Phân tích điểm giống và khác nhau giữa hai chị em Việt – Chiến trong truyện “Những đứa con trong gia đình”
“Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi. Thành công của truyện chủ yếu là nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật. Trong đó tác giả tập trung phần lớn ở hai nhân vật Việt và Chiến.
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm: “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi. Thành công của truyện chủ yếu là nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật. Trong đó tác giả tập trung phần lớn ở hai nhân vật Việt và Chiến.
2.Thân bài
a. Những nét tính cách chung
- Thương cha thương mẹ, căm thù giặc sâu sắc, cùng một ước nguyện được cầm súng đánh giặc trả thù cho ba, má. Tình cảm này thể hiện rõ nhất trong đêm hai chị em giành nhau ghi tên tòng quân, cùng khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm “ đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về” “mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”.
- Hai chị em đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan góc và từng lập được nhiều chiến công; bắn tàu chiến giặc, Chiến là tiểu đội trưởng của đội nữ địa phương. Việt thì tiêu diệt được một xe tăng địch trong một trận đánh giáp lá cà. Vì cha mẹ là dũng sĩ nên dường như họ sinh ra là để cầm súng đánh giặc.
- Hai chị em còn rất trẻ , hơn nhau 1 tuổi (chị 18, em 17). Vì thế ở hai nhân vật này có những nét rất trẻ con: chẳng hạn, tuy thương yêu nhau nhưng lại hay giành nhau, giành phần bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến Mĩ, giành nhau ghi tên tòng quân đánh giặc…
b. Những nét riêng giữa hai chị em:
- Tài nghệ của Nguyễn Thi trong xây dựng nhân vật là đã tạo ra những nét riêng của hai nhân vật này. Mỗi người một vẻ, không lẫn với nhau được. Những nét tính cách của Việt và Chiến xét đến cùng là do một người là gái, một ngưòi là trai, một người là chị, một người là em.
- Nhân vật Chiến có cái gan góc riêng của phụ nữ. Việt có thể dũng cảm trong chiến đấu nhưng không thể có cái gan kiên trì ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình của chú Năm như Chiến. Việt hiếu động, chỉ thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, lúc nào cũng có cái ná thun trong mình. Là chị nên Chiến tuy chưa hết tính trẻ con , có lúc cũng tranh với em, nhưng cũng có lúc lại biết nhường nhịn em, như khi tranh công bắt ếch. Tuy nhiên khi ghi tên tòng quân thì Chiến nhất định không nhường em.
Như vậy ở Chiến có sự hoà lẫn giữa tính trẻ con và niềm khát khao đánh giặc, có tấm lòng thương em của một người chị biết suy nghĩ chính chắn. Không chịu nhường em ở những nơi đạn bom nguy hiểm. Chiến là cô gái đảm đang tháo vát, sớm biết lo nghĩ. Vả lại cha mẹ mất cả, là ngưòi chị lớn, phải sớm làm chủ gia đình. Vì thế ở Chiến có cái gì đó tỏ ra khôn ngoan, già dặn trước tuổi. Điều này chính Việt đã nhận xét về chị trong cái đêm trước khi tòng quân “Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy!”. Bởi vì đây là giờ phút Chiến phải đứng ra thu xếp việc nhà chu đáo trước khi lên đường. Và chú Năm cũng khen khi Chiến trình bày ý kiến của mình “Khôn! việc nhà nó thu don được gọn thì việc nước nó được mở rộng…”. Ngoài ra Chiến là cô gái mới lớn nên bắt đầu thích soi gương, thích làm duyên làm dáng, đi đánh giặc mà vẫn có cái kiềng trong túi…
- Còn ở Việt thì trẻ con hơn, hiếu thắng. Vả lại là em nên không cần phải nhường nhịn ai. Công việc trong gia đình Việt đều phó mặc tất cả cho chị Chiến, nghe chị bàn việc gia đình thì cứ ừ ào cho qua, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay” “rồi ngủ quên lúc nào không biết”. Việt còn trẻ con quá nên đã đi bộ đội rồi mà vẫn dắt theo ná thun, yêu quý chị mà cứ giữ kín vì sợ mất chị, đánh giặc không sợ chết mà lại sợ ma, khi gặp lại đồng đội thì vừa khóc vừa cười…Tuy nhiên khi xung trận thì Việt là một chiến sĩ dũng cảm, tinh thần cảnh giác và chiến đấu rất cao.
3. Kết bài
- Hai nhân vật để lại ấn tượng đậm nét trong lòng ngưòi đọc.
- Nhận xét: Nguyễn Thi rất tinh tế, sắc sảo trong bút pháp xây dựng nhân vật, tạo được sự lôi cuốn hấp dẫn người đọc.