Thiên Trường vãn vọng (Trần Nhân Tông)
Thiên Trường vãn vọng (Trần Nhân Tông) bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 8
Tác giả
1. Tiểu sử
- Trần Nhân Tông sinh năm 1258, mất năm 1308, tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông.
- Ông là một ông vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hòa, nhân ái, đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi vẻ vang.
- Ông theo đạo Phật. Năm 1299, ông về tu ở chùa Yên tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và trở thành vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
- Trần Nhân Tông là một nhà văn hóa, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần.
2. Sự nghiệp
a. Tác phẩm chính
- Trần Nhân Tông được xem là một nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Đại Việt thời trung đại. Tác phẩm của ông bao gồm:
+ Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền).
+ Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng).
+ Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá), được vua Trần Anh Tông cho chép vào Đại Tạng kinh để lưu hành.
+ Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm).
+ Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông).
+ Trung Hưng thực lục (2 quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược.
b. Phong cách nghệ thuật
Theo đánh giá trong sách Thơ văn Lý Trần (tập 2, quyển thượng) do Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ và Trần Tú Châu biên soạn, thơ Trần Nhân Tông mang tính chất "kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ".
Sơ đồ tư duy tác giả Trần Nhân Tông:
Tác phẩm
1. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ
- Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được ông sáng tác trong một dịp về thăm quê. Các vua đời Trần cho xây ở quê một hành cung gọi là cung Thiên Trường để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Mỗi dịp về đó, các vua thường có thơ lưu lại, nay còn giữ được vài bài, trong đó có bài này.
- Ngày tháng sáng tác không thấy ghi cụ thể nhưng chắc chắn bài thơ ra đời sau chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ ba không lâu, vào giai đoạn cuộc sống yên lành của nhân dân đang được khôi phục lại (nghĩa là vào khoảng những năm 90 của thế kỉ XIII).
b. Bố cục
- Phần 1 (hai câu đầu): Cảnh thôn xóm vùng Thiên Trường trong buổi chiều tà
- Phần 2 (hai câu còn lại): Cảnh sắc đồng quê dân dã, mờ ảo trong buổi chiều tà
c. Thể loại
Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
d. Phương thức biểu đạt : biểu cảm
2. Giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Giá trị nội dung
Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ. Qua đó giúp chúng ta thấy rằng, tác giả tuy có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương dân dã
b. Giá trị nghệ thuật
- Kết hợp điệp ngữ và tiểu đối sáng tạo
- Nhịp thơ êm ái hài hòa
- Sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
Sơ đồ tư duy bài thơ Thiên Trường vãn vọng: