Soạn bài Câu ghép — Không quảng cáo

Soạn văn 8 tất cả các bài, Ngữ văn 8 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Soạn bài Câu ghép

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Thế nào là câu ghép? - Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm Chủ – Vị không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm C – V này được gọi là một vế câu.

Ví dụ :

+ Mây đen kéo kín bầu trời, gió giật mạnh từng cơn.

+ Trăng đã lên cao, biển khuya lành lạnh.

+ Vì trời mưa nên đường lầy lội.

+ Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi.                                   ( Nam Cao)

+ Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước đổ ầm ầm ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

(Đoàn Giỏi)

2. Cách nối các vế câu

Các vế trong câu ghép không bao hàm nhau. Chúng được nối với nhau theo các cách sau đây:

a. Dùng những từ có tác dụng nối

- Nối bằng 1 quan hệ từ: Kiểu nối này, quan hệ từ nằm ở giữa các vế câu.

+ Chỉ quan hệ bổ sung hoặc đồng thời:

Ví dụ:

+ Xe dừng lại và một chiếc khác đỗ bên cạnh.

+ Mặt trời mọc và  sương tan dần.

+ Lão không hiểu tôi, tôi cũng vậy và tôi buồn lắm.

(Nam Cao)

+ Chỉ quan hệ nối tiếp: rồi

Ví dụ:

+ Nó đến rồi chúng tôi cùng nhau học bài.

+ Nắng nhạt dần rồi chiều sẽ qua đi

Rồi trăng lặn, rồi tiếng gà lại gáy.

(Lê Phan Quỳnh)

+ Quan hệ từ chỉ quan hệ tương phản hay nghịch đối: mà, còn, song, chứ, nhưng…

Ví dụ:

+ Buổi sáng, bà đi chợ, mẹ đi làm còn Liên đi học.

+ Hoa cúc đẹp nhưng hoa ngâu thơm hơn.

+ Chúng tôi đến chơi song anh không có nhà.

- Quan hệ từ chỉ quan hệ lựa chọn: hay, hay là, hoặc…

Ví dụ:

+ Mình đọc hay tôi đọc.                                  ( Nam Cao)

+ Tôi chưa làm kịp hay anh làm giúp tôi vậy?

- Nối bằng cặp quan hệ từ:

+ Cặp quan hệ từ chỉ nguyên nhân kết quả: v ì… nên, bởi…nên, tại… nên, do… nên, …

Ví dụ:

+ Vì mẹ ốm nên bạn Nghĩa phải nghỉ học.

+ Do Thỏ kiêu ngạo nên nó đã thua Rùa.

+ Bởi chàng ăn ở hai lòng

Cho nên phận thiếp long đong một đời

(Ca dao)

+ Cặp quan hệ từ chỉ điều kiện hệ quả: nếu (hễ, già)… thì, chỉ cần (chỉ có)… thì, …

Ví dụ:

+ Hễ anh ấy đến thì tôi cho anh về

+ Giá trời không mưa thì chúng tôi sẽ đi chơi

+ Cặp quan hệ từ chỉ ý nhượng bộ: tuy… nhưng

Ví dụ:

+ Tuy tôi đã bảo nhiều lần nhưng nó vẫn không nghe

+ Tuy trời đã hửng nắng nhưng tiết trời vẫn lành lạnh

+ Cặp quan hệ từ chỉ ý tăng tiến: chẳng những… mà còn

Ví dụ:

+ Chẳng những hoa không còn thơm mà lá cũng héo dần

+ Chẳng những Hồng học giỏi mà bạn ấy còn hay giúp đỡ các bạn yếu.

- Nối bằng cặp phó từ hay đại từ.

Câu ghép sử dụng cặp phó từ hay đại từ thường biểu thị sự hô ứng về mặt nội dung giữa các vế: ai… nấy, bao nhiêu… bấy nhiêu, đâu… đó, nào … ấy, càng… càng.

Ví dụ:

+ Ăn cây nào rào câu ấy. (Ca dao)

+ Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu.

+ Ai làm, người ấy chịu. (Ca dao)

b. Không dùng từ nối

Trong trường hợp không dùng từ nối, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy ngăn cách.

Ví dụ:

- Nắng ấm, sân rộng và sạch.

- Cảnh vậy xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn” hôm nay tôi đi học.

(Thanh Bình)

- Gió lên, nước biển càng dữ.

(Chu Văn)

* Lưu ý:

Mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép thường được đánh dấu bằng những cặp quan hệ từ nêu trên. Tuy nhiên, để nhận biết chính xác quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp, ta phải dựa vào cảnh hoặc hoàn cảnh giao tiếp.

Ví dụ: Buổi sớm, mặt trời lên ngang cột buồm, sương tan trời mới quang.

Câu ghép trên gồm 3 vế được nối với nhau bằng dấu phẩy khi viết và một quãng ngắt khi nói. Cả ba vế câu này có quan hệ ý nghĩa rất chặt chẽ, trong đó, sự việc nêu ở vế 1 “mặt trời lên ngang cột buồm” có quan hệ nguyên nhân với hai sự việc nêu ở vế sau “sương tan”, “trời mới quang”. Vì thế, tuy không sử dụng quan hệ từ chỉ nguyên nhân – kết quả thì các vế vẫn có quan hệ chỉ nguyên nhân kết quả. Do vậy, trong một số trường hợp cần dựa vào văn cảnh, nội dung ý nghĩa giữa các vế câu.


Cùng chủ đề:

Soạn bài Bàn luận về phép học
Soạn bài Bàn luận về phép học (chi tiết)
Soạn bài Bố cục của văn bản (chi tiết)
Soạn bài Câu cầu khiến (chi tiết)
Soạn bài Câu cảm thán (chi tiết)
Soạn bài Câu ghép
Soạn bài Câu ghép (chi tiết)
Soạn bài Câu ghép (tiếp theo)
Soạn bài Câu ghép (tiếp theo) (chi tiết)
Soạn bài Câu nghi vấn (chi tiết)
Soạn bài Câu nghi vấn (tiếp theo) (chi tiết)