Ôn tập cuối học kì I: Tiết 7 trang 124 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều — Không quảng cáo

Tiếng Việt lớp 3, giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 cánh diều, tập đọc lớp 3


Ôn tập cuối học kì I: Tiết 7 trang 124 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều

Chọn 1 trong 3 đề sau. Viết đoạn văn kể lại một lần em làm việc nhà được bố mẹ khen. Viết đoạn văn tả một đồ dùng học tập hoặc một đồ vật khác (con heo đất, con gấu bông, cái diều,...) gắn bó với em. Viết đoạn văn cho biết em yêu thích nhân vật nào trong một câu chuyện em đã đọc và vì sao em yêu thích nhân vật đó.

Câu 1

Chọn 1 trong 3 đề sau:

1. Viết đoạn văn kể lại một lần em làm việc nhà được bố mẹ khen.

Phương pháp giải:

Gợi ý:

- Em đã làm việc nhà gì?

- Em làm vào lúc nào?

- Bố mẹ đã khen em những gì?

- Cảm xúc của em khi được bố mẹ khen?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Một lần sau khi đi học về, em vội chạy vào nhà cất sách vở để đi chơi với các bạn. Sau khi đi qua nhà bếp, em thấy mẹ đi làm về mệt mỏi nhưng vẫn tất bật chuẩn bị cơm tối cho cả nhà. Em quyết định không đi chơi nữa mà ở nhà để giúp mẹ. Em đã cùng mẹ chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Em giúp mẹ cắm cơm, nhặt rau và rửa rau. Mẹ rất vui khi em giúp mẹ. Bố mẹ khen em ngoan, đã trưởng thành hơn. Em cảm thấy vui khi được bố mẹ khen. Em sẽ cố gắng làm việc nhà nhiều hơn để giúp đỡ bố mẹ.

Bài tham khảo 2:

Có một hôm mẹ em bị ốm. Mẹ rất mệt nên nằm nghỉ, Em rất lo lắng cho mẹ nhưng không biết phải giúp mẹ như thế nào. Khi bố đang bận bịu nấu cháo chăm sóc mẹ. Em bèn dọn dẹp nhà cửa. Em quét nhà và lau bàn ghế. Thấy thế, bố rất vui vì em đã biết giúp đỡ làm việc nhà. Hôm sau khi mẹ khỏe lại, bố kể cho mẹ nghe. Mẹ xoa đầu em và khen em rất giỏi, mẹ rất vui. Em cũng thấy rất vui khi được bố mẹ khen. Em quyết định sẽ làm việc nhà nhiều hơn để giúp đỡ bố mẹ.

Câu 2

Viết đoạn văn tả một đồ dùng học tập hoặc một đồ vật khác (con heo đất, con gấu bông, cái diều,...) gắn bó với em.

Phương pháp giải:

Gợi ý:

- Đồ vật gắn bó với em là gì?

- Em có được đồ vật đó như thế nào?

- Hình dáng và công dụng của đồ vật?

- Cảm xúc của em đối với đồ vật đó?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Trong số những món đồ chơi, em thích nhất là chú gấu bông. Đây cũng là một món đồ chơi của em được hân hạnh chưng trong tủ búp phê, bên cạnh những đồ kiểu quý giá.

Chú gấu bông được thu nhỏ cỡ như mèo con thật, nhưng hình dáng thì tròn tria, mập mạp hơn. Chú trong tư thế chễm chệ ngồi, hai tay chắp về phía trước trông giống như một con búp bê hơn là loài vật. Toàn thân chú gần như khoác lên mình một bộ lông màu nâu sáng, chỉ ở tai, mõm, bàn chân và cái bụng phệ là pha những mảng màu hồng nhạt.

Gương mặt gấu bông toát lên vẻ hiền hậu và vui vẻ. Hai mắt chú đen láy như mắt thật, lộ nét tinh nghịch và thông minh. Cái mũi chú nhỏ, nhàn nhạt hồng trông khá buồn cười. Trên cổ lại thắt cái nơ đỏ chói, còn thêm một bông hoa màu trắng trên đôi tay, trông chú thật bảnh bao, duyên dáng.

Em rất yêu chú gấu bông. Em thường hay đặt chú trên bàn học, ngắm chú mà nghe lòng vui vui.

Bài tham khảo 2:

Người bạn đồng hành với em từ đầu năm đến bây giờ chính là bạn bút chì. Bút chì có thân tròn và nhỏ chỉ bằng ngón tay út. Có chiều dài khoảng hai mươi xăng ti mét. Nó có nhiều màu sắc từ đỏ, vàng, cam, xanh... Có những chiếc bút chì được in sọc kẻ trắng, có những chiếc được in họa tiết hoạt hình rất đẹp. Cuối bút một cục tẩy màu trắng ngắn khoảng một xăng ti mét được gắn cố định bằng một vòng nhôm mỏng. Ruột bút được làm bằng chì đen, khi đầu chì mòn thì em lấy đầu gọt để viết dễ dàng hơn. Bút chì là vật dụng vô cùng hữu ích và thân thuộc. Với cây bút chì ấy, em đã vẽ rất đẹp những hình vẽ của bài toán, những bức tranh em yêu thích. Em giữ gìn, nâng niu cây bút như một vật quý.

Câu 3

Viết đoạn văn cho biết em yêu thích nhân vật nào trong một câu chuyện em đã đọc và vì sao em yêu thích nhân vật đó.

Phương pháp giải:

Gợi ý:

- Nhân vật mà em yêu thích là ai?

- Nhân vật đó ở trong câu chuyện nào?

- Nhân vật trong câu chuyện đã trải qua những gì?

- Vì sao em yêu thích nhân vật đó?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Từ nhỏ, em đã rất thích nghe các câu chuyện cổ tích. Tuy được nghe rất nhiều, nhưng em vẫn luôn đặc biệt ấn tượng với câu chuyện Thạch Sanh. Đó thực sự là một câu chuyện rất hay và hấp dẫn. Chàng Thạch Sanh tuy sớm mồ côi cha mẹ, phải sống cuộc sống nghèo khổ, cô đơn dưới gốc đa, nhưng chưa bao giờ có lòng tham, hay suy nghĩ xấu xa cả. Khi học được một thân bản lĩnh tài giỏi, chàng đã dùng nó để diệt ác, giúp dân, chứ không dùng nó để mưu hại người khác. Tấm lòng nhân hậu, đức độ của chàng khiến em nể phục vô cùng. Hình ảnh chàng Thạch Sanh quên mình chiến đấu với chằn tinh, đại bàng tinh để cứu người, không mong chờ hồi đáp gì luôn là bức tượng vàng chói lọi. Chàng ấy thực sự là một người anh hùng vĩ đại. Dù sau này, được biết đến thêm nhiều người anh hùng khác, vẫn không có ai thay thế được Thạch Sanh trong lòng em.

Bài tham khảo 2:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, em đặc biệt yêu thích câu chuyện Sọ Dừa. Câu chuyện kể về cuộc đời của Sọ Dừa từ khi sinh ra đến lúc hạnh phúc viên mãn. Với nhiều sự kiện và chi tiết kì ảo ấn tượng, đặc sắc, câu chuyện khiến em say mê đọc hết lần này đến lần khác mà không biết chán là gì. Chàng Sọ Dừa sinh ra và lớn lên với hình dáng kì lạ, xấu xí. Điều đó khiến cho nhiều người sinh lòng chê bai, chán ghét. Nhưng riêng mẹ cậu và cô ba là không. Những con người ấy có tấm lòng nhân hậu, yêu thương người khác, mặc kệ ngoại hình xấu xí, thật là đáng quý. Vì vậy, họ xứng đáng được yêu thương, nhận được sự đối xử tốt đẹp. Sau này, cô ba trở thành vợ của Sọ Dừa, và sống hạnh phúc cùng chàng trong cuộc sống đủ đầy. Còn hai cô chị xấu tính, độc ác, thì phải nhận cái kết ê chề. Tuy mộc mạc và đơn giản, nhưng câu chuyện vẫn gửi gắm đến mọi người những bài học đáng quý. Rằng chúng ta nên quan tâm và đối xử với nhau bằng trái tim, bằng tấm chân tình. Chính tình cảm con người mới là chân quý.


Cùng chủ đề:

Ôn tập cuối học kì I: Tiết 2 trang 122, 123 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối học kì I: Tiết 3 trang 124 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối học kì I: Tiết 4 trang 125 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối học kì I: Tiết 5 trang 126 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối học kì I: Tiết 6 trang 127 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối học kì I: Tiết 7 trang 124 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối học kì I: Tiết 7 trang 129 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Ôn tập cuối năm - Tiết 1 trang 116 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều
Ôn tập cuối năm - Tiết 2 trang 116, 117 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều
Ôn tập cuối năm - Tiết 3 trang 118 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều
Ôn tập cuối năm - Tiết 4 trang 119 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều