Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn chứng minh (Chi tiết) — Không quảng cáo

Soạn văn 7 ngắn gọn, đầy đủ và vô số bài văn mẫu hay Luyện tập viết đoạn văn chứng minh


Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn chứng minh (Chi tiết)

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn chứng minh trang 65 SGK Ngữ văn 7 tập 2. Đề 3: Chứng minh rằng văn chương “luyện những tình cảm ta sẵn có”.

Phần I

1. Chuẩn bị ở nhà.

Hãy viết một đoạn văn ngắn theo một trong số các đề sau đây:

Đề 1: Tục ngữ có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn . Nhưng có bạn nói: Nếu không có ý thức học tập thì chắc gì đã có “sàng khôn” nào! Hãy nêu ý kiến của riêng mình và chứng minh cho ý kiến đó.

Đề 2: Chứng minh rằng văn chương “gây cho ta những tình cảm mà ta không có”.

Đề 3: Chứng minh rằng văn chương “luyện những tình cảm ta sẵn có”.

Đề 4: Chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân.

Đề 5: Chứng minh rằng Bác Hồ luôn thương yêu thiếu nhi.

Đề 6: Chứng minh rằng Bác Hồ là người yêu cây cối.

Đề 7: Chứng minh rằng cần phải chọn sách mà đọc.

Đề 8: Chứng minh rằng bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của con người.

Phần 2

2. Thực hành trên lớp

Đề 1

Tục ngữ có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn . Nhưng có bạn nói: Nếu không có ý thức học tập thì chắc gì đã có “sàng khôn” nào! Hãy nêu ý kiến của riêng mình và chứng minh cho ý kiến đó.

Lời giải chi tiết:

Trước hết, ta cần hiểu câu tục ngữ trên cho đầy đủ. “Đi một ngày đàng” chỉ sự tiếp xúc của con người với xã hội. Khi ta đi ra ngoài ta sẽ được gặp gỡ nhiều người của xã hội, được nghe nhiều câu chuyện dở hoặc hay, được biết nhiều lời ăn tiếng nói và nhiều cách suy nghĩ về những vấn đề xã hội khác nhau. Từ đó, trí hiểu biết của ta được nâng cao, mở rộng hơn, ta có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và nhiều bài học bổ ích trong cuộc sống. Không phải chỉ có sách vở mà chính thực tế cuộc sống cũng dạy cho ta nhiều điều cần thiết. Như vậy là “Đi một ngày đàng” ta đã có thêm “một sàng khôn”. Trí khôn vốn là một điều trừu tượng nhưng ở đây được cụ thể hóa, được xem như một vật có hình thể rõ ràng và có thể sắp xếp lên như một sàng ổi hoặc một sàng na. “Sàng” là dụng cụ đan bằng tre có công dụng chính là sàng gạo loại bỏ thóc. Nhưng đôi khi người ta cũng dùng sàng để đựng thức này thức nọ. Hình ảnh “sàng khôn” hàm ý chỉ một khối lượng trí khôn nhiều.

Đề 2

Chứng minh rằng văn chương “gây cho ta những tình cảm ta không có”.

Lời giải chi tiết:

Văn nghệ là tiếng nói của tình cảm con người. Và văn chương - một bộ phận nhỏ của văn nghệ cũng góp phần làm nên cái tiếng nói chung ấy. Dù bạn là người khô khan, cộc cằn đến đâu thì liệu bạn có chắc rằng mình sẽ không rơi lệ khi chứng kiến cảnh chia tay giữa hai anh em Thành và Thuỷ trong Cuộc chia tay của những con búp bê . Sự chia sẻ, tâm hồn rộng mở chính là quà tặng tinh thần đẹp nhất mà văn chương mang đến cho chúng ta. Bạn có chú ý đến từ "gây" trong đề bài. Từ "gây" ở đây gợi cho người đọc một sự lôi kéo, dường như đó là cái không tốt. Bởi cũng như cuộc sống muôn màu, văn học cũng được tạo nên từ nhiều mảnh ghép khác nhau; có những mảnh ghép làm cho nền văn học thêm đặc sắc, độc đáo nhưng cũng có những thành phần làm văn học trở nên u tối, đầy rẫy những xấu xa. Nói như thế, có nghĩa là, bên cạnh những tình cảm tích cực, văn học còn mang đến cho ta những mặt tiêu cực trong suy nghĩ và lối sống.

Đề 3

Chứng minh rằng văn chương “luyện những tình cảm ta sẵn có”.

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản “Ý nghĩa văn chương”, nhà phê bình Hoài Thanh viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”. Thật vậy, văn chương đưa ta đến những tình huống, những hoàn cảnh, những số phận ta chưa từng gặp trong đời. Qua các nhân vật, các cảm xúc, thái độ... của nhân vật, văn chương gây ra cho ta những tình cảm, cảm xúc mới mẻ, tạo ra sự đồng cảm giữa bạn đọc và tác giả. Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của tác giả Khánh Hoài làm rung động lòng trắc ẩn của mỗi chúng ta trước số phận những đứa trẻ tội nghiệp chứng kiến bố mẹ li dị nhau. Không chỉ thế, người đọc còn thấy đồng cảm với tâm trạng, cảm xúc của những đứa trẻ sắp phải lìa xa người thân. Điều đó cũng xảy ra khi ta đọc những câu ca dao than thân, tác phẩm “Sài Gòn tôi yêu”, “Xa ngắm thác núi Lư”... Nhờ đó, mỗi chúng ta rút ra cho mình những bài học, gây dựng cho mình những tình cảm đúng đắn đối với những biểu hiện của cái đẹp, cái tốt cũng như cái xấu, cái ác trong cuộc đời này. Bên cạnh đó, văn chương còn “luyện” những tình cảm ta sẵn có. Từ thuở lọt lòng, ai ai cũng đã có những tình cảm nhất định đối với gia đình, bạn bè, thầy cô, quê hương... Văn chương thực hiện nhiệm vụ hình dung sự sống và sáng tạo sự sống và phản ánh đầy đủ về những tình cảm ấy mà còn làm đẹp hơn, sâu sắc hơn những hiện thực vốn có tồn tại trong đời sống của con người. Nhờ vậy, chúng ta cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn những tình cảm của lòng mình. Đọc ca dao về tình cảm gia đình với những hình ảnh như “núi Thái Sơn, nước trong nguồn”, “Anh em như thể chân tay”... Đọc những bài thơ như “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, những bài ca dao về quê hương đất nước... Ta thêm yêu, thêm trân trọng hạnh phúc gia đình mình đang có, thêm yêu quê hương đất nước tươi đẹp của mình... Chính những công dụng tuyệt vời đó khiến văn chương trở thành một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống con người.

Đề 4

Chứng minh rằng nói dối có hại cho bản thân.

Lời giải chi tiết:

Nói dối là một thói quen rất xấu và cũng là căn bệnh chung của xã hội ngày hôm nay. Nói dối chính là một hành động không trung thực, khiến cho người khác hiểu lầm về những lời nói của mình. Những hành vi ấy có khả năng khiến cho những người mà mình quen biết sẽ không còn tin mình nữa nếu như họ biết chúng ta nói dối họ nhiều lần. Nếu như nói dối nhiều lần thì chính những người có thói quen xấu như vậy sẽ phải sống trong chính những câu chuyện của họ và điều đó sẽ khiến cho bản thân họ không còn có được những thanh thản ở trong tâm hồn nữa mà sẽ khiến cho đạo đức của họ bị đi xuống. Thậm chí có những khi chính họ sẽ mắc phải căn bệnh tự huyễn hoặc chính bản thân mình rằng họ chính là những con người tài giỏi hoặc tự coi những gì mà họ nói là đúng. Đó là một điều vô cùng nguy hiểm trong xã hội hiện nay.

Đề 5

Chứng minh rằng Bác Hồ luôn thương yêu thiếu nhi.

Lời giải chi tiết:

Không hề là ngẫu nhiên, vô tình, cũng không phải Bác Hồ là vị lãnh tụ tài ba, vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà các em thiếu nhi lại kính yêu Bác như vậy. Các em thiếu nhi của Việt Nam đều vô cùng thuần khiết, trong sáng nên khi các em đã dành những tình cảm tha thiết, sự kính yêu vô bờ với ai đó thì chứng tỏ người nhận tình yêu ấy của các em cũng vô cùng tuyệt vời, sẽ quan tâm và dành những tình cảm tương tự cho các em. Đúng vậy, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà Bác còn là người Bác vô cùng kính yêu trong lòng các em thiếu nhi. Mặc dù lúc nào Bác cũng bận rộn với việc nước, việc dân nhưng Bác luôn dành ra những thời gian đặc biệt để cùng các em thiếu nhi vui chơi, quan tâm đến cả hoạt động học tập, phát triển của các em. Cũng vì vậy mà không biết từ lúc nào, Bác Hồ đã trở thành một người mà các em thiếu nhi Việt Nam yêu quý nhất. Trong học tập, Bác Hồ luôn dành cho các em thiếu nhi những lời động viên, quan tâm và cả niềm tin mãnh liệt vào các em – thế hệ tương lai của đất nước. Vào mỗi dịp khai trường, Bác luôn dành thời gian để cùng đến tham dự với các em thiếu nhi, nếu không thể đến dự thì Bác sẽ viết thư để gửi lời chúc đến các em. Đây cũng là lí do mà dù Bác không còn nữa nhưng vào mỗi dịp khai trường, các trường học lớn nhỏ trên cả nước đều đọc thư Bác gửi cho các em học sinh nhân ngày khai trường.

Đề 6

Chứng minh rằng Bác Hồ là người rất yêu cây cối.

Lời giải chi tiết:

Nơi Bác sống và làm việc luôn hòa trong thiên nhiên, cây cối, cỏ hoa. Nếu ai đã được đến thăm lăng Bác thì ta có thể thấy cây cối xung quanh rất xanh và đẹp. Bên dưới nhà sàn nơi Bác ở, cây cối cũng um tùm tươi tốt. Chung quanh đâu đâu cũng là một màu xanh lá thể hiện được bao yêu thương Bác dành cho cỏ cây. Chính Bác đã nhờ 1 đồng chí cuộn tròn chiếc rễ đa đã lìa khỏi cành và chôn xuống đất. Ít lâu sau, chiếc rễ đa đã bám rễ và phát triển rất tốt. Và có một sự kì thú là đoàn thiếu nhi nào vào thăm vườn Bác, không ai bảo ai, bạn nào cũng thích chơi chui qua chui lại chiếc rễ đa mọc thành hình tròn xinh xắn kia. Bác chẳng những yêu thiếu nhi mà còn yêu cả chiếc rễ đa, không nỡ vứt nó đi. Bác yêu cây cỏ với tất cả tấm lòng. Bác gửi gắm nơi đây những hình ảnh đẹp đẽ nhất: Hoa râm bụt là một hình tượng về tấm lòng yêu nước của Bác. Cây vú sữa là một hình tượng của tấm lòng Bác luôn nhớ thương đồng bào Nam bộ. Năm 1955, đồng bào miền Nam gửi biếu Bác một cây vú sữa và một quả dừa. Cây vú sữa được Bác trồng giữa bờ ao cạnh ngôi nhà Bác ở đầu tiên trong Phủ Chủ tịch. Ngày ngày, tuy bận trăm công nghìn việc của Chủ tịch nước, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác Hồ đều chăm sóc tưới cho cây vú sữa.

Đề 7

Chứng minh rằng cần phải chọn sách mà đọc.

Lời giải chi tiết:

Đọc sách là để bồi dưỡng và nâng cao trình độ của bản thân. Đọc sách cũng là để bồi dưỡng và vun đắp những tình cảm tốt đẹp của con người. Nhưng những trí thức và tình cảm ấy cần phải có sự phù hợp với lứa tuổi. Khi còn học cấp một, chúng em còn nhỏ nên việc học toán bắt đầu từ những con số nhỏ trong phạm vi hàng nghìn, từ những phép tính cộng trừ nhân chia hai, ba chữ số. Việc học văn cũng bắt đầu từ những câu chuyện kể ngây ngô, những bài tiếu vụng về… Trong chương trình cấp hai, mức độ tư duy của chúng em đã cao hơn nên có thể học đến những phép nhân chia đa thức phức tạp, viết những bài văn dài đòi hỏi có sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế. Vì vậy, việc lựa chọn sách đọc phải hợp với lứa tuổi cũng như lựa chọn nội dung học phải phù hợp nhận thức.

Đề 8

Chứng minh rằng bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống con người.

Lời giải chi tiết:

Mỗi người trong cộng đồng ai cũng muốn có sức khỏe dồi dào, người thân không ốm đau, láng giềng yên ổn nhưng do nếp sống nếp nghĩ quen thuộc của một số ít người mà còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước không cho phép người dân cứ tiếp tục lối sống, nếp nghĩ như thế. Hãy khắc phục nó bằng mọi cách có thể. Mỗi người chúng ta hãy sống thật tốt đẹp, giữ gìn vệ sinh ở bất kì nơi đâu, trong nhà hay ngoài ngõ, trên cạn hay dưới sông để tạo môi trường sống trong lành cho cả mình và mọi người, để có điều kiện cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Đứng trước xu thế hội nhập ngày nay, làm thế nào để vươn ra biển lớn, để hòa nhập cùng với bạn bè ở bốn phương. Thiết nghĩ, cần nhất là một gương mặt, một diện mạo mới của đất nước. Một con đường sạch đẹp ở thành phố luôn tạo cho mọi người, nhất là các khách du lịch quốc tế một cảm giác thoải mái. Hãy làm cho mình đẹp hơn dưới con mắt của mọi người, đừng vì những thói quen xấu của cá nhân như vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến mọi người. Hãy chấm dứt những hành vi kém văn hóa ấy để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và hãy sống theo tinh thần cao đẹp: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.


Cùng chủ đề:

Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối học kì I - Chi tiết (lớp 7)
Soạn bài Liệt kê
Soạn bài Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người (Chi tiết)
Soạn bài Luyện tập lập luận chứng minh
Soạn bài Luyện tập sử dụng từ (chi tiết)
Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn chứng minh (Chi tiết)
Soạn bài Mẹ tôi trang 11 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Soạn bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người trang 37 SGK Ngữ văn 7 tập 1
Soạn bài Ôn tập tác phẩm trữ tình
Soạn bài Ôn tập tác phẩm trữ tình (tiếp theo)
Soạn bài Phò giá về kinh