Phân tích đoạn thơ sau: "Năm nay đào lại nở... Hồn ở đâu bây giờ ?" trong bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên
Vũ Đình Liên bước vào Thơ mới với tấm lòng cảm thương chân thành mang nặng niềm hoài cổ "Ông đồ" là một kiệt tác của nhà thơ.
Dàn ý
1. Mở bài
- Khái quát về tác giả Vũ Đình Liên, một nhà thơ nổi bật với thiên hướng văn chương mang nặng nỗi tiếc thương và sự hoài niệm quá khứ.
- Giới thiệu bài thơ Ông đồ: Một trong những bài thơ bình dị mà cảm động, nhìn vào đó, mỗi người sẽ có cảm giác “sám hối...với lớp người đang đi về cõi chết”- ông đồ.
- giới thiệu khổ thơ: nằm cuối bài thơ nói về sự hoài niệm dành cho ông đồ.
2. Thân bài
- Thời gian: Mùa xuân với hoa đào nở (lại: sự lặp lại tuần hoàn của cảnh thiên nhiên).
- Hình ảnh: “Không thấy”, phủ nhận sự có mặt của một người đã từng trở thành niềm ngưỡng vọng.
⇒ Kết cấu đầu cuối tương ứng làm nổi bật chủ đề bài thơ.
- “Những người muôn năm cũ...bây giờ?”: Câu hỏi đặt ra dường như không phải để tìm một câu trả lời, đó như một niềm than thân, thương phận mình.
⇒ Câu hỏi tu từ nhằm bộc lộ niềm tiếc thương, day dứt hết sức chân thành của tác giả trước sự suy vi của Nho học đương thời.
3. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ: Khắc họa thành công hình ảnh ông đồ để lại những nỗi niềm tiếc thương, day dứt.
- Liên hệ bài học hiện nay: Giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống.
Bài mẫu
Vũ Đình Liên bước vào Thơ mới với tấm lòng cảm thương chân thành mang nặng niềm hoài cổ. Trong đó, "Ông đồ" là một kiệt tác của nhà thơ. Bài thơ khép lại với hình ảnh:
"Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
Bài thơ được mở ra bằng hình ảnh rất nhẹ và khép lại cũng rất khẽ khàng. Năm xưa, khi hoa đào nở, ta thấy hình ảnh ông đồ hiện lên đẹp và rực rỡ làm sao: tay viết câu đối dỏ. Nhưng nay, cũng thời điểm khi đào nở, ông đồ đã không còn nữa. Hình ảnh cũng đã nhạt dần và biến mất vào thời gian. Câu hỏi đặt ra như xoáy sâu vào lòng người đọc:
"Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa".
Tại sao thi sĩ không nói là hoa đào nở mà lại cảm nhận bằng cảm giác "đào lại nở". Chính hình ảnh này cũng đã gợi lên trong ta những đổi thay mới. Tết đến, xuân về, hoa đào lại đến kì nở rộ, người người háo hức đi chợ sắm tết, đón chào năm mới đầy hi vọng và niềm tin. Tất cả đều rộn ràng, háo hức. Cảnh thì còn đó nhưng người thì đâu rồi? Hình ảnh ông đồ giờ đây chỉ còn là " cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" (Vũ Đình Liên). Ông đồ đã không còn nữa, trong mỗi dịp tết đến xuân về, để góp vui cho mọi nhà. Hình ảnh ông đã đi vào dĩ vãng. Và có lẽ không ai còn mảy may nghĩ về ông, ngoài một thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời đã cuốn đi cuộc sống thanh bình đẹp đẽ. Giờ đây chỉ là sự trống trải, bâng khuâng. Thi sĩ Vũ Đình Liên xót xa về một thời đại, về cái "di tích tiều tụy đúng thương của một thời tàn”. Thời gian đã nhấn chim cuộc sống oủa các ông đổ Vũ Đình Liên xót xa:
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
Hai câu cuối là sự chốt lại rất mạnh mẽ mà rất khẽ khàng. Lời thơ đã trực tiếp diễn tả những xúc cảm dâng trào, kết đọng và mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ, thi sĩ đã liên tưởng tới hình ảnh "Những người muôn năm cũ" và thi sĩ hỏi, hỏi một cách xót xa: hỏi trời, hỏi mây, hỏi cuộc sống, hỏi cả một thời đại, hỏi để mà cảm thông cho thân phận của ông đồ. Câu hỏi tu từ đặt ra là một lời tự vấn, như tiếng gọi hồn. ''Những người muôn năm cũ" không còn nữa. Ôi, những giá trị tinh thần, những linh hồn đã làm phong phú cho văn hoá đất nước thì bây giờ ở đâu? Câu hỏi tiềm ẩn sự ngậm ngùi day dứt. Đó là nỗi niềm trắc ẩn, xót thương cho những người như ông đồ đã bị thời thế khước từ. Tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ chỉ còn là một sắc màu nhạt phai, ngập ngừng, quấn quanh, đầy tê tái. Bài thơ đã gợi lên "mối sầu vạn kỉ", cái ra đi của ngày hôm qua khiến hôm nay chúng ta phải nao lòng. Ông đồ đã phai nhạt và biến mất cũng bởi thời thế đổi thay. Chữ quốc ngữ xuất hiện và người ta không còn để ý đến chữ Nho nữa. Chữ Nho dần dần như một thứ cũ kĩ bị thái đi. Đó là sự sụp đổ, ra đi của cả một thời đại, là tấn bi kịch, là nỗi buồn rơi rụng tàn phai. Ông đồ không còn cũng như xã hội đương thời không quan tâm thậm chí đã vứt bỏ đi vẻ đẹp cuộc sống tinh thần. Mất nước là mất tất cả.
Với cách sử dụng thành công các biện pháp tu từ, Vũ Đình Liên đã tái hiện hình ảnh ông đồ, trong chúng ta, với cái "vết tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn". Chúng ta cảm thương cho số phận của ông đồ. Ông đã không còn trong mùa hoa đào năm ấy và những giá trị tinh thần của một thời đại cũng biến theo. Lời thơ khép lại với cuộc đời đầy bất hạnh của ông đồ nhưng lại làm sáng lên một tấm lòng - tấm lòng thi sĩ Vũ Đình Liên.
Ngô Thị Phương Anh Trường THCS chuyên Ý Yên