Soạn bài Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn — Không quảng cáo

Soạn văn 10, ngữ văn 10 kết nối tri thức với cuộc sống Bài 8: Thế giới đa dạng của thông tin


Soạn bài Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - siêu ngắn

Thông tin chính của văn bản là gì? Đó là thông tin khoa học hay thông tin thời sự chính trị? Vì sao?

Nội dung chính

Văn bản đề cập đến những thông tin về tầng ozone và những nỗ lực của toàn cầu trong việc phục hồi tầng ozone.

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, vấn đề về lỗ thủng tầng ozone không còn là vấn đề đáng lo ngại nhiều nữa, dưới sự nỗ lực toàn cầu, tầng ozone đã được phục hồi và bảo vệ. Các nhà nghiên cứu khoa học trở thành các “thám tử”, nghiên cứu về tầng ozone, đưa ra các thống kê và từ đó đề ra giải pháp thích hợp để “vá” được lỗ thủng đó. Điều kiện bắt buộc phải có trong quá trình phục hồi tầng ozone chính là sự đồng lòng giúp sức của toàn cầu, người dân các nước trên thế giới đều tự ý thức được vấn đề, cùng nhau phục hồi tầng ozone, bảo vệ Trái Đất. Phục hồi tầng ozone là thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

Trước khi đọc Câu 1

Bạn có theo dõi tin tức không? Bạn thường theo dõi tin tức trên những kênh truyền thông nào và quan tâm đến những gì khi tiếp nhận thông tin?

Phương pháp giải:

Dựa vào đời sống cá nhân của bản thân và những thông tin tìm hiểu được trên sách báo để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Học sinh tự trả lời những thông tin mà mình theo dõi và tìm hiểu.

- Gợi ý: theo dõi thông tin trên các kênh thời sự, kênh VTV trên ti vi hoặc các trang báo mạng xã hội. Thông tin quan tâm có thể là các vấn đề về đời sống kinh tế - chính trị, về tự nhiên, về môi trường, …

Trước khi đọc Câu 2

Bạn biết gì về tầng ozone và đã bao giờ nghe về việc tầng ozone bị thủng?

Phương pháp giải:

Dựa vào những kiến thức cá nhân hoặc thông tin tìm hiểu được qua sách báo, mạng xã hội để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Tầng ozon là một lớp sâu trong tầng bình lưu, bao quanh Trái Đất, chứa một lượng lớn ozone. Lớp này che chắn toàn bộ Trái đất khỏi phần lớn các bức xạ cực tím có hại đến từ mặt trời. Chức năng của tầng ozone là bảo vệ Trái Đất khỏi các yếu tố gây hại từ bên ngoài. Bảo vệ cuộc sống của con người, của hệ sinh thái động thực vật trên trái đất.

- Việc tầng ozone bị thủng có thể gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu đến sự sống của con người và các loài sinh vật trên Trái Đất.

Trong khi đọc Câu 1

Nhan đề và những thông tin trong phần sa-pô trong văn bản có gì đáng chú ý?

Phương pháp giải:

- Nhớ lại kiến thức đã học về phần sa-pô trong văn bản thông tin.

- Dựa vào những kiến thức đã học để chỉ ra những thông tin đáng chú ý trong nhan đề và phần sa-pô của văn bản.

Lời giải chi tiết:

Nhằm làm nổi bật và nhấn mạnh vấn đề được nói đến trong văn bản là về việc phục hổi và bảo vệ tầng ozone.

Trong khi đọc Câu 2

Theo dõi thông tin về tầng ozone và vai trò của nó.

Phương pháp giải:

Dựa vào những thông tin đã tìm hiểu và được nghe về tầng ozone để chỉ ra vai trò của nó

Lời giải chi tiết:

- Thông tin về tầng ozone là

+ Tầng ozone nằm ở độ cao khoảng 15-40km so với bề mặt Trái Đất, thuộc tầng bình lưu.

+ Chức năng của tầng ozone là che chắn tia UV, bảo vệ cuộc sống của con người, của hệ sinh thái động thực vật trên trái đất.

- Tầng ozone có vai trò rất quan trọng, như một lớp “kem chống nắng” che chắn cho hành tinh khỏi tia cực tím.

Trong khi đọc Câu 3

Chú ý thông tin về hợp chất CFC.

Phương pháp giải:

Dựa vào kiến thức hóa học đã được học và những thông tin trong văn bản để tìm hiểu hợp chất CFC.

Lời giải chi tiết:

Hợp chất CFC là hợp chất nhân tạo Chlorofluorocarbon, được xem là hóa chất hoàn hảo, vừa rẻ tiền, có nhiều công dụng vừa không thâm gia phản ứng hóa học.

Trong khi đọc Câu 4

Hai nhà khoa học Mô-li-nơ và Rao-lân đã phát hiện sự thật gì về chất CFC?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn văn viết về hợp chất CFC.

- Từ những thông tin đọc được và tìm hiểu được từ hóa học, chỉ ra thông tin mà hai nhà khoa học đã tìm hiểu được về chất CFC.

Lời giải chi tiết:

Sự thật về chất CFC là các phân tử khí CFC bị phân hủy dưới tia UV khi ở tầng khí quyển và mỗi nguyên tử Cl tự do sẽ “cướp lấy” một nguyên tử O, khiến O 3 (khí ozone) trở thành O 2 (khí oxygen).

Trong khi đọc Câu 5

Những tổn hại to lớn mà chất CFC gây ra đối với tầng ozone đã được diễn giải như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn viết về tác hại của chất CFC đối với tầng ozone và dựa vào đó để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Những tổn hại to lớn mà chất CFC gây ra đối với tầng ozone đã được diễn giải một cách rõ ràng, giải thích về quá trình phân tách các phân tử Cl của chất ClO và các phân tử Cl tự do đó sẽ làm tổn hại tầng ozone.

Trong khi đọc Câu 6

Liên hợp quốc đã có những nỗ lực gì nhằm xóa sổ các hóa chất có hại cho tầng ozone?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn văn về những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc phục hồi tầng ozone.

- Từ những thông tin đã đọc được trong đoạn văn, trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Liên hợp quốc họp bàn kế hoạch loại bỏ chất CFC – chất gây tổn hại tầng ozone và nhóm của An-đơ-sơ đã vạch ra hàng trăm giải pháp theo một hệ thống nhất định, loại bỏ chất CFC từ nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Trong khi đọc Câu 7

Những nhân tố nào làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn văn viết về sự thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone.

- Chú ý các chi tiết về những nhân tố góp sức trong quá trình phục hồi tầng ozone.

Lời giải chi tiết:

Những nhân tố làm nên thành công của nỗ lực phục hồi tầng ozone không chỉ là những cá nhân cụ thể mà còn có sự góp sức của công chúng, sự đồng thuận quốc tế và hành động nhất quán toàn cầu.

Sau khi đọc Câu 1

Thông tin chính của văn bản là gì? Đó là thông tin khoa học hay thông tin thời sự chính trị? Vì sao?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Đọc lại kiến thức về văn bản thông tin ở phần Tri thức ngữ văn.

- Dựa vào những thông tin được nêu trong văn bản để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Thông tin chính trong văn bản là viết về quá trình hành động phục hồi tầng ozone của toàn cầu.

- Thông tin này là thông tin khoa học, vì thông tin này nói đến vấn đề mang tính toàn cầu, có sự góp sức của các nhà nghiên cứu khoa học và nó thuộc lĩnh vực khoa học đời sống.

Sau khi đọc Câu 2

Hãy nhận xét về cách đặt nhan đề và cách triển khai nội dung của văn bản.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Đọc lại kiến thức về văn bản thông tin ở phần Tri thức ngữ văn.

- Dựa vào nội dung thông tin được nêu trong văn bản để nhận xét nhan đề và cách triển khai nội dung.

Lời giải chi tiết:

- Nhan đề của văn bản ngắn gọn và đã truyền tải được thông tin chính về vấn đề được nhắc đến trong văn bản.

- Về cách triển khai nội dung: tác giả đặt vấn đề, triển khai nội dung theo một hệ thống, trình tự thống nhất, có sử dụng các kí hiệu phi ngôn ngữ để làm dẫn chứng. Nội dung văn bản đã được triển khai một cách mạch lạc, logic và dễ hiểu.

Sau khi đọc Câu 3

Theo bạn, ngôn ngữ của văn bản này đã đáp ứng được những yêu cầu nào của một bản tin? Bạn có đồng tình khi người đưa tin coi nhà nghiên cứu khoa học là “thám tử”, “tuyến phòng thủ” và nỗ lực phục hồi tầng ozone là "cuộc chiến"?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Đọc lại kiến thức về văn bản thông tin ở phần Tri thức ngữ văn.

- Chú ý cách sử dụng ngôn ngữ và chi tiết viết về các nhà nghiên cứu khoa học trong văn bản để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Ngôn ngữ của văn bản đã đáp ứng được tính đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng của một bản tin.

- Tôi đồng tình vì việc phục hồi tầng ozone là quá trình lâu dài và có sự khó khăn, cần có sự góp sức của các nhà nghiên cứu khoa học tìm kiếm và đưa ra các giải pháp giúp phục hồi tầng ozone.

Sau khi đọc Câu 4

Hãy đánh giá tính hiệu quả của việc đưa phương tiện phi ngôn ngữ vào văn bản.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Đọc lại kiến thức về văn bản thông tin ở phần Tri thức ngữ văn.

- Dựa vào nội dung và sự mạch lạc của các kí hiệu phi ngôn ngữ trong văn bản để đánh giá tính hiệu quả của nó.

Lời giải chi tiết:

- Tín hiệu phi ngôn ngữ trong văn bản là hình ảnh mô phỏng lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực giai đoạn 1979-2019.

- Việc đưa kí hiệu phi ngôn ngữ vào trong văn bản có tính hiệu quả cao, làm tăng tính trực quan cho thông tin, người đọc dễ dàng hình dung hơn về thông tin và các số liệu được đưa ra.

Sau khi đọc Câu 5

Nêu quan điểm chính của tác giả bài viết. Hãy bàn luận về quan điểm ấy.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Dựa vào cách tác giả triển khai nội dung để chỉ ra quan điểm của tác giả và bàn luận.

Lời giải chi tiết:

Quan điểm chính của tác giả bài viết là nỗ lực phục hồi tầng ozone là sự thành công của nỗ lực toàn cầu, chung tay góp sức bảo vệ Trái Đất.

- Theo tác giả, lỗ thủng tầng ozone là một vấn đề nghiêm trọng và với nỗ lực của một cá nhân hay một tổ chức thì không thể nào “vá” được lỗ thủng đó. Quá trình phục hồi tầng ozone cũng là một trong số những thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu và chỉ trong một thời gian không dài, tầng ozone đã cơ bản được phục hồi, cuộc sống của con người quay trở về quỹ đạo cuộc sống.

- Các nhà khoa học – những “thám tử” đã ngày đêm nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thủng tầng ozone và từ đó đề ra các giải pháp trực quan nhằm “vá” lại lỗ thủng đó. Nỗ lực phục hồi tầng ozone như một trận chiến lâu dài, và người dân trên Trái Đất là những người đang chiến đấu để bảo vệ bản thân, gia đình, bạn bè, ... khỏi cái chết.

→ Quan điểm của tác giả là một quan điểm đúng đắn, có sự góp sức, nỗ lực của toàn cầu mà tầng ozone dần được phục hồi.

Sau khi đọc Câu 6

Hãy tìm hiểu một số vấn đề trên thế giới hiện nay cần đến những nỗ lực toàn cầu và chỉ ra những lí do đẫn đến sự thành công hay chưa thành công trong việc giải quyết những vấn đề ấy.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Dựa vào những thông tin đã biết hoặc đã nghe về những vấn đề mang tính toàn cầu đang được quan tâm hiện nay để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Vấn đề đang được quan tâm trên thế giới hiện nay và cần đến những nỗ lực toàn cầu là vấn đề về rác thải nhựa.

+ Rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

+ Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Chất thải nhựa khi không được tái chế hoặc xử lý một cách có kiểm soát, sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời cả trong không khí và nước.

+ Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hàng năm.

- Về vấn đề suy giảm rác thải nhựa hiện nay vẫn chưa thật sự được giải quyết triệt để, sự nỗ lực toàn cầu chưa được áp dụng triệt để trong việc này, trên thế giới vẫn còn nhiều người dân chưa ý thức rõ về sự nguy hại của rác thải nhựa và chưa có sự đồng lòng toàn cầu hợp sức giải quyết vấn đề.

Sau khi đọc Câu 7

Từ hai văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu (Lê My) và Sự sống và cái chết (Trịnh Xuân Thuận), bạn suy nghĩ gì về sự tồn vong của nhân loại và Trái Đất?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Đọc lại văn bản Sự sống và cái chết .

- Dựa vào nội dung đã học ở hai văn bản và nêu suy nghĩ của bản thân về sự tồn vong của nhân loại và Trái Đất.

Lời giải chi tiết:

Về sự tồn vong của nhân loại và Trái Đất: cả nhân loại và các loài sinh vật trên Trái Đất đều phải đối mặt với sự tồn vong, sự đấu tranh để sống sót. Sự tồn vong là một quy luật thiết yếu trong cuộc sống, là một vòng tuần hoàn không thể phá vỡ, con người luôn phải nỗ lực để sống sót.

Sau khi đọc Câu 8

Theo bạn, thế nào là một bản tin có giá trị?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu.

- Đọc lại kiến thức về văn bản thông tin ở phần Tri thức ngữ văn.

- Nêu suy nghĩ của bản thân về một bản tin có giá trị.

Lời giải chi tiết:

Một bản tin có giá trị là bản tin phải trả lời được những câu hỏi cơ bản về một vấn đề, một sự kiện nào đó mà tác giả muốn thông tin; các thông tin được nêu trong bản tin có sự mạch lạc, chính xác và có tính khách quan, thuyết phục được người đọc tin vào những thông tin đó.

Kết nối đọc - viết

Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về giải pháp làm giảm rác thải nhựa trên toàn cầu.

Phương pháp giải:

Dựa vào những thông tin về vấn đề rác thải nhựa và các giải pháp được đề ra nhằm giải quyết vấn đề này trên toàn cầu để viết đoạn văn.

Lời giải chi tiết:

Tiến sỹ Dương Thanh Nghị, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đã nhận định: giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích to lớn trong bảo vệ cảnh quan, phát triển du lịch và bảo vệ được nơi sinh sống của các loài sinh vật biển. Rác thải nhựa là một phần “mắt xích” tạo nên sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu; tuy nhiên điều này lại ít được nhắc đến hoặc bị xem nhẹ. Theo thống kê, mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Chất thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn (CTR), việc quản lý chất thải nhựa không thể tách khỏi việc quản lý CTR và có thể thấy là chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay. Hiện nay nhiều quốc gia đang áp dụng việc thu gom tái chế rác thải nhựa cũng như sử dụng biện pháp đốt chất thải lộ thiên, tuy nhiên, việc đốt chất thải trong các đám cháy lộ thiên dẫn đến việc sản sinh ra chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, carbon đen ở các thành phố lớn. Cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Để giải quyết triệt để vấn đề về rác thải nhựa cần có sự nỗ lực toàn cầu, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề này không chỉ là nguyên tắc chung mà còn là thực tiễn hết sức cấp thiết hiện nay.


Cùng chủ đề:

Soạn bài Nói và nghe Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Nói và nghe Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Nói và nghe Thảo luận về văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Nói và nghe Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Nói và nghe Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Sự sống và cái chết SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Tác gia Nguyễn Trãi SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Tản Viên từ phán sự lục SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Thu hứng SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - Siêu ngắn
Soạn bài Thực hành tiếng việt trang 26 SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Kết nối tri thức - Siêu ngắn