Những đặc trưng của văn học dân gian — Không quảng cáo

Soạn Văn 6 - Soạn ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều hay nhất Văn miêu tả lớp 6


Những đặc trưng của văn học dân gian

I. KHÁI NIỆM VĂN HỌC DÂN GIAN : 1. Văn học dân gian là gì ?

Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp dân chúng, phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay.

Ở Việt Nam, 3 thuật ngữ sau đây được xem là tương đương : Văn học dân gian, sáng tác nghệ thuật truyền miệng của nhân dân, folklore ngôn từ ( folkore văn học ).

Một số khái niệm xuất hiện trước những năm năm mươi như văn học (văn chương) bình dân , văn học (văn chương) truyền khẩu (truyền miệng),văn học (văn chương) đại chúng. Những khái niệm này nay không dùng nữa.

2.Về khái niệm folklore :

Thuật ngữ folklore do nhà nhân chủng học người Anh, ông William Thoms dùng trong bài báo đăng trên tờ Athenaeum, ngày 22/8/1846, với ý nghĩa là những di tích của nền văn hóa vật chất và chủ yếu là di tích của nền văn hoá tinh thần như phong tục , đạo đức, tín ngưỡng , những bài dân ca, những câu chuyện kể của cộng đồng. Sau khi xuất hiện, thuật ngữ này được hiểu với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau, liên quan tới đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.

Ở Việt Nam, thuật ngữ này được dịch là văn hóa dân gian với những ý nghĩa sau :

a.Nghĩa rộng : bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do dân chúng sáng tạo (folk culture). Theo cách hiểu này, văn hoá dân gian là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đồng thời nó cũng là đối tượng nghiên cứu của văn hoá học

b.Nghĩa hẹp : Những sáng tạo của dân chúng mang tính nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, văn hóa dân gian gồm ba thành tố : Nghệ thuật ngữ văn dân gian (tức văn học dân gian), nghệ thuật tạo hình dân gian , nghệ thuật diễn xướng dân gian.

c.Nghĩa chuyên biệt : folklore là văn học dân gian, theo đó tác phẩm folklore là hình thức ngôn từ gắn với nhạc, vũ, kịch …do tập thể dân chúng sáng tác.Cũng có thể dùng thuật ngữ folklore văn học để chỉ văn học dân gian đồng thời phân biệt nó với các đối tượng khác cũng thuộc phạm trù folklore – văn hoá văn dân gian .

II.ÐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN :

1.Tính nguyên hợp của văn học dân gian :

- Tính nguyên hợp của văn học dân gian biểu hiện ở sựû hòa lẫn những hình thức khác nhau của ý thức xã hội trong các thể loại của nó. Có thể nói rằng, văn học dân gian là bộ bách khoa toàn thư của nhân dân. Tính nguyên hợp về nôi dung của văn học dân gian phản ánh tình trạng nguyên hợp về ý thức xã hôi thời nguyên thuỷ, khi mà các lãình vực sản xuất tinh thần chưa được chuyên môn hoá. Trong các xã hội thời kỳ sau, mặc dù các lãnh vực sản xuất tinh thần đã có sự chuyên môn hoá nhưng văn học dân gian vẫn còn mang tính nguyên hợp về nội dung. Bởi vì đại bộ phận nhân dân , tác giả văn học dân gian , không có điều kiện tham gia vào các lãnh vực sản xuất tinh thần khác nên họ thể hiện những kinh nghiệm , tri thức , tư tưởng tình cảm của mình trong văn học dân gian, một loại nghệ thuật không chuyên.

-Về loại hình nghệ thuật : Tính nguyên hợp của văn học dân gian biểu hiện ở chỗ : Văn học dân gian không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần túy mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau. Sự kết hợp này là tự nhiên, vốn có ngay từ khi tác phẩm mới hình thành. Một bài dân ca trong đời sống thực của nó , không chỉ có lời mà còn có nhạc, điệu bộ, lề lối hát…

- Biểu hiện cụ thể của tính nguyên hợp là tính biểu diễn. Văn học dân gian có ba dạng tồn tại: tồn tại ẩn (tồn tại trong trí nhớ của tác giả dân gian) , tồn tại cố định ( tồn tại bằng văn tự ), tồn tại hiện ( tồn tại thông qua diễn xướng). Tồn tại bằng diễn xướng là dạng tồn tại đích thực của văn học dân gian . Tuy nhiên ,không thể phủ nhận hai dạng tồn tại kia; bởi vì như vậy sẽ dẫn tới phủ nhận khoa học về văn học dân gian và công việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường. Trở lại vấn đề,chính trong biểu diễn , các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp. Sự kết hợp này một mặt là biểu hiện của tính nguyên hợp, một mặt là lẽ tồn tại của tính nguyên hợp.

2.Tính tập thể của văn học dân gian :

Văn học dân gian là sáng tác của nhân dân, nhưng không phải tất cả nhân dân đều là tác giả của văn học dân gian. Cần chú ý vai trò của cá nhân và quan hệ giữa cá nhân với tập thể trong quá trình sáng tác, biểu diễn, thưởng thức tác phẩm văn học dân gian.

Tính tập thể thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm. Vấn đề quan trọng ở chỗ nó được mọi người biểu diễn, thưởng thức hay không, nó đã đạt mức thành tựu hay không. Trong quá trình đó, tập thể nhân dân tham gia vào công việc đồng sáng tạo tác phẩm

Quan hệ giữa truyền thống và ứng tác là hệ quả của mối quan hệ giữa các nhân và tập thể. Truyền thống văn học dân gian một mặt là cái vốn giúp nghệ nhân dân gian ứng tác( sáng tác một cách chớp nhoáng mà không có sự chuẩn bị trước) dễ dàng, một mặt qui định khuôn khổ cho việc sáng tác. Ứng tác đến lượt nó sẽ cung cấp những đơn vị làm giàu cho truyền thống

- Hai đặc trưng cơ bản vừa nêu trên có liên quan chặt chẽ với các đặc trưng khác của văn học dân gian như : tính khả biến ( gắn với việc tồn tại các dị bản của tác phẩm ) , tính truyền miệng , tính vô danh .

3.Văn học dân gian – một loại nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt của nhân dân :

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng .Bài hát ru gắn với việc ru con ngủ- một hình thức sinh hoạt gia đình; Ngược lại, việc đưa con ngủ thường không thể thiếu lời ru. Tương tự, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội…Từ đặc trưng này mà văn học dân gian có tính đa chức năng , trong đó, đặc biệt là chức năng thực hành sinh hoạt

III.VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HỌC THÀNH VĂN :

1.Văn học dân gian và văn học thành văn ( văn học viết )

Ðiểm chung : Văn học dân gian và văn học viết cùng là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Từ điểm chung này mà khoa học về văn học dân gian có thể sử dụng những nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu văn học để nghiên cứu văn học dân gian ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, có thể miêu tả các thành phần của tác phẩm như cốt truyện, nhân vật, cấu trúc…

Những đặc trưng loại biệt của văn học dân gian so với văn học viết :

+ Văn học dân gian là sáng tác tập thể. (văn học viết là sáng tác của cá nhân)

+ Văn học dân gian chỉ tồn tại thực tế khi diễn xướng nên có khả năng biến đổi, do vậy, nó có các dị bản. (văn học viết cố định trong văn bản và chỉ có một bản duy nhất)

+ Văn học dân gian là thành phần hữu cơ của các hình thức sinh hoạt của nhân dân.

2.Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết :

Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Khi chưa có chữ viết, nền văn học dân tộc chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết nền văn học này bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết

Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Ví dụ: Truyền thuyết Thánh Gióng đã mở đầu cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược trong nền văn học dân tộc. Thể thơ lục bát, thể thơ được thi hào Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, bắt nguồn từ bộ phận văn vần dân gian…

Văn học viết cũng có ảnh hưởng trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện . Chẳng hạn , tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao ( những nhân vật trong Truyện Kiều , Lục Vân Tiên …)

Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm. Có thể nói , mảng truyện thơ Nôm khuyết danh là sự gặp gỡ của hai bộ phận văn học dân tộc.

IV. PHÂN LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN :

1.Phân loại văn học dân gian :

Khung phân loại văn học dân gian gồm 3 cấp cơ bản : Loại, thể loại, biến thể của thể loại. Ngoài ra, giữa loại và thể loại còn có cấp trung gian là nhóm thể loại.

a.Loại tự sự :

a.1 Văn xuôi tự sự: Thần thọai, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn.

a.2 Thơ ca tự sự : Sử thi, các loại vè, truyện thơ.

a.3 Câu nói vần vè: Tục ngữ, câu đố, câu phù chú.

b.Loại trữ tình :

b.1 Thơ ca trữ tình nghi lễ:

- Bài ca nghi lễ lao động.

- Bài ca nghi lễ sinh hoạt.

- Bài ca nghi lễ tế thần

b.2 Thơ ca trữ tình phi nghi lễ:

- Bài ca lao động.

- Bài ca sinh hoạt.

- Bài ca giao duyên.

c.Loại kịch :

Bao gồm ca kịch và trò diễn dân gian: chèo sân đình , tuồng đồ, những trò diễn có tích truyện.

2.Hệ thống thể loại :

Hệ thống thể loại văn học dân gian là một chỉnh thể. Ðây là một hệ thống chịu sự chi phối của mỹ học dân gian để cho các tác phẩm thuộc mọi thể loại của nó đều mang ” tính dân gian “. Mặt khác , giữa các thể loại của hệ thống lại có quan hệ với nhau .

V .KHOA HỌC VỀ VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ DÂN TỘC HỌC

1.Khoa học về văn học dân gian :

Khoa học về văn học dân gian nghiên cứu tác phẩm văn học dân gian, sinh hoạt văn học dân gian, tác giả và công chúng văn học dân gian. Trong đó, tác phẩm văn học dân gian là đối tượng chính. Tác phẩm văn học dân gian ở đây là một chỉnh thể gồm lời, nhạc, điệu bộ…Khoa nghiên cứu văn học dân gianï gồm các phân môn sau :Lý luận văn học dân gian, Lịch sử văn học dân gian, Phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian.Và bộ phận đặc thù là công tác sưu tầm văn học dân gian.

2.Khoa học về văn học dân gian và dân tộc học :

Văn học dân gian, một thành tố của văn hóa dân gian là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học.

Nhiều thể loại văn học dân gian phát sinh từ xã hội công xã nguyên thủy và ngay cả văn học dân gian ở các giai đoạn phát triển sau này luôn bị quy định bởi các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Do vậy cần dựa vào dân tộc học để nghiên cứu. Chẳng hạn truyện Sao Hôm, sao Mai, Sự tích trầu cau là tiếng vọng xa xôi của chế độ quần hôn trong xã hội công xã thị tộc đồng thời chúng cũng cho thấy chế độ phụ quyền với vị trí của người con trưởng được khẳng định.


Cùng chủ đề:

Luyện viết phần kết bài
Luyện viết phần mở bài
Một số bài làm tham khảo kể chuyện tưởng tượng
Nêu cảm nghĩ nổi bật nhất về câu chuyện đã học mà anh (chị) không thể nào quên
Ngôi kể trong văn tự sự trang 87 SGK Ngữ văn 6
Những đặc trưng của văn học dân gian
Phân biệt các danh từ, động từ, tính từ dễ lẫn lộn
Phương pháp chung khi làm bài Tập làm văn
Phương pháp làm bài thể loại kể chuyện
Phương pháp làm bài thể loại miêu tả
Phương pháp làm bài thể loại viết thư