Tả cảnh sinh hoạt chợ quê lớp 6
1. Dàn ý chi tiết 1. Mở bài – Giới thiệu chung về phiên chợ quê em. – Địa điểm họp chợ? Thời gian họp chợ?
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Giới thiệu chung về phiên chợ quê em. – Địa điểm họp chợ? Thời gian họp chợ? – Quang cảnh họp chợ như thế nào?
2. Thân bài: Tả cảnh phiên chợ quê theo một thứ tự nhất định.
– Miêu tả bao quát:
+ Ồn ào, đông đúc. + Nhiều màu sắc.
– Miêu tả cụ thể (Chú ý đến những đặc sản của chợ quê em)
+ Các dãy hàng bán trong chợ: Các mặt hàng, màu sắc, hình dáng của các loại hàng, các mùi vị đặc biệt của chợ. + Cảnh mua bán trong chợ: Tả một vài hàng tiêu biểu. + Các hoạt động khác ngoài hoạt động mua bán: Ăn uống, trò chuyện,…
3. Kết bài
– Cảm nghĩ , tâm trạng của em mỗi lần đến chợ. – Tình cảm của em với chợ quê, với quê mình.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Một trong những kỉ niệm cũng như là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tuổi thơ em đó là được đi một phiên chợ quê, khu chợ quê em hiện lên với vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ bình dị, và đặc biệt 1 tháng chỉ họp chợ vào một số ngày cố định.
Hôm đó là ngày rằm cũng là phiên chợ chính của khu chợ ở xã em, mới 6 giờ sáng nhưng mọi người đã đổ về chợ rất đông, bãi gửi xe đã chật chỗ chủ yếu là xe đạp, xe máy rất ít vì các bà các bác thường đi bộ. Khu chợ nhỏ khá cũ kĩ và chật chội, ngay từ cổng chợ các hàng đã bày ra la liệt trên mặt đất, những hàng giày dép, dao thớt rồi cuốc, liềm được bày trên tấm bạt, các hàng rau củ quả sạch sẽ hơn được bày trên tấm phản, toàn rau củ tươi ngon sạch của nhà làm ra ăn không hết thì đem đi bán.
Trong khu chợ này chỉ có hàng bán thịt và bán đồ ăn là được bày trên bàn cao ráo, sạch sẽ. Mọi người ở quê đi chợ rất gọn nhẹ, chỉ cần một chiếc làn nhựa là có thể đựng vô số thứ, rất hạn chế sử dụng túi nilon, vừa tiện lợi lại vừa bảo vệ môi trường. Ở quê cái gì cũng rẻ mà lại thật, chẳng lo hàng giả, thịt tiêm hoá chất hay rau phun thuốc kích thích, mọi người mua bán rất vui vẻ, dễ mua dễ bán. Tuy nhiên nếu đi chợ ở quê mà đi muộn thì sẽ chẳng còn gì để mua vì hàng hoá ít lại mở rất sớm nên bắt buộc phải đi sớm nếu muốn mua được hàng.
Em rất thích đi chợ ở quê, mọi người rất thân thiện, dù chẳng quen biết vẫn hỏi thăm nhau và trêu đùa vui vẻ, cảm giác thật gần gũi, thanh bình yên ả.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Hồi còn ấu thơ, ai mà chẳng một lần nhõng nhẽo được theo mẹ cùng đi chợ quê. Chợ là một phần quê hương, một phần kỉ niệm trong tâm tưởng của chúng ta. Chợ quê còn gắn liền với những thức quà giản dị mang hương vị của hương đồng gió nội. Những người dân quê tôi đi chợ từ khi ông mặt trời vừa mới ló rạng sau lũy tre làng, tỏa những ánh mắt ấm áp đầu tiên xuống mặt đất. Cảnh đi chợ lúc nào cũng đông vui, làm nhộn nhịp con đường buổi sáng. Chợ cũng là nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán chính của người dân trong làng. Chợ quê tôi tuy không lớn lắm nhưng lúc nào cũng thật đa dạng và phong phú với nhiều mặt hàng được bày bán. Ở đầu chợ là những gian hàng bán thực phẩm. Nào là những gian với rau củ quả xanh tốt, được người nông dân trồng tại chính vườn nhà mình: những bó rau ngót, rau muống, mùng tơi tươi tốt, những quả bầu, quả bí, cái bắp, súp lơ.. cùng với nhiều trái ăn quả khác được bày bán la liệt. Ở một gian khác là nơi bán thịt và cá. Những con cá béo mập nằm trong chậu quẫy đuôi làm nước bắn lên tung tóe. Những con gà, con vịt ở trong lồng giương mắt nhìn người mua. Bên cạnh gian bán thực phẩm là gian đồ dùng sinh hoạt gia đình. Ở đây có thể tìm thấy mọi đồ dùng, dụng cụ thường dùng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thích nhất là được mẹ dẫn qua gian bán quần áo, mua cho một bộ quần áo mới. Người ta có đủ những loại quần áo dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Ở cuối chợ là một gian chuyên bán đồ ăn. Có những bát phở, bát bún nóng hổi, những cốc chè ngon mát dành cho ngày hè nóng lực, những chiếc bánh rán, bánh mì vừa mới ra lò thơm ngon và béo ngậy. Chợ lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp bởi tiếng nói cười của mọi người. Người bán thì ra sức mời chào, đâu đó vang lên tiếng mặc cả. Đó là thứ âm thanh gợi sự yên bình của một cuộc sống ấm no, trù phú. Ở chợ, tôi cũng bắt gặp những gương mặt thân thương, bình dị, hiền lành, chất phác của quê hương mình. Người đi chợ nhiều nhất vẫn là các bà, các chị. Họ là những người chăm lo chủ yếu cho sinh hoạt của gia đình. Ai cũng mong muốn mua được những thực phẩm thật tươi ngon để bữa ăn gia đình được phong phú mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. Những em bé nắm tay mẹ đi chợ thì thích nhất là được mua cho một thứ đồ chơi hay quà bánh. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi lại thấy trong đó có bóng dáng của mình năm nào. Chợ quê là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, là nơi lưu giữ những yên bình, mộc mạc của làng quê. Nhớ chợ quê, tôi nhớ một quê hương bình dị mà xiết bao thương mến.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Em sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng quê hương của em ở miền quê Nam Định. Hàng năm em vẫn được về quê vào dịp tết. Em thích nhất là được đi chợ phiên ngày tết ở quê.
Phiên chợ tết quê em đông vui tấp nập lắm. Ngay từ sáng sớm đã rất nhiều người đến họp chợ. Người bán người mua đông đúc nên em thường nắm tay bà thật chặt mỗi lần đi chợ tết. Vừa vào đến cổng chợ là một dãy các cô các chị đang bán rất nhiều loài hoa đẹp. Các thùng hoa rực rỡ màu sắc có hoa hồng, hoa cúc, hoa lay ơn…Đi tiếp vào chợ nơi tập trung đông người nhất là những hàng bán bánh kẹo, mứt rượu ngày tết. Người bán người mua hỏi giá và mặc cả nhộn nhịp trong không khí khẩn trương. Bên cạnh là những bức tranh ảnh cùng các đồ mạ màu vàng sặc sỡ để trang hoàng nhà cửa. Những đồng tiền vàng to, những bức tượng bằng gốm sứ đẹp mắt khiến em vô cùng thích thú.Bà bảo đó chính là tượng ba ông phúc – lộc – thọ. Em đi tiếp trong chợ như lạc vào một rừng cây cảnh lung linh. Đó là nơi bày bán những cây quất, cây đào và cây mai. Màu cam của những quả quất nặng trĩu trên cây xen lẫn mẫu hồng của cánh đào, màu vàng của những cành mai tạo nên một bức tranh thật sinh động. Trong phút chốc, em bỗng muốn mang hết chỗ đào, mai về nhà để trưng bày vì quá đẹp. Bà dẫn em đi thăm tiếp trong chợ và mua một ít lá dong về gói bánh chưng. Chỗ này không chỉ bày bán là dong mà còn bán rất nhiều bưởi, chuối và những hoa quả khác để bày mâm ngũ quả. Thỉnh thoảng hai bà cháu lại gặp người quen. Họ tay bắt mặt mừng, vui cười hớn hở. Đi dọc chợ tiếng rao hàng, tiếng nói cười xen lẫn tiếng mọi người gọi nhau í ới thật nhộn nhịp. Mua bán các thứ xong xuôi bà thường mua cho em một quả bóng bay thật đẹp. Bóng bay được bán ngoài chợ, nơi có rất nhiều trẻ em đứng xung quanh háo hức đợi bố mẹ mua cho quả bóng bay nhiều màu sắc.
Em rất thích thú với khung cảnh chợ phiên ngày tết ở quê em. Em mong rằng sẽ có thật nhiều dịp được về quê và đi chợ sắm tết như vậy. Đó sẽ là những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ của em.
Bài tham khảo Mẫu 1
Nếu ai sinh ra và lớn lên ở một vùng quê truyền thống, chắc hẳn không thể không biết đến những phiên chợ quê. Đối với em, hình ảnh phiên chợ quê luôn là hình ảnh thật đẹp in dấu trong tuổi thơ mình.
Chỉ những ngày lẻ thứ 3, thứ 5 hay thứ 7 mới có chợ phiên. Mỗi lần chợ phiên, cảnh họp chợ lại rộn ràng vui tươi hơn bao giờ hết. Ngay từ sáng sớm, từ khi mặt trời còn chưa ló rạng sau dãy núi cao, các bà, các chị, các mẹ đã vác thúng, vác hàng ra chợ. Ai cũng hối hả để có thể tìm được một vị trí thuận lợi cho việc buôn bán. Mặt trời lên cũng là lúc mọi mặt hàng đã được bày ra một cách đầy đủ nhất.
Trong làn sương vẫn còn lảng vảng của vùng cao này, thấp thoáng bóng người ra chợ. Hai bên đường đến chợ, cây cối cũng dần cựa mình thức giấc. Những bông hoa cúc dại ven đường bắt đầu rũ những cánh hoa ướt sũng sau một đêm dài để đón làn nắng ấm áp của mặt trời. Núi đá còn ẩm hơi nước cũng óng ánh giữa sắc vàng của nắng.
Trong chợ, cảnh buôn bán ngày một tấp nập, kẻ bán người mua rộn ràng sôi nổi. Phía đầu chợ bên này là những sạp hàng bán bún, bán bánh phở khô cho những người qua đường tiện mua về làm bữa sáng gia đình. Đi vào sâu một chút là những quầy thịt. Các loại thịt sống từ thịt gà, thịt lợn, thịt trâu,… còn đỏ hồng được bày rất vệ sinh trên các khay hàng. Chốc chốc người bán hàng lại dùng vợt đuổi những con ruồi vo ve xung quanh. Gần đó là những hàng rau, ngô, khoai, sắn,… xanh mướt và tươi ngon.
Các loại rau đặc trưng của mùa không ngừng được bày ra. Người hàng rau tay cầm bình xịt nước xịt liên tục để rau không bị héo dưới ánh nắng mặt trời. Đi quanh khu chợ, không thứ gì là không có. Từ những hàng chè, hàng phở ăn vặt, đến những sạp hàng quần áo, những hàng bán những đồ tạp hóa xinh xinh như cái kẹp tóc hay cái vòng tay. Mấy đứa bé gái đứng gần đó, mân mê ngắm nhìn mà không dám đòi mẹ mua.
Cảnh chợ phiên diễn ra sung túc và đầm ấm. Đó còn là dấu hiệu của cuộc sống no đầy, hạnh phúc. Nhìn những hàng quán đông đúc người mua, bày biện đủ thứ trên đời, lòng em thấy ấm âp lạ thường. Mong cho hôm nay và mãi mãi về sau, nơi đây vẫn giữ được vẻ ấm no, trù phú này.
Bài tham khảo Mẫu 2
Cũng như những lễ hội quan trọng, đối với những con người sinh ra và lớn lên ở làng quê thì khung cảnh phiên chợ quê đã trở nên thân thuộc. Và em cũng vậy. Khung cảnh phiên chợ quê luôn in sâu trong tâm trí của em.
Chợ quê em họp theo ngày, chia thành hai khu chợ. Ngày chẵn thì họp ở khu chợ cũ, ngày lẻ họp ở khu chợ mới để người dân có thể dễ dàng mua được đồ cho gia đình. Ngày nào cũng thế, trời chưa sáng hẳn mà các bà, các bác dọn hàng đã rôm rả cả trên đường. Tiếng xe máy, xe vận chuyển ồn ã cả một vùng. Khi mặt trời lên là lúc chợ đông đúc nhất. Tiếng rao, tiếng bán, tiếng người cười nói rôm rả, náo nhiệt. Từ trên cao nhìn xuống những tấm bạt được căng để che nắng che mưa sặc sỡ như một chiếc ô khổng lồ đầy màu sắc.
Công việc buôn bán thật bận rộn! Các sạp hàng, quầy bánh lúc nào cũng đông đúc. Chợ quê em là chợ họp theo xã, nên đồ được bán rất phong phú và được chia ra thành nhiều khu chuyên bán các loại đồ. Khu đầu tiên là bán hoa. Những bông hoa đầy màu sắc mới được thu về bó lại thành bó và đặt trong những chậu nước mới vẫn còn tươi.Trên những cánh hoa vẫn lấp lánh những hạt nước trong trẻo như những viên pha lê. Những bông hoa được mua sớm nằm trong giỏ hàng tươi tắn, rực rỡ đón chào ngày mới. Khu tiếp theo là bán rau và hoa quả. Mọi thứ đều tươi ngon và đẹp mắt. Rau củ quả được các bác nông dân hái vào sáng sớm nên vẫn còn xanh tươi đang được các bà nội trợ chọn lựa rất kĩ càng. Tiếp đến là khu bán đồ ăn nhanh.
Những nồi nước còn nóng bốc khói nghi ngút, tỏa hương thơm ngào ngạt. Không ai đi chợ quê mà không ghé vào ăn thử hàng bún, hàng phở hay ăn những tấm bánh đúc ở đây. Khu cuối là khu bán đồ tươi sống. Những chú cá to, khỏe đang quẫy đạp nước trong những bể lớn. Những chú gà, chú vịt ồn ào như đang cãi vã. Ở cách đó một khu gửi xe là khu bán quần áo. Những bộ quần áo sặc sỡ sắc màu được treo khắp các quầy. Người mua, kẻ bán đi lại tấp nập. Mặt trời càng lên cao. Những tia nắng càng tinh nghịch nhảy nhót. Nắng chạm lên chóp nón của các bà, các mẹ đi chợ. Nắng tô điểm cho những bông hoa rực rỡ trong giỏ hàng. Nắng hôn lên những giọt mồ hôi vất vả của những người buôn bán. Mọi thứ vẫn diễn ra sôi nổi và đầy hào hứng.
Em rất thích đi chợ quê. Sau này dù có đi xa, khung cảnh chợ quê vẫn luôn in sâu trong tâm trí em.
Bài tham khảo Mẫu 3
Tờ mờ sáng, vài ánh dương hồng le lói đang cố giương mình len sâu vào lớp sương đêm dày đặc,vài bước chân người đi trên con đường đất làm phá tan bầu không khí tĩnh mịch bí ẩn của buổi đêm. Xa xa, lục tục vài bà hàng nước ngồi đun cái bếp lửa than để kịp nấu nước chè sớm
Mấy bà hàng cá đã ra ngồi bến từ nửa đêm để chờ mẻ cá mới cho được giá. Trên phía mép đường, những hàng thịt với bao nhiêu nào thịt heo, thịt bò, thịt gà,… đã được dọn từ rất sớm để mấy bà đi chợ sớm về kịp bữa cơm sáng…
Trời sáng dần, hương nếp từ chõ đồ xôi bay thoang thoảng từ đầu ngõ chợ như lôi kéo mấy bà buôn hàng cá, hàng thịt ra từ buổi sớm chưa có gì lót dạ. Chợ bắt đầu đông và náo nhiệt, từ các xóm dưới nào rau, nào củ, nào quả… các thứ hàng nằm trong mẹt, thúng được các bà buôn chuyện đi vào chợ. Cả khu chợ rộn lên, bắt đầu cuộc đấu tranh khẩu khí quyết liệt của người mua lẫn kẻ bán, có khi bớt 1 thêm 2 đồng bạc, cũng có mấy bà rộng tay vừa giá là lấy ngay không phải kì kèo, cũng có những người xem hàng chậc lưỡi rồi bỏ đi, để mặc sau lưng lời xầm xì chẳng rõ là mắng thầm hay nói nhảm của mấy bà buôn.
Lũ trẻ nhỏ đi học sớm, được vài đồng bạc dắt nhau ùa vào chợ lựa mua các thứ quà bánh, cũng có đứa chỉ đưa mắt nhìn thèm thuồng và bàn tán vài câu rồi bỏ đi…
Qua giữa buổi, chợ bắt đầu thong thả, người đi chợ sớm tản sang các ngả rời khỏi chợ, những hàng cá, hàng thịt, hàng rau vừa sáng còn tươi rói và nhảy tanh tách trong mẹt giờ đã hết sạch nhờ những đôi tay và đôi mắt lựa chọn kĩ tính của các bà nội trợ đảm đang.
Trong chợ chỉ còn vài bà hàng ế phải ngồi lại cầu trời sao cho còn mấy bà nội trợ ngủ trễ mà phải chịu tay lấy mấy bó rau, con cá hàng ế cho vừa buổi chợ. Các bà hàng nước gom mấy hòn than cháy tàn cố nhen nhúm cho được ngọn lửa nhỏ giữ cho nước âm ấm chờ các thực khách sang buổi trưa nắng ghé hàng làm ngụm nước…
Trưa, mặt trời lên qua đỉnh đầu, nắng gắt, nóng bức và mùi ôi nồng làm cả khu chợ như đắm chìm trong bầu không khí đặc quánh, hàng họ đã dẹp dần từ giữa buổi. Chợ đã tan.