Cách mở bài của văn bản trên có gì đặc sắc? Các luận điểm trong văn bản bàn về vấn đề gì? Những câu nào là câu chủ đề của mỗi luận điểm?
Đọc ngữ liệu tham khảo 1 1
Câu 1 (trang 70, SGK Ngữ Văn 11, tập hai) :
Cách mở bài của văn bản trên có gì đặc sắc?
Phương pháp giải:
Từ văn bản phần ngữ liệu tham khảo, nhận xét về cách mở bài của văn bản.
Lời giải chi tiết:
Cách mở bài của văn bản trên đặc sắc ở cách dẫn dắt vào bài viết bằng câu chuyện thực tế. Cách mở bài này giúp thu hút sự chú ý của người đọc, đưa họ vào trạng thái tập trung và sẵn sàng tiếp thu những thông tin tiếp theo. Hơn nữa, câu chuyện thực tế có thể giúp tăng tính chân thực và sinh động của bài viết, cũng như giúp người đọc đồng cảm với tình huống hoặc vấn đề được đề cập, tạo ra sự kết nối giữa người đọc và nội dung của bài viết.
Đọc ngữ liệu tham khảo 1 2
Câu 2 (trang 70, SGK Ngữ Văn 11, tập hai) :
Các luận điểm trong văn bản bàn về vấn đề gì? Những câu nào là câu chủ đề của mỗi luận điểm?
Phương pháp giải:
Khai thác nội dung của văn bản, dựa vào những chi tiết, nội dung nổi bật để chỉ ra vấn đề mà các luận điểm đã đề cập. Đồng thời chỉ ra những câu chủ đề của các luận điểm.
Lời giải chi tiết:
- Các luận điểm trong văn bản bàn về: những thông điệp sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, về giá trị tự thân của cái đẹp thông qua tác phẩm Con chào mào.
- Những câu chủ đề của mỗi luận điểm:
+Luận điểm 1 với câu chủ đề “ Về nội dung, bài thơ gợi ra những thông điệp đa nghĩa”
+Luận điểm 2 với câu chủ đề “Về hình thức nghệ thuật, bài thơ có nhiều nét đặc sắc”
Đọc ngữ liệu tham khảo 1 3
Câu 3 (trang 70, SGK Ngữ Văn 11, tập hai) :
Tác giả đã sử dụng những lý lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ luận điểm?
Phương pháp giải:
Khai thác nội dung của văn bản, dựa vào những chi tiết, nội dung nổi bật để chỉ ra những lí lẽ, bằng chứng được tác giả đưa ra để sáng tỏ các luận điểm.
Lời giải chi tiết:
- Với luận điểm 1, tác giả đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng:
+ Lý lẽ: “ Con người từ chỗ lệ thuộc vào thiên nhiên…bắt nhốt con chào mào”,... “cái đẹp sinh ra không vụ lợi….cái đẹp còn gắn với sự tự do…con người không nên và không thể sử dụng…tính thẩm mĩ”
+ Bằng chứng: “ cuối cùng, con người đã nhận ra rằng, nếu trả….tươi đẹp hơn”, …”con chào mào hót là tự nó muốn hót”...
- Với luận điểm 2, tác giả đã có những lí lẽ, bằng chứng:
+ Lí lẽ: “ nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi….biểu cảm”
+ Bằng chứng: “hình ảnh tượng trưng, giàu ý nghĩa….Cấu tứ của bài thơ được tạo nên từ cặp hình ảnh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Chi tiết tiếng chim….”
Đọc ngữ liệu tham khảo 2 1
Câu 1 (trang 71, SGK Ngữ Văn 11, tập hai) :
Nội dung luận điểm thứ nhất và thứ hai là gì?
Phương pháp giải:
Khai thác nội dung văn bản ngữ liệu tham khảo và dựa vào phần chú thích bên cạnh văn bản đề tìm ra nội dung của các luận điểm
Lời giải chi tiết:
- Nội dung của luận điểm thứ nhất là: Những đóng góp và giá trị của bức tranh Thiếu nữ chơi đàn nguyệt
- Nội dung của luận điểm thứ hai: Giá trị nghệ thuật của bức tranh Thiếu nữ chơi đàn nguyệt
Đọc ngữ liệu tham khảo 2 2
Câu 2 (trang 71, SGK Ngữ Văn 11, tập hai) :
Tác giả đã dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ luận điểm
Phương pháp giải:
Khai thác nội dung của văn bản, dựa vào những chi tiết, nội dung nổi bật để chỉ ra những lí lẽ, bằng chứng được tác giả đưa ra để sáng tỏ các luận điểm.
Lời giải chi tiết:
- Để làm sáng tỏ những luận điểm, tác giả đã dùng những lí lẽ, bằng chứng cụ thể:
+ “Thiếu nữ chơi đàn hướng ánh nhìn khỏi khán giả nhưng ánh mắt của cả thiếu nữ thứ hai trong bức tranh lẫn người xem đều hướng về phía người chơi đàn” (lí lẽ)
+ “hướng nhìn linh hoạt này cũng như các góc được tạo thành từ cơ thể họ…. do di chuyển quanh bức tranh” (bằng chứng)
+ “ánh mắt trầm ngâm và có phần xa cách….đóng vai trò như một phương tiện giao tiếp đầy lý thú giữa người xem và tác phẩm” (bằng chứng)
+ “phông nền màu xanh ngọc lục bảo dịu nhẹ và những bông hoa trắng cắm trong bình”
Đọc ngữ liệu tham khảo 2 3
Câu 3 (trang 71, SGK Ngữ Văn 11, tập hai) :
Cách kết luận của bài viết này có điểm gì khác với cách kết luận của bài viết “ Con chào mào” một thông điệp đa nghĩa?
Phương pháp giải:
Theo dõi hai kết luận ở phần văn bản ngữ liệu tham khảo 1 và 2, từ đó nhìn ra điểm khác biệt và từ đó đưa ra những nhận xét của bản thân.
Lời giải chi tiết:
- Cách kết luận của bài viết này khác với cách kết luận của bài viết “ Con chào mào” một thông điệp đa nghĩa?: Bài viết này kết luận giá trị và đóng góp của tác phẩm trong khi bài viết “ Con chào mào” một thông điệp đa nghĩa? lại kết luận bằng cách khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Cách kết luận bằng những giá trị và đóng góp của tác phẩm là cách kết luận tập trung vào đánh giá toàn diện của tác phẩm dựa trên những tiêu chí nghệ thuật và xã hội để nhằm nhấn mạnh vào ý nghĩa và tầm quan trọng của tác phẩm đối với văn hóa, xã hội và con người. Trong khi đó, cách kết luận bằng cách khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thường tập trung vào phân tích nội dung và cấu trúc của tác phẩm để khẳng định giá trị nghệ thuật của nó.
→ Cách kết luận bằng cách nêu giá trị và đóng góp của tác phẩm nhấn mạnh vào ảnh hưởng của nó đối với xã hội và đánh giá toàn diện của tác phẩm, trong khi cách kết luận bằng cách khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tập trung vào những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm để xác định giá trị của nó đối với văn học và nghệ thuật.
Thực hành viết
Câu hỏi (trang 71, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Hãy viết bài văn nghị luận về một bài thơ hoặc một bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích.
Phương pháp giải:
Dựa vào cảm nhận, sở thích và sự quan sát của mình để viết bài văn nghị luận mà đề bài đưa ra. Cần chú ý đảm bảo bố cục của một bài văn nghị luận, đồng thời đảm bảo tính xác thực của những lí lẽ, bằng chứng mà mình đưa ra.
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo mẫu:
Khi nhắc đến nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Du ta không khỏi choáng ngợp bởi tài năng xuất chúng ông đã đóng góp cho dân, cho nước giữa giai đoạn lịch sử đầy biến động, ông còn được ca ngợi là một “đại thi hào của dân tộc’. Phải kể đến những tác phẩm mang danh ông, một trong số đó được xem là một kiệt tác văn học ai ai cũng biết tên, tạo nên một dấu ấn, một nét riêng biệt, rất nổi trội cho nền văn học trung đại Việt Nam đó không gì khác chính là “Truyện Kiều”.
Nguồn gốc của bộ truyện thơ kinh điển là bắt nguồn từ cảm hứng dựa theo tiểu thuyết văn xuôi Kim Vân Kiều truyện lừng lẫy của Thanh Tâm tài nhân- Trung Quốc. “Truyện Kiều” được bắt đầu chắp bút vào đầu thế kỉ XIX( 1805 –1809), bộ truyện được viết toàn bộ theo thể thơ lục bát, bằng chữ Nôm đầy ấn tượng, gồm 3254 câu, đương nhiên mang những dấu ấn riêng khác với bản gốc vì những sáng tạo lớn về nhiều mặt nội dung cũng như nghệ thuật của tác giả này. Truyện Kiều có tên gốc là Đoạn trường tân thanh nghĩa là “tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột", hiện lên trong chúng ta sự tò mò, sự xót xa cho cái nhan đề, cho toàn bộ cả câu truyện, và những nhân vật trong đó. Mang đậm hồn phách dân tộc thời đó, những bất cập nhức nhối trong cái xã hội đen tối ấy và trên hết thảy tác giả hòa nhập vào nhân vật nữ chính mà mang đến sự cảm thương sâu sắc cho cả một thế hệ những người phụ nữ trong cái xã hội bất công, họ bị chà đạp, cùng những ước mơ, khát vọng chính đáng trong sự suy nghĩ mới là những thông điệp tiêu biểu mà tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện.
Ta hoàn toàn có thể tóm tắt tác phẩm để dễ bề tìm hiểu cho sát ý tác giả, chia truyện ra làm 3 phần rõ rệt như sau: phần thứ nhất chính là miêu tả sự gặp gỡ và đính ước, phần thứ hai thì là cảnh gia biến và lưu lạc, còn phần thứ ba không gì khác là sự đoàn tụ cho nhân vật, cho câu truyện một cái kết có hậu nhất mà tác giả có thể làm. Một cuộc hành trình dài có điểm đầu và kết thúc, có cả những niềm vui, bất hạnh của nhân vật chính, nó nối tiếp nhau qua từng con chữ để rồi ta thấm dần, ta thấu hiểu mà không thể rời mắt.
Truyện là kể về cô gái tên Thúy Kiều, những nhân vật phụ có mặt vào mỗi giai đoạn, mỗi bước đi của cuộc đời Kiêu như Vương ông,Vương bà- bố mẹ của Nàng, Thuý Vân em gái của Vương Thuý Kiều, Kim Trọng ý trung nhân của nàng, Mã giám sinh người mua Kiều cho Tú Bà, Từ Hải người anh hùng đã cứu cuộc đời Kiều, đem đến cho Nàng những niềm tin, hy vọng mới vào cuộc đời,…, hay những hoạt cảnh đẹp đẽ, hư ảo được tác giả sử dụng bằng các bút pháp nghệ thuật đặc sắc, cái nhìn phóng khoáng sáng sủa hay u ám của người thi sĩ, chỉ làm cho ta nhấn mạnh sự tập trung hơn vào cách thể hiện, cách đối mặt, tâm trạng giữa chuỗi cuộc đời của nhân vật nữ chính mà cùng xót trước những tai ương mà Kiều gặp phải do vẻ đẹp và tài năng của nàng mang lại. Ở Kiều là mọi thứ có thể biểu lộ dường như đạt đến độ hoàn mỹ. Bắt đầu là những đoạn văn Tả hai chị em, tiếp đến là những dòng thơ Kiều thăm mộ Đạm Tiên, phân đoạn Kiều gặp Kim Trọng cũng được tác giả đặc biệt chú trọng. Rồi là sự bày tỏ cảm xúc, thái độ đúng mực, ấn tượng, của nàng về quyết định bán mình chuộc cha, và rồi tấn bi kịch dành cho nàng cũng khiến ta phải day dứt suy nghĩ đe dọa, chà đạp đến giá trị bản thân Nàng từ đoạn Kiều rơi vào tay Mã giám sinh và Tú bà, Kiều mắc lừa Sở Khanh. Và tác giả đã viết những dòng tâm sự chân thực của nàng trước sự cứu thoát dù nhỏ nhoi chính là Kiều gặp Thúc sinh, đoạn Kiều và Hoạn thư lại là sự cay đắng đến với Nàng, rồi cuối cùng mở ra hướng đi mới cho cuộc đời Kiều là lúc Kiều gặp Từ Hải. Rồi cũng đến cái ngày ai đó đều mong chờ, bất ngờ nhất Kiều báo ân trả oán, Kim Trọng đi tìm Kiều và cuối cùng kết thúc có hậu đã đến “Thuý Kiều đã trở về đoàn viên với gia đình sau mười năm lưu lạc, và làm bạn tương giao tình nghĩa với Kim Trọng”.
Những hình thức nghệ thuật được tác giả chú trọng trong Truyện Kiều, thể hiện sự thành công bậc thầy khi hội tụ đầy đủ những biện pháp nghệ thuật tài tình nhất của ngôn ngữ dân gian đã đạt đến đỉnh cao, của giọng điệu thơ lục bát để dễ in đậm trong lòng người đọc, các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt,..từ sự miêu tả thiên nhiên đến con người bằng sự quan sát và nhập tâm vào nhân vật một cách sâu sắc.
Và còn những giá trị mà tác phẩm đem lại thì sao?. Nó có một sức ảnh hưởng cũng là không hề nhỏ với xã hội, như PGS. Nguyễn Thạch Giang đã phát biểu khi nghiên cứu về tác phẩm quý báu bậc nhất này:“… Truyện Kiều đã phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, khi mà chế độ phong kiến đang suy thoái đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, vô nhân, và các tầng lớp nhân dân đã bị dồn đến bước đường cùng…Khi viết, tuy có dựa vào Kim Vân Kiều truyện, nhưng với kỳ công tái tạo, Truyện Kiều của nhà thơ đã trở thành viên ngọc vô giá của thể loại truyện thơ nói riêng và của nền văn học dân tộc Việt nói chung…..”
Tác phẩm rất giàu giá trị hiện thực vì ở trong đó là sự phơi bày rõ nét nhất hiện thực xã hội phong kiến bất công, là sự phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể nói rằng giá trị chính của “Truyện Kiều” là giá trị nhân đạo thấm đẫm yêu thương, mới mẻ lại vẫn giữ được nét truyền thống vì tác giả biết trân trọng vẻ đẹp giá trị của con người cao hơn thiên nhiên, qua nhân vật Kiều, tác giả còn thương xót cho cả một kiếp người bị chà đạp, khinh rẻ, cũng tố cáo, phê phán hết thảy các thế lực chà đạp lên con người, ông đã thể hiện được ước mơ cao cả của cả một thế hệ: ước mơ một cuộc sống công bằng, cái thiện được khuyến khích, cái ác phải bị trừng phạt.
“Truyện Kiều” dù trải qua hàng trăm năm lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả, vì vậy “Truyện Kiều” đã được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, dịch ra nhiều thứ tiếng để tiện nghiên cứu về cái đẹp, cái nét riêng, quý đại diện nền văn học nước Việt, cũng để ta thêm tự hào sự đóng góp từ một nhân vật xuất chúng tác gia lớn Nguyễn Du.