Khái niệm bài văn phân tích một tác phẩm văn học
Bài văn phân tích một tác phẩm văn học là gì? Yêu cầu và hướng dẫn viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt Đường luật)? YYêu cầu và hướng dẫn viết bài văn phân tích tác phẩm thơ trào phúng Yêu cầu và hướng dẫn viết bài văn phân tích tác phẩm truyện?
1. Khái niệm bài văn phân tích một tác phẩm văn học
Phân tích một tác phẩm văn học thuộc kiểu bài nghị luận văn học, trong đó người viết dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ chủ đề và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
2. Ví dụ minh họa
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)
Khi những cơn gió lạnh tràn về, lòng tôi lại miên man nhớ về Thạch Lam và truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa . Mỗi lần đọc lại tác phẩm, tôi đều cảm động trước tấm lòng nhân hậu của nhà văn. Bằng truyện ngắn này, Thạch Lam đã gửi đến người đọc bài học sâu sắc mà thấm thía về tình yêu thương và sự sẻ chia. Nội dung ấy được thể hiện qua các hình thức nghệ thuật tinh tế, giàu chất thơ.
Trước hết, tôi rất thích chủ đề của truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa , đó là vẻ đẹp của tình người và sự sẻ chia trong cuộc sống. Tình người ấm áp, thấm đẫm trong từng trang sách. Tình người thể hiện trong cảnh những đứa trẻ chơi đùa vui vẻ, không phân biệt hoàn cảnh giàu nghèo. Tình người kết đọng trong hành động của Sơn và Lan khi mang chiếc áo bông cũ tặng cho Hiên, người bạn nhà nghèo không có áo ấm mặc trong mùa rét. Gió lạnh đầu mùa phủ khắp không gian, tạo ra một không khí rét mướt, nhưng điều đọng lại trong tôi vẫn là ngọn lửa yêu thương lan tỏa.
Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của truyện Gió lạnh đầu mùa còn là hình thức nghệ thuật đặc sắc. Nhà văn Thạch Lam đã rất khéo léo khi lựa chọn xây dựng một cốt truyện và tình huống truyện đơn giản. Sự việc hai đứa trẻ nhà khá giả động lòng thương, mang cho một người bạn khó khăn chiếc áo vào mùa rét rất bình dị, tự nhiên, không pahri là những xung đột gay gắt, hay sự việc li kì. Nhưng cái bình dị, quen thuộc ấy lại dễ dàng khơi dậy sự đồng cảm nơi người đọc.
Biệt tài của Thạch Lam là miêu tả, khắc họa sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn nhân vật Sơn trước sự biến đổi của thiên nhiên và cảnh ngộ của con người. Sơn cảm nhận được những biến chuyển nhỏ nhất của thiên nhiên: “chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy ẽo như ở gần”. Tấm lòng nhân hậu giúp Sơn nhận ra những đứa trẻ nhà nghèo hôm nay “môi chúng tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi”, nhận ra Hiên “co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc manh áo rách tả tơi” mà “động lòng thương”. Tình thương ấy thể hiện tâm hồn cao đẹp, biết xót xa, cảm thông cho những mảnh đời khốn khó. Đó là lí do tôi trân trọng, quý mến nhân vật Sơn.
Hơn thế nữa, truyện còn chứa đựng nhiều chi tiết thú vị. Một trong những chi tiết đặc sắc mà tôi rất tâm đắc là lời nói của người mẹ ở cuối truyện: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta mà không sợ mẹ mắng ư?”. Đó là lời trách móc chăng? Đọc lại, tôi nhận ra, đó là lời mắng yêu, thể hiện niềm tự hào của bà về sự nhân hậu của các con. Có lẽ, cái bà cho đi không chỉ là chiếc áo bông giữa ngày buốt giá, mà còn là bài học sâu sắc về lòng vị tha, về hơi ấm tình người.
Ai đó đã nói rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình yêu thương”. Phải chăng vì thế, bài học về tình yêu thương và sự chia sẻ trong Gió lạnh đầu mùa chưa bao giờ lỗi thời, những hình thức nghệ thuật của truyện ngắn chưa bao giờ hết hấp dẫn? Một mùa gió lạnh lại về, đọc lại Gió lạnh đầu mùa , mong muốn sẻ chia lại nhen nhóm trong tôi…