Ngày khai trường trang 5, 6 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Nhớ lại và trao đổi với các bạn về ngày khai giảng năm học mới ở trường em. Bạn học sinh trong bài thơ chuẩn bị đi khai giảng như thế nào Tìm những hình ảnh ở khổ thở 2 và khổ thơ 3 thể hiện niềm vui của các bạn học sinh khi gặp lại bạn bè, thầy cô. Khổ thơ 4 thể hiện niềm vui của các bạn học sinh về điều gì? Những âm thành và hình ảnh nào báo hiệu năm học mới đã bắt đầu?
Nội dung
Bài thơ miêu tả niềm vui của học sinh trong ngày khai trường. |
Phần I
Chia sẻ:
Nhớ lại và trao đổi với các bạn về ngày khai giảng năm học mới ở trường em:
1. Em chuẩn bị sách vở, trang phục thế nào để đi khai giảng?
2. Lễ khai giảng có những hoạt động chính nào?
3. Em thích nhất hoạt động nào trong lễ khai giảng? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ, dựa vào gợi ý để miêu tả lại ngày khai giảng năm học mới của trường.
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo 1:
Sau một kì nghỉ hè với nhiều hoạt động vui chơi giải trí bổ ích, mình lại trở lại trường học cho một năm học mới. Mình rất vui khi được tham dự lễ khai giảng của trường. Mình đã chuẩn bị sách vở mới, mặc đồng phục sạch sẽ, tinh tươm. Lễ khai giảng là một dấu mốc quan trọng với những hoạt động vừa trang nghiêm, vừa vui vẻ, thú vị. Có lễ chào cờ, có lời phát biểu của Ban giám hiệu nhà trường, còn có những tiết mục văn nghệ rất đặc sắc và hồi trống trường đầu tiên. Mình thích nhất là khi giới thiệu chào đón các em học sinh lớp 1, những học sinh mới của trường. Mình rất vui khi được gặp và chào đón các em.
Bài tham khảo 2:
Lễ khai giảng năm học mới của trường tớ được tổ chức rất long trọng và trang nghiêm nhưng cũng không kém phần thú vị. Tớ đã rất háo hức để được tham dự buổi lễ. Tớ soạn sách vở cẩn thận, chuẩn bị đồng phục mới thơm tho, sạch sẽ. Được cùng các bạn và thầy cô làm lễ chào cờ, nghe các thầy cô phát biểu, chia sẻ, còn được chào đón các em học sinh lớp 1 mới vào trường với nhiều bỡ ngỡ. Tớ thích nhất là khi thầy (cô) hiệu trưởng đánh hồi trống đầu tiên để bắt đầu một năm học mới. Vì đã xa trường ba tháng hè nên tớ rất nhớ tiếng trống trường.
Phần II
Bài đọc:
Ngày khai trường
Sáng đầu thu trong xanh
Em mặc quần áo mới
Đi đón ngày khai trường
Vui như là đi hội.
Gặp bạn, cười hớn hở
Đứa tay bắt mặt mừng
Đứa ôm vai bá cổ
Cắp sách đùa trên lưng.
Nhìn các thầy, các cô
Ai cũng như trẻ lại
Sân trường vàng nắng mới
Lá cờ bay như reo.
Từng nhóm đứng đo nhau
Thấy bạn nào cũng lớn
Năm xưa bé tí teo,
Giờ lớp Ba, lớp Bốn.
Tiếng trống trường gióng giả
Năm học mới đến rồi
Chúng em đi vào lớp
Khăn quàng bay đỏ tươi.
Theo NGUYỄN BÙI VỢI
Phần III
Đọc hiểu:
Câu 1: Bạn học sinh trong bài thơ chuẩn bị đi khai giảng như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài thơ để tìm hiểu về những chuẩn bị của bạn học sinh cho ngày khai giảng.
Lời giải chi tiết:
Bạn học sinh trong bài thơ chuẩn bị đi khai giảng như sau:
- Mặc quần áo mới.
- Soạn sách vở mới.
Câu 2
Câu 2: Tìm những hình ảnh ở khổ thơ 2 và khổ thơ 3 thể hiện niềm vui của các bạn học sinh khi gặp lại bạn bè, thầy cô.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ khổ thơ 2 và khổ thơ 3 để tìm những chi tiết thể hiện niềm vui của các bạn học sinh.
Lời giải chi tiết:
Những hình ảnh ở khổ thở 2 và khổ thơ 3 thể hiện niềm vui của các bạn học sinh khi gặp lại bạn bè, thầy cô là:
- Cười hớn hở
- Tay bắt mặt mừng
- Ôm vai bá cổ
- Các thầy cô vui vẻ, như trẻ lại.
Câu 3
Câu 3: Khổ thơ 4 thể hiện niềm vui của các bạn học sinh về điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 4 để điều làm các bạn học sinh thấy vui.
Lời giải chi tiết:
Khổ thơ 4 thể hiện niềm vui của các bạn học sinh về sự thay đổi của ngoại hình, các bạn đều đã lớn hơn.
Câu 4
Câu 4: Những âm thành và hình ảnh nào báo hiệu năm học mới đã bắt đầu?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ các khổ thơ để tìm những âm thanh và hình ảnh báo hiệu năm học mới đã đến.
Lời giải chi tiết:
Những âm thành và hình ảnh báo hiệu năm học mới đã bắt đầu là: Tiếng trống trường, các bạn cùng nhau vào lớp học.
Phần IV
Luyện tập:
Câu 1: Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ, đọc và phân loại từ từ trái quả phải vào nhóm thích hợp.
Lời giải chi tiết:
Các từ ngữ được xếp vào các nhóm như sau:
- Chỉ sự vật: Cặp sách, quần áo, lá cờ.
- Chỉ hoạt động: Cười, bay, reo, đo.
- Chỉ đặc điểm: Mới, lớn, trong xanh, trẻ, đỏ tươi.
Câu 2
Câu 2: Đặt 1-2 câu nói về hoạt động của em trong ngày khai giảng.
Phương pháp giải:
Em nhớ lại và đặt câu về hoạt động của mình trong ngày khai giảng.
Lời giải chi tiết:
- Vào ngày khai giảng, bố đưa em đến trường từ rất sớm.
- Em được bố mua cho hoa và cờ để vẫy.