Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó — Không quảng cáo

Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Tức cảnh Pác


Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Bác Hồ về nước tháng 2/1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Khi đó, tình hình thế giới và trong nước có những biến động vô cùng to lớn (đại thế chiến thứ hai, Pháp lại khủng bố cách mạng dã man, Nhật vào Đông Dương; ở châu Âu, Pháp đầu hàng phát xít Đức..)

Dàn ý

1. Mở bài

- Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, chúng ta nhắc đến Người không phải chỉ với tư cách của một người đem đến ánh sáng độc lập, mà còn ngưỡng vọng Người trong vai trò là một nhà thơ, một người nghệ sĩ.

- Tức cảnh Pác Bó là bài thơ khắc họa bức chân dung lạc quan của người nghệ sĩ ấy.

2. Thân bài

a. Câu thơ đầu (câu khai)

- Câu thơ 7 chữ khắc họa rõ cuộc sống sinh hoạt thường nhật của vị lãnh tụ:

+ Nơi ở: trong hang

+ Nơi làm việc: suối

+ Thời gian: sáng- tối

+ Hoạt động: ra- vào

⇒ Sử dụng các cặp từ trái nghĩa, nhịp thơ linh hoạt, diễm tả lối sống đều đặn, quy củ của Bác, sự hòa hợp với thiên nhiên, với cuộc sống núi rừng.

b. Câu tiếp (câu thừa)

- Câu thơ làm ta hiểu rõ hơn về cách ăn uống của Bác với những đồ ăn giản dị, đặc trưng của núi rừng: cháo bẹ, rau măng.

+ Cháo nấu từ ngô, rau măng thì lấy từ cây măng rừng, của trúc tre trên rừng.

+ Những thức ăn giản dị hằng ngày, mộc mạc, đơn sơ, dân dã ⇒ sự gian nan vất vả.

⇒ Bác vẫn trong tư thế sẵn sàng, bất chấp khó khăn, gian khổ để đạt được mục đích là giải phóng dân tộc.

c. Câu thứ ba (câu chuyển)

- Điều kiện làm việc: bàn đá chông chênh ⇒ Khó khăn, thiếu thốn.

- Công việc Bác làm: dịch sử Đảng ⇒ Công việc vĩ đại, quan trọng.

⇒ Phép đối làm nổi bật lên sự khó khăn, Bác yêu thiên nhiên, yêu công việc Cách mạng, luôn làm chủ được cuộc sống dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

d. Câu cuối (câu hợp)

- Cuộc đời cách mạng được nhấn mạnh, Bác hoạt động cách mạng, một công việc không hề dễ dàng và đơn giản, đặc biệt trong hoàn cảnh gian khổ như vậy, thế mà người nghệ sĩ, chiến sĩ vẫn cảm thấy “sang”:

+ “Sang”- sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Bác luôn cảm thấy thoải mái, sang trong và vui thích.

+ Chữ “sang” thể hiện niềm vui, niềm tự hào khi thực hiện được lí tưởng của Bác.

⇒ Người có một phong thái ung dung, hiên ngang, chủ động, lạc quan và luôn yêu cuộc sống ⇒ đây chính là nhãn tự của bài thơ (từ quan trọng thể hiện, nổi bật chủ đề cả bài) và cũng chính là của cuộc đời Bác.

3. Kết bài

- Khái quát những giá trị nội dung, nghệ thuật tiêu biểu của văn bản.

- Bài học về tinh thần lạc quan của Bác đối với mỗi người.

Bài mẫu

Bác Hồ về nước tháng 2/1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Khi đó, tình hình thế giới và trong nước có những biến động vô cùng to lớn (đại thế chiến thứ hai, Pháp lại khủng bố cách mạng dã man, Nhật vào Đông Dương; ở châu Âu, Pháp đầu hàng phát xít Đức..), Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, vạch đường lối cách mạng trong tình hình mới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh) đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật, tranh thủ thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc.

Bác sống ở hang Pác Bó (đúng tên là Cấn Bó, nghĩa là đầu nguồn), trong điều kiện sinh hoạt hết sức gian khổ.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: “Nơi ở đầu tiên của Bác tại Pác Bó tuy ẩm lạnh nhưng vẩn là nơi ở tốt nhất. Địa điểm thứ hai là một hốc núi nhỏ ở rất cao và rất sâu trong rừng, bên ngoài chỉ rất ít cành lau. Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người (...) Sức khoẻ của Bác có phần giảm sút. Bác sốt rét luôn. Thuốc men gần như không có gì ngoài ít lá rừng lấy về sắc uống theo cách chữa bệnh của đồng bào địa phương. Thức ăn cũng rất thiếu (...)

Có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như các anh em khác phải ăn toàn cháo bẹ hàng tháng ròng. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy Bác thích nghi một cách rất tự nhiên. Chẳng hiểu Bác được rèn luyện từ bao giờ, như thế nào mà mọi biến cố đều không mảy may lay chuyển được...”

Mặc dù sống trong điều kiện gian khổ, hiểm nghèo như vậy nhưng Bác Hồ rất vui. Bác rất vui vì sau bao năm xa nước nay được sống và trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Đặc biệt, vì với nhân quan chính trị sắc bén. Người biết rằng thời cơ giành độc lập hoàn toàn đang tới, dù cục diện trước mắt còn tất đen tối. “Đối với Nguyễn Ái Quốc và các bạn chiến đấu của Người những ngày tháng ở Pác Bó tựa như những ngày vui bất tận, rực rỡ sắc màu của cảnh chờ đợi những chuyển biến vĩ đại (...) chưa bao giờ Nguyễn Ái Quốc làm việc nhiệt tình như vậy, Người như trẻ ra đến hai, ba chục tuổi.

Bài thơ với bốn câu, có giọng đùa vui hóm hỉnh, đã toát lên một cảm giác vui thích, thoải mái. Phân tích bài thơ chính là phân tích tìm hiểu niềm vui thoải mái đó, vì đằng sau niềm vui đó là vẻ đẹp của một tâm hồn bình dị mà thanh cao, hồn nhiên mà đầy bản lĩnh của Bác Hồ.

Câu mở đầu bài thơ có giọng điệu phơi phới, thoải mái, đọc lên, ta có cảm tưởng Bác Hồ sống thật ung dung hoà hợp nhịp nhàng với điệu sông núi rừng:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang.

Câu thơ ngắt nhịp ở giữa, tạo thành hai vế sóng đôi toát lên cảm giác nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào... Câu thứ hai là một nét cười đùa, cho biết thức ăn của con người sống ở suối, hang ấy thậl đầy đủ, đầy đủ tới dư thừa:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Câu thơ này, có thể hiểu là: dù chỉ có cháo bẹ, rau măng nhưng tinh thần cách mạng vẫn san sàng. Cách hiểu ấy không sai về mặt ngữ pháp, nhưng e không thích hợp lắm với giọng đùa vui thoải mái của cả bài thơ. Có lẽ nên hiểu là: thức ăn (cháo bẹ, rau măng) thì lúc nào cũng có sẵn đó.

Câu thứ nhất nói về ở, câu thứ hai nói về ăn, câu thứ ba nói về làm việc, cả ba câu đều là thuật tả sinh hoạt vật chất, chỉ đến câu kết mới phát biểu cảm xúc, ý nghĩ.

Hiểu như vậy, sẽ phù hợp với mạch thơ, với kết câu chặt chẽ của bài thơ hơn.

Ở đây ta chú ý cách gieo vần bằng (âm ang), gợi cảm giác mở ra và vang xa, đồng thời tạo nên cái thế vững vàng và cảm giác khoáng đạt của bài thơ. Câu thứ ba vần trắc làm nổi bật lên hình tượng ở trung tâm bài thơ, được đặc tả bằng những nét bút đậm, khoẻ, sinh động:

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng.

Hai chữ “chông chênh” là lừ láy duy nhất của bài thơ, rất tạo hình; ba chữ “dịch sử Đảng” toàn vần trắc, thật khoẻ, gân guốc như cân lại ba câu

Vần bằng vang xa. Đó là hình tượng nhân vật trữ tình được đặt ở trung tâm bài thơ; như vậy con người là chủ thể của thiên nhiên chứ không bị lấn át, hoà lan trong thiên nhiên. Và thật là thú vị, vị “khách lâm tuyền” sống hoà hợp nhịp nhàng với suối, với hang kia, chính là người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, đang tựa vào thiên nhiên để hoạt động cải tạo xã hội. Đằng sau cái dáng tạo hình cụ thể của Bác đang ngồi dịch sử Đảng toát lên tư thế lồng lộng của vị lãnh tụ dân tộc, nhà cách mạng vĩ đại - một hình tượng thật đẹp. Bác Hồ đang sáng tạo ra lịch sử nơi “đầu nguồn” - trên cái bối cảnh thiên nhiên, có suối, có rừng... Cảnh tượng ấy, cuộc sống ấy quả thật là đẹp “thật là sang”! Bài thơ kết thúc bằng chừ “sang”, có thể gọi là chữ nhãn tự (chữ mất) đã kết tinh, bật sáng tinh thần toàn bài.

Thơ Bác Hồ vừa rất mực giản dị, song lại rất hàm súc, gợi lên bao ý nghĩa sâu xa; vừa đậm đà màu sắc cổ điển, vừa thể hiện đầy đủ tinh thần thời đại. Bài Tức cảnh Pác Bó là điển hình của hồn thơ, phong cách thơ đó.


Cùng chủ đề:

Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu
Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội để thấy rõ cái ngông của nhà thơ Tản Đà
Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ – Bài mẫu 1
Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên
Phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ Vọng Nguyệt (Ngắm trăng) của Hồ Chí Minh
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh, Ngữ văn 8
Phân tích bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ nhận định sau: Từ những bài thơ viết trong hoàn cảnh nhà tù dưới chế độ Tưởng Giới Thạch tàn bạo và mục nát toát ra một phong thái ung dung, mộ