Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
Phải chăng giá trị nghệ thuật là ở chỗ nó có ích cho đời sống? Lời thoại và hành động thể hiện thái độ gì của các nhân vật?
Nội dung chính
Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thủa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân. |
Trước khi đọc
Câu hỏi (trang 132, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Lời thoại và hành động thể hiện thái độ gì của các nhân vật?
Phương pháp giải:
Chú ý vào đoạn đầu của tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Lời thoại và hành động thể hiện thái độ bất ngờ, đột ngột khi các nhân vật hay tin người dân và phản quân đang nổi lên, đòi đến phá Cửu Trùng Đài và muốn giết Vũ Như Tô.
Giá trị của nghệ thuật là ở chỗ nó có ích cho đời sống. Nghệ thuật nếu tách rời đời sống của con người sẽ trở thành một tác phẩm vô nghĩa. Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị là khi nó thể hiện thông điệp và tư tưởng về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu và lợi ích của con người.
Trong khi đọc 1
Câu 1 (trang 132, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Lời thoại và hành động thể hiện thái độ gì của các nhân vật?
Phương pháp giải:
Chú ý vào đoạn đầu của tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Lời thoại và hành động thể hiện thái độ bất ngờ, đột ngột khi các nhân vật hay tin người dân và phản quân đang nổi lên, đòi đến phá Cửu Trùng Đài và muốn giết Vũ Như Tô.
Thái độ của các nhân vật: ngạc nhiên, ấm ức với hành động của quần chúng nhân dân:
- Vũ Như Tô: cảm thấy bất ngờ về việc mình xây Cửu Trùng Đài laaji là sai. Ông khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì nên tội nên không phải chạy trốn.
- Đan Thiềm: luôn tỏ ra lo lắng, khuyên Vũ Như Tô nên trốn đi.
Trong khi đọc 2
Câu 2 (trang 132, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Tình huống kịch được miêu tả trong lớp I là gì?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ Lớp I
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Tình huống kịch trong Lớp I là việc cung nữ Đan Thiềm nhận được tin phản quân cùng người dân nghèo khổ đang kéo đến để phá Cửu Trùng Đài, bà đến nói cho Vũ Như Tô – chủ của công trình đó và bảo ông phải trốn ngay đi nhưng ông không tin đồng thời cũng không có ý định trốn chạy.
Tình huống kịch được miêu tả trong lớp I: Vì xây dựng Cửu Trùng Đài mà dân gian đói kém, vua xa xỉ, công khố hao hụt, dân gian lầm than. Người dân không cần Cửu Trùng Đài.
Trong khi đọc 3
Câu 3 (trang 133, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Bối cảnh nào được tái hiện thông qua các chỉ dẫn sân khấu?
Phương pháp giải:
Chú ý vào bối cảnh sân khấu ở Lớp I.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Bối cảnh được tái hiện ở đây là một cảnh hết sức hỗn loạn, phản quân cùng người dân đang ầm ầm kéo đến cùng tiếng quân, tiếng trống… ầm ầm cả một vùng, khiến người trong hoàn cảnh không khỏi phấp phỏng, không yên.
Bối cảnh: nhân dân nổi lên (tiếng quân ầm ầm, tiếng trống, tiền chiêng, tiếng tù và, tiếng ngựa hí).
Trong khi đọc 4
Câu 4 (trang 134, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý thái độ của Vũ Như Tô, Đan Thiềm khi Nguyễn Vũ xuất hiện.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ Lớp II.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Khi Nguyễn Vũ xuất hiện, Đan Thiềm và Vũ Như Tô được trấn an hơn chút nhưng tiếng của phản quân dồn dập ngày càng gần, Đan Thiềm lại tiếp tục hối thúc Vũ Như Tô nhanh chóng trốn đi nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu trốn đi.
Khi Nguyễn Vũ xuất hiện, Đan Thiềm luôn cố tỏ ra lo lắng còn Vũ Như Tô lại không vì: Trong tình thế lúc này, Vũ Như Tô vẫn tin bản thân mình không làm gì sai, bản thân luôn quang minh chính đại, làm việc gì cũng nghĩ tới lợi ích chung, không lý gì lại phải chạy trốn. Còn Đan Thiềm, nàng biết rõ tình thế hiện tại ra sao, vì lo cho Vũ Như Tô nên khuyên ông hãy chạy đi, nàng khuyên ông hãy chạy đi để bảo toàn tính mạng.
- Đan Thiềm luôn cố tỏ ra lo lắng. vì lo cho Vũ Như Tô nên khuyên ông hãy chạy đi, nàng khuyên ông hãy chạy đi để bảo toàn tính mạng.
- Vũ Như Tô bình tĩnh vì vẫn tin bản thân mình không làm gì sai, bản thân luôn quang minh chính đại, làm việc gì cũng nghĩ tới lợi ích chung, không lý gì lại phải chạy trốn.
Trong khi đọc 5
Câu 5 (trang 134, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Sự kiện nào được miêu tả trong lớp III?
Phương pháp giải:
Chú ý vào nội dung của Lớp III.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Sự kiện được miêu tả trong lớp III là Lê Trung Mại xuất hiện và thông báo về tình hình phản quân. Nguyễn Vũ lo lắng hỏi vua đang ở đâu thì hay tin vua đã chết. Nguyễn Vũ rút dao ra tự tử trước con mắt của Đan Thiềm, Vũ Như Tô và Lê Trung Mại.
Sự kiện được miêu tả trong lớp III: Trịnh Duy Sản làm phản, cái chết của Hoàng Thượng và Nguyễn Vũ.
Trong khi đọc 6
Câu 6 (trang 135, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Sự kiện nào được miêu tả trong lớp IV?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ nội dung của Lớp IV.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Sự kiện được miêu tả trong lớp IV ở đây là cảnh bọn nội gián chạy vào, báo cho Vũ Như Tô biết Cửu Trùng Đài đang bị kẻ đốt, người phá, sắp không còn gì nữa nhưng ông không tin đó là sự thật.
Sự kiện được miêu tả trong lớp IV: Tình thế nguy ngập: được tin vua chết, Nguyễn Hoằng Dụ kéo quân đốt phá kinh thành, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.
Trong khi đọc 7
Câu 7 (trang 136, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý khác biệt trong hành động, thái độ của các nhân vật trong tình thế nguy ngập.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ lớp IV; Chú ý vào thái độ của nhân vật.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Vũ Như Tô: thản nhiên, chỉ nghĩ đến Cửu Trùng Đài, không tin rằng nó bị phá
- Lũ thái giám: tìm cách bỏ trốn với hy vọng thoát chết.
- Vũ Như Tô: Phản đối việc đốt phá Cửu Trùng Đài
- Bọn nội giám: Phản đối việc để Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô
Trong khi đọc 8
Câu 8 (trang 136, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý thái độ của Vũ Như Tô và Đan Thiềm.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ nội dung lớp V.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Vũ Như Tô: vẫn nhất quyết không chịu trốn đi và có ý muốn ở lại chịu họa cùng Đan Thiềm
- Đan Thiềm: một lòng cầu xin ông mau trốn đi
- Vũ Như Tô: bình tĩnh, khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì sai để phải bỏ chạy.
- Đan Thiềm: vội vàng, khẩn trương giục Vũ Như Tô bỏ chạy vì nàng lo lắng cho tính mạng của người tài.
Trong khi đọc 9
Câu 9 (trang 137, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý hành động của đám cung nữ và quân khởi loạn.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ lời thoại của đám cung nữ và quân khởi loạn ở Lớp VI và Lớp VII.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Cung nữ: quỳ xuống xin hàng, mong được sống sót
- Quân khởi loạn: hùng hổ xông vào, hùng hổ, độc ác, quyết giết chết lũ cung nữ
- Đám cung nữ: quỳ xuống van xin, đổ mọi tội lỗi cho Đan Thiềm.
- Quân nổi loạn: bắt lũ cung nữ.
Trong khi đọc 10
Câu 10 (trang 138, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hành động, lời thoại của Vũ Như Tô và Đan Thiềm thể hiện thái độ gì của nhân vật?
Phương pháp giải:
Chú ý vào lời thoại của Vũ Như Tô và Đan Thiềm ở Lớp VII.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Hành động, lời thoại của Vũ Như Tô và Đan Thiềm thể hiện thái độ kiên định, không khuất phục trước bọn phản quân, một lòng trung thành với triều đình. Họ là những người trong sạch và ngay thẳng. Đan Thiềm luôn một lòng muốn xin tội cho Vũ Như Tô, bà đã hạ mình, quỳ gối trước giặc để xin tha tội chết cho Vũ Như Tô.
Hành động, lời thoại của Vũ Như Tô và Đan Thiềm thể hiện thái độ kiên định, không khuất phục trước bọn phản quân, một lòng trung thành với triều đình.
- Vũ Như Tô: Không sợ chết, không chịu khuất phục trước quân nổi loạn.
- Đan Thiềm: Quỳ lạy, van xinh Ngô Hạch tha chết cho Vũ Như Tô.
Trong khi đọc 11
Câu 11 (trang 139, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý sự đối lập trong lời thoại, hành động của Vũ Như Tô và đám quân sĩ.
Phương pháp giải:
Chú ý vào lời thoại của nhân vật
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Vũ Như Tô: thà chết chứ không chịu khuất phục trước phản quân, luôn muốn được phân trần cũng An Hòa Hầu
- Đám quân sĩ: cười mỉa mai, có thái độ thô lỗ nhưng cũng có cái lý khi phân bua lý do Vũ Như Tô có tội.
- Vũ Như Tô: Khẳng định mình không có tội, việc xây dựng Cửu Trùng Đài là để làm đẹp cho đất nước.
- Đám quân sĩ: Cho rằng hành động và lời nói của Vũ Như Tô là điên rồ, người ta oán trách Vũ Như Tô vì xây dựng mà mẹ mất con, vợ mất chồng,…
Trong khi đọc 12
Câu 12 (trang 140, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Chú ý thái độ của Vũ Như Tô khi biết Cửu Trùng Đài bị đốt cháy.
Phương pháp giải:
Chú ý vào lời thoại của Vũ Như Tô khi biết Cửu Trùng Đài bị cháy.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Vũ Như Tô như sụp đổ, biết bao công sức, hy vọng ông đều gửi gắm vào công tình này mà nay nó bị đốt đi cùng với những khát khao, hoài bão lý tưởng của ông. Sự sụp đổ đó khiến ông không còn thiết sống nữa, ông dứt khoát muốn chết cùng với Cửu Trùng Đài, cùng lý tưởng, hoài bão của ông.
Vũ Như Tô đau đớn, tiếc nuối, xót xa khi nhìn thấy Cửu Trùng Đài đang cháy rụi trước mắt.
Sau khi đọc 1
Câu 1 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Tóm tắt các sự kiện chính trong đoạn trích. Bạn có nhận xét gì về diễn biến của các sự kiện?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ toàn bộ tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Đan Thiềm hay tin có quân phản loạn muốn đến giết Vũ Như Tô và phá Cửu Trùng Đài, bà đến thúc giục Vũ Như Tô trốn đi nhưng ông nhất quyết không trốn.
- Nguyễn Vũ xuất hiện, hay tin vua chết liền tự tử theo vua
- Bọn nội gián bỏ trốn
- Quân lính xông vào đòi giết cung nữ, Vũ Như Tô
- Đan Thiềm xin phản quân tha cho Vũ Như Tô và bị chúng kéo ra ngoài
- Vũ Như Tô nghe tin Cửu Trùng Đài bị phá và muốn đến phân bua với thủ lĩnh của phản quân
- Vũ Như Tô hiểu ra cơ sự và xin đến pháp trường để chết
→ Diễn biến của các sự kiện diễn ra khá nhanh nhưng phù hợp với diễn biến của câu chuyện và thể hiện rõ được thái độ của từng nhân vật.
Các sự kiện chính trong đoạn trích:
- Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô đi trốn, vì mọi người cho rằng ông chính là thủ phạm khiến mọi người oán giận, còn ông cảm thấy bản thân không làm gì nên tội.
- Trịnh Duy Sản mưu với lũ Lê Quảng Đô, Trịnh Tri Sâm lập vua khác.
- Hoàng Thượng qua đời, Nguyễn Vũ cũng tự tử.
- Được tin vua chết, Nguyễn Hoằng Dụ kéo quân đốt phá kinh thành, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.
- Đan Thiềm tiếp tục khuyên Vũ Như Tô chạy trốn, Vũ Như Tô tin bản thân mình trong sạch.
- Quân khởi loạn bắt đám cung nữ, Đan Thiềm cầu xin cho Vũ Như Tô. Vũ Như Tô không chịu khuất phục, không sợ chết trước quân khởi loạn.
- Vũ Như Tô vĩnh biệt Đan Thiềm và Cửu Trùng Đài.
- Vũ Như Tô đau đớn, xót xa khi nhìn Cửu Trùng Đài cháy.
→ Các sự việc diễn ra theo trình tự thời gian, xoay quanh cuộc đời Vũ Như Tô.
Sau khi đọc 2
Câu 2 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Tình huống kịch được miêu tả trong đoạn trích là gì? Trước tình huống đó, mỗi nhân vật đã có những phản ứng, hành động như thế nào? Những phản ứng, hành động đó thể hiện đặc điểm tính cách gì của nhân vật?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ tác phẩm để trả lời câu hỏi này.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Tình huống kịch được miêu tả trong đoạn trích là phản quân và người dân đang muốn tìm để giết Vũ Như Tô – chủ nhân của công trình Cửu Trùng Đài. Cung nữ Đan Thiềm thấy vậy đến nói với Vũ Như Tô bảo ông chạy trốn ngay đi.
- Trước tình huống đó, Vũ Như Tô vẫn thản nhiên, không biết là mình có tội, một lòng muốn ở lại không chịu trốn đi. Đan Thiềm thì lo lắng, giục ông mau chạy trốn đi. Phản quân thì hùng hổ kéo vào đòi giết đám cung nữ và Vũ Như Tô. Nguyễn Vũ thì tự tử, đám nội giám thì trốn chạy nhằm tìm cách thoát thân. Cuối cùng Vũ Như Tô hiểu được cơ sự, lỗi lầm, thấy tâm huyết của mình bị đốt, đánh phá, ông xin được chết theo.
→ Những phản ứng, hành động đó đã thể hiện rõ phẩm chất của từng nhân vật. Vũ Như Tô thì ngay thẳng, có lý nên mãi mới nhận ra lỗi lầm của mình ở đâu. Đan Thiềm một lòng tiếc thương cho tài năng của Vũ Như Tô, muốn ông trốn đi để lưu giữ lại một tài năng tuyệt với đó. Cung nữ và đám nội giám hèn nhát, bên thì quỳ xuống nhận tội, bên thì bỏ của chạy lấy người hòng tìm cách sống sót. Trong khung cảnh hỗn loạn đó, chúng ta có thể nhận ra được tính cách của từng nhân vật, ai tốt, ai xấu, ai ngay thẳng, ai tiểu nhân bỉ ổi.
- Tình huống kịch: mâu thuẫn giữa dân chính, những người thợ xây đài và tầng lớp vua chúa phong kiến ngày càng gay gắt. Lợi dụng tình hình đó, phe phản nghịch, đứng đầu là Quận công Trịnh Duy Sản đã nổi loạn giết vua Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm…Còn lôi kéo cả binh lính, dân chứng và chính người thợ xây đài nổi dậy đốt Đài Cửu Trùng đang xây dở.
- Phản ứng, hành động của các nhân vật:
+ Đan Thiềm: vội vàng, khẩn trương giục Vũ Như Tô bỏ chạy vì nàng lo lắng cho tính mạng của người tài.
+ Vũ Như Tô: bình tĩnh, khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì sai để phải bỏ chạy.
→ Qua đó có thể thấy Đan Thiềm là người có bản chất tốt đẹp, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống mình để bảo vệ người tài. Còn Vũ Như Tô là một người chính trực, không chịu khuất phục, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nghệ thuật.
Sau khi đọc 3
Câu 3 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Xung đột chính trong đoạn trích là gì? Dựa vào đâu bạn nhận ra xung đột đó?
Phương pháp giải:
Chú ý vào nhân vật Vũ Như Tô và Đan Thiềm
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Xung đột chính trong đoạn trích là ở nhận thức của nhân vật Vũ Như Tô. Đan Thiềm bảo ông trốn đi, phản quân đến rồi nhưng ông không chịu, vẫn một lòng muốn ở lại nơi Cửu Trùng Đài. Đến cuối cùng, Đan Thiềm chết, không thể cứu giúp ông, ông lại muốn đến gặp địch để phân bua, xem mình sai ở đâu muốn giết. Đám phản quân mỉa mai, giải thích khiến ông nhận ra cái lý tưởng của mình lại kéo theo nhiều hệ lụy như vậy, ông buồn chán và hiểu ra mọi điều.
Xung đột chính của kịch: Nhân dân, những người thợ xây đài >< tầng lớp vua chúa phong kiến, Vũ Như Tô >< những người thợ phu phen bị bắt bớ, phu dịch để xây Cửu Trùng Đài.
→ Dựa vào ngôn ngữ, hành động của các nhân vật để xác định xung đột của kịch.
Sau khi đọc 4
Câu 4 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Phân tích diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô được thể hiện trong đoạn trích (dựa vào các lời thoại và hành động của nhân vật).
Phương pháp giải:
Chú ý vào diễn biến tâm lý của Vũ Như Tô được thể hiện qua lời thoại.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Vũ Như Tô không chịu nghe lời khuyên của Đan Thiềm trốn đi
- Khi nắm rõ được tình hình phản quân đang đến dần, ông vẫn không chịu trốn đi
- Khi phản quân đến, ông đứng trước mặt chúng không hề tỏ thái độ khuất phục
- Bọn chúng đòi giết ông và ông không biết bản thân sai ở đâu
- Phản quân chỉ ra cái sai của ông, cái tội đáng chết của ông
- Nghe tin Cửu Trùng Đài bị phá đốt, ông đau đớn và xin được đến pháp trường hành quyết.
Diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô:
- Lúc đầu, ông thà chết chứ nhất định không xây Cửu Trùng Đài cho hôn quân; khi được vua thưởng bạc vàng, lụa là ông đem chia hết cho thợ. Nhưng Vũ Như Tô quá say sưa với mơ ước xây dựng một công trình nghệ thuật lớn cho đất nước, cho đời sau đến mới quên cả thực tế: dân chúng đang đói khổ, càng bị giai cấp thống trị bòn rút mồ hôi, nước mắt để xây Cửu Trùng Đài.
- Khi dân chúng và quân khởi loạn nổi dậy, Vũ Như Tô quyết không chạy trốn, không nhận ra cái sai của mình, nguyện chịu chết và bảo vệ Cửu Trùng Đài.
- Vũ Như Tô vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô, mâu thuẫn giữa con người dân và con người nghệ sĩ, giữa khát vọng nghệ thuật và thực tế xã hội đã có kết cục nhưng thực ra vẫn chưa được giải quyết triệt để.
- Khi Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô cảm thấy đau đớn, xót xa. Vũ Như Tô quá say mê cái đẹp mà quên cả thực tế
Sau khi đọc 5
Câu 5 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Hình tượng Cửu Trùng Đài trong vở kịch có ý nghĩa gì? Bạn có suy nghĩ gì về những phản ứng khác nhau của các nhân vật khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy?
Phương pháp giải:
Chú ý vào hình ảnh Cửu Trùng Đài.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
- Cửu Trùng Đài là biểu tượng cao nhất của một giá trị nghệ thuật, đó là một công trình kiến trúc lớn, mang ý nghĩa thời đại của một kỹ sư tài ba mang tên Vũ Như Tô. Đây được coi là một sản phẩm của giá trị nghệ thuật tạc thành.
- Cách phản ứng khác nhau của nhân vật trong truyện là hoàn toàn có thể hiểu. Cửu Trùng Đài là công trình cả đời, là lý tưởng sống của Vũ Như Tô, bởi vậy ông đau đớn, gục ngã là truyện hết sức bình thường. Người dân thì cảm thấy vui sướng, phấn khởi muôn phần bởi để làm công trình đó, họ phải bỏ ra sức lao động của mình, thậm chí là xương máu khiến họ cảm thấy nó là nỗi đau khổ chứ không hề đẹp như Vũ Như Tô nghĩ. Bởi vậy họ vui mừng, phấn khởi trước sự hủy hoại của công trình đó.
* Ý nghĩa hình tượng Cửu Trùng Đài:
- Với Vũ Như Tô và Đan Thiềm: Cửu Trùng Đài là công trình kiến trúc trong mơ ước, là giấc mơ sáng tạo lớn lao, cao cả, đẹp đẽ của người nghệ sĩ . Cửu Trùng Đài là biểu tượng của cái đẹp siêu đẳng mà người nghệ sỹ muốn thi thố tài năng cùng trời đất.
- Với nhà vua và triều đình: Cửu Trùng Đài là biểu tượng cho quyền lực và sự xa hoa, thối nát vô độ của nhà vua và giai cấp thống trị đương thời.
- Với quần chúng nhân dân: Cửu Trùng Đài là món nợ xương máu không thể tính đếm của người lao động. Đó là biểu tượng của lòng hờn căm chất chồng của nhân dân với giai cấp thống trị đương thời.
- Với chính nó: Cửu Trùng Đài trong giấc mộng của người nghệ sĩ sáng tạo Vũ Như Tô muốn xây một công trình nghệ thuật “bền vững như trăng sao”, trường tồn, bất diệt để tô điểm cho non sông, đất nước. Nghĩa là nó là cái đẹp gắn với cái thiện nhưng trên thực tế, sự tồn tại của nó ngắn ngủi như một giấc mơ đẫm máu và nước mắt của người nghệ sĩ sáng tạo và của quần chúng lao động.
* Khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy phản ứng khác nhau của các nhân vật: Vũ Như Tô đau đớn kinh hoàng nhận ra sự vỡ mộng lớn. Ông “rú lên” kinh hoàng, tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi!… Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Còn về phía nhân dân, họ vui mừng khi Cửu Trùng Đài bị cháy.
Sau khi đọc 6
Câu 6 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Vở kịch gợi cho bạn suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lý tưởng và thực tế, giữa cá nhân và lịch sử?
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức rút ra được sau khi đọc văn bản và trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Vở kịch gợi cho em suy nghĩ về mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và đời sống, nghệ thuật phải luôn phục vụ cho đời sống. Đó là ý nghĩa và giá trị chân chính của nghệ thuật. Sự xa rời thực tiễn sẽ làm mất đi giá trị của nghệ thuật, thậm chí, nó còn gây mất niềm tin và xung đột giữa những người xung quanh với nhau. Bởi mọi giá trị đều phải gắn liền với cuộc sống, phản ánh cuộc sống của con người, như vậy mới hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của nghệ thuật.
Vở kịch gợi cho em suy nghĩ về mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và đời sống, nghệ thuật phải luôn phục vụ cho đời sống. Đó là ý nghĩa và giá trị chân chính của nghệ thuật. Sự xa rời thực tiễn sẽ làm mất đi giá trị của nghệ thuật, thậm chí, nó còn gây mất niềm tin và xung đột giữa những người xung quanh với nhau.
Qua văn bản trên, tác giả muốn thể hiện thông điệp và tư tưởng về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng và thực tế, giữa cá nhân và lịch sử. Tác giả muốn khuyên người đọc cần quan sát thật kỹ để có những sáng tác nghệ thuật phù hợp về mọi mặt. Đừng nên quá u mê, mê muội mà quên mất giá trị thực tế của cuộc sống. Không thể vì theo đuổi những nghệ thuật vĩ đại, cao siêu mà quên đi dẫm đạp lên lợi ích của người khác.
Sau khi đọc 7
Câu 7 (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Trong lời đề tựa kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng viết:
“Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết.
Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.”
Lời đề tựa này cho thấy thái độ gì của tác giả đối với các nhân vật? Thái độ đó được biểu hiện như thế nào qua văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài?
Phương pháp giải:
Chú ý vào lời đề tựa và nội dung của vở kịch để trả lời câu hỏi này.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Lời đề tựa đã thể hiện rõ thái độ của tác giả đối với nhân vật. Ông thương tiếc cho một tài năng tuyệt vời, một con người thiên tài về kiến trúc như Vũ Như Tô, vì lý tưởng của cao đẹp của mình mà quên đi hiện tại. Đan Thiềm cũng là một người thức thời, hiểu đạo lý và thấy thương cho tài năng của Vũ Như Tô, bà là người động viên ông xây dựng Cửu Trùng Đài, cũng mang trong mình hoài bão nghệ thuật như Vũ Như Tô. Nhưng biết đấy, nghệ thuật khi đã xa rời cuộc sống thực, tác dụng sẽ ngược lại. Vũ Như Tô mãi đến khi cái chết cận kề mới nhận ra cái sai của mình, Đan Thiềm đến chết vẫn thương cho tài năng của Vũ Như Tô, bảo ông trốn đi như muốn giữ lại một tài năng nghệ thuật cho đời. Nhưng cuối cùng, kết cục của hai người đề bi thảm, họ vẫn thất bại trong việc bảo vệ Cửu Trùng Đài và bảo vệ bản thân mình.
Lời tựa đã thể hiện toàn bộ nội dung cũng như mâu thuẫn, băn khoăn của chính tác giả - mâu thuẫn giữa con người công dân và con người nghệ sĩ trong Vũ Như Tô cũng chưa được giải quyết dứt khoát. Tác giả nhận thức được mâu thuẫn giữa lợi ích bức thiết của dân chúng và niềm mong muốn có được một công trình nghệ thuật vĩ đại cho dân tộc. Tác giả băn khoăn: không thể hi sinh lợi ích bức thiết của dân chúng nhưng vẫn mong có một công trình nghệ thuật như Cửu Trùng Đài.
- Việc quần chúng giết Vũ Như Tô có lí đúng: nếu Vũ Như Tô không xây Cửu Trùng Đài thì chắc Lê Tương Dực không thể xây được Cửu Trùng Đài, gây thiệt hại cho nhân dân. Nhưng quần chúng nhân dân trong cơn nông nổi, giận dữ, có thể chưa hiểu hết Vũ Như Tô. Khát vọng và động cơ của Vũ Như Tô là chính đáng, nhưng xây Cửu Trùng Đài là không nên vì lúc đó là chất thêm một gánh nặng cho dân chúng.
Viết
Câu hỏi (trang 141, SGK Ngữ Văn 11, tập một):
Theo bạn, vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn trích? Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về vấn đề đó.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Vấn đề xã hội được đề cập đến đoạn trích đó là ý nghĩa của nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thuật là thứ con người tạo ra qua quá trình phát triển và nó luôn luôn thể hiện khát vọng, ý chí của con người. Đó là sứ mệnh cao quả của nghệ thuật. Vũ Như Tô trong vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã không nhận ra điều đó, khiến người dân chịu khổ đau, bởi vậy họ đã vùng lên và đánh sập công trình nghệ thuật ấy. Đó chính là cái giá phải trả cho sự đi ngược lại với sứ mệnh của mình. Bởi vậy, nghệ thuật phải luôn gắn liền với cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống của con người. Như vậy, nghệ thuật không chỉ có cơ hội được thể hiện mà còn thỏa mãn được nguyện vọng của con người. Sự chung sống hòa thuận đấy sẽ giúp cho cả nghệ thuật và con người cùng phát triển song hành, đưa nghệ thuật tiệm cận với những giá trị cao hơn nữa.
Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài và bi kịch của Vũ Như Tô đã nhắc nhở mỗi chúng ta về ước mơ chân chính trong cuộc sống. Ước mơ cũng chính là mong muốn được cống hiến sức lực của mình xã hội và khi chúng ta đạt được ước mơ cũng chính là lúc chúng ta được mọi người công nhận năng lực của mình. Khi mỗi người có ước mơ họ trở nên tốt đẹp hơn, đề cao tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống con người. Việc xây dựng ước mơ không chỉ khiến cho bản thân tốt đẹp hơn mà còn đóng góp cho xã hội, cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, phó mặc cho cuộc đời. Lại có người sống có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông… những người này cần phải thức tỉnh và thay đổi bản thân để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Mọi ước mơ đều rất đẹp nhưng không phải ai cũng có thể biến những ước mơ của mình thành hiện thực. Nó đòi hỏi một sự cố gắng, nỗ lực lớn của bản thân mỗi người. Nếu bạn đang có một ước mơ, hãy nâng niu và nuôi dưỡng nó để nó có thể thành sự thật.