Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)
Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12
Tác giả
Tác giả Bảo Ninh
1. Tiểu sử
- Bảo Ninh (1952) tên thật là Hoàng Ấu Phương, ngoài ra ông cò nhiều bút danh khác như Nhật Giang, Mã Pí Lèng,…
- Quê quán: xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
- Ông là nhà văn quân đội, từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam trước năm 1975.
+ Bảo Ninh vào bộ đội năm 1969.
+ Chiến đấu tại mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10.
+ Năm 1975, ông giải ngũ.
- Từ 1976 - 1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam.
- Từ 1984 - 1986 học khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du, làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ.
- Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.
2. Sự nghiệp văn học
- Bảo Ninh ra mắt công chúng bằng truyện ngắn đầu tay Trại “Bảy chú lùn” in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987.
- Ít lâu sau, cuốn tiểu thuyết đầu tay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất hiện nhưng do thị hiếu người đọc lúc bấy giờ nhà xuất bản đã đặt cho nó cái tên Thân phận của tình yêu.
- Sau Nỗi buồn chiến tranh, tác giả hầu như chỉ sáng tác truyện ngắn.
- Ngoài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận của tình yêu) và các tập truyện ngắn, Bảo Ninh còn viết một số bài trên báo Văn nghệ trẻ bàn về sự đổi mới của văn học.
3. Phong cách sáng tác
- Bảo Ninh là một nhà văn từng xông pha trận mạc nên ông rất am hiểu về chiến tranh, ông chuyên viết về đề tài về chiến tranh và muốn “văn của mình phải mang vẻ đẹp quân đội”. Ông từng chia sẻ mình “biết nhiều câu chuyện đương thời ở Việt Nam, nhưng không viết” , nhà văn chỉ tập trung viết về quá khứ chiến trường và cái quá khứ xa hơn của nó ở Hà Nội mà ông vẫn gọi là “thành phố quê hương thứ hai của tôi” .
- Luôn đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn. Ông cho rằng mỗi nhà văn phải đi tìm cho mình một cái gì đó thật mới, thật riêng không lẫn với người khác. Bởi thế mà khi chọn viết về đề tài chiến tranh, Bảo Ninh cũng đã có nhiều trăn trở để tìm cho mình một góc cạnh khác trên mảnh đất ấy.
- Quan niệm đã viết văn là phải có vốn văn hóa, hiểu biết sâu, phải có khả năng tìm tòi khám phá để nhận ra viên ngọc quý lấp lánh bên trong. Văn Bảo Ninh đẹp, một thứ văn có phần trau chuốt và giàu sức biểu cảm, một thứ văn có nghiêng về “vị nghệ thuật”.
Sơ đồ tư duy Tác giả Bảo Ninh
Tác phẩm
Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh
I. Tìm hiểu chung
1. Thể loại
- Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh thuộc thể loại: tiểu thuyết.
2. Xuất xứ
- Tác phẩm được trích trong Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học, Hà Nội, 1991, tr89 – 92, 277 - 283)
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm.
4. Bố cục đoạn trích
- Phần 1 (từ đầu đến trí tưởng tượng): Trạng thái luôn sống với kí ức chiến tranh của nhân vật Kiên - dòng kí ức đã thôi thúc anh cầm bút để ghi chép lại tất cả trải nghiệm của một đoạn đời đặc biệt.
- Phần 2 (phần còn lại): Những ấn tượng, cảm xúc và suy tư của mình khi đối diện với “núi bản thảo” bộn bề mà Kiên bỏ lại.
5. Giá trị nội dung
- Qua đoạn trích, ta thấy rằng ý nghĩa của sự nhớ lại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Những kỉ niệm về những người mình yêu quý, những trải nghiệm đáng nhớ và những thành tựu đã đạt được đều là những điểm sáng tạo nên màu sắc và ý nghĩa của cuộc sống. Nhớ lại quá khứ cũng là một nguồn động viên và sức mạnh khi ta đối mặt với những khó khăn.
6. Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng ngôi kể thứ ba xen lẫn ngôi kể thứ nhất, nhân vật trong đoạn trích gần như không có "hành động bên ngoài" mà chỉ có "hành động bên trong”.
II. Tìm hiểu chi tiết
1. Nhân vật Kiên
- Nhân vật Kiên hiện lên là một người mang chồng chất những nỗi đau, cả ở quá khứ và cả ở hiện tại, vậy nhưng Kiên đã lựa chọn nhớ lại và viết về câu chuyện quá khứ để phục sinh về tinh thần.
- Như nhân vật “tôi” đã nói sau khi đọc số bản thảo tưởng như lộn xộn, khó hiểu của Kiên sau đó chúng ta mới biết rằng đó chính là “niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ”. Nơi quá khứ đó tưởng như đau đớn nhưng lại chan chứa tình người, ngày son trẻ, trong trắng và chân thành.
- Trạng thái tâm lí thường trực của nhân vật Kiên chính là trạng thái mơ màng, đăm chiêu, âu sầu.
- Những từ ngữ được tác giả sử dụng để miêu tả tâm lí đó: giật mình; hồn xiêu phách lạc, ý thức mờ mịt, lú lẫn, mê mẩn; cô quạnh, âu sầu;…
- Trong hồi ức của Kiên, chiến tranh hiện lên với “khuôn mặt” đau khổ, tàn khốc.
- “Khuôn mặt” tàn khốc không phải là khuôn mặt duy nhất trong chiến tranh. Vì đâu thể khẳng định rằng chiến tranh chỉ ngập tràn đau thương, cũng sẽ có lúc tình yêu thương thay thế, cũng có lúc niềm yêu đời, lạc quan xuất hiện như trong những tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật.
2. Nhận xét bản thảo của nhân vật Kiên
- “Lúc đầu không thể hiểu nổi, vì bản thảo quá lộn xộn, không theo trật tự nào cả nhưng sau đó anh đã hiểu ra và nhận định “khá cuốn hút”.”
- Những nhận xét trên có thể liên tưởng tới các cuốn tiểu thuyết hiện đại: tiểu thuyết hiện đại có thể không cần bắt buộc theo trình tự thời gian mà có thể là kể về hiện tại trước rồi mới vòng về quá khứ rồi lại quay lại hiện tại. Việc sắp xếp trên dựa vào tâm lí nhân vật và dụng ý của người sáng tác.
→ “Nỗi buồn chiến tranh” nói về một vấn đề rộng, phản ánh lên mức độ nguy hiểm, sát thương cho chính con người trong thời chiến và sau thời chiến. Đó là nỗi đau không chỉ xuất hiện nơi thể xác mà còn in hằn ở tâm hồn. Do đó lựa chọn tiểu thuyết sẽ là phù hợp nhất, với quy mô rộng và khả năng chứa nội dung thì chỉ tiểu thuyết mới có thể giúp nhà văn giãi bày những dụng ý nghệ thuật trong tác phẩm.
Sơ đồ tư duy Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh