Phân tích tình huống truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Dàn ý
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả tác phẩm và nêu bật được tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm là gì.
II. Thân bài
1. Giới thiệu chung
2. Phân tích tình huống truyện trong "Chiếc thuyền ngoài xa"
a) Định nghĩa tình huống truyện:
- Là hoàn cảnh được tác giả tạo dựng bằng một sự kiện đặc biệt để từ đó thể hiện được chủ đề, tư tưởng của tác giả.
b) Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện
– Ở ngoài bãi biển
+ Phát hiện thứ nhất đầy thơ mộng: Bức tranh thiên nhiên toàn bích của chiếc thuyền lưới vó đang tiến gần bờ trong buổi sớm mai “trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu... tôi tưởng chính mình vừa khám phá cái chân lí của sự hoàn thiện...”. Trong đôi mắt người nghệ sĩ khát khao cái đẹp thì đó là “cảnh đắt trời cho” chứa đựng chân lí sự hoàn thiện, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc.
+ Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí, phi nghệ thuật: Cảnh tượng xấu xí: người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, người đàn ông cục mịch, hung bạo. Thiếu tính người: người chồng đánh đập vợ thô bạo, đứa con bảo vệ mẹ, đánh lại cha => Người nghệ sĩ cay đắng nhận ra: đằng sau cái đẹp cảnh “đắt” trời cho là khung cảnh xấu xí, chứa đựng sự thật tàn nhẫn - nạn bạo hành gia đình.
– Trong toà án huyện
+ Người đàn bà dù bị đánh đập, bị nguyền rủa mỗi ngày bởi người chồng vũ phu nhưng khi tòa khuyên bà bỏ chồng thì bà lại van xin “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Với bà “người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông” là rất khó khăn. Dù người đó có vũ phu thì cũng cần đến những lúc sóng gió ngoài biển khơi.
Niềm vui của bà là được ngắm con cái ăn no, ngủ say và chờ đợi những đôi lúc “vợ chồng con cái hòa thuận vui vẻ”, người đàn bà trên thuyền sống vì con.
+ Câu chuyện người đàn bà khiến Phùng và Đẩu một lần nữa nhận thức sâu hơn về cuộc đời:
++ Cuộc sống mưu sinh có thể làm người hiền lành trở nên thô bạo
++ Đằng sau vẻ xấu xí kia thì người đàn bà lại nhân hậu, vị tha, hiểu đời
++ Vị chánh án nhận ra cuộc sống hôn nhân không dễ dàng giải quyết được bằng cách dứt khoát như anh nghĩ.
++ Nhà nhiếp ảnh nhận ra nghệ thuật thì đẹp đấy nhưng cuộc đời sinh ra nghệ thuật vẫn nhiều khiếm khuyết. Hình thức bên ngoài của người đàn bà không nói lên được lòng vị tha, nhân hậu và nỗi đau bên trong. Người cán bộ đôi khi lại chưa thể thấu hiểu vì còn thiếu trải nghiệm.
3. Ý nghĩa tình huống truyện:
– Tư tưởng và chủ đề của tác phẩm được thể hiện qua tình huống truyện: Đó là những phát hiện sâu sắc của người nghệ sĩ về cuộc đời, con người, sự gắn kết giữa nghệ thuật và đời sống.
+ Cuộc đời vốn là bức tranh nhiều màu sắc, nhiều nghịch lý mà khi nhìn vẻ bề ngoài khó lòng mà đánh giá. Từ cái nhìn của chánh án Đẩu, tác giả cho ta cái nhìn đa chiều, toàn diện.
+ Đôi khi thiện chí không là chưa đủ để giúp đỡ ai đó, cần phải gắn liền với thực tế để trải nghiệm, thấu hiểu họ.
+ Mỗi chúng ta cần nhìn lại bản thân để hoàn thiện nhân cách.
+ Nghệ thuật không thể tách rời cuộc đời, nó phải có cội rễ từ đời sống và phản ánh đời sống chân thật nhất.
– Tình huống truyện còn mang ý nghĩa nền tảng để nhà văn xây dựng thành công nhân vật:
+ Người đàn bà hàng chài với nỗi khổ cả thể xác lẫn tâm hồn thế nhưng vẫn ngời lên đức tính tốt đẹp của người phụ nữ.
+ Người chồng là kết quả của cuộc sống túng thiếu, bế tắc
+ Phùng – người nghệ sĩ tha thiết với cuộc đời, Đẩu - chánh án có lòng tốt nhưng cả hai còn thiếu kinh nghiệm sống.
– Tình huống truyện còn lôi cuốn người đọc bởi nhiều sự vỡ ra, bất ngờ.
– Tình huống truyện chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn:
+ Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng
+ Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
III. Kết bài
- Tình huống truyện là một thành công lớn của truyện ngắn nói chung và của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” nói riêng.
- Với tình huống truyện độc đáo sẽ tạo ra tài năng của tác giả.
Bài mẫu
Bài tham khảo số 1
Sự thành công của một truyện ngắn hay mội cuốn tiểu thuyết phần lớn do nghệ thuật tạo ra tình huống truyện của tác giả. Sự thành công của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn “Chiếc truyền ngoài xa" cũng không ngoài điều đó. Vậy muốn phân tích nghệ thuật tạo nên tình huống truyện trong truyện ngắn này trước tiên L phải hiểu lình huống iruyện là gì? Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng (thời gian, không gian; sự việc diễn ra trong thời gian, không gian đó ...) được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ rõ nét nhất. Đối với truyện ngắn, tình huống giữ một vai trò rất quan trọng của truyện, là hạt nhân của cấu trúc thể loại
Có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức. Nếu tình huống hành động chủ yếu nhằm tới hành động có tính bước ngoặt của nhân vật, tình huống tâm trạng chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật thì tình huốing nhận thức chủ yếu cắt nghĩa giây phút “giác ngộ" chân lí của nhân vật. Tình huống trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu thuộc loại tình huống nhận thức.
Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa , Nguyễn Minh Châu đã tạo ra tình huống truyện hết sức độc đáo: Anh phóng viên Phùng đang làm công việc đi săn ảnh nghệ thuật và phong cảnh để làm lịch. Một buổi sáng sớm anh đi trên bãi hiển, anh bỗng phát hiện ra một bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên, đó hình ảnh một chiếc thuyền ngoài xa thấp thoáng trong màng sương sớm, lúc ẩn lúc hiện. Cảnh vật hiện lên trước mặt anh phóng viên Phùng là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe” bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào “Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích" đã khiến Phùng bối rối và trong trái tim Phùng “như có gì bóp thắt vào", và trong cái giây phút bối rối ấy Phùng "tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái không khí trong ngần của tâm hồn". Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh đã mang lại “khoảnh khắc hạnh phúc tràm ngập tâm hồn Phùng” và Phùng đã bấm máy liên tục để thu hết vẻ đẹp tuyệt đỉnh của cảnh vật vào trong ống kính của mình.
Thế nhưng, khi chiếc thuyền vào tới bờ thì một sự thật trần trụi phơi bày trước Phùng, một sự thực bi thương, đó là hình ảnh những con người lao động nghèo khổ, xơ xác, như không hề có chút niềm vui, hạnh phúc nào cả. Phùng nghe tiếng anh hàng chài quát vợ "Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tạo giết cả mày đi bây giờ” rồi nhìn cảnh anh hàng chài “mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa... quật tới tấp vào lưng người đàn bà, hắn vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!"trong khi đỏ thì người đàn bà nhẫn nhục cam chịu tất cả những sự việc ấy diễn ra làm cho Phùng “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn...". Điều làm cho Phùng càng kinh ngạc sững sờ hơn khi nhìn cảnh thằng Phác lao vun vút đến chỗ bố nó, giằng lấy cái thắt lưng trong tay bố nó “liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vờ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên" của bố nó để bảo vệ mẹ nó. Tình huống truyện này đã đưa ra những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực. Nghịch lí giữa người vợ tốt bị hành hạ nhưng vẫn không bỏ chồng, nghịch lí giữa sự vũ phu tàn bạo của anh hàng chài với vợ nhưng không bỏ vợ. Với tình huống của truyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thụật là một cái gì xa vời như chiếc thuyền ngoài xa trong màng sương sớm mờ ảo, còn cuộc sống thì rất cần như con thuyền khi đã vào tới bờ. Hay nói một cách khác, Nguyễn Minh Châu cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống, phải phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Quan điểm này của Nguyễn Minh Châu rất gần với quan điểm của nhà văn Nam Cao “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than... (Trăng sáng)".
Một tình huống truyện khá độc đáo nữa mà Nguyễn Minh Châu đã tạo ra trong truyện ngắn này đó là khi người đàn bà được Đẩu (Bao Công của cái chuyện ven biển này) mời đến huyện để khuyên người đàn bà li hôn với chồng. Sau khi dùng các biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không có kết quả, Đẩu với tư cách là thẩm phán huyện - đã khuyên người vợ nên li hôn với chồng để khỏi bị hành hạ, ngược đãi, để sống một cuộc sống cho ra con người. Đẩu tin giải pháp của mình là hợp lí, đúng đắn, thể hiện lòng tốt của mình. Nhưng sau buổi nói chuyện với người đàn bà thì mọi lí lẽ, mọi suy nghĩ của anh đều bị người đàn bà chất phác, lam lũ từ chối, không chấp nhận. Người đàn ấy đã nhìn thấu suốt cả cuộc đời mình, những điều mà Đẩu và cả Phùng chưa bao giờ nhìn thấy được: “lòng chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn...cho nên các chú đâu có thể hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhục...”, “ là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...", “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!”.
Những lời lẽ của người đàn bà khiến "Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện miền biển". Đẩu chợt nhận ra rằng lòng tốt của anh hóa ra phi thực tế. Anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu sách vở nhưng trước thực tế đa dạng, muôn nỗi, anh trở thành kẻ ngây thơ.
Những lời lẽ của người đàn bà đã giúp Đẩu nhận ra những nghịch lí của đời sống - những nghịch lí buộc con người phải chấp nhận một cách chua chát “trên thuyền phải có một người đàn ông dù hắn man rợ, tàn bạo”. Từ đây, Đẩu có thể đã bắt đầu hiểu ra rằng muốn con người thoát ra khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, man rợ cần phải có những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là lòng tốt, thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tế.
Tình huống này cùng với tình huống trên của truyện, Phùng đã nhận ra rằng để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn một cách đơn giản, phải đi sâu vào thực tế cuộc sống để hiểu được thực tế cuộc sống, những nghịch lí nhưng cổ lí của cuộc sống.
Tóm lại, trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống và đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng của xã hội là khi nhìn cuộc sống chúng ta phải có cái nhìn đa chiều, chúng ta mới hiểu cuộc sống sâu sắc hơn. Nếu nhìn cuộc sống một cách hời hợt, theo cảm tính, theo sách vở... thì chúng ta chưa thể hiểu hết được những nghịch lí nhưng có lí của thực tế cuộc sống.
Xem thêm các bài tham khảo khác tại đây: