Nêu suy nghĩ của em về sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân lớp 8 — Không quảng cáo

Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (c


Nêu suy nghĩ của em về sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân lớp 8

1. Mở đoạn: - Dẫn dắt vấn đề: + Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Dàn bài chi tiết

1. Mở đoạn:

- Dẫn dắt vấn đề:

+ Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

- Giới thiệu và đánh giá khái quát vấn đề:

+ Một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tai nạn giao thông chính là sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân.

2. Thân đoạn:

a. Sự tùy tiện khi tham gia giao thông là gì?

- Giao thông là gì?

+ Giao thông là hệ thống di chuyển, đi lại của mọi người, bao gồm những người tham gia giao thông dưới các hình thức đi bộ, cưỡi động vật hoặc chăn gia súc, sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô hay các phương tiện giao thông khác, một cách đơn lẻ hoặc cùng nhau. Giao thông thường có tổ chức và được kiểm soát bởi cơ quan.

+ Tùy tiện: Tự ý, không tuân theo quy tắc nào cả

=> Sự tùy tiện khi tham gia giao thông là không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của luật giao thông khi lưu thông trên đường mà tham gia giao thông theo ý muốn riêng của mình, không kể tình hình khách quan và chủ quan ra sao.

b. Biểu hiện - thực trạng của sự tùy tiện khi tham gia giao thông

- Thực trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay được coi là lĩnh vực tồi tệ nhất bởi những tai nạn giao thông khủng khiếp thường xuyên xảy ra. Bởi ý thức tham gia giao thông quá tùy tiện của một số người dân.

- Khi đi đường bộ dùng đèn xi nhan chưa đúng với ý nghĩa của nó. Có trường hợp rẽ trái, rẽ phải nhưng không bật đèn xi nhan để xin đường, đôi khi bật đèn xin rẽ trái nhưng lại rẽ phải, sau khi rẽ lại quên tắt xi nhan...

- Đi xe máy điện, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe, lạng lách, phóng nhanh, đua xe,...

- Khi tham gia giao thông người đi bộ, người bán hàng rong nhưng lại ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, giờ tan làm nhiều phương tiện chen lấn làn để mong vượt qua mau về nhà thật nhanh , giờ đêm vắng đi nhanh, vượt ẩu...

- Một bộ phận thanh niên trẻ có lối sống buông thả, thích thử thách, đam mê tốc độ đua xe..

=> Đây chính là những biểu hiện tùy tiện khi tham gia giao thông, là những hành vi thiếu văn hóa trong quá trình tham gia giao thông.

c. Hậu quả - minh chứng về sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người

- Sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người là thói quen xấu, đem lại hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, các vụ tai nạn giao thông luôn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng lên.

- Sự tùy tiện của một số người khi tham gia giao thông sẽ làm mất an toàn giao thông nghiêm trọng gây tổn thất kinh tế cá nhân và đất nước

- Làm ảnh hưởng không tốt tới sự nhìn nhận, đánh giá tình hình phát triển của Việt Nam và gây khó khăn trong việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta.

- Gây mất an toàn xã hội

- Làm mất hình ảnh trước bạn bè quốc tế.

Dẫn chứng về sự tùy tiện khi tham gia giao thông.

- Theo thống kê của Cục CSGT thì năm năm 2016, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nước là hơn 21.000 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng gần 9.000 người, cùng nhiều thiệt hại về tài sản khác.

- Quý I của năm 2021 Thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trên cả nước đã xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. Đây hoàn toàn là những con số biết nói, khiến chúng không khỏi rùng mình.

- Theo ngành du lịch thống kê thì hơn 70% du khách không muốn trở lại vì nhiều lí do, mà một trong những lí do đáng kể là tình trạng giao thông không bảo đảm an toàn. Họ rất sợ phải đi bộ băng qua đường vì xe cộ chạy ào ào, bất chấp đèn đỏ.

d. Nguyên nhân về sự tùy tiện khi tham gia giao thông

- Nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người nắm rõ luật nhưng lại không tuân thủ theo luật: Hàng ngày, khi lưu thông trên đường đơn giản việc nhỏ là việc dừng đèn đỏ nhưng nhiều người vì muốn nhanh hơn một chút nên thường xuyên vượt đèn đỏ.

- Nhiều người đã uống rượu bia rồi nhưng vẫn lái xe máy, ô tô => Những con người đó, họ không chỉ xem thường tính mạng của bản thân mình mà còn làm ảnh hưởng đến sự an nguy của người khác.

- Một số người sử dụng phương tiện thô sơ, tự chế khi tham gia giao thông không đảm bảo được sự an toàn. Cùng với đó là người điều khiển đi nhanh, ẩu một cách tùy tiện nên gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.

e. Giải pháp hạn chế tình trạng tùy tiện khi tham gia giao thông

- Mỗi chúng ta là những người trực tiếp tham gia lưu thông trên đường phải ý thức tầm quan trọng việc chấp hành đúng quy định an toàn giao thông, tự giác và có tinh thần trách nhiệm và bổn phận để bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và những người cùng tham gia lưu thông giống mình.

- Tham gia giao thông phải hiểu luật an toàn giao thông

- Nhà nước cần có những biện pháp khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông kém chất lượng để nâng cao an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Có những khung hình phạt nghiêm khắc với tình trạng không chấp hành an toàn giao thông, tùy tiện khi tham gia giao thông.

- Các ban ngành cần phối hợp, chú trọng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giúp cán mọi người ý thức rõ để có hành vi đúng đắn trong tham gia giao thông.

- Gia đình cần quản lí con em, giáo dục nhắc nhở con em thực hiện tốt an toàn luật khi tham gia giao thông.

- Nhà trường cần tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh qua bài học ngoại khóa, chủ đề về trật tự an toàn khi tham gia giao thông.

3. Kết đoạn:

- Khẳng định lại vấn đề: An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội.

- Liên hệ bản thân/Mở rộng kêu gọi:

+ Bản thân em là học sinh với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức thì cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện tốt an toàn giao thông.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trải qua nhiều năm phát triển, hệ thống giao thông của nước ta đang ngày càng hoàn thiện và hiện đại hơn để phục vụ cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, lại có một bộ phận người dân thiếu ý thức, rất tùy tiện khi tham gia giao thông. Đây là một vấn nạn gây nhức nhối suốt thời gian vừa qua, gây bức xúc trong dư luận.

Sự tùy tiện khi tham gia giao thông đó, được thể hiện cụ thể qua việc họ phớt lờ những quy định, điều luật chung khi tham gia giao thông. Chỉ chăm chăm vào sự tiện lợi, thoải mái cho bản thân mình, gây nên sự bất tiện thậm chí là nguy hiểm cho người khác. Trên đường bộ, ta bắt gặp các tài xế lái xe khi đã uống rượu bia, rồi lạng lách đánh võng, chở các đồ vật lớn, cồng kềnh. Đã vậy, họ còn vượt đèn đỏ, rẽ sang đường nhưng không bật đèn xi nhan hoặc bật một đằng, rẽ một nẻo. Cùng với đó, là những kẻ thích phóng nhanh vượt ẩu, hò hét, nẹt bô ầm ầm trong khu dân cư đông đúc. Còn ở các phương tiện giao thông công cộng, thì không khó để bắt gặp những người có hơi thở nồng nặc mùi rượu bia, khạc nhổ bừa bãi, nói chuyện và nô đùa ồn ào…. gây ảnh hưởng nhiều đến người khác.

Những điều này tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng thực sự gây ảnh hưởng nặng nề đến những người cùng tham gia giao thông khác. Ai cũng vô cùng bức xúc và khó chịu khi gặp phải những người thiếu ý thức như vậy. Thậm chí, những người đó còn là tác nhân gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông, khi cố tình vượt đèn đỏ, lạng lách hay uống rượu bia rồi tham gia lái xe. Không chỉ vậy, những cá nhân ấy còn khiến bộ mặt giao thông của đất nước bị đánh giá thấp theo.

Vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp phù hợp để khắc phục và đẩy lùi vấn nạn này. Trước hết, là có những hình phạt phù hợp để răn đe và xử lý các tình huống thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Sau đó là đề ra các mức xử phạt cụ thể về những hành vi tùy tiện khi tham gia giao thông của người dân và phổ biến tới mọi người. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính chúng ta. Do đó, cần đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền đến tất cả mọi người về tác hại của sự tùy tiện trong giao thông. Đó mới là biện pháp hữu ích nhất để đẩy lùi vấn nạn này.

Giao thông là hoạt động mà mọi người tham gia mỗi ngày. Vì vậy, cần phải có ý thức và chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật, quy tắc khi tham gia thông. Không nên có thái độ tùy tiện khi điều khiển xe cộ hoặc di chuyển trên các phương tiện công cộng. Bởi đó là một vấn nạn nhức nhối cần phải đẩy lùi.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Mỗi năm, đất nước chúng ta trải qua sự phát triển vượt bậc, mở ra những khía cạnh mới trong đời sống của cộng đồng. Tiêu biểu là sự cải thiện đáng kể không chỉ trong chất lượng ẩm thực, giấc ngủ mà còn trong lĩnh vực đi lại, một khía cạnh quan trọng đã trải qua những đổi mới tích cực trong những năm gần đây.

Trước đây, việc sử dụng xe đạp và xe kéo là phổ biến, nhưng ngày nay, hình ảnh những chiếc xe đạp trên đường trở nên hiếm hoi. Xe kéo đã chấm dứt hoàn toàn. Thay vào đó, xe máy và ô tô trở thành phương tiện chủ đạo. Tuy nhiên, sự phát triển của các loại phương tiện này lại đồng nghĩa với việc an toàn giao thông giảm sút. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, và nguyên nhân đầu tiên chính là ý thức của người tham gia.

Nhiều người có kiến thức vững về luật lệ nhưng không chấp hành chúng. Việc vượt đèn đỏ để tiết kiệm thời gian trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự vội vã có thể mang lại mất mát lớn, từ một phút nhanh chóng có thể biến thành cả đời chậm trễ hoặc thậm chí là mất mát vĩnh viễn. Ngoài ra, có những người không hiểu rõ về luật an toàn giao thông, điều này dẫn đến những hành vi nguy hiểm như đi vào làn đường ô tô, tăng tốc trong khu dân cư đông đúc, và thậm chí là việc lái xe khi say rượu.

Để cải thiện tình hình giao thông, cần có sự hợp tác và cộng tác của cả cộng đồng. Việc tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục không chỉ dành cho học sinh mà còn mở rộng ra toàn bộ cộng đồng là cần thiết. Ngoài ra, cần thiết lập hình phạt hợp lý để răn đe và xử lý nhanh chóng những người không tuân thủ luật lệ giao thông. Cơ sở hạ tầng giao thông cũng cần được kiểm soát và cải thiện để đảm bảo an toàn cho người tham gia.

Bảo đảm an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Ý thức và hành động của mỗi người khi tham gia giao thông đều đóng góp vào việc tạo nên một môi trường giao thông an toàn và trật tự. Hãy nâng cao ý thức và đóng góp tích cực để giữ an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh trên con đường chung của chúng ta.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trong những năm qua, vấn đề giao thông đường bộ được coi là nhức nhối nhất, với mật độ tham gia cực kỳ cao, sự cạnh tranh giữa các phương tiện và tranh giành làn đường diễn ra không ngừng. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày, có 35 người chết và hàng nghìn người bị thương do tai nạn giao thông ở Việt Nam. Sự kinh hoàng này đang khiến cho người tham gia giao thông trở nên sợ hãi, tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Nguyên nhân của tình trạng tai nạn và vi phạm giao thông rộng rãi và khó kiểm soát trong xã hội cũng đang được đặt ra câu hỏi. Điều quan trọng nhất là ý thức của người điều khiển phương tiện, khi họ không tuân thủ luật lệ giao thông hay biết luật nhưng không thực hiện. Vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm là những hành động phổ biến mà chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến hàng ngày.

Những hành động nhỏ và có vẻ không quan trọng này đang là nguyên nhân chính khiến cho tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Hình ảnh những nạn nhân nằm vật vã, người thân khóc vật vờ trong bệnh viện, hay khói nhang nghi ngút trong một gia đình trẻ, đều là những hình ảnh đau lòng và để lại ấn tượng sâu sắc với những người chứng kiến.

Ngoài ý thức cá nhân, trách nhiệm của cơ quan chức năng và người kiểm soát trực tiếp hoạt động giao thông cũng đóng vai trò không nhỏ. Việc thiết lập và thực thi các điều luật giao thông là cần thiết, nhưng cũng cần phải đáp ứng đúng nhu cầu và thực tế của người dân. Cần có sự công bằng và minh bạch trong xử phạt, tránh tình trạng hối lộ và thất thuận.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông và đưa tình trạng giao thông vào quỹ đạo ổn định, cả cộng đồng cần phải hợp tác. Tuy nhiên, quyết định lớn nhất vẫn nằm trong tay của người điều khiển phương tiện, là họ quyết định hành động của mình như thế nào. Sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng sẽ là chìa khóa quan trọng để đảm bảo giao thông ổn định và an toàn.

An toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Hãy cùng xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh và an toàn nhất để bảo vệ mạng sống của chúng ta.

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Và một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tai nạn giao thông chính là sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân. Vậy sự tùy tiện tham gia giao thông có nguyên nhân, hậu quả là gì? Bài viết dưới đây sẽ bàn luận cụ thể về vấn đề này!

Để hiểu thế nào là sự tùy tiện khi tham gia giao thông thì đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu “Giao thông” có nghĩa là gì? Giao thông được hiểu là hệ thống di chuyển, đi lại của mọi người, bao gồm những người tham gia giao thông dưới các hình thức đi bộ, cưỡi động vật hoặc chăn gia súc, sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô hay các phương tiện giao thông khác, một cách đơn lẻ hoặc cùng nhau. Giao thông thường có tổ chức và được kiểm soát bởi cơ quan. Còn “tùy tiện” là tự ý, tùy theo ý của mình, không tuân theo quy định nào. Vậy Sự tùy tiện khi tham gia giao thông là không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của luật giao thông khi lưu thông trên đường mà tham gia giao thông theo ý muốn riêng của mình, không kể tình hình khách quan và chủ quan ra sao.

Thực trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay được coi là lĩnh vực tồi tệ nhất bởi những tai nạn giao thông khủng khiếp thường xuyên xảy ra. Bởi ý thức tham gia giao thông quá tùy tiện của một số người dân. Đơn giản như việc sử dụng đèn xi nhan của nhiều người tham gia giao thông đôi lúc chưa đúng với ý nghĩa của nó. Có trường hợp rẽ trái, rẽ phải nhưng không bật đèn xi nhan để xin đường, đôi khi bật đèn xin rẽ trái nhưng lại rẽ phải, sau khi rẽ lại quên tắt xi nhan, hoặc vừa bật đèn nhan liền điều khiển phương tiện qua đường làm cho người tham gia giao thông cùng chiều phía sau rất khó xử lý, đôi khi xảy ra va quệt, tai nạn. Hay khi đi xe máy điện, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe, lạng lách, phóng nhanh, đua xe,... Một biểu hiện khác của sự tùy tiện khi tham gia giao thông người đi bộ, người bán hàng rong nhưng lại ngang nhiên lấn chiếm lòng đường.…Đặc biệt, giờ tan làm nhiều phương tiện chen lấn làn để mong vượt qua mau về nhà thật nhanh không có tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ. Ngược lại, giờ ban đêm vắng vẻ, không có công an giao thông thì tình trạng thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, tổ chức các trận đua xe tốc độ gây cản trở người thi hành công vụ. Một bộ phận thanh niên trẻ có lối sống buông thả, thích thử thách, đam mê tốc độ mà coi thường mạng sống chỉ thích thể hiện bản thân mà quên đi hậu quả mà tai nạn giao thông mang lại. Đây chính là những biểu hiện tùy tiện khi tham gia giao thông, là những hành vi thiếu văn hóa trong quá trình tham gia giao thông.

Sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người đem lại hậu quả nghiêm trọng. Thật đáng buồn khi hiện trạng các vụ tai nạn giao thông luôn phức tạp và tăng lên. Chúng xảy ra với tần suất cao và mức độ nghiêm trọng, nhất là trong dịp lễ, Tết. khi mà số lượng các phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn. Số người bị thương, người chết sau mỗi vụ tai nạn tăng lên. Theo thống kê của Cục CSGT thì năm năm 2016, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nước là hơn 21.000 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng gần 9.000 người, cùng nhiều thiệt hại về tài sản khác. Cho tới quý I của năm 2021 Thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trên cả nước đã xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. Đây hoàn toàn là những con số biết nói, khiến chúng không khỏi rùng mình. Tai nạn giao thông không chỉ gieo rắc đau thương, làm tan vỡ hạnh phúc của bao gia đinh mà còn gây thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần cho cả xã hội.

Bên cạnh đó, chính sự tùy tiện khi tham gia giao thông đã gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông, làm mất an toàn giao thông nghiêm trọng gây tổn thất kinh tế cá nhân và đất nước. Đồng thời làm ảnh hưởng không tốt tới sự nhìn nhận về hình ảnh Việt Nam, đánh giá tình hình phát triển của Việt Nam và gây khó khăn trong việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta. Theo ngành du lịch thống kê thì hơn 70% du khách không muốn trở lại vì nhiều lí do, mà một trong những lí do đáng kể là tình trạng giao thông không bảo đảm an toàn. Họ rất sợ phải đi bộ băng qua đường vì xe cộ chạy ào ào, bất chấp đèn đỏ. Rõ ràng, mất an toàn giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, mất trật tự an toàn xã hội. Đồng thời làm mất đi hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Nguyên nhân dẫn đến sự tùy tiện khi tham gia giao thông có rất nhiều. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là do ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người nắm rõ luật nhưng lại không tuân thủ theo luật. Hàng ngày, khi lưu thông trên đường đơn giản việc nhỏ là việc dừng đèn đỏ nhưng nhiều người vì muốn nhanh hơn một chút nên thường xuyên vượt đèn đỏ. Cũng có không ít người trong số đó nhanh một phút nhưng chậm cả đời. Có người ra đi vĩnh viễn, có người trở thành người tàn phế. Bên cạnh đó có những người khi tham gia giao thông lại không hiểu về luật an toàn giao thông như có người đi xe máy lại đi vào làn đường ô tô, trong khu vực đông dân lại đi với tốc độ cao,...Hoặc còn nhiều người đã uống rượu bia rồi nhưng vẫn lái xe máy, ô tô. Những con người đó, họ không chỉ xem thường tính mạng của bản thân mình mà còn làm ảnh hưởng đến sự an nguy của người khác. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa là một số người sử dụng phương tiện thô sơ, tự chế khi tham gia giao thông không đảm bảo được sự an toàn. Cùng với đó là người điều khiển đi nhanh, ẩu một cách tùy tiện nên gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng tùy tiện khi tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn giao thông trật tự xã hội đi. Mỗi chúng ta là những người trực tiếp tham gia lưu thông trên đường phải ý thức tầm quan trọng việc chấp hành đúng quy định an toàn giao thông, tự giác và có tinh thần trách nhiệm và bổn phận để bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và những người cùng tham gia lưu thông giống mình. Khi đi trên đường phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức giao thông, là người làm chủ tay lái phải làm chủ được bản thân không được nghe lời dụ dỗ uống quá nhiều rượu bia khi đi ăn uống, tụ tập ăn nhậu cùng bạn bè hay những bữa tiệc vui như đám cưới, tất niên cuối năm, lễ tết. Bên cạnh đó, thì nhà nước cần có những biện pháp khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông kém chất lượng để nâng cao an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Có những khung hình phạt nghiêm khắc với tình trạng không chấp hành an toàn giao thông, tùy tiện khi tham gia giao thông. Mặt khác các ban ngành cần phối họp chú trọng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giúp cán mọi người ý thức rõ để có hành vi đúng đắn trong tham gia giao thông, ngăn ngừa hiểm sự tùy tiện khi tham gia giao thông vì ẩn chứa nhiều tai họa tai nạn giao thông.

Hơn nữa về phía gia đình cần quản lí con em, giáo dục nhắc nhở con em thực hiện tốt an toàn luật khi tham gia giao thông. Còn về phía nhà trường cần tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh qua bài học ngoại khóa, chủ đề về trật tự an toàn khi tham gia giao thông, những hậu quả nghiêm trọng về tai nạn giao thông gây ra. Chính vì thế, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên để các em thức hiện tốt an toàn giao thông, không tùy tiện khi tham gia giao thông.

Như vậy, an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Bản thân em là học sinh với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức thì cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện tốt an toàn giao thông, tuyên truyền để mọi người hiểu và không tùy tiện khi tham gia giao thông để góp phần làm cho xã hội trở nên văn minh, hiện đại, tiến bộ hơn.

Bài tham khảo Mẫu 2

Mỗi một năm trôi qua đất nước lại phát triển thêm một nấc mới. Đời sống của con người cũng khấm khá hơn. Không chỉ nâng cao chất lượng trong bữa ăn, giấc ngủ mà trong việc đi lại cũng đã cải thiện hơn rất nhiều trong những năm qua.

Nếu như trước đây con người chủ yếu đi lại bằng xe đạp, xe kéo thì giờ đây rất hiếm khi chúng ta nhìn thấy những chiếc xe đạp chạy ngoài đường. Xe kéo thì hoàn toàn không thấy bóng dáng. Thay vào đó là xe máy, ô tô. Nhưng chính sự phát triển của các loại phương tiện lại khiến cho an toàn giao thông đi xuống.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông có rất nhiều. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là do ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người nắm rõ luật nhưng lại không tuân thủ theo luật. Lấy đơn cử như việc dừng đèn đỏ. Nhiều người vì muốn nhanh hơn một chút nên thường xuyên vượt đèn đỏ. Nhưng có không ít người trong số đó nhanh một phút nhưng chậm cả đời. Có người ra đi vĩnh viễn, có người trở thành người tàn phế. Bên cạnh đó có những người lại không hiểu về luật an toàn giao thông. Người đi xe máy lại đi vào làn đường ô tô, trong khu vực đông dân lại đi với tốc độ cao,…

Thậm chí có những người uống rượu bia say nhưng vẫn lái xe. Họ không chỉ xem thường tính mạng của bản thân mình mà còn làm ảnh hưởng đến sự an nguy của người khác. Có những người đi bộ, người bán hàng rong nhưng lại ngang nhiên lấn chiếm lòng đường. Họ tràn xuống đường khiến cho các phương tiện giao thông khác bị cản trở. Bên cạnh nguyên nhân về con người còn có nguyên nhân đến từ phương tiện giao thông.

Nhiều người sử dụng phương tiện thô sơ, tự chế khi tham gia giao thông không đảm bảo được sự an toàn. Một nguyên nhân không thể không nhắc đến nữa là do cơ sở hạ tầng yếu kém. Mặc dù đường xá hàng năm đều được nâng cấp nhưng thực tế có những tuyến đường bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Rất nhiều cung đường xấu là ác mộng đối với người điều khiển giao thông. Những cung đường ấy thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Hậu quả của việc không chấp hành an toàn giao thông chắc hẳn ai cũng rõ. Trước tiên chúng gây ùn tắc giao thông và làm mất trật tự xã hội. Đôi khi chỉ vì ý thức của một vài người nhưng lại làm ảnh hưởng tới hàng triệu con người. Không chấp hành an toàn giao thông có thể gây ra thiệt hại về tiền của, vật chất của con người và thậm chí là thiệt mạng. Còn nhớ vừa qua có vụ tai nạn một người phụ nữ lái xe Mercedes đã đâm vào 3 phương tiện giao thông khác và làm cả 4 cả phương tiện cháy rụi cùng một người tử vong tại chỗ.

Nếu muốn cải thiện tình hình giao thông ở nước ta hiện nay không chỉ trong ngày một ngày hai, cũng không thể nói vài câu là có thể thay đổi được. Là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy cùng nhau tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục để mọi người nâng cao hơn ý thức khi tham gia giao thông.

Việc tuyên truyền không chỉ dành cho học sinh trong trường mà nên mở rộng quy mô để toàn bộ người dân đều hiểu. Đối với những người không chấp hành luật lệ giao thông luật pháp phải có hình phạt phù hợp để răn đe mọi người. Đối với cơ sở hạ tầng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và kịp thời khắc phục chất lượng.

Giữ an toàn giao thông không phải chỉ cho chính mình mà còn là giữ an toàn cho những người khác nữa. Người gặp tai nạn giao thông nếu không may qua đời sẽ để lại nỗi đau lớn cho người thân, nếu bị thương tật thì sẽ trở thành gánh nặng cho người thân. Chính vì vậy mà bạn hãy nâng cao hơn nữa ý thức tham gia giao thông của mình trước là để bảo vệ mình sau là để giữ an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.

Bài tham khảo Mẫu 3

Khi đất nước ngày càng phát triển thì kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng phát triển. Tuy nhiên đi liền với những cơ hội, luôn tồn tại nhiều thách thức. Vấn đề giao thông đang khiến cho cơ quan chức năng nhức nhối, tìm phương hướng giải quyết. Giao thông là một trong những lĩnh vực đang khiến cho cả người tham gia giao thông và người giám sát giao thông gặp phải nhiều nhức nhối. Vì tình trạng mất kiểm soát cũng như tai nạn giao thông đang diễn ra trầm trọng và chuyển biến tiêu cực.

Giao thông ở Việt Nam chưa bao giờ hết nóng, nó gây nên nhiều tranh cãi, để lại nhiều hậu quả xấu. Giao thông Việt Nam có nhiều loại hình như giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, giao thông đường hàng không. Mỗi loại hình đều có những đặc thù riêng, cần phải tìm phương hướng để giải quyết triệt để.

Tuy nhiên có thể nói trong những năm qua nhức nhối nhất vẫn là vấn đề giao thông đường bộ với mật độ tham gia giao thông dày đặc, bon chen nhau, tranh giành làn đường của nhau để đi. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày ở nước ta có 35 người chết do tai nạn giao thông và hàng nghìn người chấn thương. Con số đáng báo động đó đã khiến cho người tham gia giao thông khiếp sợ, nhưng dường như tai nạn giao thông vẫn chưa hề thuyên giảm.

Tình trạng tai nạn giao thông, vi phạm luật giao thông đang diễn ra một cách phổ biến và khó kiểm soát trong xã hội. Vậy nguyên nhân của việc tai nạn giao thông này là do đâu?

Trước hết đó chính là do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông. Khi họ không có ý thức tuân thủ luật lệ giao thông cũng như biết luật nhưng không làm theo luật sẽ dẫn đến nhiều hành động xấu. Và hậu quả chính là việc tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra nhiều, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm là những điều mà mỗi người vẫn có thể chứng kiến thấy.

Từ những việc nhỏ nhặt và tưởng như vô can đó lại là nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng ở nước ta. Hình ảnh những nạn nhân nằm vật vã trên vũng máu, những người thân khóc vật vờ trong bệnh viện hay hình ảnh khói nhang nghi ngút trong một gia đình trẻ. Tai nạn giao thông luôn để lại nhiều ám ảnh đối với những người ở lại.

Ý thức của người tham gia giao thông quyết định lớn nhưng trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như người kiểm soát trực tiếp hoạt động giao thông cũng đóng vai trò không nhỏ. Việc ban hành các điều luật cho giao thông cần thiết, nhưng cần phải bám sát và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tình trạng xử phạt cũng nên công tư phân minh, không nên làm ngơ cho những người vi phạm. Hiện nay tình trạng ăn hối lộ để qua chuyện cũng xảy ra rất nhiều, tạo nên làn sóng dư luận lớn.

Vậy làm thế nào để khiến cho tình trạng giao thông ở nước ta có thể đi vào quỹ đạo, hạn chế tai nạn giao thông. Đây là sự nỗ lực, cố gắng của cả cộng đồng. Nhưng trước hết vẫn là thái độ của người điều khiển phương tiện giao thông. Họ sẽ quyết định đến hành động của mình như thế nào. Thứ hai xuất phát từ cơ quan chức năng. Khi đó chúng ta sẽ thấy được khi giao thông ổn định sẽ có vai trò lớn như thế nào.

Cuộc sống của mỗi người được tạo nên từ nhiều yếu tố cộng hưởng. Và việc đảm bảo an toàn giao thông cũng quan trọng không kém. Chúng ta hãy chung tay xây dựng một môi trường tham gia giao thông lành mạnh, an toàn nhất.


Cùng chủ đề:

Nêu suy nghĩ của em về nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở Việt Nam hiện nay qua truyện ngắn Muối của rừng lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về nạn săn bắt thú hoang dã lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về nghệ thuật kể chuyện trong bài Tư cách mõ của Nam Cao lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về số phận của người nông dân trong truyện ngắn Lão Hạc lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về sự ba phải, thiếu chủ kiến khi làm việc nhóm lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về sự tùy tiện khi tham gia giao thông của một số người dân lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về thói lười nhác, hay than vãn lớp 8
Nêu suy nghĩ của em về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong các văn bản Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ, Hịch tướng sĩ của Trân Quốc Tuấn
Nêu suy nghĩ của em về trách nghiệm của con người đối với nơi mình sinh sống lớp 8