Phân tích quan niệm “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”
Anh/chị suy nghĩ gì về quan niệm sống sau “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”
Đề bài
Anh/chị suy nghĩ gì về quan niệm sống sau “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”?
Lời giải chi tiết
Xã hội rất phức tạp và muôn màu, muôn vẻ. Bởi lẽ trong xã hội luôn tồn tại người tốt, kẻ xấu, có những người không sống thực với mình, không hành động như suy nghĩ và đôi khi làm hại đến người khác. Chính những thành phần này là nhân tố góp phần hình thành nên xã hội như hiện nay. Một xã hội với nhiều kiểu người và điển hình nhất là kiểu người “sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”
Sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo nghĩa là sống không thực với con người của mình. Người có lối sống như vậy là người không đáng tin cậy. Bởi vì bản thân những người đó đều là những kẻ sống không thành thực, những người gian dối, hay là kẻ luôn tự lừa dối bản thân.Còn một con người toàn vẹn là một người hoàn thiện, một người có suy nghĩ và hành động đồng nhất. Trong ngữ cảnh này, một người toàn vẹn là một người sống thật với bản thân mình, chấp nhận sự thật về bản thân mình.
Quan niệm sống này của nhà văn Lưu Quang Vũ là rất đúng. Bởi lẽ, mỗi một người khi được sinh ra trong đời đều có thể xác và linh hồn riêng. Thể xác và linh hồn là hai phần tử tuy khác nhau nhưng hợp nhất với nhau và cùng nhau tồn tại hình thành nên con người. Sở dĩ con người khác với loài vật là vì con người có cuộc sống và cách suy nghĩ của riêng mình, biết tôn trọng cuộc sống của nhau, tôn trọng bản chất riêng của từng cá nhân. Người biết sống thành thực với bản thân và biết tôn trọng cái “tôi” cá nhân của người khác sẽ được mọi người trong xã hội tôn trọng.
Nhờ quan niệm sống trên, mỗi người càng hiểu thêm tầm quan trọng của việc sống sao cho thực với bản thân mình, sống mà không làm hại đến người khác, sống không lừa lọc, sống không dối trá. Tuy nhiên, trong thực tế, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, không phải ai cũng là người sống thành thật, không phải ai cũng sống mà không dối trá, lừa lọc. Bởi vì xã hội vốn phức tạp theo đúng nghĩa của nó nên con người ta đôi khi phải chuyển biến theo chiều hướng của sự phát triển của xã hội. Chính trong quá trình phát triển và đào thải đầy gay gắt của xã hội, con người lựa chọn cách sống cho riêng mình và trong số những người sống chân thật, hết mình vẫn có những người chọn đường tắt thay vì đường thẳng bằng cách sống giả dối. Điều đó liệu là có thật sự tốt đẹp không khi mà một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra rằng xã hội cũng sẽ sớm đào thải mình. Hay nói theo một cách, khi con người lựa chọn cách sống không trọn vẹn, không thật với con người mình thì họ sẽ tự sớm đào thải mình ra khỏi xã hội.
Để thật sự là một con người toàn vẹn, ngay từ khi còn trong ghế nhà trường, chúng ta hãy luyện tập thói quen sống có cùng một suy nghĩ và hành động, sống thành thật không chỉ với cộng đồng mà còn phải thành thật với chính bản thân. Chúng ta hãy đừng để cho cuộc sống của chúng ta giống như nhân vật Trương Ba để rồi phải hối tiếc vì đã không thành thật với bản thân, vì dã lựa chọn lối sống hồn người này, xác kẻ kia, một cuộc sống không trọn vẹn.
Không ai có quyền chọn cho mình một thể xác nhưng vẫn có quyền làm cho tâm hồn mình trong sạch. Chính một tâm hồn trong sạch sẽ giúp cho suy nghĩ và hành động của ta có sự đồng nhất. Sự đồng nhất về hành động và suy nghĩ chính là minh chứng chứng tỏ bản thân là một người trọn vẹn, một cái tôi trọn vẹn. Hãy sống là chính mình, đừng bao giờ lừa dối bản thân hay người khác, cũng đừng sống chia đôi mình ra để rồi lời nói, hành động đều là của người khác trong khi tâm hồn lại là của chính mình. Hãy là một cái tôi toàn vẹn.