Soạn bài Thực hành Tiếng Việt trang 13 SGK Ngữ văn 6 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống chi tiết
Soạn bài Thực hành Tiếng Việt trang 13 chi tiết SGK ngữ văn 6 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống với đầy đủ lời giải tất cả các câu hỏi và bài tập
Câu 1
Dấu câu
Câu 1 (trang 13 SGK Ngữ văn 6 tập 2)
Đọc lại đoạn văn sau trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh : Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cơn bão, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh. Một người ở miền biển, tài năng cũng không kém: gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về. Người ta gọi chàng là Thuỷ Tinh.
Tìm và cho biết công dụng của dấu chấm phẩy trong đoạn văn.
Phương pháp giải:
Tìm dấu chấm phẩy, quan sát và cho biết tác dụng của nó.
Lời giải chi tiết:
Dấu chấm phẩy được đặt ở câu cuối, có tác dụng ngăn cách các vế phức tạp trong câu ghép.
Câu 2
Câu 2 (trang 13 SGK Ngữ văn 6 tập 2)
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) có dùng dấu chấm phẩy.
Phương pháp giải:
Em viết đoạn văn theo chủ đề tùy chọn: thiên nhiên, học tập, gia đình, tình bạn… và đặt dấu chấm phẩy vào vị trí phù hợp nhất.
Lời giải chi tiết:
Đất nước chúng ta đã được mẹ Thiên nhiên ưu ái ban phát biết bao những cảnh đẹp làm say lòng người. Đâu đâu ta cũng bắt gặp những cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp rất riêng: từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ đồng bằng cho đến miền ngược, từ rừng đến biển,... Đến đây ta chẳng thể nào quên được vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long - một trong bảy kì quan thiên nhiên của thế giới. Phong cảnh thiên nhiên Hạ Long đẹp hùng vĩ được tạo nên bởi những khối núi đá vôi mọc lên khỏi mặt nước tĩnh lặng, lẩn khuất trong sương sớm bảng lảng như có bàn tay sắp đặt cố tình của tạo hoá. Vẻ đẹp với rừng núi và biển xanh rộng mênh mông như một bức tranh phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình của Nha Trang sẽ khiến chẳng ai có thể khước từ hay buông lời chê bai. Màu vàng của những đồi cát rộng mênh mang và màu xanh biếc của những hàng dừa cao vút uốn mình quanh bờ biển nơi Mũi Né chính là một trong những cảnh đẹp không thể không nhắc đến. Ngược lên miền núi cao, ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cung đèo Hà Giang; vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa; vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc. Bất cứ nơi đâu, con người đều có thể có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình trên dải đất hình chữ S này.
Câu 3
Nghĩa của từ ngữ
Câu 3 (trang 13 SGK Ngữ văn 6 tập 2)
Trong tiếng Việt có nhiều từ có yếu tố thuỷ như Thuỷ trong Thuỷ Tinh , có nghĩa là nước. Tìm một số từ có yếu tố thuỷ được dùng theo nghĩa như vậy và giải thích ngắn gọn nghĩa của những từ đó.
Phương pháp giải:
Em tìm các từ Hán Việt có yếu tố “thủy” và giải nghĩa.
Lời giải chi tiết:
- Thủy điện: là nguồn điện có được từ năng lượng nước.
- Thủy triều: là hiện tượng nước biển, nước sông... lên xuống trong một chu kỳ thời gian phụ thuộc biến chuyển thiên văn.
- Thủy cung: là khu vui chơi giải trí trong nhà mô phỏng cảnh đại dương với các loại sinh vật đại dương để du khách ngắm nhìn, tham quan
- Thủy thủ: là một người làm việc trên tàu thủy
Câu 4
Câu 4 (trang 13 SGK Ngữ văn 6 tập 2)
Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau: hô mưa gọi gió, oán nặng thù sâu . Trong mỗi thành ngữ, các từ ngữ được sắp xếp theo kiểu đan xen: hô - gọi, mưa - gió, oán - thù, nặng - sâu. Hãy tìm thêm một số thành ngữ được tạo nên bằng cách đan xen các từ ngữ theo cách tương tự.
Phương pháp giải:
Dựa vào văn bản và những câu nói hay nghe để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Giải thích nghĩa:
+ Hô mưa gọi gió: dùng sức mạnh thần linh để triệu hồi sức mạnh thiên nhiên như mưa và gió
+ Oán nặng thù sâu: có mối oán thù sâu nặng, dai dẳng theo thời gian, không thể xóa bỏ.
- Một số thành ngữ khác:
+ Ăn cháo đá bát
+ Đi sớm về khuya
+ Cày sâu cuốc bẫm
Câu 5
Biện pháp tu từ
Câu 5 (trang 13 SGK Ngữ văn 6 tập 2)
Tìm những câu văn có sử dụng biện pháp tu từ điệp từ, điệp ngữ trong văn bản Sơn Tinh, Thủy Tinh (Huỳnh Lý) kể và nêu tác dụng của biện pháp tu từ này.
Phương pháp giải:
Nhớ lại kiến thức phép điệp từ, điệp ngữ và đọc kĩ văn bản đề tìm lại.
Lời giải chi tiết:
- Phép điệp từ:
+ Hai chàng tâu hỏi đồ sắm lễ cần những gì, vua bảo: " Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi"
+ Nước ngập ruộng đồng, nước tràn nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trong một biển nước
- Tác dụng của biện pháp điệp ngữ: làm cho câu văn trở nên đầy đủ nội dung, sinh động và diễn tả được toàn bộ nội dung mà tác giả muốn diễn tả.