Phân tích đặc điểm nhân vật Bơ-mơn trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng
Có những tác phẩm như một chiếc chìa khóa kì diệu, nó mở tung cánh cửa tâm hồn ta, để biết bao xúc cảm sống dậy miên man
Có những tác phẩm như một chiếc chìa khóa kì diệu, nó mở tung cánh cửa tâm hồn ta, để biết bao xúc cảm sống dậy miên man. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Ô Hen-ri đã để lại trong tôi bao cảm xúc như thế. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với nhân vật Bơ-mơn – bác họa sĩ già giàu lòng nhân ái, có khát vọng nghệ thuật cao đẹp.
Ô Hen-ri là nhà văn người Mỹ nổi tiếng với những truyện ngắn súc tích, đầy bất ngờ, gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chiếc lá cuối cùng là truyện ngắn tiêu biểu cho tài năng của Ô Hen-ri với một cốt truyện ngắn gọn nhưng cảm động. Quả thật, nhà văn đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng nên nhân vật bác Bơ-mơn, nhân vật mà ông gửi gắm những thông điệp nhân văn, sâu sắc về tình người và sức mạnh của nghệ thuật.
Trước hết, tôi yêu quý bác Bơ-mơn bởi sự nhân hậu của bác. Tình thương và tấm lòng cao cả cảu bác Bơ-mơn được kết tinh trong hình ảnh chiếc lá cuối cùng – một chi tiết giàu ý nghĩa trong truyện ngắn. Chiếc lá cuối cùng đã thắp lên ánh sáng của sự sống, đã cứu sống một người trẻ với tương lai rộng mở phía trước. Đó là khoảnh khắc Giôn-xi, một tâm hồn cô đơn “đã chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi, bí ẩn của mình” trông thấy chiếc lá cuối cùng, cũng đơn độc nhưng bằng mọi giá bám víu lấy sự sống. Có lẽ Giôn-xi đã nhận ra chính mình trong chiếc lá bé nhỏ ấy, chiếc lá đã thức tỉnh và tiếp thêm cho Giôn-xi khát vọng sống. Trái tim nhân hậu của người họa sĩ già đã tiếp cho Giôn-xi hi vọng để vượt qua bệnh tật.
Bên cạnh đó, nhân vật bác Bơ-mơn còn là một họa sĩ với khao khát nghệ thuật đáng trân trọng. Khao khát nghệ thuật của bác đã tạo nên kiệt tác “chiếc lá cuối cùng”. Dường như bác Bơ-mơn đã trút tất cả tài hoa, sự sống và tình yêu thương để vẽ nên “chiếc lá cuối cùng”, và rồi trao lại kiệt tác ấy cho thế hệ họa sĩ trẻ như một sự tiếp nối sứ mệnh nghệ thuật. Ngay khi Giôn-xi khỏe lại, ước ao nghệ thuật năm xưa trong cô cũng sống dậy. Cô bày tỏ: “Em hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-pô-lo”. Phải chăng trong ước ao của người họa sĩ trẻ cũng đã rực cháy ngọn lửa yêu thương và khát khao nghệ thuật của bác Bơ-mơn? Và phải chăng, đến cuối cuộc đời mình, người họa sĩ già ấy cũng đã tìm được nguồn cảm hứng để làm nên tác phẩm để đời – nguồn cảm hứng xuất phát từ lòng nhân hậu và tình thương?
Khép lại trang sách cuối cùng, tôi vẫn không thôi nghĩ về nhân vật bác họa sĩ già Bơ-mơn – người họa sĩ giàu lòng nhân ái, có khát vọng nghệ thuật chân chính. Niềm yêu thương và nỗi xót xa cứ thế miên man không dứt. Rồi đây Giôn-xi và Xu có lẽ sẽ tiếp tục cuộc đời của họ với nhiệt huyết mà cụ Bơ-mơn đã trao tặng. Khi nghĩ về điều ấy, tôi lại cảm thấy nỗi buồn được xoa dịu, chỉ còn lại niềm tin dịu dàng ấm áp. Bởi bác Bơ-mơn đã dạy tôi một bài học: dẫu cuộc đời đầy xót xa, mất mát, vẻ đẹp của sự sống và tình người vẫn luôn ngời sáng.