Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân đã được thể hiện trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm
Điều giản dị mà Nguyễn Khoa Điềm khám phá, đưa vào thơ là sự sáng tạo của nhà thơ. Thế mới biết thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực, thi vị hóa hiện thực mà còn chắp cánh cho con người đi lên, bay bổng vươn tới tương lai.
Đề bài
Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân đã được thể hiện trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Lời giải chi tiết
Là một trí thức tham gia kháng chiến, trưởng thành trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế, Nguyễn Khoa Điềm còn là nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam. Thơ Nguyễn Khoa Điềm thiên về chính luận kết hợp với trữ tình. Những bài bài thơ của tác giả đều thể hiện khát vọng chiến đấu, một niềm tin cháy bỏng vào đất nước và nhân dân. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân’’ đã chi phối cách nhìn, cách nghĩ của tác giả. Tư tưởng "Đất nước của nhân dân" được thể hiện rõ trong đoạn trích "Đất nước" trích "Trường ca Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm.
Trước hết, tư tưởng đất nước của nhân dân được thể hiện trong quan niệm về Đất Nước của ông. Đất Nước theo Nguyễn Khoa Điềm là những gì gần gũi, gắn bó với mỗi con người, đất nước là những gì ngày xửa ngày xưa “mẹ thường hay kể”, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trứng trăm con, “Đất Nước, bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”, “là nơi ta hò hẹn", “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”... chất suy tưởng của nhà thơ đậm màu sắc dân gian dẫn ta đi về cội nguồn: ta là con Rồng cháu Tiên, cái quá khứ thần thoại và tương lai như hòa quyện với nhau tăng cảm xúc trữ tình bay bổng:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi.
Đất nước có trong những cái “Ngày xửa ngày xưa ...mẹ thường hay kể”. Đất nước trường tồn trong chiều dài lịch sử và hóa thân vào mỗi con người:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất Nước vẹn tròn to lớn
Thật là một suy tưởng đúng đắn và đầy sáng tạo. Xưa nay chúng ta thường quan niệm đất nước là của chung, là những cái xoay quanh ta, đã mấy ai coi đất nước có trong mỗi con người. Hơn nữa nếu “hai đứa cầm tay, Đất Nước vẹn tròn to lớn”. Một quan niệm về đất nước như thế thật gần gũi, thân thiết. Cách nhìn mới mẻ ấy của nhà thơ giúp cho chúng ta thấy mình như một bộ phận, dù rất nhỏ bé trong cơ thể đất nước là ta lo cho trước hết bản thân mình, là góp phần cho đất nước muôn đời, lo cho con cháu chúng ta mai sau.
Đất nước của nhân dân nên nhân dân gắng công giữ gìn như là giữ cho chính máu thịt của mình. Lịch sử đã ghi nhận điều đó cho nên “những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Chủ nhân của đất nước này, lịch sử vẻ vang của đất nước này là công lao đóng góp của nhân dân. Thế hệ trước, thế hệ sau, kẻ ngã xuống, người đứng lên đã tạo nên vẻ đẹp của đất nước, và như vậy, núi sông này tồn tại, đất nước này vươn tới, nhất định phải là công lao của nhân dân.
Điều giản dị mà Nguyễn Khoa Điềm khám phá, đưa vào thơ là sự sáng tạo của nhà thơ. Thế mới biết thơ ca không chỉ phản ánh hiện thực, thi vị hóa hiện thực mà còn chấp cánh cho con người đi lên, bay bổng vươn tới tương lai.