Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính.
Tương tư rút tong tập thơ Lỡ bước sang ngang, tập thơ nổi tiếng và tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính trước cách mạng.
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Bính
- Giới thiệu chung về tác phẩm Tương tư
2. Thân bài
a. Phần 1: Chàng trai bày tỏ nỗi tương tư của mình
* Tác giả bày tỏ nỗi tương tư:
- “Tương tư” là cảm giác nhớ thương của một kẻ đang yêu, nói đúng hơn là của người yêu đơn phương. Mối tình ấy được ấp ủ, được dồn nén thành lời qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhất.
- Bốn câu thơ đầu bày tỏ nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu. Chàng trai bày tỏ nỗi tương tư của mình:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người
Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bênh của tôi yêu nàng”
- Nghệ thuật: nhân hóa
=> Mượn hình ảnh “Thôn Đoài”, “thôn Đông” để nói lên nỗi nhớ của mình.
- Mượn chuyện nắng mưa của giời để trải lòng mình. Tác giả coi “tương tư” là một căn bệnh tiềm ẩn trong chính con người mình, tự nhiên như quy luật đất trời vậy.
* Sự hờn trách của chàng trai:
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
- Những câu hỏi dồn dập, nối tiếp nhau tạo nên sự bối rối, lo lắng và chồng chất nỗi niềm trong lòng chàng trai đang yêu. Tác giả đã mượn lối nói dân gian của ca dao, dân ca để hỏi dò cớ sao cô gái lại hững hờ như vậy.
- Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển, tha thiết như truyền tải thông điệp đến cho cô gái.
- “Cớ sao”: lời trách nhưng lại rất tế nhị, đáng yêu.
=> Mối tương tư của chàng trai trằn trọc suốt bao đêm, nhưng chẳng biết ngỏ cùng ai, rồi cũng chẳng ai thấu cho. Nỗi băn khoăn cứ chồng chất, cứ dai dẳng và đợi chờ.
b. Phần 2: Khao khát hạnh phúc lúa đôi trọn vẹn
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hang cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài ngồi nhớ trầu không thôn nào?
- Tác giả mượn hình ảnh quen thuộc, mộc mạc “cau”, “giầu” để diễn tả tình yêu. Trầu cau để bắt đầu tình yêu đã đẹp, trầu cau để bắt đầu một cuộc sống gia đình, một đám cưới còn đẹp hơn. Có trầu thì phải có cau, màu trầu cau thì hai ta đã sẵn.
- Thay đổi cách xưng hô “tôi – em” thành “anh – em”
=> Sự mạnh dạn chuyển đổi cách xưng hô, cách gọi thân mật. Dấu hiệu này chứng tỏ mối tình đã quá lớn, đã quá sâu và chàng trai muốn giãi bày trực tiếp với cô gái.
3. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Bài mẫu
Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên khai sinh là Nguyễn Bính Tuyết. Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà, biết làm thơ từ năm 13 tuổi. Năm 1937, tập thơ Tâm hồn tôi được Tự lực văn đoàn trao giải. Năm 1945, Nguyễn Bính vào Nam Bộ. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ rồi kháng chiến chống Pháp, ông ở lại tham gia kháng chiến Nam Bộ, phụ trách đoàn Văn hóa Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Sau đó, ông chuyển sang công tác ở Ban văn nghệ khu Tám, sáng tác thơ, viết truyện kí và tùy bút. Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, tiếp tục sáng tác, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1956, ông chủ trương tờ báo Trâm hoa. Cuối đời, ông sống ở Nam Định.
Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Song trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của thơ ca lãng mạn Pháp thì Nguyễn Bính về với văn hóa dân gian, gắn bó với môi trường bình dị, thân thuộc của đồng quê, qua những hàng cau, giàn trầu, rặng mồng tơi, cây đa, giếng nước, sân đình... Cùng với Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... Ông đã góp một dòng thơ, phái thơ riêng - Thơ mới dân gian, làm phong phú hơn cho thơ mới.
Tương tư rút tong tập thơ Lỡ bước sang ngang, tập thơ nổi tiếng và tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính trước cách mạng.
“Tương tư’ có nghĩa là nhớ nhau, nhưng tâm trạng tương tư không chỉ đơn thuần là nhớ nhung. Nỗi tương tư trong bài thơ này là một phức hợp các cảm xúc khác nhau, với những diễn biến không hề xuôi chiều. Bắt đầu là sự nhớ nhung:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười thương một người
Rồi đến băn khoăn hờn dỗi:
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy không sang bên này?
Đến than thở:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Đến hờn trách mát mẻ:
Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
Rồi nôn nao mơ tưởng:
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau
Đến những ước vọng xa xôi:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có mốt hàng cau liên phòng
Tất cả diễn biến theo lối xen lồng và chuyển hóa nhau rất tự nhiên, chân thực.
Trong bài thơ, chàng trai có ý trách móc cô gái. Bề ngoài, điều này là vô lí. Trong tình yêu, người chủ động đi đến phải là người con trai, đằng này lại trong vai thụ động ngồi chờ đợi mới có thể bộc bạch được tâm trạng tâm tư của một người trai quê như thế. Thứ hai, lối trách móc này không phải vì ghét, không giống như sự qui kết trách nhiệm, đỗ lỗi thông thường. Mà trách vì yêu. Do quá mong nhớ, bị nỗi nhớ mong giày vò người trong cuộc dễ tưởng mình bị hờ hững, nên sinh ra “hờn ngược, trách xuôi” thôi, không có hàm ý ghét bỏ. Nói khác đi, trách chỉ là một cách bộc bạch tình yêu. Người đời cũng gọi thế là “trách yêu”.
Người xưa nói:
“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”
(Một ngày không gặp mặt dài như ba mùa thu)
Để chỉ nỗi nhớ mong của những người đang yêu. Trong bài thơ này, tâm trạng đang chờ đợi, nhớ mong cũng được diễn đạt bằng những hình ảnh thật sắc sảo:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm dã thành cây lá vàng
Câu lục ngắt nhịp 3/3 phá đi cái nhịp thông thường của thơ lục bát (2/2/2). Ý và lời vế sau lặp lại vế trước. Cách ngắt nhịp này khiến chữ” lại” ở đầu nhịp sau trở thành điểm nhấn của ngữ điệu. Nó gợi được dòng thời gian cứ trôi qua hết sức chậm chạp, ngày mới chỉ còn là sự lặp lại ngày cũ một cách chán ngán và vô vọng. Cả việc ngắt nhịp, lặp lại vế câu và nói nhấn giọng ở chữ “lại” khiến cho giọng thơ vang lên như một lời than thở, kể lể ngán ngẩm. Tất cả điều đó làm hiện lên hình ảnh của một người con trai với tâm trạng nóng lòng chờ trông đến mỏi mòn.
Câu hát diễn tả thời gian và tâm trạng một cách thật tinh tế và ý nhị. Thời gian diễn ra ở câu trên đã chậm chạp sốt ruột, nhưng mới qua lời kể lể thôi. Đến câu này, thời gian mới hiện lên sinh động. Thời gian có màu, đúng hơn, thời gian hiện lên qua việc chuyển màu: lá xanh chuyển thành lá vàng. Ngày anh bắt đầu đợi chờ, cây hãy còn xanh, đến nay lá xanh đã ngả sang vàng cả rồi, thế mà vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Thời gian càng chậm, tâm trạng càng nặng nề, tâm trạng càng mỏi mòn nôn nóng, thời gian càng chậm chạp lê thê. Nhưng điều tinh tế nhất là ở chữ “nhuộm". Thứ nhất, “nhuộm” diễn tả được thời gian chậm chạp. Thứ hai,” nhuộm” để ngỏ chủ thể. Ai nhuộm? Chủ thể này hàm ẩn. Không gian thời gian, cũng không hẳn là sự chuyển biến nội tại của cây lá. Tương tư đã khiến lòng người héo hon, đã nhuộm cây héo úa. Kẻ tương tư và cái cây ấy có mối tương giao thật kì lạ. Cây vừa là nhân chứng của mối tương tư, là đồng minh của kẻ tương tư, là nạn nhận của bệnh tương tư, mà tựu trung, là hiện thân của nỗi tương tư đó. Có thể xem cái kia cũng là cây tương tư được chứ sao!. Lối diễn đạt như thế thật tinh tế, ý nhị.
Nỗi tương tư của chàng trai và qua đó là mối nhân duyên của đôi trai gái này càng đậm nét chân quê hơn vì nó gắn liền với khung cảnh và cây cỏ chốn quê. Trong nỗi nhớ nhung của chàng trai hiện lên những chi tiết về những địa danh, cảnh vật, cây cỏ... thuộc về chốn quê bao đời: thôn Đoài, thôn Đông, đò giang, bến đò, hoa bướm, giàn giầu, hàng cau... Những chi tiết này vừa tạo ra không gian quê kiểng cho nhân vật trữ tình bày tỏ mối tương tư, vừa là phương tiện, thậm chí, là ngôn ngữ nữa để nhân vật trữ tình diễn tả tâm trạng tương tư của mình một cách tự nhiên, kín đáo, ý nhị. Có như thế, tình và cảnh mới có thế hòa quyện vào nhau được. Trong bài thơ này, trước hết thể hiện ở cách tạo ảnh độc đáo: hình ảnh chàng trai thôn Đoài ngồi nhớ cô gái thôn Đông, đã khiến cho thi sĩ mở rộng ra và khái quát thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Đây không chỉ đơn thuần là cách nói vòng, mà quan trọng hơn, nó tạo ra hai nỗi nhớ song hành và chuyển hóa, gắn với hai chủ thể và hai đối tượng: người nhớ người và thôn nhớ thôn, chính vì có người nhớ người mà có thôn nhớ thôn. Nó tạo ra cho thủ pháp nhân hóa: “Thôn Đông ngồi nhớ...”. Nhưng sâu xa hơn, nó còn biểu đạt được cả một quy luật tâm lí. Khi tương tư, thì cả không gian sinh tồn bao quanh chủ thể như cũng nhuốm mọi tương tư ấy, vì thế mà có hai miền không gian nhớ nhau. Tràn đầy cả bầu không gian tạo ra bởi hai thôn ấy là một nỗi nhớ nhung.
Thứ hai, nó được thể hiện nghệ thuật sử dụng các chất liệu ngôn từ chân quê, dân gian, địa danh “thôn Đoài”, “thôn Đông” dùng thành ngữ “chín nhớ mười mong”, dùng số từ “một”, “chín”, “mười”,... cách tổ chức lời thơ độc đáo: nhà thơ đã sử dụng bút pháp tài tình để tạo ra khoảng cách, “thôn Đoài... thôn Đông”, “một người... một người”. Nhất là ở câu sau, hai đối tượng ở hai đầu xa cách, giữa họ là nhịp cầu “chín nhớ mười mong”. Lối sử dụng ngôn từ này đã gợi được phong vị chân quê và thể hiện được giọng điệu kể lể rất phù hợp với việc bộc bạch nỗi tương tư của nhân vật trữ tình.
Khát vọng lứa đôi trong mối tương tư này còn được biểu hiện tinh vi bằng nhiều cặp đôi trong bài: thôn Đoài – thôn Đông, một người - một người, gió mưa - tương tư, tôi - nàng, bên ấy - bên này, hai thôn - một làng, bến - đò. hoa khuê các - bướm giang hồ, nhà anh - nhà em, giàn giầu - hàng cau, cau thôn Đoài - giầu thôn Đông.
Các cặp đôi trên xuất hiện theo trình tự từ xa đến gần, cuối cùng dừng lại ở cặp đôi giầu - cau. Điều ấy cho thấy rõ, bên dưới nỗi tương tư là niềm khát khao gần kề, khao khát chung tình, khao khát nhân duyên, tình yêu gắn với hôn nhân là một đặc điểm quan niệm tình yêu trong thơ Nguyễn Bính(cũng giống với ca dao). Điều này thêm một minh chứng để khẳng định thêm rằng chất truyền thống, chất chân quê đã thấm sầu và hồn thơ Nguyễn Bính.
So sánh bài “Tương tư” của Nguyễn Bính với những Ca giao yêu thương, tình nghĩa (trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một)
Những nét truyền thống về nghệ thuật: Đề tài tương tư, những hình ảnh thơ truyền thống (lá trầu xanh, trầu vàng, cau liên phòng, cách trở đò giang...) thể thơ lục bát... Những cách tân nghệ thuật: Vận dụng sáng tạo thành ngữ “cách trở đò giang” - Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mây đèo cũng qua”, “chín nhớ mười mong” ...
Bài thơ thể hiện rõ phong cách thơ Nguyễn Bính, trong khi các nhà thơ mới chịu ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây hiện đại thì thơ Nguyễn Bính quay lại tìm về với những hình thức, vần điệu nhuần nhị của ca dao. Do đó thơ Nguyễn Bính thấm được hồn quê đất nước.
L