Nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống
Lập dàn ý chi tiết trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của niềm tin vào cuộc sống.
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của niềm tin vào cuộc sống.
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của niềm tin vào chính bản thân mình trong cuộc sống của mỗi con người.
2. Thân bài
- Giải thích khái niệm niềm tin vào bản thân: Đó là ý thức về năng lực, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống, biết đánh giá được vị trí, vai trò cùa mình trong các mối quan hệ của cuộc sống...
- Vì sao đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ đánh mất nhiều thứ quý giá khác:
+ Mình là người hiểu rõ mình nhất, đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ trở thành người không có ý chí, không có nghị lực, không có quyết tâm, không biết mình là ai, sống để làm gì, vì thế mọi điều khác như tiền bạc, công danh, sẽ trở thành vô nghĩa...
+ Không có niềm tin vào bản thân sẽ không thể có cuộc sống độc lập, dễ bỏ qua các cơ hội trong cuộc sống, dễ đổ vỡ, sa ngã, đánh mất chính mình...
- Việc đánh mất niềm tin vào bản thân đang là một thực tế nhức nhối trong cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ:
+ Nhiều bạn trẻ vì sống quá đầy đủ, được bao bọc từ nhỏ nên khi phải đối diện với thử thách cuộc sống thì không thể tự sống bằng chính khả năng của mình, không đủ bản lĩnh sống, dẫn đến phải gục ngã, đầu hàng trước cuộc sống.
+ Trong thời đại hội nhập quốc tế một bộ phận giới trẻ khác không trau dồi, rèn luyện nên không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội dẫn đến tâm lý thua kém, tự ti, không xác định được phương hướng của cuộc đời dễ bị người khác lừa gạt, lôi kéo, hình thành một bộ phận thanh niên có tính cách bạc nhược, ăn bám, ỷ lại thậm chí là hư hỏng.
- Phải phân biệt giữa tự tin với tự phụ. Tin vào bản thân, khẳng định giá trị của mình không có nghĩa là tự phụ, huênh hoang, kiêu ngạo. Đánh giá được vị trí của mình trong cuộc sống không có nghĩa là coi thường người khác. Niềm tin vào bản thân càng không có nghĩa là bằng mọi cách để đạt được những điều mình muốn bất chấp cương thường đạo lý, bất chấp lẽ phải.
- Phải làm gì để xây dựng niềm tin vào bản thân:
+ Đối với mỗi cá nhân phải không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện về kiến thức và đạo đức, không ngừng giao lưu học hỏi. Sớm hình thành lý tưởng sống và dám đấu tranh để thực hiện lý tưởng đó.
+ Đối với các cơ quan quản lý xã hội: Xây dựng và phát huy lối học sáng tạo, học đi đôi với hành, học kết hợp với ứng dụng; giáo dục ý thức cá nhân và hình thành tính tự tin, giàu tự trọng cho thế hệ học sinh, sinh viên; động viên, trân trọng, biểu dương những cá nhân dám nghĩ dám làm, có những đóng góp tích cực cho xã hội.
- Liên hệ bản thân.
3. Kết bài:
- Kết luận lại vấn đề.
Bài mẫu
Sống trên đời ngoài những tình cảm như tình yêu thương, lòng nhân hậu, lòng khoan dung,... con người còn phải cần có thêm niềm tin để làm động lực, tiền đề cho mọi mục tiêu của cuộc sống. Trong số chúng ta, ai cũng từng có những lần cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy chơi vơi, thiếu an toàn, muốn từ bỏ tất cả, đó là khi niềm tin của chúng ta hao mòn vì nhiều tác động từ bên ngoài. Tôi từng đọc được một câu châm ngôn rất hay về niềm tin của Louisa May Alcott như sau: "Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin". Vậy niềm tin là gì và trong cuộc sống nó có ý nghĩa như thế nào mà người ta lại nhắc đến nó như một phần giá trị thần thánh không thể khuyết thiếu như vậy?
Niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình, hình thành từ trong suy nghĩ của con người, được vun đắp từ sự giáo dục, tình yêu thương, các yếu tố xã hội, môi trường sống, khiến con người ta có suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực từ đó cũng hình thành nên những niềm tin có tính chất rất khác nhau. Tam quan của con người bao gồm thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan là nền tảng tạo ra niềm tin trong cuộc sống, niềm tin tựa như một bộ xử lý, tự động loại bỏ những gì mà chúng ta cho là sai, giữ lại những giá trị chúng ta cảm thấy đúng. Niềm tin thường đến từ những cảm nhận chủ quan của con người, từ những nhận thức vốn có, do được giáo dục và nuôi dưỡng, niềm tin thường dễ dàng bỏ qua những nhận thức khách quan. Niềm tin nếu hiểu một cách đơn giản thì đó là sự tin tưởng một cách tích cực vào sự việc nào đó, cho rằng nó là đúng, không quan trọng rằng trong thực tế nó là đúng hay sai.
Niềm tin trong cuộc sống có rất nhiều ý nghĩa tích cực, trước hết là niềm tin vào bản thân sẽ tạo động lực giúp con người hoàn thành những công việc dù khó khăn nhất, đôi khi là nằm ngoài khả năng của họ, nhưng nhờ có niềm tin tất thắng, sự nỗ lực và sáng tạo của con người được kích thích, khai mở một cách bất thường tạo nên những thành quả ngoài mong đợi. Ví dụ đơn giản như bình thường tôi chỉ viết được năm trang sách, nhưng do deadline đã đến và tôi có một niềm tin chắc chắn rằng mình có thể làm nhiều hơn thế, và thực sự bằng tất cả mọi nỗ lực tôi đã làm được gấp ba lần số đó, hoàn thành sớm công việc hơn dự kiến một cách ngoạn mục. Niềm tin không chỉ giúp con người ta hoàn thành công việc ở hiện tại mà niềm tin còn là năng lượng tiếp sức cho chúng ta trên con đường chạm tới ước mơ, hoàn thành lý tưởng của cuộc đời. Tôi dám khẳng định rằng nếu bạn không có niềm tin rằng bạn sẽ thành công trong tương lai, mà suốt ngày chỉ nghĩ đến thất bại và khó khăn thì giấc mơ của của bạn sẽ sớm chết yểu khi còn chưa kịp thành hình, bởi cái bạn thấy chỉ toàn tăm tối thì động lực nào khiến bạn lao động và sáng tạo? Não bộ của bạn sẽ từ chối làm một công việc không thấy tương lai, thân thể của bạn sẽ thấy uể oải vì sự từ chối của não bộ. Hơn thế nữa, niềm tin gần như là "hệ điều hành" cho những quyết định của não bộ, niềm tin sẽ quyết định rằng bạn có nên làm việc đó không, việc đó có đáng tin tưởng không, phần trăm thành công là bao nhiêu và chỉ khi cảm thấy "an toàn" thì não bộ mới đề xuất quyết định. Ngoài ra, niềm tin không chỉ là động lực bên trong tâm hồn mỗi cá nhân, mà niềm tin còn là cơ sở để gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, bởi chỉ có tin tưởng, mới có thể sẻ chia, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó con người trở nên gắn kết hơn dựa trên cơ sở tin tưởng vào đối phương.
Ngược lại, nếu trong cuộc sống, con người không có niềm tin vào bất kỳ thứ gì, thậm chí là bản thân hoặc niềm tin chỉ mong manh, dễ vỡ như bong bóng xà phòng thì họ khó có thể làm nên chuyện gì. Bởi niềm tin vốn là cơ sở là động lực kích thích sự tư duy, sáng tạo và tận dụng triệt để tiềm năng của con người, thiếu niềm tin cũng như động cơ hoạt động mà thiếu năng lượng vậy, chết máy giữa chừng, cái gì cũng dang dở, thất bại. Đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội, con người thiếu niềm tin dành cho nhau, cha mẹ không tin tưởng ủng hộ con cái, dẫn tới việc con cái cảm thấy mình bất tài, vô dụng đúng như cha mẹ nghĩ, dần dần họ hình thành niềm tin tiêu cực rằng mình thực sự chẳng làm nên cơm cháo gì cả. Trong tình yêu, cần có sự chung thủy và tin tưởng tuyệt đối, thế nhưng những nghi ngờ, ghen tuông vớ vẩn khiến đôi bên mất niềm tin, dần chán nản và thực sự nghĩ rằng họ không hợp nhau, kết cục là ly tán. Trong tình bạn cũng vậy, phải có niềm tin vào người bạn của mình, luôn ủng hộ và tôn trọng bạn thì tình cảm bạn bè mới có thể bền lâu được.
Đối với mỗi cá nhân, trước hết, quan trọng nhất là phải tin tưởng vào chính bản thân mình, tạo cho mình những sự tự tin nhất định, đánh bay cái tâm lý e ngại, sợ hãi, tự ti trong tâm hồn. Sau đó là đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đặt niềm tin vào những người khác để thấy cuộc sống có ý nghĩa và giá trị hơn. Các bạn đừng e sợ về việc đặt niềm tin vào nhầm chỗ, bởi tôi nghĩ rằng cuộc sống là vô vàn những biến cố liên tiếp, bạn đừng bao giờ sống kiểu "ăn chắc mặc bền", bởi nếu như vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ dám đặt niềm tin vào đâu cả, thậm chí là ngay cả chính bản thân mình, bởi vì tâm lý của con người luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với mọi sự vật sự việc, dù ít hay nhiều. Nếu không bước ra khỏi vùng "an toàn" thì làm sao bạn có thể phát hiện ra những điều bất ngờ từ cuộc sống, sao có thể tạo dựng thành công cho bản thân. Cuộc sống là vô vàn những lần mạo hiểm, nhưng thành công hay thất bại là do niềm tin mà bạn tạo dựng nên.
Tôi cho rằng niềm tin là một giá trị tinh thần cốt lõi và cực kỳ cần thiết cho cuộc đời của mỗi con người. Cùng với tri thức, sức khỏe và các giá trị đạo đức khác, niềm tin góp phần chắp cánh cho ước mơ và lý tưởng của mỗi con người, khiến con người luôn cảm thấy nguồn năng lượng tích cực, lao động không mệt mỏi, có hứng thú tìm tòi và sáng tạo để tạo ra những thành tựu cho cuộc sống và xã hội. Hãy nhớ rằng niềm tin vừa là năng lượng vừa là ngọn đuốc soi đường, có một niềm tin to lớn thì con đường đến với thành công của bạn mới đỡ đi được phần nào khó khăn, vất vả trên tinh thần.
Nguồn: Sưu tầm