Phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận — Không quảng cáo

Văn mẫu 9 - Phân tích, cảm nhận, dàn ý, thuyết minh, tự sự và nghị luận lớp 9 hay nhất Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Đoàn thuyền


Phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Với cách sử dụng màu sắc, với cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá và thậm xưng, Huy Cận đã sáng tạo được nhiều hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa. Một không gian tráng lệ tràn ngập niềm vui câu hát.

Dàn ý

I. Mở bài:

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vị trí và nội dung đoạn thơ: nằm cuối bài thơ, nói lên cảnh kéo lưới lúc mờ sáng và cảnh đoàn thuyền buồm căng gió lộng trở về.

II. Thân bài:

1. Cảnh kéo lưới lúc mờ sáng

- Khi bắt đầu ra khơi là ban đêm, lúc “sao mờ”, sắp sáng là thuyền trở về:

+ Cuộc đánh cá bội thu: “kéo xoăn tay chùm cá nặng”.

+ Thành quả to lớn, con người lao động hân hoan: đàn cá trên thuyền lấp lánh loé sáng dưới ánh rạng đông, ngư dân xếp lưới, căng buồm trở về trong “nắng hồng”.

⇒ Ba khổ thơ cho thấy con người luôn có khát vọng chiến thắng, làm chủ thiên nhiên nhưng cũng vô cùng biết ơn thiên nhiên: Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

- Nghệ thuật: ba khổ thơ trên có giọng thơ nhanh, dồn dập thể hiện sự hăng say lao động. Sử dụng nhiều động từ mạnh (lái, lướt, gõ, kéo) cho thấy hình ảnh khỏe khoắn của người lao động; tính từ chỉ màu sắc: vàng, bạc, hồng gợi sự tươi vui, ấm no.

2. Cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh lên

a. Cảnh đoàn thuyền trở về

- Câu đầu tác giả lặp lại ở khổ thơ 1: “Câu hát căng buồm với gió khơi”

+ Có từ “với” là khác, có lẽ tác giả tránh sự lặp lại ở câu thơ trước => làm cho khổ thơ cuối giống như điệp khúc của một bài hát, tạo cảm giác tuần hoàn về thời gian, về công việc lao động; nhấn mạnh khí thế tâm trạng của những người dân. Đoàn thuyền ra đi hào hứng sôi nổi, nay trở về cũng với tinh thần ấy rất khẩn trương. Câu hát đưa thuyền đi nay câu hát lại đưa thuyền về.

+ Bằng biện pháp khoa trương và hình ảnh nhân hóc” Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời: cho thấy con người và vũ trụ chạy đua trong cuốc vận hành vô tận, con người đã mang tầm vóc lớn lao của thiên nhiên vũ trụ trong cuộc chạy đua này và con người đã chiến thắng. Có thể nói Huy Cận đã lấy tình yêu của mình đối với cuộc sống mới của nhân dân khám phá ra vẻ đẹp hùng vĩ. Thay vào không gian vũ trụ buồn hiu hắt của thơ ông trước cách mạng tháng Tám.

b. Bình minh trên biển

- Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn, kết thúc bài thơ là cảnh bình minh” Mặt trời đội biển nhô màu mới”. Ánh mặt trời sáng rực, từ từ nhô lên ở phía chân trời xa cảm giác như mặt trời đội biển. Câu thơ với ẩn dụ táo bạo cho thấy sự tuần hoàn của thời gian, của vũ trụ.

- Hình ảnh: “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” gợi nhiều liên tưởng như những mặt trời nhỏ bé đang tỏa rạng niềm vui trước thành quả lao động mà con người đã giành được sau một đêm lao động trên biển. => đó là cảnh tượng đẹp huy hoàng giữa bầu tròi và mặt biển, giữa thiên nhiên và thành quả lao động.

III. Kết luận

Tổng kết lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ và vai trò của đoạn thơ đã làm nên đặc sắc của toàn bài.

Bài mẫu

Huy Cận viết bài thơ Đoàn thuyền đánh cá vào năm 1958, tại vùng biển Quảng Ninh. Bài thơ ra đời trong một thời kỳ sôi nổi trên miền Bắc nước ta, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa. Đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về đề tài lao động khi nhân dân làm chủ cuộc đời.

Bài thơ gồm bảy khổ thơ ghi lại hành trình của một đoàn thuyền đánh cá: ra khơi lúc hoàng hôn, đánh cá một đêm trăng trên Hạ Long, trở về bến lúc rạng đông. Hai khổ thơ thứ 6 và 7 nói lên cảnh kéo lưới lúc mờ sáng và cảnh đoàn thuyền buồm căng gió lộng trở về:

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng...

(...)

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Cảnh kéo lưới diễn ra lúc “sao mờ” - lúc trời gần sáng. Chữ “kịp” trong câu thơ “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng” thể hiện tinh thần khẩn trương, hối hả của ngư dân lúc kéo lưới. Bao hồi hộp và hy vọng đón chờ. Cá mắc vào lưới thành những “chùm cá nặng” như chùm trái cây treo lủng lẳng. Phải là nhiều cá lắm mới mắc vào lưới, phải là những bạn chài trẻ trung có đôi cánh tay rắn chắc, có sức khỏe dẻo dai mới có thể “kéo xoăn tay”. Câu thơ “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng” là một câu thơ hay và đẹp: hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo ca ngợi vẻ đẹp khỏe mạnh trẻ tráng trong lao động. Huy Cận hay sử dụng lừ “chùm" để tả thế giới sinh vật, như gà, cá tạo nên hình tượng thơ ngộ nghĩnh, đầy ấn tượng:

..Như cây sai mẹ đứng giữa chùm con

Chiều chiều thu vàng rực tâm hồn...

(Chiều thu quê hương)

Nếu trong khổ thơ thứ tư, tác giả tả đàn cá biển đẹp như một bức tranh sơn mài lộng lẫy trong đó có những con cá song “lấp lánh đuốc đen hồng - cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”, thì ở khổ thơ thứ sáu này, những con cá biển tươi ngon mắc vào lưới cũng vô cùng rực rỡ: “Vẩy bạc, đuôi vàng lóe rạng đông”. Có thể nói những câu thơ tả cá là những câu thơ đẹp nhất, sáng tạo nhất ở cách phối sắc, ở cách sử dụng hình ảnh hoán dụ (vẩy cá, đuôi cá, mắt cá...). Dưới ánh rạng đông “lóe” lên, cá nằm đầy khoang thuyền được phản chiếu càng ánh lên màu “vàng”, màu “bạc” thể hiện một niềm vui tươi trong lao động của các bạn chài. Câu thơ “lưới xếp / buồm lên / đón nắng hồng” với cách ngắt nhịp 2/2/3, với cách sử dụng liên tiếp ba động từ (xếp, lên, đón) diễn tả mọi công việc trên biển diễn ra tuần tự mà khẩn trương để trở về.

Khổ cuối tả đoàn thuyền đánh cá trở về bến. Gió biển thổi căng cánh buồm đưa câu hát của ngư dân vang xa trên biển cả. Đây là lần thứ ba, nhà thơ nhắc lại câu hát. Lần thứ nhất tả tiếng hát ra khơi, tiếng hát phấn chấn, hồ hởi lên đường: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Lần thứ hai tả tiếng hát lúc đánh cá, tiếng hát say mê lao động và ngợi ca biển với bao ân tình sâu nặng, thiết tha:

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào

Lần thứ ba là tiếng hát mừng vui thắng lợi. Niềm vui của người dân chài hòa nhập với thiên nhiên- một rạng đông đẹp tươi, một ngày vui mới bắt đầu. Con thuyền thì “chạy đua...”, mặt trời thì “đội biển”. Đoàn thuyền lướt sóng như cướp lấy thời gian, giành lấy thời gian, để nhanh chóng trở về bến. Cảnh tượng tráng lệ, nhịp điệu cuộc sống khẩn trương vô cùng:

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới...

Câu thơ “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” là một câu thơ hay cho thấy bút pháp lãng mạn của Huy Cận trong bài thơ này. Hình ảnh “mắt cá” (hoán dụ) - muôn triệu mắt cá li ti được phản chiếu ánh rạng đông, càng trở nên huy hoàng. Sóng biển và cát lấp lánh cùng với muôn triệu mắt cá như trải dài, trải rộng trên "muôn dặm phơi”. Câu thơ vừa tả cảnh biển tráng lệ lúc rạng đông, vừa tả cảnh được mùa cá (thậm xưng) đẹp.

Nói rằng lao động là niềm vui sáng tạo. Nói rằng biển quê ta giàu đẹp. Nói rằng khi người lao động làm chủ cuộc đời thì mới có ấm no hạnh phúc. Cả ba điều ấy, Huy Cận đã nói được rất hay trong bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá”, đặc biệt trong hai khổ thơ này.

Với cách sử dụng màu sắc, cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá và thậm xưng, Huy Cận đã sáng tạo được nhiều hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa. Một không gian tráng lệ tràn ngập niềm vui câu hát. Một rạng đông trên biển và một rạng đông trong lòng người vì "đất nở hoa" và "biển đang hát”.


Cùng chủ đề:

Phân tích giá trị nghệ thuật của bài thơ Con cò của Chế Lan Viên
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Phân tích gía trị biểu cảm của những câu thơ sau: Mẹ đang tỉa bắp … em nằm trên lưng (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)
Phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Ngữ văn lớp 9
Phân tích hình ảnh Thuý Kiều qua đoạn thơ Chị em Thuý Kiều, rồi nêu lên nhận xét về nghệ thuật tả người của Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Phân tích hình ảnh Thúy Kiều qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều, rồi nêu lên nhận xét của em về nghệ thuật tả người của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Phân tích hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ
Phân tích hình ảnh người mẹ Tà - Ôi trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ” (của Nguyễn Khoa Điềm)