Soạn bài Đại cáo bình Ngô SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - Siêu ngắn — Không quảng cáo

Soạn văn 10, ngữ văn 10 Cánh Diều Bài 5: Thơ văn Nguyễn Trãi


Soạn bài Đại cáo bình Ngô SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - siêu ngắn

Tìm hiểu bài Bình Ngô đại cáo theo bố cục sau và tóm tắt nội dung cơ bản của từng phần:

Nội dung chính

Văn bản tuyên bố về việc chiến thắng quân Minh và khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước Đại Việt.

Chuẩn bị

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn và nội dung bài Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc (Phạm Văn Đồng) để vận dụng vào bài đọc hiểu văn bản.

- Đọc trước văn bản và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả, tác phẩm.

Trong khi đọc Câu 1

Chỉ ra luận đề và tác dụng của nghệ thuật đối trong các câu văn biền ngẫu.

Phương pháp giải:

- Đọc nghĩ đoạn đầu văn bản.

- Chú ý các câu văn biền ngẫu.

Lời giải chi tiết:

- Luận đề: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”

→ Nhân nghĩa có nghĩa thương người mà làm theo lẽ phải. Tư tưởng nhân nghĩa là tiền đề cơ sở lí luận cho cuộc kháng chiến.

- Tác dụng của nghệ thuật đối trong các câu văn biền ngẫu là: Giúp tăng thêm tính hài hòa trong diễn đạt, nhấn mạnh, tăng tính thuyết phục cho các câu văn biền ngẫu.

Trong khi đọc Câu 2

Những tư tưởng, chân lí khách quan nào được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Đánh dấu, chú ý những tư tưởng, chân lí khách quan nào được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo.

Lời giải chi tiết:

- Những tư tưởng, chân lí khách quan được khẳng định làm căn cứ triển khai toàn bộ nội dung bài Đại cáo là:

+ Nguyễn Trãi khẳng định mỗi dân tộc có quyền bình đẳng vì mỗi dân tộc đều có: nền văn hiến riêng, có phong tục tập quán, có các triều đại làm chủ, có các anh hùng hào kiệt:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

→ Các dân tộc có quyền bình đẳng như nhau. Lời văn khẳng định quyền độc lập, tự chủ của dân tộc.

Trong khi đọc Câu 3

Chú ý giọng điệu của đoạn cáo trạng và hệ thống hình ảnh, cách nêu chứng cứ để kết tội kẻ thù.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Đánh dấu hệ thống hình ảnh, cách nêu chứng cứ để kết tội kẻ thù.

Lời giải chi tiết:

- Giọng điệu của đoạn cáo trạng:

+ Tác giả đã dùng thái độ căm phẫn, tức giận khôn cùng cùng giọng điệu đanh thép khi tố cáo tội ác của giặc Minh.

- Hệ thống hình ảnh, chứng cứ về tội ác của giặc Minh:

+ Lừa dối nhân dân ta: “dối trời, lừa dân”, …

+ Tàn sát dã man những người vô tội: “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, …

+ Bóc lột nhân dân ta bằng chế độ thuế khóa nặng nề: “nặng thuế khóa”, …

+ Bắt phu phen, phục dịch: bắt người “mò ngọc”, “đãi cát tìm vàng”, …

+ Vơ vét của cải

+ Hủy hoại nền văn hóa Đại Việt

Trong khi đọc Câu 4

Chú ý việc tác giả hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả nỗi lòng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn tác giả hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả nỗi lòng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa.

Lời giải chi tiết:

- Việc tác giả hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả nỗi lòng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa:

+ Nguồn gốc xuất thân: là người nông dân áo vải “chốn hoang dã nương mình”

+ Lựa chọn căn cứ khởi nghĩa: “Núi Lam Sơn dấy nghĩa”

+ Có lòng căm thù giặc sâu sắc, sục sôi: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống...”

+ Có lí tưởng, hoài bão lớn lao, biết trọng dụng người tài: “Tấm lòng cứu nước...dành phía tả”.

+ Có lòng quyết tâm để thực hiện lí tưởng lớn “Đau lòng nhức óc...nếm mật nằm gai...suy xét đã tinh”.

→Tác giả hóa thân vào Lê Lợi Lê Lợi để diễn tả Lê Lợi vừa là người bình dị vừa là anh hùng khởi nghĩa.

Trong khi đọc Câu 5

Nghĩa quân đã gặp những khó khăn nào và điều gì đã giúp họ vượt qua?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần văn bản.

- Đánh dấu những khó khăn mà họ gặp phải và cách họ vượt qua.

Lời giải chi tiết:

- Nghĩa quân đã gặp những khó khăn:

+ Những thiếu thốn về quân trang và lương thực: binh yếu, có khi lương cạn, nhân tài ít

- Điều đã giúp họ vượt qua:

+ Tinh thần của quân và dân: Gắng chí, quyết tâm (Ta gắng chí khắc phục gian nan), đồng lòng, đoàn kết (sử dụng 2 điển tích dựng cần trúc, hòa nước sông)

Trong khi đọc Câu 6

Nhịp điệu câu văn diễn tả cuộc chiến đấu và các chiến công ở đây có gì đặc biệt?

Phương pháp giải:

Chú ý nhịp điệu câu văn diễn tả cuộc chiến đấu và các chiến công.

Lời giải chi tiết:

Ở đây, nhịp điệu câu văn trở nên hùng hồn, thể hiện chí khí, tinh thần đánh giặc của quân dân ta.

Trong khi đọc Câu 7

Cách thể hiện khí thế chiến thắng của quân ta và thất bại của quân Minh ở đây có gì khác với đoạn trước?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn văn nêu lên khí thế chiến thắng của quân ta và thất bại của quân Minh.

- So sánh với đoạn trước đó.

Lời giải chi tiết:

Nghệ thuật đối lập đã thể hiện rõ những nét đối cực trong cuộc chiến giữa ta và địch, từ tính chất cuộc chiến cho đến khí thế, sức mạnh, những chiến công và cách ứng xử: “Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”.

Trong khi đọc Câu 8

Tính chất hùng tráng, hào sảng của đoạn văn được thể hiện thế nào qua việc sử dụng hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu câu văn, cách so sánh, …?

Phương pháp giải:

Chú ý cách tác giả sử dụng hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu câu văn, cách so sánh, …

Lời giải chi tiết:

- Nghệ thuật cường điệu:

“Gươm mài đá, đá núi phải mòn

Voi uống nước, nước sông phải cạn

Đánh hai trận tan tác chim muông

Cơn gió to trút sạch lá khô

Tổ kiến hồng sụt toang đê vỡ

Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội”

- Cách so sánh:

“Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng”

→ Nhịp điệu dồn dập, nghệ thuật cường điệu, hình ảnh so sánh thể hiện rõ tính chất hùng tráng, hào sảng của đoạn văn.

Trong khi đọc Câu 9

Phần kết đã thể hiện tư tưởng, khát vọng gì của dân tộc và với một cảm xúc nghệ thuật như thế nào?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ phần kết.

- Đưa ra tư tưởng, khát vọng được thể hiện trong phần kết.

Lời giải chi tiết:

- Phần kết đã thể hiện tư tưởng, khát vọng của dân tộc và với một cảm xúc nghệ thuật tự hào với giọng điệu trang trọng, hào sảng cho thấy niềm tin và những suy tư sâu lắng của tác giả

- Sử dụng những hình ảnh về tương lại đất nước như “xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới, thái bình vững chắc”, các hình ảnh của vũ trụ “kiền khôn, nhật nguyệt, ngàn thu sạch làu”.

Sau khi đọc Câu 1

Tìm hiểu bài Bình Ngô đại cáo theo bố cục sau và tóm tắt nội dung cơ bản của từng phần:

- Phần mở đầu (“Việc nhân nghĩa... chứng cớ còn ghi").

- Phần 2 (“Vừa rồi... Ai bảo thần nhân chịu được")

- Phần 3 (“Ta đây... Cũng là chưa thấy xưa nay")

- Phần kết (“Xã tắc từ đây... Ai nấy đều hay”).

Chỉ ra mối liên hệ giữa các phần trong tác phẩm này và cho biết: Bài Đại cáo viết về vấn đề gì?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Hiểu rõ nội dung chính của từng phần.

- Đưa ra mối liên hệ giữa các phần.

Lời giải chi tiết:

- Tóm tắt nội dung cơ bản từng phần:

+ Phần mở đầu (“Việc nhân nghĩa... chứng cớ còn ghi"): Nói về tư tưởng nhân nghĩa.

+ Phần 2 (“Vừa rồi... Ai bảo thần nhân chịu được"): Soi chiếu lí luận vào thực tiễn.

+ Phần 3 (“Ta đây... Cũng là chưa thấy xưa nay"): Nói về diễn biến khởi nghĩa Lam Sơn.

+ Phần kết (“Xã tắc từ đây... Ai nấy đều hay”): Nhấn mạnh niềm tin, ý chí: xã tắc từ đây vững bền, Giang sơn từ đây đổi mới.

→ Các phần trong tác phẩm này có mối liên hệ chặt chẽ, logic. Bài Đại cáo viết về vấn đề vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sau khi đọc Câu 2

Tư tưởng nổi bật được thể hiện xuyên suốt Bình Ngô đại cáo là gì? Hãy làm sáng tỏ tư tưởng ấy.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Nêu lên tư tưởng nổi bật được thể hiện xuyên suốt Bình Ngô đại cáo

Lời giải chi tiết:

Tư tưởng nổi bật được thể hiện xuyên suốt Bình Ngô đại cáo là: Tư tưởng nhân nghĩa, được thể hiện ở lòng tự hào về ý thức dân tộc, về nền văn hiến dân tộc.

Sau khi đọc Câu 3

Chọn một đoạn tiêu biểu trong bài Đại cáo, phân tích để thấy được tác dụng của nghệ thuật lựa chọn hình ảnh, ngôn từ, nghệ thuật đối và nhịp điệu của câu văn biền ngẫu đã tạo nên âm hưởng của Bình Ngô đại cáo.

Phương pháp giải:

- Chọn đoạn tùy ý.

- Phân tích tác dụng của nghệ thuật lựa chọn hình ảnh, ngôn từ, nghệ thuật đối và nhịp điệu của câu văn biền ngẫu đã tạo nên âm hưởng của Bình Ngô đại cáo.

Lời giải chi tiết:

Đại cáo bình Ngô được coi là áng “thiên cổ hùng văn” muôn đời bất hủ, là bản tuyên ngôn đanh thép, hùng hồn về nền độc lập và vị thế dân tộc. Trong đó, cốt lõi là phần đầu tác phẩm với lý tưởng nhân nghĩa được thể hiện rõ ràng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Nhân nghĩa là tư tưởng chủ đạo của Đại cáo bình Ngô, là mục tiêu chiến đấu vô cùng cao cả và thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Mở đầu bài cáo tác giả nêu luận đề chính nghĩa. Việc nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ở đây là “yên dân” và “trừ bạo”. “Yên dân” chính là giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, như vậy dân có yên thì nước mới ổn định, mới phát triển được. Tác giả đưa vào “yên dân” như để khẳng định đạo lý “lấy dân làm gốc” là quy luật tất yếu trong mọi thời đại là tài sản, là sức mạnh, sinh khí của một quốc gia.

Không những thế, nhân nghĩa còn gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc:

Như nước Đại Việt ta từ trước

...

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Xuyên suốt đoạn thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều từ ngữ chỉ tính chất hiển nhiên vốn có khi nêu rõ sự tồn tại của Đại Việt: “từ trước”, “đã lâu”,“đã chia”, “cũng khác” đã làm tăng sức thuyết phục lên gấp bội. Nghệ thuật thành công nhất của đoạn một – cũng như là bài cáo – chính là thể văn biền ngẫu được nhà thơ khai thác triệt để. Phần còn lại của đoạn đầu là chứng cớ để khẳng định nền độc lập, về các cuộc chiến trước đây với phương Bắc trong lịch sử chúng đều thất bại là chứng cớ khẳng định rõ nhất.

Sau khi đọc Câu 4

Hãy phân tích vai trò của yếu tố biểu cảm trong bài Đại cáo qua các dẫn chứng cụ thể.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản.

- Đánh dấu những đoạn có sử dụng yếu tố biểu cảm.

Lời giải chi tiết:

- Vai trò của các yếu tố biểu cảm trong bài Đại cáo: giúp cho bài Đại cáo có hiệu quả thuyết phục hơn, vì nó tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tình cảm, cảm xúc của người nghe, người đọc; giúp bài Đại cáo trở nên thấu tình đạt lí.

- Một số dẫn chứng:

+ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

….. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

→ Yếu tố biểu cảm giúp khẳng định lí tưởng nhân nghĩa và khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt ta.

+ “Lấy chí nhân để thay cường bạo

Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật

Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”

→ Yếu tố biểu cảm giúp thể hiện chí khí, tinh thần đánh giặc của quân dân ta.

Sau khi đọc Câu 5

Quan niệm về quốc gia, dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện trong bài Đại cáo như thế nào? Vì sao Bình Ngô đại cáo được coi là “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai” của dân tộc?

Phương pháp giải:

- Chú ý cách tác giả quan niệm về quốc gia, dân tộc.

- Nêu quan điểm của bản thân.

Lời giải chi tiết:

- Quan niệm về quốc gia, dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện trong bài Đại cáo: Nguyễn Trãi khẳng định mỗi dân tộc có quyền bình đẳng vì mỗi dân tộc đều có: nền văn hiến riêng, có phong tục tập quán, có các triều đại làm chủ, có các anh hùng hào kiệt. Điều này thể hiện ý thức cao độ về độc lập chủ quyền của tác giả.

- Bình Ngô đại cáo được coi là “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai” của dân tộc vì Nguyễn Trãi đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ và nền độc lập của nước nhà. Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vang lên như một khúc tráng ca bất diệt, ca ngợi chiến thắng hiển hách, khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc ta.

Sau khi đọc Câu 6

Theo em, những bài học lịch sử nào được Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô đại cáo ? Bài học nào em thấy vẫn có ý nghĩa với ngày nay?

Phương pháp giải:

Đưa ra quan điểm của bản thân.

Lời giải chi tiết:

- Theo em, những bài học lịch sử được Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô đại cáo là:

+ Cho ta thấy được những tội ác man rợ của giặc Minh xâm lược đối với dân ta → bồi dưỡng ý chí căm thù giặc sâu sắc, tinh thần đoàn kết chống giặc của nhân dân.

+ Người lãnh tụ của nghĩa quân sáng suốt quên ăn, đau lòng, dốc sức lãnh đạo nghĩa quân chống giặc ngoại xâm.

- Bài học về sự đoàn kết của dân tộc là bài học mà em thấy vẫn có ý nghĩa rất lớn với mọi người và mọi thời, nhất là thời hòa bình độc lập như ngày hôm nay.

Sau khi đọc Câu 7

Vận dụng những hiểu biết về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) triển khai ý chính sau đây: “Nguyễn Trãi không chỉ là người anh hùng đánh giặc mà còn là nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc”.

Phương pháp giải:

- Đọc lại những văn bản, kiến thức nói về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi.

- Viết đoạn văn theo chủ đề cho sẵn.

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Trãi không chỉ là người anh hùng đánh giặc mà còn là nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, dâng Bình Ngô sách (Kế sách đánh đuổi quân Minh), cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh bàn bạc việc quân, vạch ra đường lối chiến lược cho cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, ông giúp Lê Lợi soạn thảo chiếu lệnh, văn thư, ngoại giao và góp phần quan trong vào sự nghiệp giải phóng Nguyễn Trãi. Ngoài việc là một anh hùng lỗi lạc, Nguyễn Trãi còn để lại một di sản to lớn trên các lính vực với nhiều tác phẩm có giá trị như Quân trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, Ức Trai thi tập, ... Thơ văn của ông phản ánh chính bức chân dung Nguyễn Trãi với vẻ đẹp về một sự hài hòa, vừa vĩ nhân, vừa bình thường. Thiên nhiên chan hòa, tươi đẹp cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu trong các sáng tác của ông. Quả thật, khi đến với Nguyễn Trãi, chúng ta đến với con người vừa lớn lao, cao cả, vừa rất đỗi thân thương, gần gũi.


Cùng chủ đề:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Xúy Vân giả dại SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Đất nước SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Đại cáo bình Ngô SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Đi trong hương tràm SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn bài Đừng gây tổn thương SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - Siêu ngắn
Soạn văn 10, ngữ văn 10 Cánh Diều