Nêu suy nghĩ của em về việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức một lễ hội ở quê em lớp 8
1. Mở đoạn: - Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề quan trọng. Và ý thức của thanh thiếu niên Việt Nam trong vấn đề này là điều rất đáng quan tâm suy nghĩ.
Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
- Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề quan trọng. Và ý thức của thanh thiếu niên Việt Nam trong vấn đề này là điều rất đáng quan tâm suy nghĩ.
2. Thân đoạn:
- Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử….
- Qua những biểu hiện trên, có thể thấy rõ ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam là như thế nào?
- Xem xét nguyên nhân của vấn đề này phải nhìn ở cả 2 mặt: khách quan và chủ quan. Khách quan là sự tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Chủ quan là bản thân sự vận động trong tư duy của đối tượng: các thanh niên, thiếu niên đã quan tâm, suy nghĩ ở mức độ nào về vấn đề này.
- Với một ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như vậy, thanh thiếu niên Việt Nam đang tác động như thế nào đến bộ mặt văn hoá dân tộc, đang để lại một kết quả ra sao cho tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động.
- Xã hội, gia đình, bản thân mỗi thanh niên, thiếu niên nên làm gì để góp phần khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
3. Kết đoạn:
Bản sắc văn hoá là cái riêng của mỗi dân tộc. Giữ gìn cái riêng đó là trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó có phần quan trọng của thế hệ trẻ.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Dân tộc Việt Nam ta đã có lịch sử dựng nước và giữa nước hơn 1000 năm nay. Với bề dày lịch sử đó, chúng ta có cả một nền văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Trong xã hội hiện đại, các địa phương đã chọn cách thực hiện sứ mệnh gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Tùy theo văn hóa của từng nơi, mà ở đó sẽ có các lễ hội khác nhau. Ở Quảng Bình quê em, hằng năm đều diễn ra Lễ hội đua thuyền trên sông Gianh. Đây là một nét văn hóa lâu đời của bà con hai bên sông. Bởi từ xa xưa, dân cư đã tập trung về đây sinh sống chính bởi con sông lớn trĩu nặng phù sa này. Con sông cung cấp nước cho bà con tưới tiêu, trồng lúa. Cung cấp nguồn thủy sản phong phú, đa dạng cho bà con. Và đây cũng là con đường di chuyển chính đến các vùng lân cận của bà con quê em. Chính vì vậy, việc chèo thuyền trên sông đã trở thành hình ảnh quen thuộc đi vào văn hóa của các làng, xã ven sông. Do đó, hằng năm người dân ở đây đều tổ chức đua thuyền để bày tỏ sự kính mến với con sông quê hương. Đồng thời để nối tiếp, tái hiện lại cuộc sống lao động của ông bà tổ tiên bao đời nay. Dù hiện tại, người dân không còn sinh sống nhờ nghề đánh cá, cũng còn rất ít hộ trồng lúa ven sông, nhưng truyền thống đua thuyền hằng năm chưa bao giờ dừng lại. Sau khi đất nước độc lập, lễ hội đua thuyền được diễn ra cố định vào ngày 2/9 hằng năm, nhằm chào mừng ngày đất nước hòa bình. Đồng thời tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ đã hi sinh.
Có thể nói, lễ hội đua thuyền trên sông Gianh là một nét đẹp văn hóa lâu đời nhất ở quê em. Việc tổ chức lễ hội đua thuyền suốt mấy chục năm qua, chỉ gián đoạn trong thời chiến, chính là cách mà người dân quê em tiếp bước cha ông gìn giữ một nét văn hóa truyền thống quê hương mình.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Học sinh chúng ta có nhiều cơ hội hơn để được trau dồi, tiếp thu kiến thức, mở mang tầm hiểu biết và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, để hoàn thiện bản thân mình hơn trong cách sống cũng như tâm hồn, chúng ta cần phải tích cực tìm hiểu, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Một thực trạng mà ai cũng nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại quên đi, bỏ bê nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra, lớn lên. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ ngày càng ít quan tâm, tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó.
Từ sự vô tâm, vô tư đó mà những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày càng bị mai một dần đi, nhiều bản sắc đã và đang dần mất đi. Những lễ hội, nhưng cuộc thi dân gian không còn nhận được nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Đối với những bạn trẻ hiện nay, họ không quá mặn mà với những truyền thống, bản sắc đó mà họ hướng đến những thứ hướng ngoại hơn, hiện đại hơn. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.
Để giải quyết thực trạng trên, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc. Học sinh chúng ta cần phải đặt trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lên hàng đầu, tích cực trau dồi hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước nhà. Có như vậy, những bản sắc văn hóa dân tộc mới được giữ gìn và duy trì tốt đẹp.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam mang dòng máu đỏ da vàng chúng ta. Chính vì thế, ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Lễ hội đua thuyền là một lễ hội đặc trưng mang hồn cốt dân tộc Việt Nam. Em đã có lần được xem lễ hội đua thuyền vô cùng đặc sắc.
Lễ hội được tổ chức trong khuôn viên có một chiếc hồ lớn phù hợp để diễn ra. Những chiếc thuyền rồng bằng gỗ được điêu khắc tinh xảo và sơn màu rực rỡ. Có chiếc màu vàng, có chiếc màu đỏ, có chiếc lại màu xanh, tùy vào sở thích của mỗi đội. Những người điều khiển thuyền cũng mặc những bộ quần áo đặc trưng và vô cùng rực rỡ. Khi người phất cờ báo tín hiệu các đội bắt đầu cuộc đua. Thì những cánh tay khỏe mạnh bắt đầu gồng lên để chèo lái chiếc thuyền về phía trước. Thoăn thoắt, những chiếc thuyền lao lên phía trước. Cuộc đua diễn ra vô cùng gay cấn vì các đội vô cùng ngang sức ngang tài. Nhưng cuối cùng cũng có đội nhỉnh hơn và dành chiến thắng. Sau đó, tất cả đều nở nụ cười vì đây chỉ là cuộc chơi và họ đã cố gắng hết mình. Đua thuyền là cần tinh thần đồng đội cao, nỗ lực của tất cả mọi người.
Lễ hội đua thuyền không chỉ mang tính giải trí mà nó còn mang giá trị nhân văn và dạy dỗ sâu sắc cho mỗi chúng ta.
Bài tham khảo Mẫu 1
Việt Nam ta là một đất nước có nền văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và lâu đời. Suốt hơn hai nghìn năm tồn tại và phát triển, đã nhiều lần nước ta phải đương đầu với những cuộc xâm lăng, đô hộ của dân tộc khác. Tuy nhiên, dù muôn vàn khó khăn, chúng ta vẫn vùng dậy giành lại độc lập dân tộc, và bảo tồn được những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đó là niềm tự hào của con cháu đất Việt. Cho đến nay, nhân dân ta vẫn làm rất tốt điều đó, thông qua những hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên tại từng địa phương. Tỉnh Phú Thọ quê em cũng góp sức mình vào công cuộc đó với Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch.
Đền Hùng nằm trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi yên nghỉ của các thế hệ Vua Hùng - những con người đã có công dựng nên nước Việt Nam ta. Công lao của các vị tổ tiên ấy là vô cùng to lớn, vì vậy con cháu đời sau vẫn mãi nhớ ơn các ngài, năm nào cũng tổ chức lễ hội lớn. Cũng chính vì vậy mà Lễ hội Đền Hùng của quê hương em được đánh giá là một lễ hội mang cấp quốc gia.
Dân gia vẫn có câu ca dao rằng “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Nhưng trên thực tế, lễ hội Đền Hùng kéo dài trong mười ngày từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 Âm Lịch. Trong đó, ngày mùng 10 là ngày quan trọng nhất. Cũng như tên gọi, Lễ hội Đền Hùng được chia thành hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với nhiều hoạt động diễn ra, trong đó phần tế lễ được coi trọng nhất, nên được tổ chức vào ngày mùng 10. Hoạt động này bắt đầu bằng lễ dâng hương của người dân, trong đó có cả các đại diện của nhà nước. Đồ trên mâm lễ ngoài mâm ngũ quả, còn có bánh chưng bánh dày. Hai loại bánh này được dùng để gợi nhắc về công lao các Vua Hùng đã dạy dân cách trồng lúa nước, đồng thời phổ cập các món bánh làm từ lúa gạo. Cùng với phần tế lễ, trang trọng không kém chính là phần rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích…. Với trang phục và các cỗ kiệu được trang trí tỉ mỉ, nhằm thể hiện các nét đẹp văn hóa về từng thời kì của các làng truyền thống lâu đời ở khu vực Phú Thọ. Bên cạnh đó, phần hội cũng náo nhiệt và rộn ràng vô cùng với các nhóm múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi dân gian khác.
Tất cả những hoạt động đó, tuy khác nhau về nội dung, cách tổ chức, nhưng cùng có điểm chung chính là giúp bảo tồn và quảng bá mạnh mẽ những đặc sắc trong nền văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Thông qua lễ hội Đền Hùng, không chỉ con cháu đất Việt mà cả những người nước ngoài đến tham gia lễ hội. Họ được chứng kiến những nghi thức trang trọng, những hoạt động rước kiệu, những trò chơi… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được truyền qua cả ngàn năm. Nhờ vậy, mà ngày càng nhiều người biết đến hơn về lễ hội này, về hát Xoan, về lễ rước thần, về trò ném gòn… Điều đó đã gián tiếp quảng bá đồng thời làm bàn đạp để duy trì những nét đẹp văn hóa đó của người dân Phú Thọ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung không bị phai nhạt theo thời gian.
Từ lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, chúng ta thấy được giá trị và vai trò của việc tổ chức lễ hội đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Bởi suy cho cùng, so với việc đọc và nghe những lời kể, những trang sách viết về văn hóa dân tộc. Thì việc được trực tiếp tham gia, chiêm ngưỡng các lễ hội ấy sẽ giúp người dân dễ cảm nhận và khắc ghi trong trái tim mình hơn. Cùng với đó, những lễ hội còn giúp phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế của các địa phương. Giúp cho người dân ai ai cũng ghi nhớ và mong chờ, đầu tư cho các mùa lễ hội diễn ra vào năm sau.
Bài tham khảo Mẫu 2
Quê em ở vùng Hoa Lư, Ninh Bình. Hàng năm, nhân dịp lễ hội vua Đinh Tiên Hoàng, làng em tổ chức một hội thi thơ cho tất cả những ai yêu văn học trong và ngoài làng. Đề thi thường do ban tổ chức lựa chọn kĩ càng. Đó là những tay văn học nổi tiếng trong vùng. Ngày xưa, thường những vị Tuần phủ, Chủ tỉnh làm chủ tịch hội đồng chấm thơ. Những ai làm được bài thơ hay, có ý nghĩa theo đúng chủ đề thì sẽ được giải. Phần thưởng tuy chỉ là mấy vuông nhiễu điều, gói chè, mươi quả cau nhưng ai cũng cảm thấy vinh dự và hãnh diện.
Mùa xuân là mùa tưng bừng, rạo rực nhất trong năm. Làm nên không khí rộn ràng, sôi nổi ấy một phần lớn nhờ vào những lễ hội xuân náo nhiệt, ồn ã mà không kém phần trang nghiêm. Rồi cái ngày người dân quê tôi mong chờ đã đến, mùng sáu Tết, quê tôi có lễ hội làng truyền thống.
Lễ hội làng tương truyền là để nhớ đến thành hoàng làng đã có công khai khẩn đất hoang lập làng lập xóm. Theo tục lệ, vào buổi sáng sẽ có lễ rước rồng. Và thế là từ sáng sớm, mọi người đã quần là áo lượt chỉnh tề để ra đường đón chờ đoàn rước. Những nhà nằm trên đường đoàn rước đi qua thì lập nhanh một bàn thờ nhỏ đặt trước cửa nhà nhang khói nghi ngút.
"Tùng tùng tùng cắc, tùng tùng tùng tùng..." từ xa tiếng trống bất ngờ vang lên rộn rã. Đoàn rước tiến lại gần. Đi đầu là một con rồng giả được đội múa rồng của làng tạo nên. Nó uốn lượn những đường vòng đẹp mắt, cái đầu rồng thì lắc lư chuyển động liên tục, rồng giả mà cũng oai hùng lắm! Tiếp đó là đoàn trống chiêng ồn ã, náo nhiệt đi trước dọn đường cho đoàn rước kiệu thành hoàng làng.
Chiếc kiệu tám người khiêng với đường nét tinh xảo được sơn son thiếp vàng cầu kì, trang nghiêm. Sau kiệu là hai chiếc lọng rất lớn màu đỏ rực rỡ. Theo sau là một chú ngựa gỗ cao to như thật. Nối theo sau là đoàn người mang bát bảo, mang cờ ngũ sắc rực rỡ tưng bừng.
Tiếp đến là những đại diện các tầng lớp xã hội trong làng: hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội nông dân, đội thiếu nhi. Mỗi hội người lại mang một bộ đồng phục đặc trưng: áo tứ thân, áo the khăn xếp, áo dài,... tất cả đều rực rỡ sắc màu. Đi cuối cùng đoàn rước là mọi tầng lớp nhân dân, già trẻ, gái trai,... họ đi theo đoàn rước để cầu khấn những điều may mắn trong năm mới.
Đoàn rước đi mỗi lúc một xa nhưng gương mặt ai cũng tươi tắn, họ mang theo cảm giác tự hào, hãnh diện và sung sướng. Phần “lễ” được diễn ra trọn vẹn vào buổi sáng như thế, còn phần “hội” sẽ được diễn ra vào buổi chiều ngày hôm ấy. Không khí của hội dễ khiến người đi dự choáng ngợp bởi sự đông, vui tấp nập hiếm có.
Những gian hàng bán quà lưu niệm chạy dài một bên đường cái mà người chủ hàng là những người trong làng trong xã, họ đến bán hàng để cầu may, cầu phúc cho năm mới. Đi sâu vào trong là khu trò chơi dân gian. Bên trái là cờ người, bên phải là đánh vật còn chếch sang trái là nấu cơm niêu đất.
Trò chơi nấu cơm niêu đất đến lạ. Hai người một nam một nữ, nam gánh nồi cơm chạy còn nữ sẽ phải chạy theo nam đốt lửa phía dưới bao giờ cơm chín tới mới được thôi. Cạnh đó là thi kéo co, chia làm hai đội mỗi đội mười người ra sức kéo một sợi dây thừng đến khi nào bên kia chịu thua mới thôi. Ngoài ra còn trò chơi ném tiêu, bịt mắt bắt dê,... các trò chơi hiện đại khác cũng xuất hiện rất nhiều: đu quay, chạy tàu điện,...
Kết thúc buổi lễ hội, mọi người ra về trong tâm trạng phấn khởi hân hoan. Lễ hội làng tôi là một nét đẹp về văn hóa truyền thống dân tộc, mong sao tục lệ tổ chức lễ hội đầu năm này được lưu truyền mãi.
Bài tham khảo Mẫu 3
Ở quê hương đất Tổ của em có một lễ hội lớn lắm, đó là Lễ Hội Đền Hùng (Giỗ tổ Hùng Vương)được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm.
Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn, để tưởng nhớ các vua Hùng, những người đã có công dựng nước. Nó đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt chúng ta. Hàng năm, hội Đền Hùng được tổ chức long trọng với sự “hành hương trở về cội nguồn dân tộc” của các địa phương trên cả nước về đất Tổ– Phú Thọ. Lễ hội được diễn ra tại địa phận xã Huy Cương, thành phố Việt Trì, thu hút rất nhiều người dân trên cả nước về tụ hội.
Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch. Trước hết đó là phần lễ, với các nghi thức được tổ chức một cách trang trọng như dâng hương, dâng lễ vật từ các địa phương tưởng nhớ 18 vị vua Hùng và công lao của các ngài. Năm nào cũng vậy, trong lễ hội Đền Hùng đều có tổ chức cuộc thi kiệu của các làng chung quanh. Chính bởi những lễ rước kiệu này mà không khí lễ hội trở nên náo nhiệt và đông vui hơn. Trẻ con thích thú hò hét chạy theo đoàn người ăn mặc đẹp đẽ rước kiệu. Mỗi làng đều cố gắng bỏ công sức và tiền bạc để tạo ra những chiếc kiệu đẹp nhất bởi người dân tin rằng, nếu kiệu của làng nào giành được giải tức là họ đã được các vua Hùng tin tưởng và phù hộ.
Phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của địa phương em như ném còn, chơi đu, đấu vật, chọi gà,… Được bố mẹ cho đi hội Đền Hùng thường xuyên nhưng có lẽ phần hát Xoan ở đền Hạ làm em cảm thấy thích nhất. Không khí ở đây vừa mát lại vừa thoáng, được thưởng thức những câu hát mộc mạc, bình dị đậm chất dân tộc thì không gì bằng.Hát Xoan là một trong những di sản của Phú Thọ quê em. Em rất tự hào vì làn điệu dân ca quê hương mình.
Lễ hội Đền Hùng thật sự rất ý nghĩa và hấp dẫn. Đó không chỉ là tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng mà còn là nét đẹp của dân tộc Việt ta, hướng về cội nguồn.