Có nhiều tiền chưa hẳn đã hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến khi người đó biết cách làm ra những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi xương máu của chính mình và biết sử dụng đồng tiền ấy một cách khôn ngoan.
Đồng tiền quả có sức mạnh vô biên. Trong những xã hội thối nát, đồng tiền có thể mua tất cả, từ bằng cấp đến địa vị xã hội, quan chức... đây là ý kiến hoàn toàn sai lạc.
Con người phát minh ra đồng tiền chỉ để làm phương tiện trung gian của việc trao đổi hàng hóa. Thử hình dung, ngoài biển cả bao la không có chút lương thực thực phẩm nào, nếu ai đó có trong tay cả núi tiền thì liệu tiền đó có cứu được sinh mệnh anh ta? Vì thế chỉ nên xem đồng tiền luôn là phương tiện.
Trong một xã hội, thông thường người ta cũng đánh giá con người qua khả năng thu nhập. Điều đó được lượng hóa bằng tiền. Nhưng số tiền mà một cá nhân thu nhập được trong quá trình lao động cũng vẫn chưa thể nói hết phẩm giá đạo đức của người đó. Tóm Lại, đồng tiền không thể là thước đo phẩm giá của con người.
Có hai cách kiếm tiền. Kiếm tiền chân chính bằng khả năng và lao động của mình và kiếm tiền bất chính bằng mọi thủ đoạn như tham nhũng, hối lộ, buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi...
Bi đát thay cho những ai tôn thờ đồng tiền. Đối với hạng người này, càng nhiều tiền họ càng hạnh phúc. Chỉ cần nhìn thấy đồng tiền là họ sẵn sàng quên đi tất thảy mọi điều quý giá trên đời. Và một nghịch lí tất yếu xảy ra, để hạnh phúc thì cá nhân đó phải bằng mọi cách vơ vét tiền. Đến mức, tự họ biến họ thành một “cái máy” kiếm tiền không hơn không kém.
Kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng bằng cách sử dụng tiền đó cho mục đích gì. Khi chết con người ta đem được gì sang thế giới bên kia?
Vậy nên, có nhiều tiền chưa hẳn đã hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến khi người đó biết cách làm ra những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi xương máu của chính mình và biết sử dụng đồng tiền ấy một cách khôn ngoan.