Soạn bài Mùa lá rụng trong vườn siêu ngắn
Soạn bài Mùa lá rụng trong vườn siêu ngắn nhất SGK Ngữ văn 12 tập 2, giúp tiết kiệm thời gian soạn bài
Tìm hiểu chung
Tóm tắt văn bản
Chị Hoài từng là dâu trưởng, vợ anh cả Tường liệt sĩ, trong nhà ông giáo Bằng. Sau đó chị đã có gia đình mới và sinh sống ở quê nhưng cả gia đình ông Bằng vẫn rất yêu quý chị. Nhận được thư ông Bằng kể về truyện Cừ bỏ trốn ra nước ngoài, chị thu xếp lên với nhà chồng cũ vào chiều 30 Tết. Thấy chị, những người em chồng đều mừng rỡ, tay bắt mặt mừng. Chị ân cần hỏi han từng người và đem quà quê biếu gia đình. Ông Bằng đang chuẩn bị cúng bữa cơm tất niên. Cả ông Bằng và chị Hoài đều rưng rưng xúc động, không ngăn được dòng nước mắt. Sau những lời hỏi thăm ân cần, ông Bằng chắp tay thành kính cúng tổ tiên. Dòng tâm tư và lời khấn vái của ông bày tỏ tấm lòng tri ân với tiên tổ, kết nối quá khứ với hiện tại. Ông Bằng vừa cúng xong, Hoài liền thế chân ông cụ bái lạy tiên tổ. Sau lễ cúng, mọi người hân hoan ngồi vào mâm cơm chiều 30 Tết, một mâm cơm sung túc, đủ đầy với đủ các món ăn truyền thống và thêm cả những món cầu kỳ do cô Lý chuẩn bị.
Bố cục
3 phần
- Phần 1 (từ đầu đến "bệnh đấy chị ơi"): chị Hoài và sự trở về trong ngày ba mươi Tết
- Phần 2 (tiếp đến "lần này rỗi rãi nó phải đi"): ông Bằng khi gặp lại người con dâu
- Phần 3 (còn lại): mọi người trong gia đình ông Bằng với lễ cúng tất niên
Câu 1
Câu 1 (trang 88 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Ấn tượng về nhân vật chị Hoài:
• Người phụ nữ nông dân giản dị, đôn hậu: vẻ ngoài mộc mạc ("trạc năm mươi", "cặp mắt đằm thắm", "cái miệng tươi", "gót chân nứt nẻ"), thái độ xởi lởi vui vẻ, lời nói tình cảm, ấm áp ("hỏi han hết mọi người", "chân thật kể chuyện mình"),…
• Người phụ nữ có quá khứ đáng trân trọng và khâm phục, để lại tình cảm và sự tin yêu sâu sắc trong các nhân vật: chị trước là dâu trưởng, vợ anh Tường liệt sĩ, đẹp người đẹp nết, thùy mị nết na.
• Người phụ nữ giàu tình nghĩa, thủy chung son sắt: đã lập gia đình mới nhưng vẫn luôn quan tâm đến gia đình chồng cũ, vẫn chia sẻ buồn vui và ứng xử như dâu con trong nhà (thăm hỏi các em, thư từ với ông Bằng, thu xếp việc nhà về an ủi ông Bằng, mang một làn nặng quà cho mọi người…).
• Người phụ nữ bản lĩnh, đảm đang, biết vượt lên số phận: xây dựng gia đình mới, chăm chỉ làm ăn, làm chủ nhiệm hợp tác xã đan dệt thảm ngô…
- Mọi người trong gia đình dù khác nhau tính cách nhưng đều yêu quý chị Hoài vì chị từng là dâu trưởng thùy mị nết na, đẹp người đẹp nết trong gia đình trong quá khứ và vì chị đã có gia đình mới nhưng vẫn hết lòng quan tâm và chia sẻ vui buồn với gia đình ông Bằng như con cái trong nhà. Chị Hoài – hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, chính là sợi dây kết nối, xóa đi những khoảng cách vô hình mà xã hội với nền kinh tế thị trường, với sự tính toán vụ lợi làm phá vỡ những giá trị tốt đẹp, làm nguội lạnh quan hệ tình cảm thiêng liêng trong gia đình.
Câu 2
Câu 2 (trang 88 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Diễn biến tâm lý của ông Bằng và chị Hoài trong cảnh gặp lại trước giờ cúng tất niên:
+ Tâm lý của ông Bằng:
• Chuẩn bị tâm thế chỉn chu để cúng 30 tết: “cố đi cho ngay ngắn”, phong thái “trang trọng, chỉnh tề hơn”; gương mặt “ánh lên cái cảm xúc… hai bên cằm”.
• Bất ngờ và xúc động khi gặp lại chị Hoài: “sững lại”, “mắt ông chớp liên hồi… ông sắp khóc òa”, giọng rè rè, khàn đặc.
• Yêu quý con dâu như ngày nào: ân cần hỏi han con dâu.
+ Tâm lý của chị Hoài:
• Xúc động sâu sắc khi gặp lại ông Bằng: “không chủ động được mình”, “lao về phía ông Bằng… hai hàng gạch hoa”, thốt lên tiếng chào như tiếng nấc.
• Mừng rỡ, bồi hồi kể cho ông nghe về gia đình hiện tại của mình.
→ Sự xúc động sâu sắc của hai người cho thấy tình cảm gia đình sâu nặng giữa họ vẫn như xưa. Họ vẫn luôn quan tâm, chia sẻ những vui buồn và lo lắng cho gia đình này như trước. Đó là tấm lòng của những người có ý nghĩa như trụ cột nâng đỡ ngôi nhà. Tình cảm tốt đẹp, bền chặt và lối ứng xử đẹp chính là giá trị thiêng liêng và cao quý trong gia đình.
Câu 3
Câu 3 (trang 88 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
Lời khấn, dòng tâm tư của ông Bằng và khung cảnh Tết gợi nhiều cảm xúc và suy nghĩ về truyền thống văn hóa đẹp đẽ của dân tộc ta:
+ Tưởng nhớ và tri ân một cách thành kính, thiêng liêng đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã mất trong dịp đầu xuân năm mới. Phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.
+ Quá khứ và hiện tại liền mạch, tổ tiên và con cháu không tách rời, đó là dòng chảy tốt đẹp của truyền thống gia đình.
+ Đó là giây phút mỗi cá nhân lắng lại và nhìn lại mình trong một năm đã qua để rồi cầu nguyện những điều tốt đẹp cho năm mới.
+ Khung cảnh mâm cơm ngày Tết sung túc, đủ đầy, chuẩn bị kỹ lưỡng cho thấy người Việt rất đỗi coi trọng sự sum họp đoàn viên, coi trọng nếp nhà, coi trọng gia đình.
Tổng kết
Thông qua câu chuyện xảy ra trong gia đình ông Bằng, một gia đình nề nếp, luôn giữ gia pháp nay trở nên chao đảo trong những cơn địa chấn từ bên ngoài, nhà văn bày tỏ niềm lo lắng sâu sắc cho giá trị truyền thống trước những đổi thay của thời cuộc. |