỗi thật tâm hối cải và có những biện pháp khắc phục lỗi lầm. Mặt khác, ta cũn cần học cách tự tha thứ cho bản thân. Bởi bằng việc tha thứ cho chính mình, ta mới có thể sống tốt và tạo ra các giá trị tích cực để hàn gắn cho quá khứ.
Tóm lại, dù không dễ dàng, sự tha thứ giúp cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Mỗi chúng ta có thể học cách tha thứ bằng việc đặt mình vào vị trí của người khác, cố gắng hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn họ đến sai lầm. Ta có thể viết thư cho những người từng mắc lỗi với ta để thể hiện sự tha thứ và tình yêu thương. Cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nếu ta lan tỏa ánh sáng của sự tha thứ!