Thuyền và biển — Không quảng cáo

Tóm tắt, phân tích tác giả, tác phẩm văn lớp 11 Tác giả tác phẩm - Kết nối tri thức - Tập 1


Thuyền và biển

Thuyền và biển bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 11

Tác giả

Tác giả Xuân Quỳnh

1. Tiểu sử

- Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.

- Quê quán: La Khê, thành phố Hà Đông - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

- Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

- Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa.

- Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).

- Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam.

- Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam.

- Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III.

- Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn.

- Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.

2. Sự nghiệp sáng tác

a. Tác phẩm chính

- Hoa dọc chiến hào (1968); Gió Lào cát trắng (1974) ; Tự hát (1984); Hoa cỏ may (1989),...

b. Phong cách sáng tác

- Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh.

- Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

3. Vị trí và tầm ảnh hưởng của tác giả

- Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ.

Sơ đồ tư duy Tác giả Xuân Quỳnh

Tác phẩm

Tác phẩm Thuyền và biển

*Tìm hiểu chung

1. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác vào tháng 4 năm 1963 và được in trong tập thơ Chồi biếc (1963).  Sau này, bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân phổ nhạc thành các bài hát cùng tên.

2. Đề tài

Tình yêu là một trong những đề tài thơ ca bất tận, và bài thơ Thuyền và biển của Xuân Quỳnh cũng là một bài thơ tình bất hủ.

3. Thể thơ

Bài Thơ Thuyền Và Biển Được Viết Theo Thể Thơ ngũ ngôn trường thiên, 7 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Tác dụng giúp diễn đạt rất nhịp nhàng âm điệu của sóng biển cũng như sóng lòng của người đang yêu.

Với thể thơ năm chữ, giai điệu khi trầm lắng, chậm rãi khi dạt dào mang sức sống biển khơi, bài thơ “Thuyền và biển” mang hương sắc riêng. Lời thơ chân thật, sâu sắc. Hình tượng thơ có tính hàm súc cao. Tình thuyền – biển, anh – em là tình muôn đời. Bão tố hay bình yên, khổ đau hay hạnh phúc? Tất cả cóp nhặt cho phong phú thêm cung bậc tình yêu.

*Tìm hiểu chi tiết

1. Phân tích

Mở đầu bài thơ là lời kể chuyện:

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển:

Câu chuyện về thuyền và biển tưởng chừng như vô cùng đơn giản, vô cùng mộc mạc. Nhưng chứa đựng bên trong nó:

“Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa… còn xa

Câu chuyện về tình yêu trong bài thơ Thuyền và biển là mượn hình tượng thuyền và biển để kể lại câu chuyện tình yêu, sự khăng khít và bền vững của tình yêu. Đoạn đầu của bài thơ là lời kể lại của một tình yêu mới chớm nở. Chẳng biết từ bao giờ thuyền và biển phải lòng nhau, cũng như chàng thích nàng, mà nàng còn e ấp, ngượng ngùng.

Hai khổ thơ tiếp theo với việc sử dụng nghệ thuật so sánh giữa hình tượng biển và cô gái nhỏ tạo nên nhiều cung bậc, cảm xúc của tình yêu. Đứng trước biển, Xuân Quỳnh như thấu hiểu tâm hồn của biển: biển gồm cả những con sóng nổi lẫn những con sóng chìm. Bởi mang cả hai thứ sóng ấy mà trong lòng biển không bao giờ nguôi yên. Đại dương thăm thẳm, bao la cũng chính là một tâm trạng lớn với đầy đủ những cảm xúc.

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?)

Biển như chính người con gái đang yêu và cũng như chính tình yêu vậy: chẳng bao giờ đứng yên. Từng phút từng giây những khát khao những nỗi nhớ, những niềm yêu và sự khắc khoải cứ tràn ngập trong những con sóng lòng để tình yêu mãi là bí ẩn, và cũng để biển có lúc:

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu…

Dịu dàng và mạnh mẽ, đối lập mà thống nhất, đó cũng chính là bản chất của trái tim yêu đằm thắm, chân thành. Trái tim của nữ thi sĩ thể hiện một khát khao về tình yêu lý tưởng. Có lẽ vì thế mà những vần thơ của bà lúc nào cũng ngọt ngào, da diết và sâu xa. Với trái tim sôi nổi lúc bấ giờ Xuân Quỳnh khao khát một tình yêu lý tưởng, thủy chung, duy nhất và thấu hiểu đến trọn vẹn:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Những cung bậc cảm xúc trong tình yêu được Xuân Quỳnh miêu tả một cách rõ nét và cụ thể hơn đó là nối nhỡ khi ” không gặp nhau”. Đó là nỗi đau khi “rạn vỡ”, những cảm xúc tình yêu đó chỉ biển, chỉ thuyền, chỉ những cặp đôi yêu nhau mới có thể hiểu hết và cảm nhận hết được.

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

Tình yêu hạnh phúc ngọt ngào là vậy, nhưng khi chia xa, rạn vỡ đó là nỗi đau là “sóng gió” “bão tố” làm cho bao trái tim, tâm hồn đau đớn, xót xa.

2. Ý nghĩa biểu tượng thuyền – biển

Thuyền và Biển không chỉ là đối tượng chủ thể trữ tình mà hình ảnh đó còn là biểu trưng cho cảm xúc của những đôi lứa yêu nhau. Đó là tâm trạng nhớ nhung, buồn đau của tháng ngày xa cách, là ước nguyện luôn được gắn bó, bền chặt bên nhau. Bài thơ là lời nhắn gửi những người đang yêu xa hãy luôn nghĩ và hướng về nhau để giữ vững niềm tin, hy vọng về một ngày tương phùng.

3. Ý nghĩa nội dung

Thuyền và biển là khúc ca tình yêu dạt dào nhung nhớ, với nhiều cung bậc và cảm xúc tình yêu. Thuyền và biển mang đến cho người đọc những cảm xúc, những tâm sự và khát khao về tình yêu, những trăn trở âu lo…trong tình yêu.

Câu chuyện về tình yêu trong bài thơ Thuyền và biển là mượn hình tượng thuyền và biển để kể lại câu chuyện tình yêu, sự khăng khít và bền vững của tình yêu. Những cung bậc cảm xúc trong tình yêu được Xuân Quỳnh miêu tả một cách rõ nét làm cho biết bao trái tim tan chảy, lâng lâng khó tả.

4. Đặc sắc nghệ thuật

- Bài thơ Thuyền và biển được sáng tác theo thể thơ năm chữ.

- Lời thơ chân thật, sâu sắc. Hình ảnh giàu sức gợi hình, gợi cảm, giúp người đọc dễ hình dung và cảm thụ được tâm tư, tình cảm, thông điệp của tác giả gửi gắm thông qua câu thơ.

- Sử dụng biện pháp ẩn dụ hình ảnh Thuyền và biển để nói về đôi lứa đang yêu xa.

- Điệp cấu trúc “Chỉ có.. mới, những ngày không gặp nhau” nhằm nhấn mạnh, thể hiện nỗi nhớ xa cách trong tình yêu.

- Giọng thơ nhẹ nhàng, trìu mến, thân thương thể hiện nỗi buồn, xót xa, nhớ thương khi 2 người yêu nhau phải cách xa.

Sơ đồ tư duy Tác phẩm Thuyền và biển

Cùng chủ đề:

Tấm lòng người mẹ
Tảo phát bạch đế thành
Thề nguyền và vĩnh biệt
Thị Kính nuôi con cho Thị Mầu
Thời gian (Văn Cao)
Thuyền và biển
Thúy Kiều hầu rượu Hoạn Thư - Thúc Sinh
Thương nhớ mùa xuân
Tình ca ban mai
Tóm tắt, phân tích tác giả, tác phẩm văn lớp 11
Tóm tắt, phân tích tác giả, tác phẩm văn lớp 11 Tác giả tác phẩm - Cánh Diều - Tập 1